THANH THIẾU NIÊN VÀ VẤN ĐỀ HỌC PHẬT

 

Trong không khí tưng bừng hân hoan của những ngày tháng Tư lịch sử, 35 năm kỷ niệm chào mừng ngày Giải Phóng Miền Nam, thống nhất Tổ Quốc với đại thắng mùa xuân 30/04/0975-30/04/2010 và tiến tới ngày hội lớn của Dân tộc -  Ngày đại lễ của toàn dân ta: “1000 năm Thăng Long Hà Nội”, chúng ta lại hướng cả tấm lòng Tôn kính và Biết ơn vô cùng đến Chủ Tịch Hồ Chí Minh- Vị lãnh tụ thiên tài – người Thầy kiệt xuất của Cách Mạng VN- người cha già muôn vàn kính yêu của Dân tộc:      

                    “Người là Cha, là Bác, là Anh

 

               Quả tim lớn lọc trăm dòng máu đỏ”  

 

                                           (Tố Hữu) 

 

Trái tim lớn nhân hậu, bao dung của Người luôn dành một phần lớn cho thế hệ tương lai của đất nước: “Vì lợi ích mười năm trồng cây_ vì lợi ích trăm năm trồng người”. Sự nghiệp trồng người là trách nhiệm chung của toàn xã hội! Hơn lúc nào hết, với những vấn nạn đang là nỗi đau chung của xã hội hiện nay như là nạn bạo hành gia đình, ngược đãi trẻ em, tình trạng bạo lực học đường ngày càng có xu hướng gia tăng…đã và đang là lời cảnh báo về trách nhiệm của mọi người, mối quan tâm của gia đình, nhà trường và xã hội với vấn đề giáo dục nhân cách và bồi dưỡng tâm hồn đạo đức cho Thanh thiếu niên _ Những chủ nhân tương lai của đất nước sau này! “Đạo pháp Dân tộc và Chủ nghĩa Xã hội” không thể tách rời! Đó là phương châm sống, tu học và hoằng pháp của những người tu học Phật ngày nay! Nhân dịp Hội thảo và Tập huấn Hoằng pháp toàn quốc năm nay 2010- PL 2554 với một ước nguyện là được góp sức và chung tay vào cùng với XH vì “Trẻ em hôm nay, thế giới ngày mai”. Vì sự nghiệp chung của toàn xã hội là vun trồng đạo đức cho tuổi trẻ VN, tương lai của đất nước và dân tộc; cùng với nỗi trăn trở về sự sa sút phẩm hạnh và đạo đức với các hành vi bạo lực trong thanh thiếu niên ngày một gia tăng như hiện nay đã thôi thúc chúng con góp mặt trong bài tham luận: “Thanh thiếu niên và vấn đề học Phật”.

 

A. Nhận thức tình hình chung:

 

Chúng ta biết rằng, tuổi trẻ là lứa tuổi năng động, ham học hỏi, ham hiểu biết, thích tìm tòi, thích khám phá cuộc sống, và luôn muốn tự khẳng định mình nhưng đồng thời cũng rất dễ bị tổn thương bởi vì tâm hồn các em như một tờ giấy trắng mong manh, nên rất cần được sinh hoạt học tập và vui chơi trong một môi trường lành mạnh, nếu không may bị vấp ngã vì hoàn cảnh sống và môi trường giáo dục không tốt thì sự sa sút về đạo đức của các em sẽ là một nỗi lo cho gia đình, là gánh nặng của nhà trường và xã hội. Thử tìm vào những nguyên nhân khách quan, cũng như chủ quan đã ảnh hưởng đến sự xuống cấp trầm trọng về đạo đức và học lực của các em, chúng ta không khỏi bàng hoàng và trăn trở khi chính các em nhỏ đang là nạn nhân của các loại phim ảnh, sách báo không tốt, các trò chơi game bạo lực và cuộc sống lạnh lùng thực dụng của một số người lớn hiện nay trong thời buổi kinh tế thị trường… Liên tục những hành vi “Bạo lực học đường” trong thời gian gần đây đã và đang là vấn nạn của nhà trường, gia đình và xã hội.

