Vài nét về Phật giáo Việt Nam và Phật giáo xứ Huế

 

Hôm nay 22/4/2004 tại Thiền đường Trăng Rằm chùa Từ Hiếu, tất cả quý vị đã có cơ duyên vào Huế tham quan, nghiên cứu và nay, quý vị lại đến chùa Từ Hiếu để xin tìm hiểu về Phật giáo Huế. Để đáp ứng yêu cầu của quý Thầy, Cô cũng như nhu cầu học hỏi của các anh, chị em sinh viên, nên chúng tôi có mặt hôm nay để chia sẻ đến quý vị.

Các Nhà truyền giáo và những ngôi chùa đầu tiên trên đất Việt:

Thưa quý vị,

Phật giáo có mặt ở đất nước Việt Nam vào thế kỷ đầu. Theo các nhà Sử học hiện nay, Phật giáo đến Việt Nam vào khoảng thế kỷ thứ ba trước Tây lịch, tức là thời kỳ của vua A Dục tại Ấn Độ, nhưng tư liệu này chỉ cá biệt chưa được phổ quát. Tư liệu đáng tin cậy nhất nói rằng, Phật giáo có mặt tại Việt Nam vào thế kỷ đầu, do Ngài Phật Quang, một nhà sư Ấn Độ vào Việt Nam bằng cửa Sót, tức cửa biển Nghệ An ngày nay. Cửa Sót là biên giới của nước ta vào thời Hùng Vương. Ngài Phật Quang đã đến và mở đầu cho sự có mặt của Phật giáo trên đất nước Việt Nam chúng ta. Ngài đã hóa độ cho những người Phật tử Việt Nam đầu tiên là Chữ Đồng Tử và Tiên Dung, chuyện này có ở trong “Lĩnh Nam Trích Quái”, quý vị nếu có cơ duyên, nên tìm đọc. Tiếp đó, vào thế kỷ thứ II, III Tây lịch, có các ngài Ma Ha Kỳ Vực, Mâu Tử, Chi Cương Lương, Khương Tăng Hội,...  và các ngôi chùa đầu tiên tại Việt Nam là chùa Pháp Vân, Pháp Vũ, Pháp Lôi, Pháp Điển ở trung tâm Luy Lâu, tức là tỉnh Hà Bắc ngày nay.

Tổ tiên chúng ta lấy tên chùa là Pháp Vân có một ý nghĩa rất là sâu sắc. Pháp Vân là gì? Pháp là Chánh pháp của đức Phật. Vân là mây. Chùa Pháp Vân tức là ngôi chùa  vầng mây của Chánh pháp, vầng mây đó che mát cho đất nước Việt Nam, cho Dân tộc Việt Nam và cho cả muôn loài. Và khi vầng mây đó đủ cơ duyên, thì mưa xuống, nó sẽ làm cho Dân tộc Việt Nam được tươi mát trở lại, và Phật tính nơi muôn loài thảy đều sinh khởi. Ngôi chùa thứ hai là Pháp Vũ. Vũ là mưa, Pháp vũ là mưa pháp. Mưa của Chánh pháp làm cho Dân tộc Việt Nam ngày càng tươi mát, làm cho muôn vật của Dân tộc đều được ươm chồi, nẩy lộc, đơm hoa và Phật tính nơi hết thảy muôn loài đều trổi dậy. Ngôi chùa thứ ba là chùa Pháp Lôi. Lôi là tiếng sấm.  Ngôi chùa uy hùng như tiếng sấm. Tiếng sấm của Chánh pháp, khiến cho nhân dân Việt Nam có thể đứng dậy và vượt ra khỏi sự nô lệ, vượt ra khỏi mọi sự thống trị, bước tới ý thức tự chủ. Pháp Lôi là tiếng gầm của Chánh pháp, thúc giục cho cả Dân tộc và nhân loại bước tới con đường chí thượng và chí thiện. Ngôi chùa mang tên ấy, biểu tượng rằng, khi đất nước Việt Nam hút được chất liệu của Chánh pháp, thì Dân tộc Việt Nam tự mình có sức mạnh tiến về phía trước uy dũng như tiếng sấm gầm. Và Pháp Lôi cũng có nghĩa là tiếng sấm đánh thức Phật tính nơi hết thảy chúng sanh trổi dậy ở trong Chánh pháp. Ngôi chùa thứ tư là chùa Pháp Điển. Điển là điện, tức là ánh sáng của Chánh pháp. Ánh sáng đó sẽ soi đường cho Dân tộc Việt Nam đi lên, đi tới. Ánh sáng ấy sẽ soi đường cho mọi người và mọi loài đi tới với Chánh pháp, đi tới đích điểm cứu cánh của sự giác ngộ.

Như vậy, quý vị đã thấy khởi điểm của ngôi chùa Việt Nam là Pháp Vân, Pháp Vũ, Pháp Lôi, Pháp Điển. Qua bốn tên đó, chúng ta cũng đủ để thấy được vai trò của ngôi chùa trong sự phát triển Dân tộc, phát triển tâm linh của đất nước và con người. Đạo Phật có mặt và cắm rễ với Dân tộc Việt Nam từ đó và trải qua các thời kỳ đã đóng góp cho Dân tộc Việt đứng lên giành lại độc lập cho đất nước, quyền sống cho con người. Theo Hán Thư, trong chính biến 40 - 43, khi quân Hán đánh chiếm Giao Chỉ, Trưng Trắc, Trưng Nhị thất bại, hai bà nhảy xuống sông Hát Giang tự vẩn, một số nữ tướng của hai Bà đã lẫn vào chùa tu, trong đó có phu nhân Bát Nàn. Căn cứ vào những sự kiện như vậy, chúng ta cũng có thể thấy rằng, đạo Phật có mặt tại Việt Nam trước thời Trưng Trắc, Trưng Nhị là điều có thể hiểu được.

Vào thời của Trưng Trắc, Trưng Nhị, chắc chắn xây dựng một ngôi chùa và ngôi chùa có ảnh hưởng lớn và rộng trong quần chúng hẳn phải mất một thời gian rất dài, chứ không như bây giờ. Bây giờ thông tin bùng vỡ, chúng ta muốn biết điều gì, thì chỉ cần vào Internet là ta đã có được một lượng thông tin rất lớn và phổ cập. Như vậy, Phật giáo có mặt tại Việt Nam trước kỷ nguyên, điều đó chúng ta có thể tin và chứng minh được. Phật giáo đã thấm rất sâu vào trong lòng của quần chúng như thế nào, điều này mang tính chất nghiên cứu, tính chất sử học, nên cần phải có thời gian, chứ không thể nói trong một khoảnh khắc. Khi một sự kiện đã mang tính chất nghiên cứu, tính chất sử học thì nó có tính phê phán, có tính nhận định, cho nên chúng tôi chỉ trình bày cho quý vị với tính cách gợi ý và tôn trọng tri thức của quý vị, chúng tôi không muốn áp đặt trí thức của mình lên quý vị. Bởi vì, khi trình bày một vấn đề mà chúng ta muốn áp đặt tư tưởng của mình lên người nghe, đó là sự tàn nhẫn, là sự giết chết khả năng sáng tạo của người đi sau, chúng tôi không làm chuyện đó. Chúng tôi chỉ muốn công bố sự kiện và quý vị hãy đem khả năng thông minh của mình để thấy được vấn đề, đó là tính giáo dục, tính trình bày của chúng tôi.

