Tin tức Phật giáo Thế giới (tuần thứ 4, tháng 11, 2010)

Tượng đại sư Giám Chân bằng gỗ - Photo: CNTV
Tượng đại sư Giám Chân bằng gỗ - Photo: CNTV

 

 

TRUNG QUỐC: Trưng bày pho tượng của nhà sư Giám Chân 

 

 

Vào cuối năm 753, nhà sư Trung hoa Giám Chân - cũng là người sáng lập trường Giới luật Phật giáo Nhật Bản - cuối cùng đã vượt được biển và lên đất Nhật sau 5 lần nỗ lực trong 10 năm.

 

Và bây giờ, hơn 1.200 năm sau, một trong 2 pho tượng của sư Giám Chân tại Nhật Bản đang về thăm quê nhà Dương Châu (tỉnh Giang Tô) của ông ở miền đông Trung quốc: Ngày 24-11-2010, tượng gỗ của đại sư Giám Chân đã đến thành phố Dương Châu để trưng bày trước công chúng bắt đầu từ ngày 26-11. Tượng sẽ được trao trả lại cho Nhật Bản vào ngày 08-12.

 

Trước đó tượng này đã được trưng bày tại Viện Bảo tàng Thượng Hải khoảng một tháng rưỡi, thu hút gần 360 nghìn khách tham quan.

 

Pho tượng thứ hai của sư Giám Chân tại Nhật Bản được tôn trí tại Chùa Todai-ji. Tượng bằng sơn mài khô, được tạo tác không lâu sau khi ông viên tịch vào năm 763 tại Nara. Tượng được công nhận là lớn nhất thuộc loại chất liệu này, và cách đây 30 năm đã được tạm thời mang về Dương Châu. Hơn 500 nghìn khách tham quan đã đến chiêm ngưỡng pho tượng của con người huyền thoại thời nhà Đường này.

 

(CNTV - November 25, 2010) 

 

 

TÍCH LAN: Trung quốc giúp phát triển các trung tâm Phật giáo tại Tích Lan 

 

 

Thủ tướng Tích Lan DM Jayarathna nói Trung quốc đã sẵn sàng trợ cấp để phát triển các trung tâm Phật giáo tại Tích Lan.

 

Thủ tướng đã tuyên bố như trên sau cuộc họp với một phái đoàn Trung quốc đến viếng, do Bộ trưởng Bộ Tôn giáo Trung quốc Wong Shuwong dẫn đầu.

 

Bộ trưởng Wong nói tại cuộc họp rằng Tích Lan là một trung tâm của di sản Phật giáo Thế giới. Vị quan chức Trung quốc này cũng cam kết hỗ trợ liên tục cho các chương trình phát triển trọng yếu của Tích Lan.

 

Theo Hãng Truyền thông Tích Lan, giữa Tích Lan và Trung quốc đã có một mối quan hệ văn hóa bền vững, bắt đầu từ 1.600 năm trước - khi nhà sư Trung Hoa Pháp Hiển du hành đến đảo quốc này.

 

(UrbanDharma - November 22, 2010)  

 

 

NHẬT BẢN: Bảo vật Phật giáo qua hình ảnh 3-D 

 

 

Kyoto, Nhật Bản - Ngôi đền Byodoin của Kyoto đang sử dụng máy tính phiên bản iPad để trình bày những hình ảnh 3-D các tác phẩm điêu khắc Phật giáo cổ xưa, vốn được xếp vào hàng bảo vật quốc gia.

 

Tại viện bảo tàng Hoshokan ở Uji, Kyoto kể từ ngày 22-11-2010, các máy tính đã cho khách tham quan được xem kỹ 5 trong số 52 tác phẩm điêu khắc bằng gỗ 'Bồ tát trên Mây', được tạo tác vào năm 1053, theo đúng màu sắc nguyên thủy của chúng.

 

Các hình ảnh trước, sau và hai bên được tạo nên qua các phép tính ba-chiều, được thực hiện với việc sử dụng một máy quét laser và hiển thị các tin chi tiết mà khách tham quan thường bỏ sót trong khi xem các tác phẩm thật.

 

'Tôi muốn khách tham quan cảm nhận được giá trị thẩm mỹ có từ Thời kỳ Heian', sư trưởng Monsho Kamii của ngôi đền Byodoin nói, đề cập đến một kỷ nguyên kết thúc vào thế kỷ thứ 12.

 

(Kyodo News - November 26, 2010)

 

 

1

 

Tác phẩm điêu khắc Phật giáo cổ qua hình ảnh 3-D - Photo: Kyodo Photo

 

 

TRUNG QUỐC: Phát hiện khảo cổ về di tích Phật giáo tại tỉnh Sơn Đông 

 

 

Các nhà khảo cổ học tại tỉnh Sơn Đông ở miền đông Trung quốc nói rằng họ đã tìm thấy tại một ngôi chùa ở Hạt Jinxiang một ngách ẩn, trong đó có chứa các di tích Phật giáo.

 

Ngách này lưu giữ và bảo quản 22 hiện vật bằng bạc, một bản sao Đại Bát Niết bàn Kinh và một hộp đựng các xá lợi có hình hạt của các đại sư Phật giáo còn lại sau khi hỏa táng.

 

Phó trưởng ban Quản lý Di sản Văn hóa tỉnh Sơn Đông là Wang Yongbo nói rằng những phát hiện này sẽ cung cấp cái nhìn sâu sắc hơn về sự phát triển của đạo Phật tại miền đông Trung quốc.

 

(ANI - November 27, 2010)

 

 

 

 

PAKISTAN: Bảo tháp và tu viện Phật giáo Dharmarajika 

 

 

Bảo tháp và tu viện Dharmarajika có từ thế kỷ thứ 3 trước Công nguyên đến thế kỷ thứ 5 sau Công nguyên, tọa lạc cách Viện Bảo tàng Taxila khoảng 3,5 km về phía đông bắc. Đã có thêm những khám phá mới tại di tích từng có một vai trò quan trọng trong nền văn minh Gandhara này: Vua A Dục đã sáng lập Bảo tháp Dharmarajika gần Taxila, và người hành hương Trung Hoa là Huyền Trang ghi rằng chỉ nội trong vùng Gandhara thôi mà đã có đến gần 1.000 tu viện.

 

Theo các nhà khảo cổ học, bảo tháp và tu viện Dharmarajika có thể là cổ xưa nhất tại Pakistan: A Dục Vương của triều đại Mauryan đã xây bảo tháp vào thế kỷ thứ 3 trước Công nguyên. Bảo tháp là một nguồn cảm hứng, và là một nơi thu hút từ thời đầu của đạo Phật.

 

Sau đó, vào thế kỷ thứ 5 sau Công nguyên, tháp được xây dựng lại trong thời Vua Kanisha.

 

(UrbanDharma - November 27, 2010)

Diệu Âm lược dịch

(haitrieuam.com)