 

Tìm hiểu, phân tích, mổ xẻ, để rút kinh nghiệm và đưa ra giải pháp cho vấn đề này, đó là một mong muốn nhỏ bé của chúng con khi tham gia hội thảo về ngành Giáo dục Phật giáo trong bối cảnh hiện đại - Một bối cảnh mà xã hội đang cần và rất cần những đại nhân duyên để mang Phật pháp vào đời. Có thể nói rằng, học Phật là phương pháp xoa dịu nỗi khổ niềm đau, tránh bớt những lỗi lầm, góp phần khống chế những tệ nạn xã hội, nâng cao trình độ nhận thức, điều chỉnh nhân cách đạo đức con người, nhằm đem đến đời sống lành mạnh, hạnh phúc an vui cho hiện tại và tương lai!

 

Sau đây chúng con xin trình bày các vấn đề như: Hướng dẫn các em thanh thiếu niên cách tiếp cận Phật pháp; Thực tập Phật pháp và tham gia các hoạt động của Phạt giáo; Ứng dụng Phật pháp vào đời sống hàng ngày của các bạn trẻ. Có thể nói đây là những phương hướng vận dụng thiết thực trong buổi đầu đem đạo pháp đến với lứa tuổi thanh thiếu niên.

 

 

 

 

B. Phương hướng vận dụng thiết thực:

 

 

 

 

1. Trang bị kiến thức Phật giáo cho Thanh thiếu niện:

 

Chúng ta biết rằng, Phật giáo truyền vào Việt Nam ta đã trên 15 thế kỷ, tinh thần từ bi trí tuệ, hiếu đạo lễ nghĩa, v.v.. của đạo Phật đã thấm nhuần vào tinh thần dân tộc, và hiển nhiên đã trở thành một phần của truyền thống văn hoá dân tộc. Chúng ta có thể khẳng định như thế là vì ông bà ta thường nói: “Đất vua, chùa làng, phong cảnh Bụt”, hay “Ðạo Phật là đạo của ông bà” “Thờ Cha, kính Mẹ, kỉnh Phật, trọng Tăng” v.v.. Thử nhìn về lịch sử của dân tộc, vào thời đại nhà Trần chúng ta có Vua Trần Thái Tông là một vị Vua Phật tử. Khi đã thấm nhuần tư tưởng đạo Phật và giác ngộ lẽ thực của nhân sinh, Vua đã giành phần lớn cuộc đời còn lại của mình nghiên cứu Kinh điển, để đem lại sự thịnh hưng cho nền Phật giáo nước nhà và cuộc sống an lạc cho mình và mọi người. Thế đấy, đạo pháp của Phật chỉ có giá trị khi và chỉ khi chúng ta ứng dụng vào đời sống thực tiễn, vào sinh hoạt hàng ngày. Nếu chúng ta chỉ tìm hiểu giáo lý, hoặc tiếp nhận một nghi lễ nào đó của Phật giáo mà không học tập và ứng dụng đúng chánh pháp thì Phật pháp mất đi giá trị thực tiễn và tính giáo dục của Phật giáo. Chúng ta biết rằng quy y Tam Bảo là một may mắn và phúc duyên lớn cho những ai có duyên lành được làm người! Hơn nữa, lại là một người con Phật! Một phật tử thuần thành chân chính! Chính vì vậy mà các bậc Cha Mẹ nên đưa các em đến chùa để được nghe giảng dạy về ý nghĩa và sự lợi ích của việc Quy y. Tuy nhiên, ngoài việc quy y Tam Bảo để các em có được phước duyên gần gũi với Phật pháp, thì những người làm công tác giáo dục cần phải truyền trao những kiến thức ứng dựng thực tế. Có như thế mới thể hiện được giá trị, tác dựng của Phật pháp vào cuộc sống của Người học Phật hiện tại cũng như mai sau.

