Chùa Thầy Chu Minh Khôi

Chùa Thầy còn có nhiều tên gọi: chùa Sài, chùa Cả, Thiên Phúc tự...Chùa được khởi dựng vào thời Vua Lý Nhân Tông (1072-1127), gắn liền với tên tuổi Thiền sư Từ Đạo Hạnh. Cụm kiến trúc chính của chùa Thầy toạ lạc trên khoảng đất bằng phẳng dưới chân Sài Sơn (Quốc Oai, Hà Nội).

Trước cửa chùa có hồ Long Trì, Thuỷ Đình hình vuông nổi trên hồ, có nền móng được xây bằng đá ong vững chắc, mặt nền nhà lát gạch bát tràng. Kiến trúc chồng diêm tám mái, kiểu “tàu đao - lá mái”, bốn cột cái cao vọt lên để đỡ hoành mái, vì kèo kiểu “chồng rường - bẩy hiên”, mái lợp ngói mũi hài. Kiến trúc Thuỷ Đình có niên đại khá lâu đời, từ thời nhà Mạc, đã được tu sửa vào thời Nguyễn. Xưa kia Thuỷ Đình để trống 4 mặt, với chức năng nguyên thuỷ là một Tam Quan. Đây là một Tam Quan độc đáo, bởi không dùng làm cổng vào chùa và chỉ mang tính tượng trưng, đặt giữa hồ nước. Sau này, người ta đã xây ba mặt tường của Thuỷ Đình để chuyển đổi chức năng làm nơi biểu diễn rối nước trong mỗi kỳ lễ hội.

chuathay_0971

Nhật Tiên kiều và Nguyệt Tiên kiều nằm ở hai bên phía trước của toà Tiền Đường. Chiếc cầu tại chùa Thầy được xây dựng vào năm 1602, do Trạng Bùng Phùng Khắc Khoan tiến cúng. Móng cầu xây bằng đá ong, vói 3 vòm cuốn. Sàn cầu lát gạch Bát Tràng màu đỏ. Vì kèo kiểu “kèo cầu bốn hàng chân”, khoảng cách giữa hai cột cái 2,7m, cũng chính là chiều rộng của lòng cầu. Đền Tam Phủ án ngữ phía Đông Nhật Tiên kiều, xây dựng trên gò đất nổi giữa hồ, là một căn nhà 3 gian, dài 7m, rộng 5m, tường bao xung quanh được xây bằng đá ong màu nâu thẫm.

Tiền Đường gồm ba gian, hai chái, dài 20m, rộng 5m, cao 5,2m. Tiền Đường được chịu lực bởi 8 cột cái và 16 cột quân. Hai đầu kìm của toà Tiền Đường gắn đôi lân trong tư thế xô vào nhau, miệng lân nhả ra các dải uốn lượn, thân lân gắn các mảnh sứ. Hai dãy hành lang chạy dọc hai bên Chánh Điện, dài 30m, rộng 2,8m. Mỗi hành lang được chia làm 13 gian thờ thập bát La Hán. Đầu hồi phía sau của hành lang nối liền với gác chuông, gác trống.

Chánh Điện (Điện Phật) là toà nhà thứ hai trong cụm kiến trúc trọng tâm của chùa Thầy, nằm phía sau Tiền Đường, với kết cấu ba gian hai chái, dài 20m, rộng 9,5m, cao 5,5m (tính từ nền nhà tới thượng lương). Khung chịu lực của toà Điện Phật gồm 8 cột cái và 16 cột quân, khoảng cách giữa 2 cột cái 4,65m; giữa hai cột quân rộng 2,6m. Nền Chánh Điện cao hơn mặt sân 1,5m, cao hơn Tiền Đường 0,5m. Lối lên Điện Phật phải đi sang hai bên, chia làm 3 bậc cấp theo khẩu độ chênh nhau 0,5m. Mái giống với mái Tiền Đường, theo kiểu “tàu đao-mái lá”, lợp bằng ngói mũi hài, phía dưới có diềm lá sòi cách điệu trang trí cánh sen vuông. Hoành trên mái Chánh Điện rải theo lối “thượng tứ - hạ tứ”, đã nâng độ cao của mái lên rất nhiều.

chuathay_0972

Chánh Điện cũng dùng 4 kẻ xó hỗ trợ đao, nhưng dài và lớn hơn ở Tiền Đường. Những chiếc bẩy giả nơi đây cũng chưa từng thấy xuất hiện trong bất kỳ kiến trúc cổ nào ở Việt Nam. Trong kiến trúc truyền thống, sử dụng kẻ làm thành phần nối liền giữa cột cái và cột con, qua cột quân chạy thẳng ra ngoài để đỡ mái hiên. Với Chánh Điện chùa Thầy, mặt sau của vì kèo ba gian giữa, kẻ được làm chệch ra phía ngoài cột 0,8m tạo thành bẩy giả, đã làm mở rộng lối đi từ Điện Phật lên Điện Thánh. Lối sử dụng con sơn chống kẻ tại đây cũng thường gặp trong những ngôi chùa được xây dựng từ thế kỷ XVII.

