Tin tức Phật giáo Thế giới (tuần thứ 3, tháng 11, 2010)

 

 

TRUNG QUỐC: Long Môn Động ở tỉnh Hà Nam

 

Hang động Long Môn toạ lạc gần thành phố Lạc Dương, tỉnh Hà Nam (Trung quốc) là một kho tàng của nghệ thuật hang động Phật giáo thời cổ. Các hang này được đục đẽo và chạm khắc trong suốt triều đại Bắc Ngụy (386-534), khi những người cai trị dời đô đến Lạc Dương vào gần cuối thế kỷ thứ 5. Thời đó, Phật giáo đang lan rộng về phiá đông vào Trung quốc, và được triều đình sùng bái. Các Phật tử đã chọn việc tạo tác những đền thờ chạm khắc trên đá để dâng lên Đức Phật.

 

Việc xây dựng các hang động Long Môn bắt đầu vào năm 493 dưới thời trị vì của Hoàng đế Xiaowen và tiếp tục trong suốt 6 triều đại tiếp theo, bao gồm cả nhà Đường và nhà Tống, trong khoảng thời gian hơn 400 năm. Tổng cộng có 1.352 hang động, 785 hốc, hơn 97.000 tượng Phật, Bồ tát và La hán, và 3.680 bia đá - dọc theo vách đá dài 1 km của núi Long Môn ở phía đông và núi Xiangshan ở phía tây sông Y Hà ( nam Lạc Dương).  
(China.org.cn - November 16, 2010)

 


AFGHANISTAN: Di tích Phật giáo thế kỷ thứ 7 bị đe doạ huỷ hoại

 


Các nhà khảo cổ tại Afghanistan đã cảnh báo rằng họ đang chạy đua với thời gian để cứu một di tích tôn giáo quan trọng của thế kỷ thứ 7, được khai quật dọc theo Con đường Tơ lụa nổi tiếng. Các phế tích của địa điểm này nằm trên một mỏ đồng lớn thứ hai thế giới chưa được khai thác.
Di tích toạ lạc tại Mes Aynak ở tỉnh Logar, miền đông Afghanistan. Các phế tích được phát hiện bởi những công nhân đại diện của công ty Trung quốc MGC, đơn vị sẽ khai thác mỏ đồng nói trên.
Các nhà khảo cổ học lo ngại rằng phần lớn của tu viện Phật giáo 2.600 năm tuổi này có thể bị huỷ hoại một khi công việc tại mỏ bắt đầu.
Công ty MGC và chính quyền Afghanistan đã đạt thoả thuận, bước đầu cho các nhà khảo cổ học 3 năm để thực hiện việc khai quật cứu hộ.
Nhà khảo cổ học người Mỹ Laura Tedesco nói rằng di tích này quá lớn, phải cần một chiến dịch khảo cổ 10 năm, vì 3 năm thôi thì chỉ đủ để lập tài liệu về những gì có ở nơi đây.
Đến nay đã có trên 150 tượng Phật bằng đất sét và đá được phát hiện tại di tích, trong những hành lang và phòng có trang trí bằng những bức bích hoạ. Một số tượng cao 3 mét.
(ANI - November 16, 2010)

 

 

 

TÍCH LAN: Đại hội Phật giáo Thế giới vinh danh Tổng thống  Tích Lan

 


Colombo, Tích Lan - Ngày 16-11-2010, Đại hội Phật giáo Thế giới đã trao tặng Tổng thống Tích Lan Mahinda Rajapaksa giải thưởng cao nhất (Giải thưởng Lớn của Hội Đồng đạo Phật tử Thế giới) cho việc phụng sự vô giá của ông đối với sự hưng thịnh của Phật pháp, và đối với sự phục hưng của Phật giáo tại quốc đảo này. Ông là khách mời chính tại lễ kỷ niệm năm thứ 60 của Đại hội, được tổ chức tại Sân Vận động trong nhà Sugathadasa.

