TINH HOA PHẬT GIÁO THỜI LÝ QUA VĂN HÓA, CHÍNH TRỊ VÀ CÁC NHÂN VẬT PHẬT GIÁO

 

Nhìn lại suốt chiều dài lịch sử dân tộc kể từ khi Phật giáo được truyền bá vào nước ta, Phật giáo luôn gắn liền với sự phát triển của lịch sử dân tộc, lấy sứ mệnh của dân tộc làm sứ mệnh của mình. Đó là tính nhất quán của lịch sử Phật giáo Việt Nam, được biểu hiện qua những bước chuyển mình, đáp ứng yêu cầu của từng chặng đường lịch sử cụ thể, vì lợi ích chung của dân tộc. Tinh thần phóng khoáng, siêu việt trong giáo lý Phật đã được các bậc Tổ đức Thiền sư kết hợp hài hòa với bản sắc Văn hóa dân tộc đã tạo nên những nét tinh hoa rực rỡ, trong đó phải kể đến “Tinh hoa Phật giáo thời Lý qua văn hóa, chính trị và các nhân vật Phật giáo”.

Với biến cố chính trị năm 1009 chấm dứt thời kỳ rối ren của nhà Tiền Lê, nhà Lý (1009 – 1225), bắt đầu với sự kiện vua Lý Thái Tổ ( Lý Công Uẩn) lên ngôi tháng 10 âm lịch năm 1009. Sự kiện nổi bật nhất của thời Lý chính là việc rời đô từ Hoa Lư về Đại La, rồi đặt tên mới là Thăng Long theo hình tượng con rồng, một hình tượng đặc thù của thời này, quốc hiệu Đại Việt ra đời. Từ đây, lịch sử Phật giáo chúng ta bước vào một thời kỳ phát triển rực rỡ .

1. Thành tựu rực rỡ về Văn hóa của Phật giáo thời Lý

Nhắc đến Văn hóa Phật giáo thời Lý là nhắc tới nền văn hóa dân tộc nói chung được hội tụ bởi các yếu tố văn hóa cung đình , văn hóa đô thị, văn hóa nghệ thuật và văn hóa chữ nghĩa, học đường, thi cử … Trong đó, văn hóa cung đình là một trong những yếu tố đặc trưng, điển hình của văn hóa Việt Nam và được bộc lộ rõ ràng nhất qua triều đại Lý và sau đó là thời Trần.

Với thời Lý, Phật giáo được xem là Quốc giáo, mà Thăng Long đã thành một trung tâm, nó tiếp nhận một số thành tựu của văn hóa Ấn Độ từ nhiều thế kỷ trước mà trực tiếp là theo đường thủy có nghĩa là từ phía đông. Nền văn hóa Phật giáo trong xuốt thời Bắc thuộc đã giao thoa với tín ngưỡng bản địa để tạo ra những giá trị mới cao hơn cho dân tộc, trong đó có gắn với ngồn gốc của Lý Công Uẩn và sự thành lập vương triều Lý.

Thời Lý Nhân Tông, có rất nhiều lễ hội mang tính cộng đồng được tổ chức trong đó tiêu biểu là lễ hội đèn Quảng Chiếu mà sử sách ghi lại khá nhiều. Việc tổ chức các lễ hội này không cố định về thời gian không gian, mở ra những ngày hội vui của thiên hạ, đúng như Ngô Sĩ Liên đã từng nhận xét “ đây là thời kỳ thái bình thịnh trị của đất nước”.

Về phương diện nghệ thuật và kiến trúc ở thời Lý, Phật giáo đã đóng góp vào nền mỹ thuật nước ta nhiều công trình kiến trúc, điêu khắc đáng kể, làm hãnh diện cho dân tộc, đặc biệt là tại kinh thành Thăng Long. Phật giáo đã đem vào Việt Nam những kiểu chùa, lầu chuông, gác trống, tháp, tượng, những lễ phục và thường phục đặc biệt. Những công trình kiến trúc đồ sộ phần nhiều là của nhà chùa, hay nếu không thì cũng chịu ảnh hưởng của đạo Phật, và những công trình ấy đều có sự tham gia đóng góp, tham gia kiến thiết của vị Thiền Sư.