 

Tuổi trẻ học Phật để tâm hồn thánh thiện, người lớn học Phật để nhận thức được chân lý trong cuộc sống, người già học Phật đễ chọn cho mình một nơi an trú thảnh thơi, nhẹ nhàng sau những tháng ngày tất bật với cuộc sống mấy mươi năm qua. Tại sao nói rằng tuổi trẻ học Phật để tâm hồn thánh thiện? Trong kinh Pháp Cú phẩm Song yếu Đức Phật có dạy rằng: “Trong các pháp, tâm dẫn đầu, tâm tạo tác tất cả, nếu ta nói và làm với tâm thanh tịnh thì hạnh phúc sẽ theo ta như bóng theo hình, nếu ta nói và làm với tâm ô nhiễm thì khổ đau sẽ theo ta như bánh xe theo sau chân con bò kéo.” Trang bị kiến thức là trang bị nền tảng vào đời, là cơ sở định hướng tương lai, là công cụ để gạn lọc và điều chỉnh phần nào những hiểu biết phiếm diện, nhận thức lệch lạc, những thói hư tật xấu, những tệ nạn xã hội, v.v.. Chúng ta cần bồi dưỡng cho các em một nền tảng kiến thức chân chánh, một tâm lành thánh thiện, từ đó sẽ đưa đến niềm tin chân chánh và sáng suốt. Khi đã có được nhận thức đúng đắn và niềm tin vững chãi thì chắc chắn rằng sẽ có những biểu hiện hành vi chân chánh mang tính đạo đức. Từ đó, các em sẽ trở thành những người hữu dụng, có ích cho gia đình và xã hội.

 

Học Phật pháp là nhằm giúp các em noi gương từ bi của Đức Phật và các vị Bồ Tát thánh nhân mang hạnh từ bi trí tuệ và giải thoát vào đời. Học Phật để hiểu rõ thế nào là từ bi, khi đã có lòng từ thì ngay cả loài vật nhỏ còn không dám giết hại thì làm sao dám cầm dao đoạn tận sanh mạng của con người? Cho nên người có trí tuệ thì không bao giờ gây ra những việc đưa đến khổ đau cho chính mình và người khác. Bởi lẽ ai làm người cũng muốn mình được yêu thương được sống ấm no và hạnh phúc. Thì không lý do gì mà mình gây đau khổ và phá hoại hạnh phúc của người khác.

 

Hiện nay, ngày nào chúng ta cũng thấy những thông tin về chiến tranh, khủng bố, tai nạn thiên tai (sóng thần, động đất, lũ lụt, cháy rừng…) xảy ra. Liên tiếp đe dọa cuộc sống bình an của loài người. Chúng ta thử đặt câu hỏi, thế giới đã đạt đến đỉnh cao của các nền văn minh, khoa hoc... nhưng tại sao ngay giờ phút này, trong lúc chúng ta đang hiện diện tại đây thi rất nhiều nơi khác con người đang sống trong lo sợ khổ đau, sống trong ưu tư sầu muộn? Ngoài những nguyên nhân khách quan, trong đó có không ít tai nạn do con người trực tiếp gây ra. Phải chăng chính con người là tác nhân gây ra và cũng chính con người là nạn nhân gánh lấy những hậu quả? Phải chăng con người ngày càng thiếu lòng từ bi? Một khi thế giới thiếu lòng từ bi, nhân loại không biết thương yêu chia sẻ lẫn nhau thì chiến tranh là điều tất yếu. Xã hội thiếu từ bi nên dù có cố gắng nhưng chúng ta phải đối diện với những hành vi bạo lực và những con người lạnh lùng vô tâm, vô cảm trước những nỗi đau của người khác.

 

Tình trạng này có thể cứu vãn được, nếu chúng ta có một chương trình đào tạo và giảng dạy Phật pháp cho thanh thiếu niên được nghiên cứu và đầu tư một cách khoa học, thực tế và bài bản. Chúng con thiết nghĩ, muốn giúp các em nhỏ học và hiểu phật Pháp để hướng thiện thì chúng ta phải hoạch định một chương trình hành động cụ thể và thiết thực. Trước mắt là phải tập họp các em trong một gia đình chng nếu các em là con của các phật tử trong các tự viện mà chúng ta đã có GĐPT với mục đích chính đáng cao cả là dạy dỗ, giáo dục các em có tinh thần đòan kết và hướng thiện như chương trình chúng ta đã làm từ trước tới nay. Nhưng với sự mở rộng ý nghĩa cho ngày càng phù hợp với đà tiến triển của xã hội hiện đại. GĐPT phải là mái nhà chung cho con em phật tử đến để thường xuyên học hỏi tìm hiểu về giáo lý của Phật vô lượng vô biên nhưng thật gần gũi thiết yếu gắn bó với cuộc sống, sinh hoạt học tập và rèn luyện hằng ngày của các em chứ không cao siêu xa vời.

