Nhận diện chính mình để tạo cuộc sống hạnh phúc

Đạo Phật là đạo từ bi và trí tuệ. Hai chất liệu từ bi và trí tuệ này làm nền tảng cho chúng sanh trên con đường  tìm về bến giác. Thật vậy, con người từ khi sanh ra cho đến lúc mất đi không ai là không gặp những chướng duyên, những đau khổ. Không ai là không bị những dằn vặt cắn rứt khi mình phạm những sai lầm, ngay đó mình đã vô tình gieo trồng những hạt giống của sự phiền toái khổ đau cho thân tâm trong khi đang hiện hữu. Nhìn vào hiện tại đang sống, chúng ta sẽ thấy có người đau khổ nhiều, có người đau khổ ít, và có người bị bế tắc cùng quẩn đến nỗi phải tự tử vì không tìm ra được lối thoát. Cơ hồ trong tâm tư của những người đó thấy cuộc đời là một ngõ cụt. Có sống trong những đau khổ như vậy, chúng ta mới thấu hiểu được sự bế tắc cô độc của người đã không có lối thoát là thế nào? Mới thấu hiểu những người đó đau khổ như thế nào? Từ đó, chúng ta mới thông cảm, đồng cảm niềm đau và tìm ra  một giải pháp đúng đắn.

Để giải quyết sự đau khổ ấy, các nhà tâm lý học, các triết gia, các nền học thuật, các tôn giáo… đã đưa ra nhiều cách lý giải khác nhau, cũng như nhiều phương tiện khác nhau, tuy không đồng quan điểm nhưng tất cả cùng hướng đến mục đích là làm sao cho khổ đau không còn hiện hữu trong cuộc sống hiện tại và tương lai của con người. Thế nhưng, tất cả những phương pháp giải quyết đưa ra phần nhiều chỉ xây dựng trên nền tảng của giáo thuyết, ngôn từ, chỉ tạm thời làm lắng đọng hay gắng gượng giải quyết vấn đề trong chốc lát chứ không chỉ ra được cái tột cùng của sự bế tắc, hay chìa khóa lìa khỏi sự bế tắc là gì? Cho nên khi con người đối diện với những khổ đau như vậy, họ liền hoang mang, ngỡ ngàng, bất mãn và tuyệt vọng. Là khổ đau thì nguyên nhân hay kết quả của nó vẫn là khổ đau chứ không thể thoát khỏi cái vòng luẩn quẩn của cái mình đã gieo lấy.

Còn đạo Phật thì sao? Đạo Phật không dừng lại nơi lý thuyết mà đạo Phật chủ trương cho người Phật tử nghe để tư duy, học hỏi; sau khi tư duy học hỏi thì nên áp dụng thực hành, có thực hành thì mới thẩm thấu được mức độ tâm tư chuyển hóa thế nào và khi thực hành sẽ đem lại kết quả an lạc hạnh phúc ra sao? Đạo Phật quan niệm rằng, muốn chấm dứt khổ đau thì trước tiên con người phải thấy được khổ hay nhận diện ra được bản chất của khổ đau là gì? Phải hiểu rõ khổ đau bắt nguồn từ đâu hay nói đúng hơn nguyên nhân gây ra khổ đau là gì? Và phương pháp chấm dứt những nguyên nhân ấy như thế nào, kết quả chấm dứt ra sao? Đạo Phật không xây dựng hạnh phúc trên nền tảng không chắc thật của sự mơ mộng viễn vông hay tin vào một đấng tạo hóa có thể sáng tạo nên hạnh phúc con người. Đạo Phật dạy con người hãy nhìn vào sự thật, hãy nhận diện ra con người chân thật của mình, hãy xóa bớt đi ranh giới của sự chấp ngã, hay giảm bớt đi lòng tham muốn ích kỷ tự thân… chỉ khi nào con người bớt lòng tham theo chiều hướng xấu ấy thì khi đó con người sẽ sống được một cuộc sống tự tại, không bị chi phối bởi ngoại duyên. Vậy con người đang sống ở thế gian thường tham những cái gì? Và nguyên nhân nào đưa đến đau khổ? Con người chúng ta sống ở thế gian nói đến tham thì tham rất nhiều. Tham tài, tham sắc, tham danh, tham ăn, tham ngủ. Năm hình thái tham này có lẽ bao trùm tất cả các cái tham khác. Chúng ta không tham cái này thì tham cái kia, đã tham mà không đáp ứng được tức nhiên sẽ tạo cho ta sự ray rứt khó chịu, sự không vừa ý, bất mãn, chán chường. Nếu tâm không thỏa mãn thì chúng ta đi tìm cầu, tìm cầu không được thì thất vọng, còn khi tìm cầu được thì tâm chúng ta dính vào chấp thủ, ngay khi chấp thủ thì tâm lo sợ, đau khổ hình thành. Chúng ta sợ nó tuột mất ra khỏi tầm tay của mình, một khi nó tuột ra khỏi tầm tay thì đau khổ biết chừng nào.