 

Rất đông tu sĩ và tín đồ Phật giáo đã tham dự buổi lễ.
Đại hội Phật giáo Thế giới bắt đầu hội nghị lần thứ 25 từ ngày 14 đến 17-11-2010 tại Colombo, với chủ đề "Hoà giải thông qua Phật giáo".
Khoảng 600 đại biểu quốc tế từ 41 nước đại diện cho 164 trung tâm thuộc khu vực đã tham dự hội nghị. Có 3.000 đại biểu trong nước cũng tham dự hội nghị lần đầu tiên trong 26 năm tổ chức tại quốc đảo này.

 

(ColomboPage - November 17, 2010)

 

dai hoi

 

Tổng thống Tích Lan nhận giải thưởng tại Đại hội Phật giáo Thế giới lần thứ 60 - Photo: Silva Sudath

 

dai hoi

 

Quang cảnh Đại hội Phật giáo Thế giới 2010 tại Tích Lan Photo: Silva Sudath

 

  

 

ĐỨC: Trung tâm Phật giáo lớn nhât châu Âu sẽ được xây dựng

 


Dự án Trung tâm Phật giáo  lớn nhất châu Âu đã được phê duyệt, cho xây dựng tại một địa điểm trước đây là một khu quân sự bên ngoài thành phố Cologne.
Tổ hợp này sẽ là nơi cư trú cho 60 đến 80 tăng sĩ, cộng với số khách chứa được lên đến 200 người.
Hiện nay đang có 20 tăng ni sống tại địa điểm này (ở Waldbroel, cách thành phố Cologne 50 km về phía đông).
Đây là dự án 10 triệu euro (14 triệu usd) của Viện Phật học Ứng dụng châu Âu. Trung tâm sẽ dành cho các cuộc hội thảo và các khoá học, giảng dạy những chương trình dài hạn để đối ứng với các vấn đề như sự xung đột, sân hận hoặc bất hạnh.
Trung tâm dự kiến sẽ mở cửa vào năm 2015.
Viện Phật học Ứng dụng châu Âu do Thiền sư người Việt là Thích Nhất Hạnh thành lập. Cùng với Đức Đạt lai Lạt ma, ông là một trong những Phật tử đương thời được trọng vọng nhất và có hàng chục nghìn đệ tử.

 

(DPA - November 19, 2010)

 

 

 

TRUNG QUỐC: Tăng sĩ người Nhật đoạt huy chương vàng môn cưỡi ngựa tại Asiad Games

 

Quảng Châu, Trung quốc - Tu sĩ Phật giáo Kenki Sato đã đoạt huy chương vàng cá nhân ở môn cưỡi ngựa tại Asiad Games (Đại hội Thể thao châu Á).
Kỵ sĩ người Nhật này đã cưỡi con ngựa Toy Boy của mình để thi đấu và đoạt danh hiệu vô địch. Sato đã vượt qua Choen Jai-sik của Hàn quốc và đồng đội người Nhật là Yoshiaki Oiwa, người đang bảo vệ chức vô địch. "Tôi muốn cảm ơn chú ngựa của tôi," Sato nói,"Cả hai chúng tôi đã giúp  nhau vượt qua suốt con đường tại đây".

 

"Tôi thích cưỡi ngựa và làm những điều mà tăng sĩ thường làm, và tôi thực hiện cả hai việc này một cách nghiêm túc", Sato nói.
Sau khi hoàn thành một năm nghiên cứu tại một tu viện Phật giáo do cha của mình làm sư trưởng, Sato đã được đào tạo về môn cưỡi ngựa tại Đức và là kỵ sĩ người Nhật biểu diễn hay nhất tại Đại hội Môn Cưỡi ngựa Thế giới tại Hoa Kỳ vào tháng 10-2010.
(AFP - November 20, 2010)

 

Diệu Âm lược dịch

(haitrieuam.com)