Sau khi Lý Công Uẩn lên ngôi và rời đô về Thăng Long, với công việc kiến thiết kinh đô mới, xây dựng những công trình quốc gia tiêu biểu như cung điện, chùa tháp thì chắc chắn có sự khởi xướng hay tham gia tích cực của các Thiền Sư. Trước hết, đối với thành Thăng Long thì có thể nói chính Thiền Sư Vạn Hạnh là kiến trúc sư của tòa thành này. Thành Thăng Long được xây dựng từ thời Lý, có quy mô lớn, giữa hai vùng dài khoảng 25 km. Trong thành có nhiều cung điện, có lầu 4 tầng, thể hiện nét riêng và độc đáo của Văn hóa Đại Việt.

Bên cạnh đó Phật giáo nhà Lý còn kiến tạo nhiều công trình mỹ thuật, trở thành danh thắng nổi tiếng: năm 1049, dựng chùa Một Cột. Năm 1056, dựng chùa Sùng Khánh. Tháp Báo Thiên ( Hà Nội) gồm 12 tầng, cao khoảng 60 trượng, chuông Quy Điền, vạc Phổ Minh, tượng Quỳnh Lâm (An Nam Tứ đại khí) 4 kỳ quan của nước Nam, năm 1507 dựng tháp Tường Long ( Đồ Sơn, Hải Phòng). Năm 1070 dựng Văn Miếu. Năm 1086 dựng chùa Lâm Sơn, xây dựng tháp đá tại Quế Dương ( Bắc Ninh). Trong đó, chùa Một Cột là một sáng tạo nghệ thuật đặc sắc, khẳng định biểu tượng về nền văn hóa mang bản sắc riêng của dân tộc Việt Nam. Về kiến trúc chùa xây dựng giữa hồ Linh Chiếu trong vườn Tây – Cấm, gần kinh đô Thăng Long, trụ bằng đá , đỉnh cột trụ là bông sen nghìn cánh , trên bông sen đặt một tòa nhà đỏ tía và trong nhà có tượng Phật mình vàng. Kiến trúc ngôi chùa mang đặc thù về nghệ thuật Đại La thời Lý. Bông sen nghìn cánh tượng trưng cho trí tuệ viên mãn. Hình ảnh ngôi chùa Một Cột ( Diên Hựu) hàm chứa và tích tụ những hoài vọng , là hiện thân của trí tuệ Đại Việt với nguồn linh khí vĩnh cửu của đất trời. Nguồn linh khí này chảy qua trụ đá, truyền xuống đất và nước để khơi dậy hào khí muôn đời tổ tông. Vị trí của chùa Một Cột mang ý nghĩa trấn giữ sơn hà và đẩy lùi sự đồng hóa văn hóa phương Bắc và còn là sự khẳng định thời kỳ độc lập. Chính vì những đặc điểm như thế nên dù đã trải qua hơn hơn 1000 năm nhưng chùa Một Cột vẫn là một biểu tượng không thể thiếu của Phật giáo nói riêng và của cả dân tộc Việt Nam nói chung. Vượt thời gian và không gian, chùa vẫn mãi mãi là hình ảnh hào hùng thể hiện khát vọng vươn lên của dân tộc Việt Nam – biểu tượng của Văn hóa Việt Nam.

Nhà Lý nhiều lần độ dân xuất gia làm Tăng. Năm 1014 Tăng thống Thẩm Văn Uyển lập giới đàn ở chùa Vạn Thọ. Năm 1016 có 1000 người ở Kinh đô xuất gia. Năm 1019 lại lập giới đàn. Năm 1034, độ dân làm sư Tăng.