Tất cả chúng ta đang sống ở đây, không ai không biết điều đó. Các bạn hãy chiêm nghiệm lại xem tâm tư chúng ta từ nhỏ đến hiện tại đang sống xem nó biến chuyển trong hai trạng thái buồn nhiều hay vui nhiều. Chúng ta ôm ấp hay sở hữu một thứ gì đó, một khi nó mất đi thì tâm trạng thế nào? Có đau khổ không? Có phiền toái không hay lúc đó chúng ta hạnh phúc? Chắc chắn rằng ngay cả sự ôm ấp đã khổ mà khi mất lại khổ nhiều hơn. Chắc rằng phiền toái nhiều hơn là lẽ tất nhiên. Hãy thử đặt ra một ví dụ thì chúng ta sẽ thấy rất rõ: Ví dụ ta có trong tay khoảng 100.000 ngàn đồng thì nếu mất chưa chắc đã đem lại cho chúng ta đau khổ. Nhưng trong tay chúng ta có vật gì đó giá trị trên 100.000.000  đồng, thì khi vật đó mất đi chúng ta sẽ thấy tâm trạng của chúng ta thế nào, chúng ta có hối tiếc và tâm có đau khổ không? Tại sao vậy? Tại vì trong quá trình chúng ta có trong tay số tiền lớn như vậy, sự chấp thủ của chúng ta sẽ gia tăng. Số lượng ít thì chúng ta không thấy gì, còn số lượng lớn thì chúng ta sẽ xuất hiện tâm tham, tâm sợ mất, tâm sợ người cướp đoạt. Khi tâm tham xuất hiện thì nó sẽ kéo theo một chuỗi như thấp thủ xuất hiện, và chúng ta sẽ cho rằng cái đó phải là cái của ta và cái không thể nằm ngoài bản thân của ta. Tức là cái sở hữu của ta. Khi nó trở thành cái ta rồi mà nó nằm ngoài vòng kiểm soát của ta, hay bị ai đó nhìn ngó hoặc bị mất đi thì chúng ta sẽ rất đau khổ. Có thể đau khổ cùng quẩn dẫn đến cái chết như uống thuốc, nhảy lầu, trầm sông tự tử… Chúng ta chấp thủ càng nhiều, tham càng nhiều thì đau khổ sẽ càng nhiều. Chúng ta tham tài, tài mất thì đau khổ. Tham danh, danh không đạt được thì đau khổ. Tham sắc, sắc biến hoại thì đau khổ. Tham ăn, ăn không đáp ứng nhu cầu bản thân thì đau khổ. Tham ngủ, ngủ không đủ, hay thiếu sức khỏe thì đau khổ. Tóm lại, chỉ năm cái đó thôi đã có thể bao hàm tất cả các khía cạnh khác để dẫn khởi đau khổ đoanh vây trong suốt cuộc đời của chúng ta rồi, huống chi giải thích thêm các khía cạnh khác thì sẽ như thế nào nữa. Vậy chẳng lẽ cuộc đời hoàn toàn là đau khổ hay sao? Cuộc đời không có hạnh phúc hay sao? Chẳng lẽ cuộc đời chỉ dừng lại ở mức độ đau khổ mà không tìm ra được một giải pháp để xây dựng hạnh phúc hay sao? Giải pháp tìm ra sẽ như thế nào để không bị luẩn quẩn trong cái vòng đau khổ?

