THEO TIẾNG CHUÔNG NGÂN

 

Chùa ẩn non mai trắng

Bóng in hồ liễu xanh

Mai chiều chuông đã tạnh

Vòng sóng còn long lanh.

Quách Tấn

1

 

Những tiếng khóc mất hút cùng với đoàn người đi đưa đám biến dần vào rẫy bắp, để lại ngôi mộ chơ vơ với dấu chân lầy lội của mấy chục người. Ở dưới đám đất mới kia là cô Hà, chủ quán cà phê Bông Giấy ngoài chợ Gia Ray, một cô quán mặn mà phúc hậu, mới buổi sáng hôm kia còn đon đả mời chào khách vào quán mà đến chiều đã chết vì tai nạn xe honda. Ở cái xã nghèo này, đa số dân chúng làm rẫy, gia đình cô Hà là một trong số ít gia đình khá giả. Ngoài quán cà phê, nhà còn xe lam chở khách chạy đường Gia Ray—Xuân Lộc. Vì thế đám tang cô Hà đã rộn lên cả một khu chợ và có lẽ linh đình nhất trong một năm qua, đầy người thăm viếng mà tiếng khóc than cũng nhiều.

Thường là người cuối cùng ra khỏi nghĩa địa. Trên đường ra phía hương lộ, anh đi chậm lại sau hai cậu thanh niên khoảng 18, 20, khi nghe mấy tiếng: "Vụ này chắc khá, cả năm mới được một lần," rồi cả hai cùng cười. Tới gần ngã ba hương lộ, hai cậu đi vào quán cà phê. Thường dừng lại lưỡng lự một lát, rồi cũng bước vào quán. Anh gọi một ly cà phê nhỏ và 4 điếu thuốc Hoa Mai, ngồi lặng lẽ nhìn những con ruồi đậu ngổn ngang trên mặt bàn gỗ tạp. Nghe hai thanh niên đầu bù, tóc dài gần phủ vai đùa cợt với cô bán quán, anh đoán đây là những tay la cà quán xá quanh vùng, nhưng chưa từng gặp. Thường theo vào đây là muốn nghe thêm câu chuyện, nhưng cả hai không nói gì thêm liên quan đến câu nói ở ngoài đường. Mãi tới khi họ ra khỏi quán, anh mới nghe cậu tên Vũ nói với cậu tên Hưng (biết tên qua sự xưng hô của cô quán):

"Chiều nay qua tao, nhớ kêu cả thằng Nhã."

Cô quán ngồi cắm cúi đọc tiểu thuyết. Thường cũng im lặng nhìn qua rẫy bắp về hướng nghĩa địa. Câu nói của hai thanh niên nhắc anh về nạn đào mộ mới để lấy quần áo và đồ liệm, đã xảy ra nhiều lần ở vùng này. Cảnh nghèo khó đã biến đời sống thành khổ nạn của nhau. Chỉ sau chiến tranh khoảng một năm, người ta đã khổ về chuyện mất cắp từng chiếc quần đùi phơi hớ hênh, nuôi heo phải làm chuồng trong bếp, mùa rẫy phải đi canh. Tới nay thì người chết và tang gia không yên vì nạn đào mồ. Nghe lời của hai cậu thanh niên, linh tính báo cho anh biết là cô Hà sẽ không yên với thứ nạn này.

Thường lên tiếng hỏi cô quán:

"Cô Thanh này, cô ở đây lâu chắc biết nhiều về nạn đào mồ?"

Cô quán ngước lên trả lời:

"Cháu cũng chẳng biết gì hơn người khác. Khi việc xảy ra thì người ta đồn nhau, rồi ít ngày lại quên hết."

Thường hỏi:

"Hơn một năm qua, có lẽ tới 4, 5 vụ, thế cô không nghe người ta nghi cho ai à?"

Cô cười:

"Nghe thì nhiều, nào đám thanh niên buôn than, đám du đãng, cả mấy ông du kích nữa. Nhưng chỉ nói vậy thôi, chứ đâu có chứng cớ gì." Cô ngừng một lúc, rồi nói thêm: "Sau mỗi vụ đều có cuộc họp dân ở khu A, cháu có đi họp mấy lần, nhưng chỉ nghe gia đình nạn nhân khóc lóc, than phiền. Người ta bàn cãi tùm lum, rồi đi về là hết chuyện."

Thường hỏi:

"Họp như vậy mà không đưa ra giải pháp nào à?"

Cô quán nhìn Thường tỏ vẻ ngạc nhiên:

"Trời đất ơi! Chú tưởng người ta quan tâm đến chuyện người chết à. Quanh đi quẩn lại cũng chỉ nhắc đến trách nhiệm của mấy cậu du kích. Nhưng du kích nào lo mấy chuyện này. Chúng nó còn là tổ sư ăn cắp nữa." Thấy Thường trầm ngâm, cô nói: "Chuyện trời đất, hơi đâu mà lo chú. Chính quyền giữ không nổi thì gia đình người chết phải giữ lấy." Cô chép miệng: "Thời buổi gì, sống khổ mà chết cũng không yên."