Ngài Tỳ-ni-đa-lưu-chi và Kinh Tượng Đầu:

Ngôi chùa Pháp Vân đã trở thành một trung tâm tu học lớn tại Giao Châu vào thời Khương Tăng Hội ở thế kỷ thứ III. Vào thế kỷ thứ VI, Ngài Tỳ-ni-đa-lưu-chi từ Ấn Độ sang Trung Hoa học đạo với Ngài Tăng Xán, sau đó đến Việt Nam và lưu trú tại chùa Pháp Vân, năm 580. Tại đây, Ngài Pháp Hiền đang giảng dạy cho hơn 300 Tăng sĩ. Như vậy, quý vị nghĩ xem lúc bấy giờ, dân số Việt Nam được bao nhiêu trăm ngàn người, thế mà tăng sĩ ở chùa Pháp Vân lên đến 300 vị, chưa kể đến những ngôi chùa khác. Khoảng năm thế kỷ sau, đến đời Lý, dân số Việt Nam bấy giờ chỉ có khoảng năm triệu người. Từ đó, chúng ta có thể thấy được vai trò của Phật giáo ngay buổi đương thời là như thế nào! Ngài Tỳ-ni-đa-lưu-chi Việt Nam đã dịch kinh Tượng Đầu. Nội dung của kinh Tượng Đầu là gì? Tư tưởng chủ đạo là gì? Tư tưởng đó đã đáp ứng nhu cầu gì của Dân tộc Việt Nam? Và người Việt Nam lúc bấy giờ suy nghĩ về điều gì? Họ đã suy nghĩ gì về nhân sinh quan, vũ trụ quan, về thân phận con người? Chúng tôi chỉ giới thiệu như vậy để quý vị suy nghĩ và tìm hiểu, bởi vì bản kinh mà các Ngài chọn và dịch để truyền bá vào thời đại của Ngài, nó phải có một ý nghĩa nhất định là phải đáp ứng một phần nào khát vọng của người Việt Nam lúc bấy giờ.

Quý vị nghĩ xem, một bản văn xuất hiện vào một thời đại nào đó, khi ta nghiên cứu bản văn ấy là ta có thể biết được những gì suy tư của con người và hoàn cảnh xã hội được chứa đựng ở trong bản văn của thời đại ấy. Cũng vậy, một bản kinh xuất hiện vào thời đại nào, thì khi ta nghiên cứu những nội dung được hàm chứa ở trong bản kinh ấy, là ta có thể biết được những suy tư và khát vọng của con người ở vào thời đại ấy. Nên, khi ta nghiên cứu kinh Tượng Đầu Tinh Xá là bản kinh đã được Ngài Tỳ-ni-đa-lưu-chi dịch và lưu truyền tại Việt Nam vào thế kỷ thứ sáu là ta có thể biết được phần nào xu thế tu tập và học hỏi của Tăng Ni, Phật tử Việt Nam nói riêng và tầm mức trí thức và những nhu cầu đạo đức tâm linh của người Việt Nam vào thời đại bấy giờ. Nếu quý vị nghiên cứu một bản kinh Phật như là một công trình nghiên cứu mang tinh khoa học là quý vị có thể phát hiện được rất nhiều điểm thiết thực và mới lạ, những điểm ấy nó sẽ giúp ích rất lớn cho sự nghiệp nghiên cứu của quý vị và con người. Đây là là vấn đề gợi ý cách nghiên cứu của chúng tôi tới quý vị.

Khái quát từ Thiền Phái Vô Ngôn Thông đến Phật giáo đời Trần:

Đến thế kỷ IX năm 820, Thiền phái Vô Ngôn Thông xuất hiện tại Việt Nam. Vô Ngôn Thông nhân câu nói của một vị thầy là Ngài Bách Trượng mà Ngài đã ngộ đạo:

“Tâm địa nhược thông

Tuệ nhật tự chiếu”.

Nếu mảnh đất tâm của chúng ta, cõi lòng của chúng ta không bị ngăn ngại bởi tất cả các thứ phiền não, vô minh, thì mặt trời trí tuệ tự nó sẽ tỏa chiếu! Nên cõi lòng của chúng ta không tỏa sáng được là vì vô minh, phiền não dày đặc trong tâm hồn của chúng ta. Nhân câu nói đó của Ngài Bách Trượng mà Ngài Vô Ngôn Thông ngộ được đạo lý.

Như vậy, từ thế kỷ đầu đến thế kỷ thứ IX, Việt Nam đã có:

-   Thiền phái của Ngài Khương Tăng Hội, chủ trương về quán chiếu hơi thở.

-   Thiền phái Tỳ-ni-đa-lưu-chi.

-   Thiền phái của Ngài Vô Ngôn Thông.

Từ đó dẫn đến Phật giáo đời Đinh, Lê, Lý và Trần, bởi vì nếu không có những thiền phái này, thì sẽ không có Phật giáo đời Đinh, Lê, Lý và Trần.

Khi Đinh Tiên Hoàng dẹp được loạn mười hai sứ quân và lên ngôi năm 971, thì Phật giáo phát triển một cách mạnh mẽ và Thiền sư Ngô Chân Lưu đã được Nhà vua thỉnh mời làm Khuông Việt Đại sư. Khuông Việt Đại Sư, nghĩa là vị Thầy vĩ đại giúp đỡ nước Việt. Và Ngô Chân Lưu là vị Tăng Thống đầu tiên của Phật giáo Việt Nam. Những trụ đá được Đinh Khuông Liễn ghi khắc những câu thần chú Phật Đỉnh Tôn Thắng vào những năm 973, 979 để cầu nguyện an lành cho triều đại và quốc dân đã được các Nhà khảo cổ học Việt Nam phát hiện tại cổ thành Hoa Lư vào những năm thập niên sáu mươi. Đây là những sự kiện giúp cho chúng ta thấy rằng, vào đời Đinh, Phật giáo đã ăn sâu vào trong lòng Dân tộc.

Phật giáo đời Lê, khi Lê Đại Hành lên ngôi năm 980 đã hết lòng sùng mộ Phật giáo, các Thiền sư Ngô Chân Lưu và Đỗ Pháp Thuận đã giúp vua Lê Đại Hành không những về mặt ngoại giao mà còn giúp vua giữ gìn nền độc lập Dân tộc và những chính sách giữ nước an dân. Và Lê Long Đĩnh lên ngôi, Ông đã cho người sang Trung Quốc để thỉnh kinh Đại Tạng, tuy nhiên, chưa thỉnh kinh về đến thì Ông đã băng hà. Ngay đời Lê, Đại Tạng kinh đã được khắc từ đời Tống của Trung Hoa và có mặt tại Đại Cồ Việt tức là nước ta lúc bấy giờ.

Đến đời Lý, Ngài Vạn Hạnh đã giúp Lý Công Uẩn lên ngôi, học lịch sử quý vị đã hiểu. Đời Lý, Phật giáo phát triển rất lớn, nhưng không phải vậy mà Phật giáo đời Lý thuận lợi hoàn toàn. Vì trong lịch sử đời Lý có ghi: “Thiên hạ bán vi Tăng!”, nhân dân đời Lý hết một phần nửa là thầy tu. Cái gì  nhiều thì phức tạp. Phần nhiều người ta nói Phật giáo đời Lý thịnh, nhưng dưới cái nhìn của chúng tôi, chúng tôi vẫn thấy có cái suy ở trong đó. Bởi vì, khi Phật giáo được triều đình trọng vọng, thì cũng có những người lợi dụng cái trọng vọng đó để mà đi tu. Người đi tu với ý chí cao thượng cũng có, nhưng cũng có những người đi tu với tâm chí tầm thường. Người đi tu với tâm chí cao thượng sẽ làm cho Đạo sáng chói lên, làm cho đời đẹp lên. Còn người đi tu với tâm chí tầm thường sẽ làm cho Đạo mờ và đi xuống, nó làm cho đời lắm chuyện gian nan, phức tạp! Vì vậy, nên chúng ta thấy nhiều người đi tu, cũng đừng vội mừng và thấy ít người đi tu chúng ta cũng đừng vội buồn. Nhiều là nhiều như thế nào, nhiều mà tạp thì không nên, còn ít mà thuần chất, thì ít đó vẫn đáng trân trọng, vì ít mà có tác dụng lớn, có khi nhiều mà chẳng có tác dụng gì cả.

Đến với Phật giáo đời Trần, khi viết lịch sử phát triển Bát Nhã và Bát Nhã Tâm kinh, chúng tôi không tìm được một bản chú giải và dịch nào của Phật giáo đời Lý đối với bản kinh nầy, nên trong Tập san “Nghiên cứu Phật học” Phật giáo Thừa Thiên Huế, chúng tôi có viết rằng, triều đại nào lên cầm quyền thì cũng muốn xóa triều đại trước và chỉ muốn người đời sau biết triều đại của mình thôi. Điều đó làm cho người nghiên cứu, tìm hiểu những thời đại trước gặp rất nhiều khó khăn. Những con người có tham vọng chính trị, cái nhìn của họ khác hẳn với cái nhìn của con người làm văn hóa. Người làm văn hóa cái nhìn của họ không bị đóng khung như cái nhìn của người làm chính trị. Người làm chính trị là người muốn mọi người chỉ biết đến triều đại của mình và chỉ biét phục vụ cho triều đại của mình, còn các triều đại khác không cần biết đến. Cũng như Trần Thủ Độ nguyên làm quan đời Lý, là ngưòi có công lớn trong việc chuyển ngôi từ đời Lý sang Trần, khi ông đi ngang qua ngôi chùa, thấy Lý Huệ Tông, sau khi Ông giao ngôi vua cho con là Lý Chiêu Hoàng để xuất gia và đang nhổ cỏ ở trong sân chùa, Trần Thủ Độ thấy và nói: “Hoàng thượng nhổ cỏ thì phải nhổ cho tận gốc!”. Lý Huệ Tông nghe câu nói đó mà ngao ngán tình người, ngao ngán tình đời, ngao ngán cho tham vọng của con người, nên ông đã vào phòng kín uống thuốc tự vẩn.

