Nhân gian tịnh độ

 

Kính thưa quý vị và các Bạn,

Như chúng ta đã biết, nói đến tuổi trẻ là nói đến niềm tin và hy vọng. Tuổi trẻ của thời đại nào, quốc gia nào thì đó cũng là niềm tin và hy vọng của thời đại đó, quốc gia đó. Thế nhưng “người trẻ” thì không hoàn toàn giống nhau, do quan điểm và cái nhìn về cuộc đời của họ. Chúng tôi muốn nói đến những chàng trai anh hùng của một thời đại oai hùng nào đó là niềm tự hào của một dân tộc, một đất nước nào đó ở một giai đoạn lịch sử nào đó, về một lãnh vực nào đó, trong lịch sử nhân loại. Ví dụ như một Trần Quốc Toản, một Jeanne D’Arc, một Thành Cát Tư Hãn, v.v… hay những dũng sĩ của Mông Cổ, những thần đồng về Văn học, Toán học lừng danh thế giới, v.v... Bây giờ họ cũng chỉ là một “vết nhạn lưng trời” không để lại một ấn tượng gì đối với những người không biết đến sách vở… Còn chàng thanh niên Tất-đạt-đa của chúng ta? - Đó là một mẫu người lý tưởng không chỉ trong thời đại của Chàng, nơi xứ sở của Chàng… mà còn vượt không gian và thời gian; ra ngoài ranh giới quốc gia, nói cho chính xác là “vượt ra ngoài cả tam giới”. Con người này đã bỏ lại “hạnh phúc thế gian thường tình” của mình với cung vàng điện ngọc, quyền quý cao sang, vợ đẹp con ngoan… để dấn thân vào một cuộc đời vô định, để đi tìm hạnh phúc cho muôn loài chúng sanh. Ngài đã thấy được và sống được với chân lý “hạnh phúc của chính mình là hạnh phúc của muôn loài”. Cái chân lý mà mấy ngàn năm sau có người nhận ra được đã thốt lên rằng: “Một con bướm vỗ cánh ở phương Đông thì ở phương trời Tây cũng có ảnh hưởng”, nghĩa là con người và vạn vật đều liên hệ mật thiết với nhau… Thế hệ trẻ trên thế giới noi theo gương Ngài không phải là ít, đó là chư Tăng Ni của các nước Phật giáo, đó là những người không xuất gia nhưng tin Phật và mong một ngày nào đó cũng tự chiến thắng được mình như đức Phật, để cõi Ta-bà này trở thành Tịnh độ, không còn đau khổ, phiền não nữa; thành phần này bao gồm anh chị em huynh trưởng và đoàn sinh GĐPT. Chúng tôi xin kính mời quí vị và các bạn theo dõi cuộc hội thoại giữa những huynh trưởng GĐPT về vấn đề này như họ đã từng chia sẻ với đàn em của họ:

Trang nghiêm Tịnh độ
Nơi cõi Ta-bà
Đất Tâm thanh tịnh
Hiển lộ ngàn hoa.

Hay:
Đây là Tịnh độ
Tịnh độ là đây

Tâm không ràng buộc
Tiêu dao tháng ngày.

A: Chào các bạn! Hôm nay chúng mình nói về đề tài gì nhỉ?

B: Chúng mình muốn nói về Tịnh độ vì trước nay chúng ta thường nói về Thiền mà ít nói về Tịnh độ, trong khi đoàn sinh lại hỏi nhiều về cõi nước của đức Phật A-di-đà, về cõi Cực Lạc, về đường đi từ đây đến Tây Phương dài bao nhiêu… đó bạn à!

C: Đúng vậy, các em thắc mắc tại sao chúng ta nói “Trang nghiêm Tịnh độ nơi cõi Ta-bà”, nhưng có người nói tu Tịnh độ là ích kỷ, chỉ biết lo cho mình về cõi Phật A-di-đà còn ai trầm luân thì kệ họ!!!

A: Rồi bạn nói sao? Không lẽ bạn cũng nghĩ như vậy?

C: Đâu có, mình nói Tịnh độ và Thiền là những pháp môn tu còn có lo cho chúng sanh hay không là do hạnh nguyện của người tu, có phải vậy không?