Ngay những câu hỏi đặt ra đó, cũng được lý giải nhiều cách khác nhau, riêng đạo Phật thì cho rằng, cái đau khổ ngay từ con người tạo nên thì cũng ngay từ con người mà nó chấm dứt. Cái đau khổ đã không thật thì có gì mà phải chấp thủ. Bản chất của đau khổ được xây dựng trên những cái không thật, đã không thật thì chắc chắn rằng mình sẽ tìm ra được nguyên nhân của nó và có phương pháp để nhìn nhận ra cái không thật đó. Khi mình liễu ngộ được cái không thật của đau khổ, hình thái duyên hợp của sự vật, mình sẽ không chấp thủ hay tham đắm vào nó. Mình không cho rằng nó là ta, là cái của ta, là sở hữu của ta nữa thì lúc ấy sát na tâm tham, chấp thủ biến mất, hạnh phúc liền sanh khởi. Hạnh phúc chẳng qua là bề mặt khác của đau khổ. Trong sự vận hành của tâm lý, khi đau khổ hiện hữu thì hạnh phúc biến mất, vì lúc đó, các sát na tâm lý của đau khổ đang tồn tại, nó tồn tại thì sát na tâm lý của hạnh phúc sẽ không hiện hữu, đó là lẽ tất nhiên. Chỉ khi nào đừng để tồn tại sát na tâm lý đau khổ thì may ra chúng ta thấy được hạnh phúc là gì. Hạnh phúc là sự vắng mặt của khổ đau. Đức Phật ra đời và lời dạy của Ngài trong suốt 49 năm thuyết pháp cũng không ngoài mục đích này. Ngài dạy: “Ta chỉ trình bày khổ và con đường diệt khổ”. Khổ chính là đau khổ mà chúng ta đang gặp phải hàng ngày. Con đường giải thoát đau khổ chính là sự nhận diện thông qua tám chi phần Thánh đạo hay ba tụ tịnh giới: Giới - Định - Tuệ. Khổ là sự khó chịu, sự ray rứt, sự chán nản, sự buồn bả… Khổ có muôn hình vạn trạng, hiện hữu rất nhiều trên các trạng thái như tám khổ, ba khổ hay ngũ thủ uẩn là khổ. Khổ đã nhiều thì hạnh phúc cũng nhiều. Khổ được hình thành dưới các tâm lý khó chịu, bất mãn, chán nản… thì hạnh phúc là sự không khó chịu, không bất mãn, không chán nản…. Dễ dàng thực hành quá phải không? Thế nhưng không phải dễ dàng để thực hành nó như chúng ta nghĩ.