Qua sử sách ghi lại như thế, cũng cho chúng ta thấy với tham vọng của những nhà nắm quyền lực chính trị, chính họ là những người muốn làm lịch sử, nhưng lại là những kẻ phản bội lịch sử, làm cho lịch sử bị khuất lấp đi, nên điều đó đã làm cho chúng ta gặp rất nhiều trở ngại, khi nghiên cứu lịch sử, vì “nhổ cỏ thì phải nhổ cho tận gốc” mà! Do đó, các sử gia đời Trần như Lê Văn Hưu,... khi ăn cơm, uống nước, hưởng bổng lộc đời Trần, thì ông làm sao dám ca ngợi đời Lý vài ông phải viết sử theo quan điểm của đời Trần chứ! Vì thế, khi nghiên cứu lịch sử, chúng ta phải sử dụng cái đầu thật thông minh mới khám phá ra được sự thực. Còn nếu chúng ta cứ đi theo vết chân cũ, suy tư theo nếp cũ, nói năng cứ lặp đi, lặp lai theo luận điệu cũ, thì chân lý là một cái gì đó xa vời mà chúng ta không thể vói tới.

Đời Lý còn có một Thiền phái đặc biệt, đó là thiền phái Thảo Đường. Vua Lý Thái Tông là một trong những vị tích cực ủng hộ cho thiền phái này, nhưng đến đời Trần, thì thiền phái này không còn được nhắc nhở nữa. Khi đọc “Thánh Đăng Lục” được viết vào đời Trần, chúng tôi thấy Phật giáo đời Trần có khuynh hướng quý tộc. Tầng lớp trí thức hiểu Phật giáo được ghi lại trong sách sử cũng là từng lớp trí thức quý tộc. Các vị Thiền sư cũng không được đề cập đến nhiều, ngoại trừ một số vị không thể thiếu.

Điều đáng nói và đáng đề cập nhất là “Trúc Lâm Tam Tổ” của Phật giáo Trúc Lâm. Phật giáo đời Trần đã đóng góp cho đất nước chúng ta như thế nào? Về phía giữ nước, tinh thần Phật giáo đã giúp cho Dân tộc hai lần đánh bại Nguyên Mông. Quân của Thành Cát Tư Hãn, chúng hung hãn vô cùng, nhưng khi đến Việt Nam, thì bị thất bại. Nó thất bại là từ ngay nơi Hội nghị Diên Hồng, vì ngay nơi hội nghị nầy đã nói lên sức mạnh đoàn kết của mọi từng lớp nhân dân Việt Nam lúc bấy giờ. Cho nên, nếu Dân tộc chúng ta thiếu đoàn kết là Dân tộc của chúng ta thất bại. Do đó, nhờ yếu tố đoàn kết mà chúng ta giữ vững và phát triển được đất nước. Điều đó đã thể hiện như thế nào trong đời Trần? Trong đời Trần, phía Nam đất nước ta sống hài hòa với Chiêm Thành, sau đó gả công chúa Huyền Trân cho vua Chàm là Chế Mân. Vua Chế Mân đã hiến tặng cho nước Đại Việt hai châu Ô và Rí. Điều này ngay trong đương triều cũng có nhiều quan điểm phê phán, tuy nhiên chúng ta cũng thấy được đời Trần khôn ngoan, khôn là vì biết sử dụng tình yêu để mở mang đất nước, chứ không dùng bạo lực, súng đạn, nên biên giới phía Nam của đất nước ta vào thời Trần là đã mở rộng đến ở Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam ngày nay, thay vì thời Hùng Vương biên giới của nước ta chỉ ngang Thanh Hóa, Nghệ An.

Khởi nguyên Phật giáo Huế và những ảnh hưởng:

Chúng tôi muốn trình bày với quý vị sự kiện trên, là để trả lời câu hỏi “Phật giáo Huế có từ khi nào? Và Phật giáo Huế đã nằm trong lòng quần chúng như thế nào?” Chúng tôi trả lời một cách dứt khoát rằng, Phật giáo Huế có mặt từ thời vua Trần Nhân Tông. Vì sao? Vì thời đại Đinh, Lê, Lý, Trần, Phật giáo là quốc đạo. Khi vua Chàm hiến tặng hai châu Ô và  Rí cho Nhà Trần, thì việc trước tiên là Nhà Trần tiếp nhận đất đai, khai hóa đất đai và di dân. Dân đó là ai? Chính là Phật tử  đi khai khẩn đất hoang, phát triển đất nước. Họ đi đâu thì họ phải đem theo tôn giáo, tín ngưỡng của họ đi đến đó. Mỗi khi mà Phật tử đã đi, thì thầy của họ cũng phải đi theo họ. Cho nên, chúng ta có thể xác định chắc chắn rằng, vị Tăng xuất hiện đầu tiên tại Thuận Hóa là Điều Ngự Giác Hoàng Trần Nhân Tông, sau đó các vị Tăng khác được cử vào để hướng dẫn tâm linh cho quần chúng Phật tử. Các tư liệu này là theo sự luận chứng của chúng tôi, vậy hôm nay chúng tôi xin chia sẻ đến quý vị luận chứng nầy. Như vậy, Phật giáo Huế chịu ảnh hưởng Phật giáo đời Trần. Phật giáo đời Trần là Phật giáo nhập thế tức là Phật giáo dấn thân vào cuộc đời để cứu khổ, một trong những bài “Cư trần lạc đạo” của Trần Nhân Tông đã nói lên tư tưởng này như sau:

“Cư trần lạc đạo thả tùy duyên

Cơ tắc xan hề khốn tắc miên

Gia trung hữu bửu hưu tầm mích

Đối cảnh vô tâm mạc vấn thiền ”.

Nghĩa là: Sống giữa cuộc đời, thuận theo cuộc đời, duyên theo cuộc đời mà vui cái niềm vui của đạo. Đói thì ăn, khát thì uống, mệt thì nằm. Trong nhà có của báu rồi, không đi tìm kiếm đâu xa nữa. Và trực diện với muôn vàn cảnh vật mà tâm vẫn an nhiên bất động, đó chính là thiền chứ hỏi thiền làm chi!

Tinh thần Phật giáo là không phải trốn chạy, không chán đời, ngay giữa cuộc đời mà thăng hoa sự sống. Đó là tinh thần nhập thế, là tư tưởng chủ đạo của Phật giáo đời Lý và đời Trần, đồng thời là tư tưởng đầu tiên được truyền bá ở đất Thuận Hóa thời đó. Phật giáo Huế đã kế thừa và ảnh hưởng Phật giáo đời Trần một cách trực tiếp.

Ai chống lại quy luật tự nhiên của cuộc sống, thì không thể tồn tại lâu dài được, nên đói thì ăn, khát thì uống, mệt thì nghỉ. Đói mà không ăn, khát mà không uống, thì chỉ là chết sớm, mệt mà không nghỉ, mệt cứ rán mà làm thì tai biến mạch máu não, đó là cách nhìn cuộc sống hết sức thực tiễn của Phật giáo đời Trần và cách nhìn ấy đã ảnh hưởng đến Phật giáo Huế.

Lại nữa, trong nhà có của báu rồi thì không đi tìm kiếm đâu xa nữa, của báu đó có rất nhiều ý nghĩa. Đối với tâm linh, thì trong tâm mình có Phật, có Pháp, có Tăng. Đối với mạch nguồn của Dân tộc, mình là dòng giống Tiên Rồng, mình có dòng dõi tâm linh của Dân tộc, mình có đạo lý giải thoát, đạo lý giác ngộ. Đối với cuộc sống gia đình, mình có ông bà tổ tiên, cha mẹ. Và đối với loài người, thì trong tự thân của mỗi chúng ta đều có tính người và có khả năng biểu hiện tình người một cách tự nhiên. Tất cả cái đó là của báu mà mình đã có, mình không cần phải đi tìm kiếm và vay mượn những cái bên ngoài.