B: Phải đó, người thực hành Bồ-tát đạo thì luôn đi trên con đường “thượng cầu Phật đạo, hạ hóa chúng sanh” dù họ tu Thiền, tu Mật hay tu Tịnh cũng vậy; khi còn chúng sanh chưa thành Phật thì Bồ-tát đâu có an vui một mình ở cõi Cực Lạc được!!☺ ☺!!

A: Đành rằng là vậy nhưng các bạn phải giới hạn câu chuyện của chúng mình trong phạm vi nào chứ, nếu nói về Bồ-tát đạo thì đến khuya cũng không rồi đó nha!

C: Phải, phải! Đề tài của chúng ta hôm nay đúng ra là tìm hiểu quá trình Tín-Nguyện-Hạnh, để từ đó tìm ra một hướng đi cho tuổi trẻ Phật giáo nói chung, cho anh chị em GĐPT chúng ta nói riêng.

B: Bởi vậy, tuy nói là “tuổi trẻ” nhưng không phải chỉ hạn hẹp trong lứa tuổi đôi mươi thôi đâu nha, mà phải nới rộng ra đến những anh chị huynh trưởng cao niên của mình, có khi trên 60, 70 tuổi nữa đó.

A: Đúng vậy, “trẻ” ở đây không phải vì tuổi đời còn nhỏ, mà chúng ta dùng chữ “trẻ” để chỉ hoài bão rộng lớn, vĩ đại; tâm hồn cởi mở, trong sáng, vô tư; niềm tin vững chắc và hành động có khoa học, có trí tuệ, với một quyết tâm không gì lay chuyển nổi nên không biết mệt mỏi trên con đường tìm cầu giải thoát, hoàn thành tự giác và giác tha.

C: Chính thế, đối với một cuộc hành trình trong luân hồi sinh tử, đối với thời gian vô tận và không gian vô biên, thì 100 năm còn được coi như “một thoáng chiêm bao” nói gì đến 60 hay 70 tuổi!

B: Trở lại với quy trình Tín-Nguyện-Hạnh nha! Tín là tin, niềm tin, lòng tin, đức tin… muốn dùng từ gì cũng được; chỉ cần chúng ta nhớ rằng Tín là điều kiện tiên quyết để đến với Đạo.

A: Chúng ta còn phải nói rõ là tin ai? Tin cái gì? Tại sao có đức tin và làm sao để phát triển lòng tin, v.v...

C: Tin là điểm khởi đầu của bước đường vào Đạo; vì thế trước hết phải khởi lòng tin thanh tịnh, tin vào Tam bảo, vào Phật tánh.

B: Trong Phật Thuyết đại thừa vô lượng thọ trang nghiêm bình đẳng giác kinh, đức Phật dạy rằng, lòng tin không chỉ do mình có mà đó còn là do tha lực, do mình trồng căn lành, có duyên với Phật pháp, v.v.. nên ngày nay mới phát khởi lòng tin dễ dàng.

A: Đúng vậy, nhưng có lòng Tin mà phải biết phát triển lòng Tin đó bằng ba hạnh nền tảng; đó là thân hạnh, tâm hạnh và tánh hạnh.

C: Cái này thật là mới đối với mình đó nha, các bạn có thể nói rõ hơn tu như thế nào về ba hạnh nền tảng này không?

B: Đây là ba hạnh nền tảng trong giai vị Thập tín được dạy trong kinh Hoa nghiêm: Về thân hạnh thì tu cúng dường, thân cận các vị thiện tri thức, v.v… Về tâm hạnh thì huấn luyện tâm nhu hòa, nhẫn nhục, kham nhẫn… Về tánh hạnh thì thực hành từ bi, tha thứ, bao dung, tận tâm tận lực phục vụ tha nhân.

C: Các bạn biết nhiều ghê! Xin lỗi làm mất thì giờ nha, Bạn dùng chữ giai vị? Vậy có mấy giai vị trong quá trình tiến hóa tâm linh theo Hoa nghiêm?

A: Từ địa vị phàm phu đến khi tâm Bồ-đề khai mở hoàn toàn, hành giả phải trải qua 5 giai vị trung gian; đó là thập tín, thập trụ, thập hạnh, thập hồi hướng, thập địa.

C: Mình xin lỗi, nhưng quả thật mình muốn biết sơ ý nghĩa của 5 giai vị này trước khi đi vào hành trình Tín - Nguyện - Hạnh.