Khi Lý Thánh Tông lập Văn Miếu năm 1070 thì ngôi chùa giữ vai trò trung tâm của nền giáo dục, cung cấp cho dân tộc những người con ưu tú, làm rạng rỡ non sông bởi vì ngôi chùa là biểu hiện của sự đoàn kết toàn dân, nơi quy tụ các thành phần xã hội, không phân biệt giàu nghèo, sang hèn, già trẻ, gái trai. Họ cùng nhau góp sức trong sự nghiệp chung, không chỉ phục vụ cho xã hộ mà còn thỏa mãn nhu cầu văn hóa của cộng đồng thông qua các lễ hội.

Văn hóa Phật giáo trong thời đại Nhà Lý cũng đã ảnh hưởng rất lớn đến xã hội, nhất là về mặt thi ca. Các Thiền sư đều là hạng thượng tầng trí thức. Văn thơ của các Thiền sư thời Lý còn được lưu giữ trong sách Thiền Uyển Tập Anh và các văn bia. Các nhà sư Phật giáo luôn thể hiện là mẫu người tài giỏi và hay chữ nhất trong xã hội. Trong 50 thi sĩ thời Lý thì có đến 41 người là Tăng sĩ. Các Thiền sư thời đại này là những nhà thơ lỗi lạc. Các áng thơ của các Thiền sư đã mang đầy đủ chất liệu sống, bởi các Ngài đã thể hiện trong cuộc sống bằng thái độ chứng nghiệm, bằng trí tuệ của Phật pháp. Thơ văn của các Thiền sư thời Lý điển nhã, cổ kính, bàng bạc nhiều hình tượng, ngôn ngữ nghệ thuật nên đã thấm sâu vào tâm thức của đông đảo quần chúng trong xã hội. Sáng tác của các Thiền sư bộc lộ những cảm xúc thăng hoa của tâm hồn.

Văn hóa thời Lý đích thực là những tác phẩm có giá trị nghệ thuật rất cao, như bài kệ “thân như điện ảnh hữu hoàn vô” của sư Vạn Hạnh, “Cáo tật thị chúng” của Thiền sư Mãn Giác, “Ngôn hoài” và “Ngư nhàn” của Không Lộ. Mỗi bài thơ đều có nhiều cảm xúc, nhiều tầng ý nghĩa, là những áng văn bất hủ của một thời. Có nhà nghiên cứu nói rằng: “ nếu không có cái hú lạnh cả thái hư của Không Lộ thì không có cuộc chiến thắng Bạch Đằng lừng lẫy” ( Chế Lan Viên). Văn học thời Lý là tinh chất của Thiền môn, là trang sử vàng của nền văn học nước ta và cũng chính là sự khẳng định tiếng nói mở đầu cho văn học viết của cả dân tộc.

Tóm lại, Phật giáo đóng vai trò phát huy nội sinh của dân tộc, vừa phát triển lý luận vừa thực nghiệm tâm linh, đưa con người đến chỗ giải thoát. Nhận thức luận của đạo Phật không chỉ thiết lập các định chế chính trị , mà còn góp phần xây dựng nhân tâm của cộng đồng xã hội. Bản chất của thế gian là khổ, vô thường và vô ngã nên người chứng ngộ có vai trò đưa con người đến tự do hạnh phúc.

2. Tinh hoa Phật giáo thời Lý qua chính trị và các nhân vật Phật giáo

Trước thời Lý, dân tộc ta đã trải qua đêm dài man rợ, rùng rợn của thời kỳ Bắc thuộc, sau một thời kỳ loạn lạc suy tàn của ba chế độ Pháp trị và bạo trị ngắn ngủi Ngô, Đinh, Lê; tất cả phải được làm lại, tất cả phải được bắt đầu lại. Đó là một sứ mạng của thời đại ! Nhưng sự nghiệp khôi phục và xây dựng một quốc gia độc lập và thái bình là một sự nghiệp vĩ đại! và phải chờ sự xuất hiện của một nhân duyên vĩ đại và một con người vĩ đại mới thành tựu nổi. Đại nhân duyên đó chính là Phật giáo với trí tuệ và tình thương vô lượng cho nhân dân Đại Việt và con người ấy chính là Thiền sư Vạn Hạnh.