Khi chúng ta nhận ra được cái gì là kho báu của tâm linh, của giang sơn tổ quốc, của gia đình mình, của chính mình, thì khi đó chúng ta không cần phải tìm kiếm, như trong bản nhạc “Một cõi đi về” Trịnh Công Sơn nói:

“Bao nhiêu năm rồi còn mãi ra đi

Đi đâu loanh quanh cho đời mỏi mệt...

Trên hai vai ta đôi vầng nhật nguyệt

Rọi xuống trăm năm một cõi đi về!”.

Trên hai vai ta có cha ta, có mẹ ta, có dòng họ nội ngoại của ta, có trời đất, có âm dương, có sự sống và sự chết, có sự khổ đau và có sự an lạc, nên ta không còn đi tìm đâu nữa cho mệt. Tuy, Trịnh Công Sơn viết lên những lời nhạc như vậy để cho mình hát, để cho Khánh Ly hát và để cho mọi người hát và nghe, và cùng nhau trở về, nhưng Trịnh Công Sơn vẫn còn thấy có một cõi để đi về, vẫn chưa thấy được như cái thấy của Vua Trần Nhân Tông: “Gia trung hữu bửu hưu tầm mích. Đối cảnh vô tâm, mạc vấn thiền”. Trịnh Công Sơn thấy được một cõi đi về qua đôi vầng nhật nguyệt, vua Trần Nhân Tông không thấy như vậy, vua thấy được là từ cái bên trong rọi ra, nên không cần phải đi hay phải về, chỉ cần dừng lại mọi sự dong ruỗi tìm cầu và ngay trong giây phút dừng lại đó, là có thể thấy và tiếp nhận được gia tài quý báu, có thể thấy, tiếp nhận và sống ngay ở trong cõi bình an. Và “Đối cảnh vô tâm”, đó là cái tâm không bị mắc kẹt, khi trực diện với mọi hoàn cảnh thăng hay trầm, thuận ý hay nghịch ý, tâm ấy chính là Thiền, chứ Thiền ở đâu xa.

Như Nguyễn Công Trứ,  khi bị đày làm lính thú, người ta hỏi ông có buồn không, có nhục không? Ông nói rằng, khi làm quan, ông chẳng thấy nó là vinh, cho nên khi bị đày làm lính thú, ông chẳng thấy nó là nhục. Như vậy, Nguyễn Công Trứ đã chịu ảnh hưởng tư tưởng nào để nói lên được tinh thần tiêu biểu cho sĩ phu Việt Nam một thời, có phải đó là tinh thần Phật giáo đã hun đúc cho Nguyễn Công Trứ, và có phải chăng, đó là “Đối cảnh vô tâm mạc vấn thiền”?. Khi đối diện với quan chức, ông không thấy đó là vinh và khi sa cơ lỡ vận bị đày làm lính thú, ông không thấy đó là nhục, bởi lẽ ông ra làm quan là vì cái bản nguyện, cái chí nguyện giúp người, chứ không vì bản thân mình để hối lộ, để làm quan liêu, cưỡng quyền. Làm quan, làm vua là vì đời, vì người mà làm, nên vua quan ấy, không có tham nhũng, hối lộ, không có quan liêu, cưỡng quyền. Như vậy, quý vị đã thấy được phần nào cái ảnh hưởng của tư tưởng Phật giáo đời Trần đối với Phật giáo Huế hay Phật giáo Thuận Hóa.

Rồi từ nơi mảnh đất này, Huế trở thành trung tâm duy trì nền văn hóa Thăng Long vào đồng thời làm bàn đạp để phát triển văn hoá của Dân tộc đi về phương Nam. Cho nên, đến đời chúa Nguyễn Phúc Chu đã mở mang bờ cõi đến Biên Hòa tức là Saigon bây giờ. Saigon ngày trước gọi là Phiên Thành, Phiên là bức phên tức là biên giới. Biên giới phía Nam của đất Việt. Đến thời vua Minh Mạng lấy luôn sáu tỉnh miền Tây, nếu không có đất Thuận Hóa lấy đâu làm bàn đạp để phát triển đất nước.

Tại đất Thuận Hóa này,  năm 1558, khi Nguyễn Hoàng vào trấn thủ, và ông đã cho trùng tu lại ngôi chùa Linh Mụ vào năm 1601. Nhiều sử gia cho rằng, chúa Nguyễn Hoàng cho xây dựng chùa Linh Mụ là không đúng lắm, vì theo sách “Ô châu cận lục”, của Dương văn An được nhuận sắc vào giữa thế kỷ mười sáu, khi chúa Nguyễn Hoàng vào trấn thủ Thuận Hóa thì tại đồi Hà Khê đã có chùa, và chúa Nguyễn Hoàng chỉ cho xây dựng lại ngôi chùa ở đồi Hà Khê tức là chùa Linh Mụ ngày nay. Như vậy, khi chúa Nguyễn Hoàng cho xây dựng lại chùa Linh Mụ là để làm trung tâm tu học, trung tâm nuôi dưỡng tâm linh cho nhân dân ở Đàng trong, thì bấy giờ vai tròì Phật giáo đối với xứ Huế lại được khẳng định một cách minh bạch. Dù chưa có tư liệu, nhưng ta biết một cách chắc chắn rằng, chùa Linh Mụ không phải là ngôi chùa đầu tiên của Huế và cũng không phải là trung tâm tu học đầu tiên của Phật giáo Huế, vì rằng năm 1307, sau khi việc công chúa Huyền Trân thực hiện tình yêu lứa đôi với Vua Chàm là Chế Mân, hai châu Ô và Rí được Vua Chàm hiến dâng cho triều đại nhà Trần, Đoàn Nhữ Hài được cử vào trấn thủ vùng đất mới nầy, trải qua bao cuộc thăng trầm, hết Trần đến Hồ và Lê, năm 1558, Nguyễn Hoàng lại được vua Lê cử vào trấn thủ vùng đất Thuận Hóa nầy, như vậy từ Đoàn Nhữ Hài đến Nguyễn Hoàng trải qua 251 năm, suốt trong thời gian ấy, không thể không có chùa chiền và không thể không có những trung tâm tu học của Phật giáo tại vùng đất nầy. Và biết đâu tại đồi Hà Khê đã có ngôi chùa do các vua Chàm xây dựng đã trải qua các thời đại họ trị vì ở vùng đất nầy và là trung tâm tu học cũng như tín ngưỡng cho nhân dân của họ, cho đến khi đời Trần tiếp nhận vùng đất nầy, nó lại được sửa sang để trở thành Trung tâm tu học và tín ngưỡng của Phật giáo Việt Nam? Vào thời hậu Lê các vị Tổ sư từ Trung Hoa đến Thuận Hóa như Giác Phong Lão Tổ ở chùa Báo Quốc, Hoán Bích-Nguyên Thiều chùa Quốc Ân,  Minh Hoằng-Tử Dung chùa Từ Đàm, Ngài Từ Lâm ở chùa Từ Lâm,... Tất cả những vị đó đã đi vào miền Trung này để truyền đạo. Thời chúa Nguyễn Phúc Chu, ông đã cho mời ngài Thạch Liêm từ Trung Hoa đến truyền đạo ở chùa Thiền Lâm. Trong sách sử, có ghi lại sự đối đáp giữa chúa Nguyễn Phúc Chu và ngài Thạch Liêm, khi chúa Nguyễn Phúc Chu thọ Bồ-tát giới tại gia, ăn chay trường, chúa hỏi Hòa thượng Thạch Liêm-Thích Đại Sán rằng, với vai trò của chúa, khi thọ Bồ-tát giới, ăn chay trường như vậy có trở ngại cho việc triều chính? Thích Đại Sán trả lời rằng, việc Quốc chủ thọ Bồ-tát giới, ăn chay trường không phải như người bình thường khác là gắp đậu khuôn, rau muống, mà một vị Quốc chủ khi thọ Bồ-tát giới, ăn chay trường có nghĩa là vị đó phải thiết kế một chính sách phù hợp với lòng người, bỏ sưu cao thuế nặng, mở kho ban phát cho dân nghèo, giảm tù tội,... Như vậy, ta biết rằng, vào thời chúa Nguyễn Phúc Chu, trên vùng đất Thuận Hóa, Đại thừa giới của Phật giáo đã ảnh đến đời sống của các thành phần quý tộc. Đại thừa giới là gì? Nếu có điều kiện chúng tôi sẽ trình bày cho quý vị vào một dịp khác. Và cũng ngay ở trên vùng đất Thuận Hóa nầy vào thời Lê đã sinh khởi Thiền phái Liễu Quán do Ngài Thiệt Diệu-Liễu Quán khai sơn Tổ đình Thiền Tôn, Huế là vị  sơ Tổ. Thiền phái nầy ngày nay không những ảnh trực tiếp tại Huế mà còn ảnh hưởng khắp cả ba miền đất nước và ngay cả nhiều quốc gia trên thế giới. Nếu có dịp chúng tôi cũng sẽ trình bày sâu tôn chỉ và những ảnh hưởng của nó trong quá khứ và hiện nay trong đời sống tâm linh của Tăng Ni, Phật tử Huế đến quý vị.