A: Thập tín là giai đoạn đầu tiên khi hành giả quyết tâm lập chí đi trên con đưòng Bồ-tát đạo, hướng về giác ngộ, cứu độ chúng sanh. Thập trụ là giai đoạn rèn luyện công phu thiền định chuyển hóa phiền não (phát triển trực tâm). Thập hạnh là giai đoạn phát triển lòng từ bi, kết duyên với chúng sanh, giáo hóa chúng sanh. Thập hồi hướng là giai đoạn phát triển cả 3 tâm (trực tâm, thâm tâm và đại bi tâm). Thập địa là địa vị cao nhất, lúc đó, tâm Bồ-đề phát triển đến vô hạn và vọng tâm không còn, hoàn toàn ở trong cảnh giới Phật.

B: Chúng ta trở lại với Tín-Nguyện-Hạnh nha: Tín-Nguyện-Hạnh là ba đức của người tu theo Tịnh độ, nghĩa là muốn đạt cứu cánh vãng sanh Cực Lạc, hành giả phải có đủ ba đức đó.

C: Mình biết rồi, Tín ở đây là sự tin tưởng nơi sức tiếp dẫn của đức Phật A-di-đà, tin vào những Kinh dạy về pháp môn Tịnh độ. Hạnh là niệm Phật, là làm tất cả các thiện pháp, tinh cần hành trì như vậy trong đời sống hằng ngày không xao lãng. Và Nguyện là lòng mong cầu mãnh liệt được vãng sanh, từ khi khởi nguyện cho đến khi trút hơi thở cuối cùng lúc nào cũng mong mỏi việc ấy.

A: Thế nhưng chúng mình đã dạy các em (trong bài đức Phật A-di-đà và cõi Cực Lạc Tây phương) có khác một chút phải không?

B: Phải đó, vì chúng ta phải “thời đại hóa” những bài học Phật pháp mà với trí óc con người các em có thể hiểu và nắm bắt được.

C: Ví dụ như chúng ta dạy cho các em những đặc tính chính của Tịnh độ (Pure Land) mà giáo lý đã dạy; đó là, thứ nhất, Tịnh độ hay Cực Lạc được hình thành do lòng Từ Bi, công phu tu tập và 48 lời nguyện của đức Phật A-di-đà trong đó có một nguyện là đón tiếp và hướng dẫn những ai chuyên tâm niệm danh hiệu Ngài và cầu vãng sanh về Cực Lạc hay Tịnh độ.

A: Thứ hai, phương pháp niệm Phật là một phương pháp dễ tu, hành giả có thể đạt cả hai mục đích: tái sinh về Tây phương và cũng là một bước vững chắc đi về Giác ngộ (rebirth in the Western Pure Land as a stepping-stone toward Buddhahood), vì ở đó hành giả có một môi trường tu học rất lý tưởng với sự hiện diện của đức Phật A-di-đà, họ có thể đạt đến sự giác ngộ hoàn toàn (there, in more favorables surroundings, in the presence of Amitabha, they will eventually attain complete enlightenment).

B: Thứ ba, phương pháp này rất “dân chủ” (democratic) vì không phân biệt nam hay nữ, cao hay thấp, xấu hay tốt, v.v… tu theo kiểu gì cũng được, nếu có lòng Tin và niệm đến danh hiệu Ngài (đức Phật A-di-đà) một cách thành tâm thành ý thì nhất định sẽ được Ngài đón về Cực Lạc quốc.

C: Nhưng quá trình Tín - Nguyện - Hạnh đâu phải riêng cho Tịnh độ, có phải không?

A: Đúng vậy! Dù là tu theo pháp môn gì cũng theo hành trình đó. Lòng tin thể hiện bằng qui y Tam bảo nghĩa là phát tâm Bồ-đề. Khi phát lời nguyện “đệ tử và chúng sanh, đều trọn thành Phật đạo” chính là khi hạt giống Bồ-đề được gieo xuống, tâm ta rộng mở để khi làm bất cứ việc thiện lớn hay nhỏ cũng vì lợi ích chúng sanh, không nghĩ cho riêng mình.

B: Với tâm lượng rộng lớn như vậy, thì dù hành giả là một chú Sa-di 8 tuổi hay một cụ già 80 tuổi cũng đều đã là một vị Bồ-tát và con đường đang đi là Bồ-tát đạo.