 

GĐPT là tổ ấm đòan kết tương trợ yêu thương để các em được quan tâm, chăm sóc, chia sẽ mỗi khi các em cần có chỗ dựa tinh thần lúc khó khăn thiếu thốn hay vấp ngã, hụt hẫng.

 

GĐPT phải là mái trường thứ hai để các em có điều kiện bổ trợ kiến thức, văn hóa tri thức, và hiểu biết về văn hóa xã hội, khoa học, thẩm mỹ nghệ thuật với đội ngũ huynh trưởng có trình độ học vấn và sống năng động, nhiệt tình với các em cùng với tủ sách thư viện tri thức do tập thể đóng góp để giáo dục tính ham học, tìm tòi, khám phá của tuổi trẻ.   

 

GĐPT phải là một tập thể sống vui, sống khỏe, sống lành mạnh và hướng thiện với một đội ngũ huynh trưởng mẫu mực có nhiệt tâm, nhiệt tình có một trình độ văn hóa, sẽ đóng góp phần giáo dục các em tốt hơn, ngoan ngoãn hơn và có tâm lành hướng thiện.

 

 Hơn thế nữa, một khi các bậc cha mẹ đã được học, hiểu và có được lòng tin chơn chánh và vững bền về Phật pháp thì các con em của họ cũng khó mà bị các nền văn hóa khác làm lung lay truyền thống của một gia đình Phật tử, cũng như cây đã bén rể vững vàng thì không sợ nghiên ngả.

 

 Trên đây chỉ là một số phác thảo về hướng phát triển và xây dựng GĐPT như một mái ấm gia đình, mái ấm của tình thương và lòng hướng thiện mà trong phạm vi và thời gian của một bài tham luận không thể nói hết được. Kính mong quý chư Tôn Đức hoan hỷ!

 

 

 

 

 Nếu được hành động thực thi thì việc xây dựng mái ấm của gia đình phật tử sẽ được nhân rộng và mở rộng thêm dưới hình thức các câu lạc bộ sinh hoạt cho thanh thiếu niên không phải là GĐPT. Để từ đó tập hợp được nhiều lớp thanh thiếu niên ngoài xã hội như thanh thiếu niên đường phố để giới thiệu và quảng bá người phật tử thanh thiếu niên hình ảnh với vẻ đẹp về đạo đức, nhân cách và lối sống đẹp, sống tốt cho chính mình và sống đẹp vì mọi người, vì cộng đồng và xã hội trên tinh thần giáo lý Phật Đà: nhân ái, từ bi, và hướng thiện sẽ được lan tỏa trong cộng đồng. Bằng phương tiện thông tin hiện đại với những trang web của GĐPT sẽ giới thiệu rộng rải trong mọi lúc mọi nơi như những bông hoa đẹp tỏa hương đạo đức và phẩm hạnh từ bi, lúc ấy cuộc đời sẽ an lành hạnh phúc biết bao!  

 

 

 

 

 

 

 

 

 

2. Thực tập những khóa tu ngắn ngày và các sinh hoạt Phật Giáo:

 

 

 

 

Như chúng ta đã biết, giáo dục là một lợi khí, công cụ để đào tạo nhân tài mà “Hiền tài là nguyên khí của Quốc Gia”cho nên tuổi trẻ của các em rất cần được giáo dục trong môi trường, tốt đẹp lành mạnh. Tục ngữ có câu: “Ở bầu thì tròn, ở ống thì dài” hay “Gần mực thì đen, gần đèn thì sáng”! Cha Mẹ gương mẫu, gia đình hạnh phúc, nhà trường nề nếp, thầy cô uy nghiêm, xã hội trật tự văn minh sẽ là môi trường tốt nhất để giáo dục các em. Sự quan tâm như thế nào và cách giáo dục ra sao, mức độ nghiêm túc như thế nào sẽ là nhân tố quyết định cho tương lai của các em? Cuộc sống là một dòng chảy không ngừng, người sau nối tiếp sự nghiệp của lớp người đi trước, và như vậy tuổi trẻ là thế hệ tương lai của xã hội.