Từ trong lòng những chế độ hà khắc hung dữ của tiên triều, Thiền sư Vạn Hạnh xuất hiện, thần tốc vung tay, siêu việt chuyển hóa , dũng , mãnh hành hoạt, đem “trụ tích trấn vương kỳ” (dùng gậy của nhà Phật để trấn giữ kinh kỳ của nhà vua), hoàn thành cuộc cách mạng bất bạo động để đưa Lý Công Uẩn – một Phật tử thấm nhuần tinh thần từ bi, bao dung, nhân bản, khai phóng của đạo Phật – lên nắm chính quyền. Để từ đó mở ra một phương trời mới cho Đại Việt, từ bạo trị sang đức trị và thăng hoa đất nước từ một xã hội bị kìm kẹp, sắt máu sang một xã hội từ bi, thuần hậu.

Nền đạo đức Phật giáo không những là nền đạo đức để tu dưỡng nội tâm, để đánh thức giải thoát khổ đau cho con người mà còn là một nền đạo đức có tính mỹ học thuần hậu để cải thiện và thăng hoa đời sống xã hội. Chính nền đạo đức có tính nhân bản ấy của đạo Phật chứ không phải nguyên nhân nào khác đã làm cho xã hội Việt Nam thời đại nhà Lý trở nên thuần từ, thái hòa và thịnh trị mà Thăng Long là một tiêu biểu. Chính vì thế mà tư tưởng chủ đạo thời Lý là tư tưởng Phật giáo – tư tưởng Từ bi hỷ xả, vô ngã vị tha. Tư tưởng này đã được các vua thời Lý thấm nhuần sâu săc. Vì vậy mà các vua thời Lý từ Lý Thái Tổ đến Lý Nhân Tông đều nổi tiếng là những ông vua nhân từ, đức độ, yêu thương nhân dân và gần gũi dân chúng . Đại Việt Sử Ký toàn thư chép : năm 1044 vua Lý Thái Tông đánh Chiêm Thành, dân Chiêm bị loạn binh giết rất nhiều, vua thương xót xuống chiếu “ Hữu vong sát Chiêm Thành nhân, quả sát vô xá” Nghĩa là ai giết nhầm người Chiêm thì sẽ bị chém không tha. Đức hiếu sinh của các nhà vua Lý thể hiện rõ đức từ bi của đạo Phật, coi trọng sinh mệnh của tất cả các loài hữu tình, vì vậy mà không xử chém em của Lý Thái Tổ là Khai Quốc Vương họ Bồ làm phản. Vua thân chinh bắt được đem về kinh, không những tha tội không giết mà còn được phục chức cũ. Nùng Trí Cao bị vua Lý Thái Tông thân chinh bắt được nhưng tha tội không giết. Lý Thánh Tông đánh chiêm thành bắt được vua Chiêm là Chế Củ cũng khoan hồng cho về nước. Vua Lý Thánh Tông không những thương dân, yêu dân mà còn quan tâm đến những tội phạm đang ở trong ngục khi vua chỉ vào công chúa Động Thiên đang đứng bên cạnh mà bảo viên quan coi ngục rằng: “ lòng ta yêu dân cũng như yêu con ta vậy, dân không biết mà mắc vào hình phạt , ta rất lấy làm thương, từ nay về sau không cứ gì tội nặng, nhẹ đều nhất luật khoan giảm”. Do vậy mà nhà Lý đã đoàn kết được dân tộc, phát huy được sức mạnh và trí tuệ của toàn dân trong sự nghiệp bảo vệ và xây dựng đất nước phồn vinh.