Nếu cấp độ hạnh phúc để thấy rằng nó không khó chịu, không bất mãn… đó chỉ dừng lại ở phạm vi có thể kiềm chế được thì chưa phải là phương pháp rốt ráo để đoạn tận khổ đau. Đạo Phật không dừng lại nơi phạm vi kiềm chế nó mà phải chuyển hóa nó, phải nhận diện ra nó. Nghĩa là phải thấy được bản chất của sự khó chịu, của đau khổ là không thật, không có một sự trường cữu; nó chỉ là một tâm lý vận hành trong vô vàn tâm lý biến diệt sinh tồn. Chính vì không hiểu được tâm lý không thật biến diệt đó nên chúng ta đau khổ. Cái đau khổ là do chúng ta nắm bắt rồi chấp chặt vào nó chứ bản thân các vật đang nắm bắt là đâu khổ. Khổ đau là do hàng ngày chúng ta cứ mãi huân tập chủng tử đau khổ vào trong tâm nên cứ đau khổ hoài hoài mà không thể nào thoát ly ra được. Một khi đã khó chịu thì sẽ kéo theo trạng thái bất mãn chán chường, những người có tâm trạng này thường nhìn cuộc đời theo chiều hướng bi quan hơn là lạc quan và không có cái gì là đẹp cả. Nếu con người cứ xây dựng cái nhìn của mình theo chiều hướng đó thì không thể mong rằng mình sẽ có được hạnh phúc chân thật. Hạnh phúc sẽ hiện hữu chính là khi những tâm lý bất an đó biến mất. Nghĩa là hạnh phúc phải được mình nhận diện ra bản thân chính là cái đang hiện hữu trong sự vận hành của tâm lý. Khi chúng ta nhận diện ra điều đó, thấy nó là khó chịu, là bất mãn, tại sao chúng ta lại duy trì tâm lý đau khổ đó để làm gì? Nhận diện ra được như vậy nghĩa là chúng ta đang xây dựng cái nhìn trí tuệ. Sát na tâm trí tuệ này sẽ thay thế sát na tâm đau khổ. Ban đầu có thể chúng ta sẽ ngỡ ngàng khi áp dụng phương pháp này và thậm chí thấy nó không có hiệu quả, nhưng lâu dần nếu cứ tập nhận diện các trạng thái tâm không vừa ý đó xuất hiện thì chúng ta sẽ thấy nó hiệu quả. Tại sao như vậy? Chúng ta thử nghĩ mà xem, như một làn sóng nhấp nhô, làn sóng lên sẽ không dừng lại vĩnh cửu mà nó được thay thế bằng làn sóng thứ hai vào. Nếu làn sóng đầu không nhường bước cho làn sóng kế tiếp liệu rằng có thể sẽ tạo thành làn sóng hay không? Hẳn là không. Sát na tâm của chúng ta cũng vậy. Khổ đau sẽ không an trụ một chỗ mà nó sẽ thay đổi thường xuyên. Tâm khó chịu hôm nay chỉ dừng lại một tí rồi sẽ biến mất khi chúng ta thấy được nó hay được thay thế bằng một tâm khác. Vì tâm là vô thường, biến đổi trong từng sát na nên chúng ta có thể thay đổi tâm đau khổ thành một tâm lý tốt hơn. Chúng ta thay đổi dần dần nghĩa là nhận diện ra được trong khi đang suy nghĩ, thấy rõ đang có cái khổ đau đó hiện diện thì nó sẽ biến mất. Vì lúc mình nhận diện đó chính là lúc mình đang sống trong chánh niệm, sống trong quán niệm. Mà chánh niệm chính là mình đang sống trong tỉnh thức, đang duy trì một sát na tâm trí tuệ. Một khi tâm trí tuệ, tâm tỉnh thức hiện hữu thì sát na tâm lý không vừa ý đó sẽ biến mất, hay nói đúng hơn bóng tối của vô minh và khổ đau sẽ không thể nào duy trì trên nền tảng của trí tuệ được.

Thực tế vậy, nếu hằng ngày chúng ta sống tỉnh thức, thấy rõ sự vận hành của tâm như vậy thì một ngày không xa mình sẽ liễu ngộ được cái tâm của mình biến đổi thế nào. Và trạng thái khổ đau và hạnh phúc của mình chẳng qua chỉ cách nhau một lằn ranh mà thôi. Vì khi khổ đau hiện hữu và được duy trì thì hạnh phúc không thể tồn tại, vì lúc đó nó nhường bước cho sát na tâm đau khổ hiện hữu. Cho nên, làm sao trong cuộc sống, chúng ta phải luôn sống với tâm niệm như vậy để tự mình thấy được hạnh phúc của chính mình. Đây là ước mong mà muôn người luôn ấp ủ. Như vậy hạnh phúc đâu phải quá xa phải không? Bởi vậy, không cần phải đi tìm hạnh phúc ở đâu xa mà nó có ngay nơi bản thân của chính mình, cũng như trong kinh Pháp hoa đưa ra ẩn dụ viên ngọc có trong chéo áo của mỗi người, chỉ tiếc rằng con người không biết tận dụng hay điều chế nó, rồi lãng quên nó mà thôi. Hạnh phúc chẳng qua là sự tìm lại được viên ngọc trong chéo áo của chính mình. Nếu mình thấy rõ thì hạnh phúc sẽ xuất hiện. Và một điều cần lưu ý ở đây chính là chúng ta phải thấy rõ khổ đau hay hạnh phúc đó tuy hai nhưng lại là một trên cùng một bản chất, chúng ta không có thể diệt khổ đau mà phải biết chuyển hóa khổ đau. Nếu chúng ta diệt khổ đau là vô tình mình diệt đi hạnh phúc, vì khổ đau và hạnh phúc tồn tại trên một bản chất của tâm. Khổ đau đâu có thể diệt mà nó chỉ là quá trình chuyển hóa mà thôi. Nếu chúng ta có tu tập, có hành trì, chúng ta sẽ thấy khổ đau và hạnh phúc chính là bạn thân với nhau và nó sẽ là tiền đề tạo cho ta sự tự tại an lạc tự tin hơn trong cuộc sống.