Mặt trước ba gian chính của Chánh Điện bỏ trống tạo thành cửa đi vào, hai bên được ghép ván tạo thành cửa bức bàn. Hai hồi và tường phía sau bưng kín, có các ô cửa hình chấn song, cùng những ô hộc chạm thủng để lấy ánh sáng. Khám thờ ở hai đầu hồi cũng kết cấu độc đáo. Người thợ 35 đã nối cột cái ra cột quân, ở phía dưới bằng những xà nhỏ để tạo ra hai khám thờ Đức Ông và Thánh Tăng. Theo các nhà nghiên cứu, bộ mái của Chánh Điện chùa Thầy có niên đại thời Nguyễn, còn bộ khung có niên đại thế kỷ XVII. Điện Thánh được xây dựng trên nền cũ của ngôi chùa thời Lý, tuy nhiên đã được trùng tu rất lớn vào thế kỷ XVII, tới thời Nguyễn tiếp tục được sửa chữa. Điện Thánh gồm ba gian hai chái, dài 14,7m, rộng 11,7m, chiều cao từ nền tới thượng lương 6m.

Toàn bộ khung chịu lực gồm 4 cột cái (đường kính 0,5m) và 16 cột quân (đường kính 0,45m), tất cả các cột đều được kê trên các tảng đá hình vuông có kích thước 0,9x0,9m. Trong số 4 cột cái có hai chiếc cột vô cùng quý giá, là di sản của ngôi chùa thời Trần còn sót lại, đã 800 năm tuổi. Hai chiếc cột này, một chiếc bằng gỗ pơ mu (Ngọc Am) và một chiếc bằng gỗ chò chỉ, được các nhà khảo cổ học đánh giá là hai chiếc cột gỗ cổ nhất Việt Nam.

Vì kèo của hai gian giữa có khẩu độ rộng bất thường so với các kiến trúc khác của ngôi chùa Việt. Khoảng cách giữa cột cái là 6m, giữa cột cái và cột quân 2,9m. Điện Thánh cũng không sử dụng tường chịu lực, bốn mặt được bưng bằng hệ thống cửa gỗ và ván liệt bản. Các cửa bức bàn phía trước có thể tháo ra lắp vào dễ dàng. Rất nhiều nhà nghiên cứu khảo cổ học đã đánh giá Điện Thánh ở chùa Thầy là toà hậu cung sớm nhất nước ta.

Chùa Thầy còn bảo lưu được 36 pho tượng cổ, niên đại từ thời Lý đến thời Nguyễn, xếp thứ 3 về số lượng tượng cổ (sau chùa Mía có 252 pho và chùa Cói có 37 pho). Toà Điện Phật bài trí 6 lớp tượng. Tam Thế Phật ngự trên tầng cao nhất của toà Điện Phật, cả ba pho đều trong tư thế thiền định, chân xếp chữ X, cùng kích thước (cao 0,82m). Pho ở giữa với mái tóc kết xoắn ốc, khoác cà sa chùng rộng, nếp áo phủ cân xứng qua hai bờ vai. Pho bên trái, cổ đeo chuỗi anh lạc, tay trái đặt lên gối trái, nếp áo cà sa luồn thưa hơn, vắt từ vai trái qua vai phải. Pho bên phải, tay trái đặt trước lòng với ngón cái cong lên, tay phải đặt ngửa trên đùi phải.

Lớp thứ 2 là Tuyết Sơn, tiếp theo đến Di Lặc (thế kỷ XVIII). Quan Âm thiên thủ thiên nhãn niên đại thế kỷ XVIII ngự ở hàng thứ 4, cao 0,8m, trong tư thế kiết già trên đài sen, đôi tay chính chắp trước ngực, 8 đôi tay còn lại xoè sang hai bên, cầm bát bửu (tháp, kéo, ngọc, chuông...). A Di Đà ngự ở hàng thứ 5, Toà Cửu Long bố trí ở lớp thứ 6, tạo tác vào thế kỷ XIV. Xung quanh nhang án và toà cửu Long đặt bộ Kim Cang. Hai bên điện Phật bài trí 2 dãy Thập Điện Diêm Vương quay mặt vào nhau, nay chỉ còn 6 pho. Cùng dãy có thêm tượng Nam Tào, Bắc Đẩu, không có tượng Ngọc Hoàng Thượng Đế. Điện Phật còn có các tượng: Thánh Tăng; Diệu Nhiên; Đại Sỹ; Đức Ông (2 pho); hộ pháp (2 pho); Tứ Trấn (4 pho); tượng ngựa (2 pho). Đặc biệt nơi đây có tượng Khuyến Thiện thế kỷ XIV, cưỡi sư tử, tay nâng ngọn tháp, chất liệu đất sét giấy bồi. Toà Điện Thánh bài trí nhiều pho tượng cổ quý giá: bộ Di Đà Tam Tôn; tượng A Di Đà nhỏ (thế kỷ XVII); tượng Từ Đạo Hạnh; tượng Lý Thần Tông; tượng Phỗng... Hai dãy hành lang bên ngoài Điện Phật bày 18 vị La Hán.