Những đặc điểm của Phật giáo Huế:

Quý vị biết, dòng Hương Giang chảy như không chảy, vì vậy quý vị nên tổ chức một buổi đi thuyền trên sông Hương để thưởng thức được một dòng sông chảy mà như không chảy ấy! Từ đó quý vị có thể thấy được cảnh và người ở Huế, là một cái gì đó rất là trầm lắng, sâu thẳm, có mà như không, không mà như có, cái đó mới là hay và cái đó phảng phất chất liệu của thiền. Tư tưởng thiền của Phật giáo đã ảnh hưởng đến dân Huế, đã tạo nên đức tính điềm tĩnh, sâu lắng của người Huế, nên “Huế, không nơi nào có được, nét dịu hiền pha lẫn trầm tư”. Đặc điểm của người Huế là trầm tư, nhờ chất liệu trầm tư đó mà giữ được nước, mà gạn lọc được tất cả những gì uế tạp đến với đất nước mình từ bên ngoài. Nếu chúng ta sống thiếu trầm tư, tức là chúng ta sống thiếu khả năng gạn lọc. Nếu chúng ta sống thiếu gạn lọc, thì bất cứ cái gì cũng có thể đổ dồn vào trong đời sống của chúng ta được và chính cái đó đã làm cho ta bị đánh mất ta. Đức tính trầm tư của người Huế có được là do chịu ảnh hưởng tinh thần thiền học Phật giáo, chính điều đó khiến cho người Huế có một tinh thần gạn lọc rất sâu khi tiếp nhận những cái từ bên ngoài và nó làm nên màu sắc của Phật giáo Huế. Vì vậy, Phật giáo Huế mang màu sắc chiều sâu của tâm linh, nên chỉ những người có chiều sâu tâm linh mới thích Phật giáo Huế. Và những người hời hợt, thì họ thích Phật giáo theo thời đại, Phật giáo thời đại được ví như thương trường, nước lũ!

Không những Thiền ảnh hưởng đến đời sống người dân Huế mà Tịnh độ cũng vậy. Tịnh độ là gì? Tịnh độ không phải chỉ niệm Phật để cầu sanh về cảnh giới Ngài A Di Đà, mà sự thâm sâu của Tịnh độ là thiết lập quê hương Tịnh độ ngay ở đây, ngay trên quê hương đất nước của mình, và ngay ở nơi tâm linh của mỗi chúng ta. Ở trong tâm của mỗi chúng ta đều có một quê hương Tịnh độ, ở đó có đức Phật A Di Đà, nên phần nhiều gia đình người Huế đều có bàn thờ Phật, để làm tín ngưỡng tâm linh chung cho gia đình và trong mỗi gia đình ấy, mỗi người lại có mỗi bàn thờ tâm linh riêng cho chính mình nữa. Nhờ nền tín ngưỡng như vậy, nên con người Huế phần nhiều có khả năng tự tin và chính đức tính tự tin đó đã giúp con người Huế đối phó được với mọi khắc nghiệt. Vì tin vào cái vốn có ở trong mình, nên có khả năng khắc phục được những khó khăn do hoàn cảnh đem lại. Và chính điều đó cũng đã làm cho  người Huế có tinh thần “Thiểu dục tri túc” của đạo Phật.

Thiểu dục là ít muốn. Tri túc là biết đủ. Do ảnh hưởng tư tưởng thiểu dục và tri túc của đạo Phật, nên phần nhiều người Huế ít đua đòi, biết vừa đủ. Bởi vậy, khi đến Huế, quý vị có thể thấy người Huế nghèo, nhưng nhà cửa vẫn tươm tất, ăn mặc vẫn lịch sự. Một người bạn từ xa đến Huế, họ thấy cách ăn mặc, nhà cửa, cũng như sự tiếp đãi của người Huế, họ tưởng rằng, nhà bạn mình ở Huế giàu có vật chất lắm, nhưng không phải vậy, họ chỉ giàu có tấm lòng. Người Huế có thể họ không có tiền tích luỹ, họ có thể hết gạo, nhưng vẫn tìm cách có gạo để nấu cơm và mời bạn ở lại dùng cơm một cách chân tình. Đó là đặc điểm của người Huế, đặc điểm đó đã ảnh hưởng tinh thần thiểu dục tri túc của Phật giáo.

Thêm đặc điểm nữa của người Huế là họ sống với nhau bằng tấm lòng. Tấm lòng mới quý chứ không phải tiền bạc. Tại sao như vậy? Bởi vì người Huế đã ảnh hưởng tinh thần Phật giáo rất sâu, Phật dạy: “Tâm làm chủ. Tâm tạo tác tất cả”. Ta đến với người bằng tâm an lạc, thì hạnh phúc luôn luôn cóï mặt. Nếu ta đến với người với tâm hẹp hòi, ích kỷ, thì khổ đau luôn luôn có mặt trong ta. Bởi vậy, người dân Huế có một câu nói rất là hay: “Tiếng chào cao hơn cỗ!”. Tiếng chào, tiếng mời nhau cao hơn cả mâm cao cỗ đầy. Tất cả những đặc điểm đó của người Huế đã ảnh hưởng từ giáo lý Nhân thừa, giáo lý Từ bi của Phật giáo.

Tư tưởng Giáo học của Phật giáo cũng ảnh hưởng dân Huế. Người Huế dù sống trong tình cảnh khó khăn nào, cũng cố gắng vươn mình đến với sự học. Họ không học được ở trường, thì họ cũng tự học ở nhà, ở bạn bè, ở môi trường làm việc hay họ tự học từ cuộc sống. Do ảnh hưởng tinh thần Giáo học Phật giáo mà người Huế rất chịu khó học hành. Nên, dù cha mẹ nghèo bao nhiêu đi nữa, họ vẫn bán ruộng vườn, nhà cửa hay đi làm thuê cho con được ăn học, bởi vì họ nghĩ rằng, không học thì không có trí tuệ, mà không có trí tuệ thì không thể giải mã được những vấn đề trong cuộc sống của con người. Chính vì vậy, nên tinh thần “duy tuệ thị nghiệp” của Phật giáo đã ảnh hưởng rất lớn đến người dân ở đây.

Tinh thần Mật tông cũng đã ảnh hưởng đến dân Huế. Mật tông là gì? Mật tông là giáo lý đòi hỏi người thực hành, thực tập phải có một định lực cao và sâu khi đọc lên câu thần chú. Vậy, câu thần chú là gì? Thần chú là ngôn ngữ của thế giới thiền định. Một ngữ ngôn trong câu thần chú có thể tóm thâu mọi tinh yếu của giáo nghĩa, và có khả năng biểu hiện vô lượng nghĩa, nhằm giúp cho hành giả có thể đi sáu vào thiền định và tuệ quán. Trong cuộc sống, có những điều chúng ta không lý giải được bằng kiến thức mà bằng kinh nghiệm, hay bằng chính cuộc sống. Có những người bảo rằng, Mật tông là giáo lý cậy nhờ tha lực và mang tính quyền năng, nên Phật giáo Mật tông là Phật giáo quyền năng. Sự nhận định như vậy không có gì chính xác cả. Bởi lẽ, không có hành giả Mật tông nào tu tập thành công, nếu ba nghiệp của họ không thanh tịnh và nhất như. Nhờ ba nghiệp của hành giả Mật tông thanh tịnh và nhất như, nên câu thần chú do họ trì tụng đã tạo nên một năng lực phi thường, có sức mạnh chuyển hóa mọi ước mơ trở thành hiện thực. Nên, Mật tông không phải hoàn toàn dựa vào tha lực mà chủ yếu là tự lực. Tinh thần Mật tông như vậy, cũng đã ảnh hưởng rất nhiều đối với quần chúng xứ Huế.