Chính vì sự đau khổ này mà đức Phật đã chỉ dạy cho con người rất nhiều phương pháp, tùy hợp theo căn cơ, cá tính, bản chất của từng người sống trong từng hoàn cảnh, thời gian để thích ứng trong tu tập và chuyển hóa. Mặc dù giáo lý được gói gọn dưới nhiều phương diện, nhưng pháp môn thậm thâm nhất chính là mình chuyển hóa được tâm mình thành chất liệu an lạc, giải thoát. Nếu mình không chuyển hóa, vẫn để cho đau khổ hiện hữu, vẫn để tâm lý đó huân tập và duy trì trong kho tàng a-lại-da thì dù có học giáo lý cao siêu đến đâu, dù có trình bày thao thao bất tuyệt đến đâu, một điều chắc chắn rằng chúng ta đang tạo thêm khoảng cách ngăn ngại giữa đạo lộ sanh tử tiến dần đến Niết-bàn. Thế nên, đã là người học Phật, dù tại gia hay xuất gia, nếu áp dụng và thấy rõ muôn pháp chính là do tâm tạo, và thấy rõ sự biến chuyển các sát na tâm lý thì chúng ta phải tu tập để chuyển hóa, không nên cố chấp hay duy trì bất cứ một chủng tử nào, không để tồn tại một chủng tử nào bất thiện trong tâm. Không chỉ dừng lại ở cấp độ đó, mà chúng ta phải luôn huân tập tâm an vui, tâm tỉnh thức, tâm nhận diện, tâm chánh niệm… huân tập những tâm thiện pháp như vậy thì sẽ càng ngày càng đẩy lùi đi những tâm ô nhiễm. Cũng như một lon đậu ban đầu toàn là đậu đen, chúng ta lượm dần và thay vào đó là đậu trắng, lâu ngày chắc rằng đậu đen sẽ biến mất và nhường lại cho đậu trắng xuất hiện.

Tu tập cũng giống như lượm đậu đen thay đậu trắng, để cho tâm lý bất nhiễm huân tập thì chúng ta sẽ gần đạo. Chúng ta sẽ thấy được giá trị như thế nào khi chúng ta đang đi trên con đường giải thoát này. Và lúc đó chúng ta sẽ không có ý niệm cho rằng, “đạo Phật đâu có hay gì đâu? Đâu có giá trị gì đâu?” như một số người đã từng có quan niệm sai lầm như vậy. Tự thân vận động, tự thân chứng nghiệm trên đạo lộ đó sẽ là tiền đề dẫn dắt con người càng tiến dần tới cảnh giới của sự giải thoát, không bị ràng buộc. Càng tự do, tự tại, tự làm chủ bản tâm, hiểu rõ sự vận hành của tâm, chuyển hóa những trạng thái tâm bất như ý thành như ý chính là mục đích mà người học Phật cần phải đạt đến .

 

Thích Đạo Tín

Nguồn Tập San Pháp Luân 21