chuathay_0973

Chùa Thầy có hệ thống bệ (cơ đài) phong phú, thuộc nhiều thời đại (Lý, Trần, Lê, Mạc, Nguyễn), với nhiều chất liệu (đá, gỗ). Đáng quan tâm nhất, phải kể đến các bệ: bệ đá sư tử đội toà sen thời Lý; bệ đá hoa sen hình hộp thời Trần; bệ tượng Vua Lý Thần Tông (gỗ, thế kỷ XV); bệ gỗ Tam Thế (gỗ, thế kỷ XVI); bệ Di Đà Tam Tôn (gỗ, thế kỷ XVII); bệ Quan Âm Thiên Thủ Thiên Nhãn (gỗ, thế kỷ 18); bệ tượng Di Lặc và bệ Thích Ca Sơ Sinh (thế kỷ XIX)...

Ngoài hệ thống tượng và bệ, chùa Thầy còn rất nhiều di vật quý báu: nhang án, khám, đồ tế khí; hạc; phượng; chân đèn; lư hương; sập thờ; khánh; chuông; nhiều bia đá; sắc phong...Chùa Thầy còn bảo lưu được bảy nhang án cổ, đặt trong toà Điện Thánh và toà Điện Phật. Bên phải khám thờ, có giá gỗ dắt bộ kiếm thờ gồm 8 chiếc thế kỷ XVII, trong đó có một chiếc chạm rồng và hổ phù, một chiếc chặm hoa văn quy bối và kỳ hà. Hai bên của tượng Vua Lý Thần Tông có bộ di vật thế kỷ XVII, bên trái có tiêu, sáo, hòm sách; bên phải có 4 thanh đao, 1 thanh kiếm, 2 chiếc gậy, 1 chuỳ, 1 phủ việt. Cạnh sập thờ, sau tượng Vua Lý Thần Tông có một hòn đá thờ từ thế kỷ XVII. Gian phía bên phải toà Điện Thánh có đôi hạc được chế tác vào thế kỷ XVIII. Gian bên trái toà Điện Thánh có 3 con phượng bằng gỗ ở tư thế đứng, thế kỷ XVIII. Góc bên trái phía trong cùng của toà Điện Thánh, ngay sau 3 con phượng có một chiếc sập bằng gỗ, được tạo tác từ thế kỷ XVII.

Xưa kia chùa có quả chuông đồng lớn, đúc vào năm Long Phù Nguyên Hoà thứ 9 (1109), nhưng đáng tiếc ngày nay không còn. Chuông bảo lưu hiện nay, được đúc lại vào năm Giáp Thân 1794. Chuông cao 1,75m; đường kính đỉnh 0,44m; đường kính miệng 0,93m. Cả bốn ô của chuông đều chia làm 2 phần, phần rộng khắc bài minh, phần nhỏ ghi tên những người công đức việc đúc chuông. Chuông có 4 núm gõ. Quai chuông hình rồng cuốn thời Lê, cao 0,55m.

Chùa Thầy có 7 tấm bia đá, được chạm khắc vào các năm 1653; 1666; 1673; 1683; 1672; 1717. Ngoài ra, chùa còn lưu giữ 26 đạo sắc phong của các triều đình phong kiến, niên đại trải dài từ thế kỷ XVII đến thế kỷ XX. Một trong những di vật quý giá nhất của chùa Thầy, được các nhà khảo cổ học quan tâm nghiên cứu, là lưng ngai thời Trần. Rất nhiều tác phẩm của các nhà nghiên cứu khảo cổ đều cho rằng: lưng ngai bằng gỗ ở chùa Thầy là một trong số hiếm hoi những di vật gỗ thời trần vượt qua được sự huỷ hoại của thời gian đến ngày nay, và đây cũng là cỗ lưng ngai cổ nhất Việt Nam.

chuathay_0974

Hiếm thấy ngôi chùa nào đã ngót ngàn năm tuổi, vẫn giữ vị trí toạ lạc không thay đổi như Thiên Phúc tự. Dĩ nhiên không thể còn nguyên vẹn kiến trúc thời Lý do Thiền sư Từ Đạo Hạnh xây dựng, dấu tích còn lại đến bây giờ là kết quả của những đợt trùng tu lớn (vào thế kỷ XVII, thế kỷXVIII, thời Nguyễn). Dường như tại đây, những người thợ mỗi lần tham gia trùng tu đã có ý thức bảo lưu những kết cấu kiến trúc theo kiểu cũ, nhưng mở rộng và nâng cao để chứa đựng được khối di vật luôn được bổ sung trong đó. Số lượng di vật chùa Thầy vô cùng đồ sộ, niên đại trải dài từ thời kỳ khởi dựng cho tới ngày nay. Sẽ không ngoa nếu ví chùa Thầy như một bảo tàng sưu tập hiện vật của nhiều thời đại.

Chu Minh Khôi (hoidisan)