Tinh thần Luật tạng cũng ảnh hưởng đến người Huế. Luật tạng là gì? Đó là kho tàng giới luật. Luật là những quy định về những điều nên làm và những điều không nên làm, và những quy định cụ thể để xét xử đúng hay sai của một hành vi. Nếu một hành vi mà không có luật, thì không biết dựa vào đâu để phán xét đúng sai. Giới Luật đó đã ảnh hưởng ra giữa xã hội và tạo nên một nếp sống đạo đức của người dân Huế. Bởi vì, luật Phật giáo đã nói rằng: “Hiếu danh vi giới, diệc danh chế chỉ”. Hiếu chính là giới, là đạo đức. Hiếu là giới luật có khả năng ngăn ngừa những điều ác của thân, ngữ và ý. Vì vậy, ở Huế con cái rất ít khi ngỗ nghịch với cha mẹ và cha mẹ hết lòng thương con cái. Điều đó không phải là tuyệt đối, nhưng nó có một giá trị phổ quát. Đó là một trong những đặc biệt của người Huế nói riêng và người Việt Nam nói chung. Và tiêu biểu là vị sơ Tổ của chùa Từ Hiếu đã được vua Minh Mạng cung thỉnh làm Tăng cang Linh Hựu quán và chùa Giác Hoàng ở kinh thành. Tăng là Tăng đoàn, tức là đoàn thể Tăng sĩ Phật giáo. cang là cương lĩnh. Tăng cang là vị thầy nắm vững cương lĩnh trong Tăng giới, để giữ đạo và giúp đời.

Bởi vậy, thời đại nào mà nền đạo đức bị suy thoái, bị băng hoại tức là thời đại đó, vì Phật giáo bị băng hoại, nên thời đại đó trước sau gì cũng bị tiêu vong. Cụ thể nhất là hai chế độ của Tổng thống Ngô Đình Diệm và Nguyễn văn Thiệu, bị sụp đổ cũng chỉ vì một trong những nguyên nhân là chèn ép và nỗ lực phân hóa Phật giáo. Trong lịch sử, vua Lê Long Đĩnh đã róc mía trên đầu các nhà sư, chính vì những hành vi đó đã khiến cho triều đại của ông bị kết thúc sớm. Và thời đại nào Phật giáo hưng thịnh, thì thời đại đó có đạo đức và xã hội hưng thịnh. Thời đại nào biết ủng hộ Phật giáo, biết xử dụng giáo lý của Phật giáo trong cuộc sống, để định hướng chính sách an dân, thì chế độ đó tồn tại lâu dài, vì được dân kính mến. Như trong triều Nguyễn, tuy rằng, họ thiết lập thể chế chính trị trên nền tảng của Nho giáo, nhưng cuối cùng chúa Nguyễn Phúc Chu đã viết bốn chữ “Cư Nho mộ Thích”, trong bia ký chùa Linh Mụ để chỉ đạo cho hệ tư tưởng chính trị của ông. Cư Nho, tức là đối với việc ăn ở, thì dựa vào Nho giáo để ổn định xã hội. Nhưng, về mặt giá trị tinh thần, văn hoá và tâm linh, thì lấy Phật giáo làm nền tảng cho cuộc sống của con người và xã hội. Mộ Thích là ngưỡng mộ giáo pháp của Đức Phật Thích Ca Mâu Ni, nghĩa là giải quyết dân sinh không dừng lại ở nơi Nho giáo, mà phải nâng cao và giải quyết đời sống ấy theo tinh thần Phật giáo và xem đó là một nguồn suối tâm linh của con người, và của cả Dân tộc. Khi nguồn suối tâm linh nhân ái, từ bi chảy vào trong đời sống của con người, thì gia đình ổn định, xã hội an hòa. Trong nếp sống gia đình, cha là cha, mẹ là mẹ, con là con và trong xã hội, vua là vua, quan là quan, dân là dân và không có sự lầm lẫn giữa vị trí nầy với vị trí khác. Từ xưa đến nay, luật pháp của các quốc gia tiến bộ trên thế giới không ra ngoài năm giới của đạo Phật và mọi hiến pháp, luật pháp đều được thiết lập trên nền tảng của năm giới ấy. Chúng ta thử nghĩ có luật pháp nào ca ngợi, hay cho phép hành vi giết người không? Nên ngay giới thứ nhất trong năm giới của đạo Phật là cấm giết hại con người và chúng sinh. Giới thứ hai là cấm trộm cắp, không có bất cứ luật pháp của quốc gia nào ủng hộ việc trộm cắp cả. Trong giới luật của Phật giáo, cấm trộm cắp dù dưới bất cứ hình thức nào, để tạo nên sự quân bình giữa cung và cầu, và bảo đảm tính chất công bằng của xã hội. Giới thứ ba là cấm tà dâm, thử hỏi có luật pháp của quốc gia tiến bộ nào ủng hộ sự tà dâm không? Nếu tà dâm, thì sẽ đưa đến những tệ nạn xã hội khác, nên những quốc gia man rợ, kém cỏi mới hỗ trợ cho việc mua dâm và bán dâm. Chính vì thấy được những sự nguy hiểm cho nhân cách con người và xã hội, do tà dâm mang lại, nên giới luật của Phật giáo đã cấm. Nam và nữ chỉ quan hệ với nhau hợp pháp, hợp pháp ở đây là được sự đồng ý của hai bên và phải được hai gia đình của hai phía đồng tình cũng như được luật pháp quốc gia bảo hộ. Nếu thiếu một trong những yếu tố trên, thì sự quan hệ nam nữ đều là phi pháp. Từ đó chúng ta có thể thấy được luật của Phật cực kỳ văn minh, nó tạo nên những ảnh hưởng tốt cho đời sống của con người, gia đình và xã hội. Giới thứ tư là cấm nói láo. Nói láo là gì? Nói láo là tâm chúng ta nghĩ một đường, mà miệng của chúng ta lại nói một nẻo. Tâm chúng ta nghĩ một đường, nhưng thân chúng ta lại hành động một nẻo, như vậy gọi là nói láo và làm láo. Chúng ta thấy có quốc gia văn minh nào trên thế giới mà luật pháp của họ lại ca ngợi sự nói láo đâu! Chúng ta, ai lại không mong muốn được nghe sự thật, ai cũng mong muốn tìm hiểu sự thật, cho nên giới thứ tư của đạo Phật đã nói lên được cái khát vọng của con người. Chúng ta có biết rằng, chính trí tuệ, tri thức, và ý thức là những cái quý báu nhất của loài người. Con người khác con vật chỉ ở ý thức cao cấp, vậy lấy cái gì để bảo vệ cái ý thức, cái trí thức, cái trí tuệ cao cấp đó, phải lấy giới thứ năm của Phật giáo là cấm uống rượu hay cấm sử dụng các chất men có khả năng làm tê liệt ý thức để bảo vê. Rượu hay những chất men ấy nếu ta sử dụng, nó có khả năng gây tê liệt ý thức, trí thức và trí tuệ của chúng ta, đẩy chúng ta xuống với đời sống bản năng, thú vật. Chúng ta thấy có quốc gia nào cổ vũ cho việc gây mê con người đâu! Cho nên, bây giờ người ta mới cấm buôn lậu ma tuý, thuốc phiện, còn rượu thì chưa cấm nấu và bán. Trong khi đó, đạo Phật đã cấm triệt để nấu, bán và uống rượu. Vì vậy, một xã hội văn minh, công bằng là một xã hội nào? Đó là xã hội con người đến với con người bằng tình người, biết thương yêu nhau, biết bảo vệ nhau và không tàn hại lẫn nhau. Xã hội công bằng, văn minh là xã hội, trong đó không ai được xâm phạm vào tánh mạng và tài sản của ai. Xã hội công bằng, văn minh là một xã hội mà mọi phẩm giá của con người được tôn trọng và sự thực phải được bảo vệ. Xã hội đó phải không ngừng nâng cao ý thức tự giác, tự trọng và trí tuệ của con người. Những chất liệu văn minh đó đã trở thành nếp sống của người Phật tử Huế nói riêng và người Việt Nam nói chung, chúng đã làm nền tảng cho đạo đức xã hội và dù cho một xã hội văn minh đến đâu cũng không thể vượt qua rào cản đó. Gọi là một xã hội công bằng và văn minh, thì không thể là giết người hàng loạt. Xã hội công bằng văn minh thì không thể làm ít hưởng nhiều, không thể bày đặt ra những lề lối hành chánh phức tạp để gây khó dễ con người nhằm thủ lợi, nhằm ăn hối lộ. Sống trong một xã hội mà nam nữ hư thân mất nết thì không thể gọi là một xã hội công bằng văn minh. Con người không còn tin tưởng vào phẩm giá và lời nói của nhau, họ xem thường phẩm giá và nói láo với nhau như ăn cơm bữa thì làm sao gọi là một xã hội công bằng văn minh! Trái mướp đắng ngày qua mới còn nhỏ, hôm nay bơm chất hóa học vào cho nhanh lớn để đem bán lấy tiền, cái đó gọi là văn minh khoa học kỹ thuật, nhưng lại là đại tụt hậu về văn minh nhân bản. Con gà lẽ ra một ngày đẻ một trứng, mình dùng phương pháp khoa học để nó đẻ một ngày hai, ba quả trứng, như vậy là gọi là văn minh sao! Bóc lột con người đã tàn nhẫn, huống chi là phỉnh gạt và bóc lột những loài thấp kém hơn mình. Cho nên, giáo lý đạo Phật không những bảo vệ con người, bảo vệ công bằng lẽ phải mà còn tôn trọng và bảo vệ muôn loài, muôn vật và thiên nhiên nữa. Chính vì vậy, trải qua hơn hai ngàn năm lịch sử, Phật giáo đã gắn liền với Dân tộc Việt Nam. Dân tộc thịnh thì Phật giáo thịnh; Phật giáo thịûnh thì Dân tộc thịnh. Phật giáo thịnh thì đạo đức, nề nếp văn hóa được phát triển. Phật giáo suy thì Dân tộc suy, vì không còn cơ sở đạo đức để duy trì. Và trong hai ngàn năm suy thịnh ấy của Dân tộc và của Phật giáo, thì Phật giáo Huế đã gắn liền với vận mệnh suy thịnh ấy gần ngót bảy trăm năm. Trong thời gian gần ngót bảy trăm năm ấy, Phật giáo Huế vừa bao dung vừa gạn lọc để tạo nên những tinh chất đặc thù của chính mình.