 

Với tuổi trẻ, chúng ta cần ngăn chặn, hạn chế những trò vui chơi không bổ ích,  cần hướng đến sự học hành, vui chơi giải trí lành mạnh có văn hóa tạo ra những cảm hứng thích thú về học tập thì càng có lợi cho bản thân của các em, đó chính là nguyện vọng của các bậc cha mẹ và cũng là mối quan tâm của xã hội. Hiện nay các tự viện rất chú trọng đến đời sống tu học của thanh thiếu niên, đa phần đều có tổ chức sinh hoạt Gia đình Phật tử, tu một ngày an lạc, hoặc khóa tu mùa hè v.v… trong các khóa tu và hoạt động tu tập này thì được Chư tôn đức trực tiếp hướng dẫn cặn kẻ, tận tình. Từ cách đi, dáng đứng, khi ăn, lúc nói, từ cái xá cái lạy, cung cách cử chỉ…Đó cũng chính là bước đầu thực tập thu thúc lục căn, chế ngự thân tâm, ngoài ra còn có cơ hội phản tỉnh để thấy và sửa đổi thói hư tật xấu của chính mình còn ẩn giấu bên trong chưa được phát hiện hoặc đã phát hiện mà không đủ sức dõng mãnh để cải sửa.

 

Những điều mà chúng ta có thể nhìn thấy ngay được trong khi tu học là dù là trẻ hay già, dù là sang hay hèn, khi thực hiện nếp sống lục hòa, thì dù cơm rau đơn giản, dù nằm đất hay trên manh chiếu cũ kỹ cũng cảm thấy an vui và niềm an vui ấy vẫn luôn luôn hiện hữu và có thật ngay trong đời sống hàng ngày nếu chúng ta học hiểu và áp dụng Phật Pháp vào đời sống thường nhật. Đó chính là đang sống an lạc trong thiểu dục tri túc. Còn nhiều và rất nhiều điều hay và sự kỳ diệu nữa mà tùy theo từng cá nhân, cách học hiểu và áp dụng tu tập chúng ta sẽ có những kết quả an lạc tương ứng.

 

Kết quả thực tế cho thấy có rất nhiều thanh thiếu niên đã đã tiến bộ rất nhiều sau khi tham gia những khóa tu mùa hè tại chùa Hoằng Pháp cũng như các Tu Viện khác... Khi tham gia những hoạt động Phật giáo, những khóa tu ngắn ngày các em sẽ có cơ hội học hỏi, trao đổi với bạn bè, sách tấn cho nhau trên con đường hướng thiện. Từ sự an vui lợi ích cho riêng mình dẫn đến lòng từ nhân ái đem sự an lạc ấy đến cho mọi người!

 

3. Ứng dụng Phật Pháp vào đời sống thực tế:

 

Học hỏi để trau dồi kiến thức, thực tập ứng dụng tu tập các nguyên lý đạo đức giáo dục của Phật giáo, có thể giúp các bạn trẻ nhận thức và xử sự các vấn đề liên quan đến cuộc sống bản thân và các mối quan hệ của mình trong cuộc sống xã hội. Bởi vì, xã hội ngày nay không ít các bạn trẻ gặp phải những bế tắc, những khó khăn thử thách trong đời sống, trong học tập, trong công việc mà không tìm ra được phương pháp giải quyết, vì thế có khi đưa đến những hành vi tiêu cực; quan trọng hơn là có thể khiến các em nhận thức sai lệch về cuộc sống. Vì thế yếu tố trang bị kiến thức cơ bản là nền tảng để làm cơ sở nhận thức cho các em để rồi từ đó các em vững bước vào đời, xây dựng tương lai tươi sáng.