“ Với những nhà chính trị có từ tâm và những người xuất gia biết lo giáo dục sự thực hành đạo từ bi trong dân chúng. Đời sống xã hội thời Lý trở thành thuần từ và đẹp đẽ. Đạo đức và Từ bi đã không Làm cho dân nghèo, nước yếu. Trái lại những yếu tố này tạo nên phú cường. Những chiến thắng Chiêm Thành và Tống quốc, sự vắng mặt của bạo động trong nhân gian và trong cung khuyết, sự gần gũi giữa vua với dân, những điều đã nói lên đặc tính xã hội Thời Lý. Thiền sư Pháp Thuận đã nói trước điều đó:

“ Vận nước như giây quấn

Trời nam ôm thái bình

Đạo đức ngụ cung điện

Muôn xứ hết đao binh”.

( Việt Nam Phật giáo sử luận – Nguyễn Lang)

Triều đại nhà Lý, tám đời vua, trải qua 216 năm là một trong những triều đại mở đầu cho việc xây dựng nền độc lập tự chủ lâu dài của dân tộc. Sau hơn một ngàn năm sống trong màn đêm thống trị của phong kiến phương Bắc, với bao nỗi oan hờn chồng chất, nên khi đã thật sự tự do, ý thức được sự nhục nhã của bị cai trị nên dân ta trên dưới một lòng để kiến thiết đất nước, mang thái bình về cho dân tộc. Triều Lý cũng là triều đại có tuổi thọ lớn nhất so với các triều đại khác trong dòng lịch sử của đất nước Việt nam. Các vị vua đều là Phật tử, trị vì một cách nhân từ, khoan dung theo đúng tinh thần Phật giáo. Đạo đức Phật giáo đã thấm nhuần trong lòng dân tộc và xã hội, đạo dức ấy đã trở thành linh hồn của nền chính trị, thành bản chất của mọi chính sách quốc gia, thành chính nghĩa và sự chính thống của chính quyền và chế độ nhà Lý.

Lịch sử đã ghi nhận công cuộc xây dựng đất nước và hoà bình thịnh trị trong triều đại nhà Lý thành tựu rực rỡ như thế là bởi nhờ những nhà sư Phật giáo đã tích cực nhập thế, áp dụng những chiến lược sáng suốt để ổn định đất nước, khai sáng một xã hội đức trị huy hoàng của dân tộc. Các Thiền sư thời Lý là những người giỏi Phật Pháp, thông Nho lão và Y Toán Ngoài vai trò hướng dẫn tâm linh, hoằng dương Phật Pháp, họ còn là những nhà giáo dục lỗi lạc. Các thiền sư đã góp công dạy bảo người đời, đào tạo những thế hệ tri thức cởi mở, không những thông hiểu Phật pháp mà cả Lão – Nho để có người hiền tài giúp nước, để sống với ý thức trách nhiệm làm người chứ không phải làm quan để mưu cầu danh lợi phú quý. Ngoài Thiền sự Vạn Hạnh đào tạo nên Lý Công Uẩn sách Thiên Uyển Tập Anh ghi lại người theo học với Thiền sư Định Hương, thiền sư Mãn Giác, thiền sư Không Lộ… đông đến hàng ngàn người. Họ không chỉ truyền dạy giáo lý nhà Phật mà còn dạy học trò những tri thức về xã hội, định hướng của một cuộc cải cách giáo dục hoàn thiện. Mỗi ngôi chùa thời Lý là một diễn đàn, một chốn học đường, số người học không những chỉ thường dân mà còn có cả con em hoàng gia, quý tộc. chẳng hạn như Lý Công Uẩn là con nuôi của thiền sư Khánh Văn và thụ giáo với Thiền sư Vạn Hạnh. Tương truyền, thiền sư Vạn Hạnh đã cho lưu truyền bài kệ “Thập bát tự thành” giúp Lý Thái Tổ (Lý Công Uẩn) thu phục nhân tâm, đăng quang ngôi vua, dời đô ra thăng Long xây dựng nền móng phát triển văn hoá Đại việt. Người Kế vị là vua Lý Thái Tông (1028 – 1054) cũng là một vị minh quân và là đệ tử xuất sắc của thiền sư Thảo Đường làm thầy, lập nên thiền phái Thảo Đường mang màu sắc dân tộc Việt nam, nhà vua đã đắc đạo và được truyền tâm pháp, trở thành Tổ thứ hai của dòng thiền Thảo Đường. Vua Lý Nhân Tông (1072 – 1127), sắc hong thiền sư Khô Đậu là Quốc sư. Từ năm 1129 đến 1225, nhà Lý vẫn thịnh trị và Phật giáo luôn là Quốc giáo. Những vị vua kế tiếp đều phát tâm tu hành theo đạo Phật. Ông vua cuối cùng của nhà lý là Lý Huệ Tông (1211 – 1225), vì chán đời sống vương giả, từ bỏ ngai vàng, xuất gia ở chùa Chân Giáo và tự xưng là Huệ Quang Đại Sư. Công chùa Phật Kim tức Lý Chiêu Hoàng lên nối ngôi, sau truyền ngôi cho chồng là Trần Cảnh. Thế là triều đại nhà Lý chấm dứt, triều Trần bắt đầu và Phật giáo theo đó cũng bước qua một giai đoạn mới và cùng với cuộc chiến thắng Bắc phương lừng lẫy, bảo vệ được sự tự do, hạnh phúc của dân tộc ở một phương diện khác.