Cởi mở những nghi tình:

Thưa quý vị, chúng tôi đã chia sẻ đến quý vị về lịch sử Phật giáo Việt Nam nói chung và Phật giáo Huế nói riêng, bây giờ quý vị có thắc mắc gì không?

Sinh viên hỏi:

- Vì sao dĩa trái cây trên bàn thờ luôn có một quả cao hơn những quả khác?

Đáp:

Quý vị biết không, khi ta cắm một bình hoa, hay đơm một dĩa trái cây, thì luôn có một cái cao hơn để làm chuẩn cho những khác. Nó được xem như làm trụ cột cho những cái khác dựa vào để sinh khởi và tồn tại. Cho nên, trong giáo lý Phật giáo đã nói rằng, mọi sự hiện hữu không có gì ngoài Nhân và Quả! Cái giữa mà cao là biểu tượng cho nhân, từ nơi nhân mà sinh khởi quả và ngay nơi quả ấy lại sinh khởi nhân.

Quý vị có thấy chiều sâu tâm linh của tổ tiên ta không, tổ tiên chúng ta làm bất cứ cái gì cũng có một ý nghĩa sâu xa. Khi cắm một bình hoa, thì bình hoa đó phải nói lên được một ý nghĩa gì? Khi đơm một dĩa trái cây, thì dĩa trái cây ấy phải nói lên được một ý nghĩa gì?  Chính từ ý nghĩa đó mà sinh khởi triết lý, văn hoá, nghệ thuật, thẩm mỹ, văn chương... Chiêu sâu của văn chương là triết lý, chiều sâu của triết lý là đạo lý và chiều sâu của đạo lý là tâm linh, và phải là con người có chiều sâu linh mới cảm nhận được điều đó. Còn nếu chúng ta sống hời hợt, thì sống suốt đời chỉ lo cơm ăn, áo mặc, chúng ta sinh ra chỉ để lăng xăng với những cái đó, rồi chết đi, cuộc sống của con người chỉ chừng ấy thôi, thì  thật là buồn cười và vô duyên!

Sinh viên hỏi:

- Tại sao trong chùa lại có nhà sư mặc áo đà, có sư mặc áo vàng, có sư mặc áo lam?

Đáp:

Trong pháp phục của Phật giáo, có pháp phục nghi lễ, có pháp phục thường nhật. Thường phục trong chùa và thường phục đi ra ngoài. Y phục màu vàng dành cho những buổi lễ tôn giáo. Áo tràng dài màu nâu dành để đi ra ngoài xã hội và cho những buổi lễ có tính chất hành chánh, giảng dạy. Y phục màu lam, hay đà dành cho những sinh hoạt hàng ngày  trong chùa. Chiếc áo của vị Tăng sĩ mặc gọi là chiếc áo hoại sắc. Hoại sắc là màu sắc chính bị phá hỏng, nghĩa là người Tăng sĩ Phật giáo không đi theo màu sắc của thế tục, không để bị màu sắc của thế  tục cuốn hút, chi phối. Người Tăng sĩ Phật giáo phải đi theo tâm Bồ-đề, quay về ôm lấy tâm ấy nơi chính mình và làm cho tâm ấy càng lúc càng lớn m ạnh, vững chãi. Bởi vì tâm là gốc rễ của mọi vấn đề dù là Niết-bàn hay sinh tử, dù là giác ngộ hay mê lầm, dù là phàm hay thánh. Nên, mặc chiếc áo hoại sắc nó có một ý nghĩa sâu xa như vậy.

Sinh viên hỏi:

- Năm giới cấm là giới căn bản của Phật giáo đồng thời  các nước cũng thiết lập luật pháp dựa trên cơ sở đó. Xin Thầy chia sẻ ý nghĩa sâu sắc ở trong đó.

Đáp:

Giới luật của Phật giáo sâu sắc lắm! Nếu quý vị xây dựng một ngôi nhà, nhưng nền móng không vững chãi, thì ngôi nhà đó sẽ thế nào?  Có  phải bị sụp đổ hay không? Cũng vậy, con người muốn tiến lên cao hơn, thì phải thiết lập căn bản đạo đức từ năm giới. Năm giới cấm là đạo đức căn bản của cuộc sống, là nền tảng đạo đức của con người dù người ở châu Âu hay châu Á, dù là người xưa hay người nay, nếu vượt qua năm điều đó là phi đạo đức, là không còn nhân tính. Nền tảng đạo đức được thiết lập trên nền tảng của năm giới, trong thuật ngữ chuyên môn của Phật giáo gọi là nền tảng đạo đức ấy là đạo đức tự nhiên của con người. Cũng từ năm giới đó mà con người có thể đi lên cao hơn, để trở thành một bậc Thánh, nên năm giới là điểm gặp gỡ giữa con người và thánh nhân. Nếu sự sinh hoạt của con người dưới mức năm giới, thì điểm đến của con người là thú vật.

Quý vị nghĩ như thế nào là một con người hạnh phúc trong thế giới loài người? Đó là điều mà chúng ta phải đặt ra và đi tìm một giải mã cho nó. Chúng ta đi tìm đạo đức, chúng ta đi tìm hạnh phúc, chúng ta muốn hoàn thành nhân cách đạo đức của mình, nhưng chúng ta không biết chất liệu nào tạo nên nhân cách đạo đức và hạnh phúc cho chúng ta thì làm sao chúng ta có thể tìm kiếm, tạo ra và sống cùng với chúng? Và thế nào là một mẫu người lý tưởng ở trong thế giới loài người?