 

Ngoài ra, khi các em thực tập được lòng từ bi, tính độ lượng, biết thương cảm với mọi người xung quanh thì các em sẽ có những việc làm mang tính giáo dục, nhân bản, đạo đức, v.v.. Khiêng đất đắp lại những ổ gà trên đường thường xảy ra tai nạn; đến an ủi những cụ già neo đơn, tự tay mình giúp cụ già sữa lại cánh cửa xiêu vẹo; xóa nạn mù chữ cho các em vùng nông thôn; thăm những trẻ em mồ côi, khuyết tật bất hạnh…là những biểu hiện rất thực tiễn và lợi ích. Những việc làm đó không chỉ lợi ích cho mình, cho mọi người. Mà còn là hành vi hướng thiện Trong lúc làm việc như vậy, thì chính là lúc mình biểu hiện sự học tập và ứng dụng giáo lý Đức Phật để tự giải quyết mọi phiền não, hiểu rõ nhân quả luân hồi để tìm đường giải thoát cho mình và cho người. Từ những việc làm thực tế và tận mắt nhìn thấy cuộc sống bất hạnh của người khác khiến cho tăng trưởng tâm từ, yêu thương nhân loại hơn. Và cảm thấy an lạc khi mình làm được việc thiện lành đem lại lợi ích cho muôn người .

 

Tóm lại, chúng con vẫn biết rằng kiến thức tầm nhìn cũng như năng lực của bản thân còn giới hạn, nhưng trước thực trạng đau thương về việc xuống dốc trầm trọng đạo đức nhân cách của Thanh Thiếu Niên hiện nay đã khiến cho mọi người đều lo lắng. Một sự cảm thông, một lời chia sẽ và sự động viên đúng lúc và nghiêm túc đến từ các phía đang cần và rất cần cho việc tham gia xây dựng ngôi nhà chung cho nền giáo dục tuổi trẻ, nguồn nhân lực tương lai của xã hội. Và khi bàn về thực trạng và phương hướng giáo dục Thanh Thiếu niên, thiết nghĩ chúng ta cần có những hội thảo cần thiết, những diễn đàn dành cho các bậc phụ huynh kết hợp với các đoàn thể và các tự viện để tìm ra phương cách giáo dục cụ thể cho từng địa phương. Với tinh thần hành đạo của người con Phật chúng con hoàn toàn tin tưởng rằng hướng các em thanh thiếu niên học Phật Pháp để giúp các em có được nếp sống an hòa vui tươi lành mạnh mà tuổi trẻ của các em cần phải có, là một phương pháp tốt nhất trong các phương pháp giáo dục kết hợp chặt chẽ giữa gia đình, nhà trường, xã hội trong bối cảnh hiện nay chăm sóc và giáo dục thanh thiếu niên là trách nhiệm chung của toàn xã hội.

 

Tâm hướng thiện, lòng từ bi được hình thành và phát triển sẽ cho ta một trái tim nhân ái biết cảm thông, yêu thương và chia sẽ cùng với lòng khát khao ham học hỏi, óc sáng tạo, tư duy năng động muốn được học tập làm việc và cống hiến sẽ góp phần đào tạo nên một thế hệ thanh thiếu niên VN, tuổi trẻ VN nhân hậu, giàu lòng yêu thương có khát vọng cống hiến để xứng đáng với ước nguyện lớn lao của Bác Hồ kính yêu luôn kỳ vọng và thế hệ thanh thiếu niên_Tuổi trẻ của thời đại Hồ Chí Minh: “Non sông VN có trở nên vẻ vang hay không? Dân tộc VN có được vẻ vang sánh vai cùng các cường quốc năm châu hay không? Chính là nhờ một phần lớn ở công lao học tập của các cháu!” Nghĩ và làm được như vậy là chúng ta đã góp phần thiết thực nhất khi gắn liền “Đạo pháp Dân tộc với CNXH”. Bởi lẽ Đạo Phật là Đạo Từ Bi, Đạo cứu khổ, nơi đâu có Đạo Phật là nơi đó có tình thương, an vui và hạnh phúc. Với một chút suy tư lắng đọng, một tấm lòng hướng về thế hệ trẻ tương lai, hy vọng của Tổ Quốc và dân tộc, một sự trăn trở nhức nhối trước những vấn nạn xã hội đã và đang có chiều hướng gia tăng như hiện nay mà tiêu biểu là vấn nạn “Bạo lực học đường”. Chúng con góp một bài tham luận hôm nay: “Thanh thiếu niên và vấn đề học Phật” như một ước nguyện nhỏ bé là được góp là được góp sức chung tay vào xây dựng mái ấm tình thương_hướng thiện của lòng nhân ái tâm từ bi của những người con Phật! Bởi vì sống trơng đời sống cần có một tấm lòng.

 

 TN. Thoại Liên - Kiên Giang

(banhoangphaptw.com)