Thương đời, thương người, thương nước tha thiết, lại uyên bác phi thường, tài năng siêu thế, các Thiền sư thời Lý đã cống hiến nguồn trí tuệ vô lượng để kiến thiết một quốc gia, một triều đại huy hoàng, làm vẻ vang cho Dân tộc. Dấn thân, nhập thể hùng tráng và vĩ đại như thế, các Thiền sư đã cho dân tộc, cho chúng ta thấy được giá trị đích thực của Phật giáo. Với phong thái hành xử tự tại và trong sáng các Thiền sư thời Lý luôn là bài học lớn cho hậu thế. Tuy có thế lực, nhưng không mượn thế để dương phong cho tông môn hay cho riêng Phật giáo, mà luôn lấy đại cuộc xây dựng đất nước làm trọng, luôn cởi mở đối với những tôn giáo hoặc các trào lưu tư tưởng khác. Nếu nhìn riêng ở một góc độ nào đó, có thể gọi họ là những nhà ngoại giao, nhà giáo dục, kiến trúc sư, lương y, tác giả vănhọc… nhưng trên tất cả họ chính là những nhà tu hành chân chính. Là những người xuất gia, các thiền sư vào đời giúp vua trị nước nhưng không hề bị bó buộc bởi thuyết trung quân của nhà Nho. Hành trang của các vị Thiền sư đã cho thấy phong cách khi tham gia chính trị của họ rất ung dung tự tại không cố chấp, vô tư, không bị vướng vào những danh lợi tầm thường. Đời sống các Thiền sư thanh cao, tự tại như vậy đã ảnh hưởng không ít đến nền chính trị thời Lý, từ các hàng vua chúa, quan lại cho đến việc định hướng một chính sách Phật giáo làm tư tưởng chỉ đạo sớm nhất và thành tựu nhất trong lịch sử các quốc gia phong kiến phương Đông.