Mẫu người lý tưởng ở trong thế giới loài người phải là mẫu người có được năm chất liệu sau đây:

Thứ nhất là người sống lâu:

Ai trong chúng ta lại không muốn mình sống lâu, từ người nghèo cho đến người giàu, người trí cũng như người ngu, từ con vật trong rừng sâu đến con vật ở dưới nước, có ai muốn mình chết sớm đâu! Tất cả đều muốn sống lâu. Sống lâu là khát vọng muôn thuở của con người, vậy thì con người phải giữ giới không giết hại sự sống. Nếu chúng ta không tôn trọng sự sống của mọi người và mọi loài, thì mọi người và mọi loài cũng chẳng tôn trọng sự sống của chúng ta. Chúng ta có tôn trọng sự sống, thì chúng ta mới sống lâu được. Nên, giữ giới không giết hại sự sống sẽ tạo ra chất liệu sống lâu cho chính chúng ta.

Thứ hai là sống giàu có:

Sống lâu mà nghèo khổ, đói không có cơm ăn, lạnh không có áo mặc, sống lâu mà phải đi xin ăn, như vậy có khổ không? Vậy, ước vọng thứ hai của con người là giàu có! Muốn giàu có thì chúng ta phải làm gì? Chúng ta phải tôn trọng tài sản của người khác, cái làm cho chúng ta nghèo đi là ăn trộm. Ăn trộm là do tham. Tham làm cho chúng ta nghèo. Ở trong đời có người nào tham mà giàu đâu! Dù cho họ ở nhà lầu, tiền bạc đầy kho, nhưng mà tham thì họ vẫn nghèo, vẫn lo lắng, sợ hãi và khổ đau thôi! Vì tham nên đi ăn trộm, không ai tham mà giàu cả. Nên chúng ta muốn giàu có thì phải giữ giới không trộm cắp. Giữ giới không trộm cắp có khả năng chế tác ra chất liệu giàu có.

Thứ ba sống đẹp đẽ cả thân thể lẫn tâm hồn:

Sống lâu, giàu có nhưng xấu xí, như vậy có hạnh phúc không? Ai cũng thích sống lâu, giàu có, thân thể đẹp đẽ. Muốn vậy, chúng ta phải giữ giới không được tà dâm. Giữ giới nầy có khả năng chế tác ra sắc đẹp của thân thể và tâm hồn.

Thứ tư sống có uy tín và danh thơm:

Sống lâu, giàu có và đẹp đẽ, nhưng cái đẹp như cái đẹp của hoa nhựa thì có ai muốn không?  Đẹp, nhưng phải có danh thơm, phải có uy tín, cái đẹp đó phải không bị người khinh, đẹp phải có hương vị, để được như vậy chúng ta phải giữ giới không nói láo. Một đứa con nít, nhưng nó biết nói thật, nói đúng, thì nó vẫn có được uy tín. Còn người lớn mà nói láo, nói xuyên tạc, thì vẫn bị người ta khinh. Người ta chỉ nói láo một, hai lần, đến lần thứ ba mà nói láo, thì chẳng còn ai tin nữa. Nên ở đời có những người sống lâu, giàu có, đẹp đẽ nhưng hay đi lừa bịp người khác, nên họ chẳng có uy tín gì, họ đi đến đâu cũng như đem hoa nhựa đi theo vậy và cuộc sống của họ như loại hoa nhựa vậy. Giữ giới không nói láo có khả năng chế tác ra những chất liệu uy tín và danh thơm trong cuộc sống.

Thứ năm sống có hiểu biết và thông minh:

Con người sống lâu, giàu có, đẹp đẽ, có uy tín, nhưng lại thiếu sự hiểu biết chuẩn xác, thiếu trí tuệ để quyết trạch mọi vấn đề thì cũng không thể gọi là người sống có hạnh phúc được. Vậy, muốn có trí thức, có trí tuệ và muốn có uy tín để quyết đoán mọi vấn đề một cách chính xác thì phải giữ giới không được uống rượu, hay không được sử dụng những chất làm tê liệt ý thức. Giữ giới không uống rượu và không sử dụng những chất làm tê liệt ý thức, không những chúng có khả năng bảo toàn cho sự sống lâu, giàu có, thân thể đẹp đẽ, và sống có uy tín, danh thơm mà còn có khả năng chế tác ra sự hiểu biết và thông minh nữa.

Như vậy, theo Phật giáo một mẫu người lý tưởng, sống hạnh phúc giữa thế giới loài người phải là người hội đủ năm chất liệu: sống lâu, giàu có, đẹp đẽ, uy tín và có trí tuệ. Con người đầy đủ năm chất liệu trên là một con người hạnh phúc. Muốn được vậy, chúng ta phải thực hành những điều Phật dạy. Chính nhờ giữ năm giới đó mà chế tác ra phẩm chất hạnh phúc  của con người và từ đó đời sống con người mỗi ngày mỗi đi lên.

Trong gia đình, từ một người giữ năm giới, hai người giữ năm giới, đến năm, bảy người ai cũng giữ gìn năm giới như vậy, chắc chắn sẽ chế tác ra chất liệu hạnh phúc cho gia đình. Nhiều gia đình biết giữ gìn năm giới quý báu ấy, sẽ chế tác ra chất liệu bình an cho xã hội. Trong một quốc gia từ vị nguyên thủ cho đến muôn dân, ai cũng biết giữ gìn năm giới quý báu nầy, thì quốc gia ấy sẽ chế tác chất liệu thanh bình thịnh trị, chứ còn chạy đi tìm kiếm sự thanh bình thịnh trị ở nơi nào!

Ở Việt Nam, chùa Một Cột tại Hà Nội được xây dựng từ đời Lý là có ý nghĩa gì? Tại sao lại là một cột? Vào đời Lý, Phật giáo là tư tưởng chủ đạo để xây dựng và phát triển đất nước, là cột trụ duy nhất để chống đỡ đất nước từ bốn phía và phát triển ra cả bốn phía. Tất cả những những làn văn hóa những tư tưởng bên ngoài đi vào Đại Việt đều thẩm thấu và gạn lọc bởi tư tưởng trụ cột của đất nước và từ tư tưởng trụ cột đó phát triển ra khắp cả bốn phương, đó là ý nghĩa chùa Một Cột. Nó tiêu biểu cho cột trụ của đất nước là chống đỡ và phát triển đất nước này ra khắp cả bốn phương.

Như vậy, quý vị đã thấy được sự ảnh hưởng rất lớn của Phật giáo trên đất nước Việt Nam cũng như trên xứ Huế, và giáo lý Phật giáo đã đi vào lòng người như thế nào rồi! Con người ta khi đã no cơm, ấm áo rồi, thì con người là phải là người kia! Tức là phải có sự thăng hoa, chứ không dừng lại ở cơm ăn, áo mặc. Nếu chỉ có cơm ăn, áo mặc, thì con người đâu đến nỗi vất vả và đau khổ đến như thế, và các loài vật khác đâu có phải đau khổ đến như thế tại bởi sự tàn hại của con người!

Những gì tôi đã chia sẻ đến quý vị thật quá ít ỏi, so với những gì mà Phật giáo đã đóng góp vô cùng lớn lao cho thế giới con người nói chung và cho đất nước Việt Nam nói riêng. Sau cùng tôi xin cám ơn quý Thầy, cô giáo và các sinh viên, đã vì sự nghiệp trí thức mà đã nỗ lực học hỏi và biết lắng nghe những gì chúng tôi đã chia sẻ. Kính chúc quý vị có nhiều hạnh phúc và an lạc để học hỏi, thăng hoa và phụng sự.

Cuối cùng, vị giáo viên hướng dẫn đoàn đứng dậy cám ơn Thầy đã cho họ cơ hội nghe Phật pháp, điều vô cùng hữu ích cho đời, mà tuổi trẻ hiện nay rất cần thiết để áp dụng vào cuộc sống.

Sau buổi giảng Đạo pháp đầy ý nghĩa, quý Thầy, cô giáo viên cùng các em sinh viên trường Đại học Vinh có thêm được nhiều sự hiểu biết mới và  cảm thấy rất là hạnh phúc khi đến Huế tìm hiểu và nghiên cứu Phật giáo.

 

(Pháp thoại TT Thích Thái Hòa giảng cho các giáo viên và sinh viên của Đại học Vinh tại Thiền đường Trăng Rằm, chùa Từ Hiếu, ngày 22/04/2004, do các đệ tử Nhuận Từ Nguyên, Nhuận Hạnh Châu, Nhuận Tịnh Phương phiên tả).