C: Bồ-tát có phải là nhân cách lý tưởng của tuổi trẻ Phật giáo hay không?

A: Phải, còn Bồ-tát nguyện là nguyện rộng lớn nhất, nguyện độ chúng sanh nghĩa là mưu cầu hạnh phúc cho tất cả chúng sanh chứ không phải cho riêng mình, Bồ-tát hạnh là hành động cao cả nhất vì mục tiêu và sứ mệnh của hành động này vượt lên trên tự ngã nhỏ bé, là nguồn năng lực khơi dậy và thúc đẩy chúng sanh lên đường đi về hòn đảo an toàn của hạnh phúc chân thật.

B: Bồ-tát đạo là con đường của những người biết tu tập để mở rộng tâm thức để trực nhận được rằng những cái mà trước đây ta tưởng là “ta” hay “của ta” (ví dụ như lối sống, tri thức, tình cảm, khả năng, kinh nghiệm, tập khí, v.v…) Điều này không phải dễ làm, vì phải biết “bung” từ cái “tôi” ra thành cái “chúng ta”, từ cá nhân ra “tập thể”, từ mình ra “mọi người”, v.v...

C: Vậy con đường chúng ta đi có phải là Bồ-tát đạo không?

A: Cũng phải mà cũng có thể không phải.

C: Tại sao?

B: Tại vì tùy theo cách suy nghĩ, cách nhìn, cách làm, v.v… của bạn mà công việc của bạn, con đường bạn đi có phải là Bồ-tát đạo hay không?

A: Đúng thế! Làm việc GĐPT không có lương, tốn thì giờ, tiền bạc, làm gì cũng lo cho các em trước rồi mới đến bản thân. Mùa đông cũng như mùa hè, không có kỳ nghỉ, thậm chí ngày lễ còn tham gia hội họp, trại mạc, v.v... không có thì giờ cho gia đình nhỏ của mình… nếu mình cho đó là khổ, mình than van hay kể công khó nhọc của mình, v.v... thì mình không còn là Bồ-tát nữa và con đường mình đi cũng không phải là Bồ-tát đạo.

C: Còn nếu mình âm thầm làm phận sự của mình, lo cho đàn em, cho Đơn vị, cho Đoàn của mình không thấy mệt mỏi, chán nản; trái lại còn thấy vui, coi chông gai là bạn hữu, coi khó khăn là thuốc bổ, v.v... thì mình là Bồ-tát rồi phải không các bạn?

B: Hay quá! Vậy là bạn đã thông rồi đó!

A: Tóm lại chúng ta đã nói qua về hành trình Bồ-tát đạo đơn giản nhất với Tín - Nguyện - Hạnh; nếu chúng ta quyết tâm, vững chí muốn đi trên con đường đó thì có thể chuyển hóa phiền não thành an lạc, trần gian thành Tịnh độ…

C: Tôi cũng hiểu rồi! Nếu Đơn vị chúng ta không có đố kỵ gây gổ mà chỉ có đoàn kết thương yêu thì ngay đây cũng thật đẹp, đâu có thua gì cõi Cực Lạc với tiếng chim nói Pháp, với cảnh đẹp sáng chói như có lưu ly, pha lê, xa cừ, mã não phải không? Vì khi lòng ta thanh thản, vui vẻ thì cảnh nào mà không đẹp? Như đức Phật nói “Khi tâm ta thanh tịnh, ta thấy thế giới thanh tịnh” vậy đó!

B: Đúng!! Vậy là chúng ta đã giải quyết được những thắc mắc còn tồn tại trong lòng về Tịnh độ, về Cực Lạc, về Bồ-tát đạo… rồi.

A: Nhưng Bồ-tát kiểu chúng ta (huynh trưởng GĐPT) là “Bồ-tát con” hay tiểu Bồ-tát chứ không phải Bồ-tát thật đâu nha! Đừng có tưởng bở!☺ ☺!!

C: Đúng vậy! Hiểu rồi! Cảm ơn! Chúng ta tạm ngưng ở đây nha! Xin hẹn gặp lại các bạn kỳ sau! Tạm biệt!

A và B: Tạm Biệt, tạm biệt!

Nguồn Tập San Pháp Luân 33

 

Tâm Minh

alt