Các vị vua Nhà Lý cùng với những vị Thiền sư, Quốc sư của họ đã không những ý thức một cách chính xác sự tan thương và nhục nhã khi đất nước bị cai trị bởi phương Bắc, sự bạo tàn đã in sâu trong lòng người Việt của tất cả các thế hệ, nên đã xây dựng rất sáng suốt một Đất nước Việt Nam hưng thịnh, sinh động trong lòng dân tộc vinh quang và độc lập. Sự thành tựu này không phải nhờ tôn xưng Phật giáo làm quốc giáo, tôn xưng các thiền sư làm quốc sư hay nhờ xây dựng nhiều chùa chiền, đúc tác nhiều tượng Phật… mà chính là nhờ biết lấy tinh thần từ bi, nhân bản và trí tuệ giải thoát của Phật giáo làm yếu tố chỉ đạo cho chính sách trị quốc, cho nền văn hoá, giáo dục, chính trị, kinh tế của quốc gia và cho đời sống tâm linh và xã hội của dân chúng. Nhìn lại chặng đường dài lịch sử Việt Nam, ôn lại cội nguồn truyền thống văn hoá của tổ tiên, ta sẽ rút ra được nhiều ý nghĩa cho cuộc sống thiết thực đương đại. Ta sẽ mãi mãi tự hào và trân trọng về một Đạo phật luôn trong lòng dân tộc, luôn đồng hành cùng dân tộc hướng đến sự an lành, tự do, hạnh phúc của tất cả người Việt Nam.

Có một điều nữa cần phải minh chính. Đó là điều mà nhiều người tin là “triều đại nhà Lý và triều đại của Phật giáo”. Điều đó đúng. Nhưng Phật giáo không giữ độc quyền thao túng văn hoá, rồi hắt hủi, không nâng đỡ các đạo giáo khác, như Khổng giáo và Lão giáo, để các đạo này không có cơ phát triển. Mặc dù nhà Lý, do Phật tử Lý Công Uẩn khai sáng, nhưng không vì thế mà nói rằng Phật giáo đã giữ địa vị độc tôn trong mọi sinh hoạt quốc gia. Về tư tưởng, tự do tín ngưỡng tôn giáo dưới triều Lý, vẫn được triển khai một cách triệt để bình đẳng.

Đạo Phật phát triển được khả năng kiến quốc một cách vinh quang vào thời Lý không phải là nhờ vào phép lạ hoặc xảo thuật nào mà chính là nhờ vai trò của các Quốc sư, Thiền sư làm cố vấn chỉ đạo cho triều đình. Đến đời nhà Lý nước Việt Nam mới thật sự cường thịnh là do có con Người Mới mang một Ý Thức Mới tới, và do đó, có một Chính Sách Mới cải tổ toàn diện các cơ cấu quốc gia đi lên.

Tóm lại, trong một đất nước có vua sáng, tôi hiền, triều đình hoà hợp, trên dưới một lòng, trên từ Thiên tử, dưới đến thứ dân, từ một em bé thơ ngây đền một cụ già đầu bạc, tất cả đều một lòng vì dân, vì nước. Trong mọi lĩnh vực quân sự, ngoại giao, giáo dục, chính trị, đều có những nhân tài xuất chúng. Mọi người trong xã hội đều có tinh thần độc lập dân tộc, tự chủ, tự tin và tự cường. Như thế, tất nhiên có đủ điều kiện để xây dựng một quốc gia hùng mạnh. Nhưng điều quan trọng hơn hết chính là tư tưởng chủ đạo để hướng dẫn tất cả mọi hoạt động ấy, đó chính là tinh thần Phật giáo. Một tinh thần nhập thế hành đồng, từ bi cứu khổ, lấy con người làm đối tượng để phụng sự nhân sinh. Điểm lại suốt chiều dài lịch sử dân tộc, Giáo sư Trần Văn Giàu đã rất có lý khi nhận định rằng “Bình minh của dân tộc ta gắn với Phật giáo…”./.

 

 

(Trích tham luận Hội thảo Khoa học Phật giáo thời Lý với 1000 năm Thăng Long - Hà Nội do Phân viện nghiên cứu Phật học Việt Nam và Viện nghiên cứu tôn giáo tổ chức tháng 7/2010)

Thượng tọa Thích Gia Quang

Phó Tổng Thư ký Hội đồng Trị sự TWGHPGVN

(giaohoiphatgiaovietnam.vn)