 

2

 

Ở tù ra, Thường về khu kinh tế mới Gia Ray theo địa chỉ của người em gái. Nhưng về đây được ít tháng thì gia đình người em di chuyển sang Lăng Minh, nên anh ở lại một mình làm rẫy trên 5 sào đất người em để lại. Căn nhà lá vách gỗ bìa, từ ngày anh ở, đã thay đổi hẳn. Anh đổ nền cao lên và làm thêm hàng hiên. Quanh nhà, anh trồng cây dâm bụt làm giậu, trong sân trồng nhiều thứ cây thuốc nam như ngải, gừng, tía tô, nghệ, mã đề, rau đắng và sả. Việc theo mấy ông bác sĩ cải tạo chữa bệnh cho bạn tù đã giúp anh có một số kinh nghiệm về định bệnh cho thuốc. Khi về đây, anh đã phối hợp cả thuốc nam (cũng học trong tù) với thuốc tây, chữa bệnh cho một số đồng bào quanh vùng trong hoàn cảnh vật lộn với nắng mưa mà thiếu thuốc. Nhưng cũng do chuyện chữa bệnh mà anh đã cứu được một thiếu niên bị trúng đạn.

Đêm ấy, cách đây gần một năm, nửa khuya có người vừa khóc, vừa đập cửa kêu:

"Chú Thường! Chú Thường! Làm ơn cứu con tôi với, chú ơi!"

Khi Thường mở cửa, người khóc cầm lấy tay anh:

"Chú ơi, thằng Tân nhà tôi bị bắn sắp chết."

Thường kéo người phụ nữ vào nhà, vặn to đèn, rồi nói:

"Chuyện thế nào, chị bình tĩnh cho tôi rõ đầu đuôi."

Chị vừa khóc, vừa nói:

"Cháu nó chết mất chú ạ. Trời đất ơi!"

Thường phải nhắc lại:

"Chuyện ra sao, chị phải nói rõ, tôi mới biết phải làm gì chứ."

Hình như chợt tỉnh, chị lấy tay áo lau mắt:

"Tôi đang ngủ, ông Ba Chấn, đội trưởng du kích, gọi tôi dậy, bảo: ‘Thằng Tân lẻn vào nhà tôi ăn cắp gà. Tôi đã bắn nó bị thương, sang mà đem về.’ Chú ơi, cháu nó bị bắn vào bụng. Ruột đổ ra một đống."

Nghe đến đây, Thường mặc vội cái áo, tháo chiếc võng ny-lông, vơ túi thuốc đeo vào người, nói nhanh:

"Thôi, đi chị."

Khi Thường đến thì thằng Tân mắt vẫn mở, nhưng đã thất thần. Mấy chục gia đình quanh xóm, người đứng kẻ ngồi trên bãi cỏ đằng sau nhà Ba Chấn. Trong tiếng thì thầm bàn tán, có lẫn tiếng khóc của mấy phụ nữ. Dưới ánh sáng leo lét của mấy ngọn đèn dầu hỏa, Thường tìm cách đẩy vào bụng cậu bé phần ruột lòi ra ngoài, dùng thuốc tím lau sạch quanh miệng vết thương, rồi lấy chiếc khăn dài của bà mẹ buộc chặt quanh bụng Tân. Xong việc, anh nói với mọi người:

"Phải đưa cháu đi bệnh viện Xuân Lộc ngay bây giờ thì may ra mới có thể cứu được, nhưng làm cách nào đưa đi bây giờ?"

Một người nói:

"Đem nó lên nhờ xã."

Có tiếng phản đối:

"Giờ này, đâu có ai ở xã. Gọi được các ông ấy cũng phải tới sáng mai."

Một người khác đề nghị:

"Đến nhờ ông Bảy xe lam."

Nghe thế, Thường nói như reo lên:

"Phải đấy, tôi đem theo chiếc võng đây. Cô bác buộc võng vào một thanh tre dài, rồi khiêng cháu tới nhà bác Bảy."

Đoàn người phải chờ tới hơn 15 phút, ông Bảy mới càu nhàu mở cửa. Ông ngạc nhiên khi nhìn thấy đám đông đứng đầy trước nhà, nhưng sau khi nghe Thường trình bày sự việc và ngỏ ý thì ông nhìn đám đông và nhìn người nằm trên võng, rồi lắc đầu nói:

"Phải để đến sáng thôi, chứ giờ này đi không được. Công an, du kích ở Ông Đồn sẽ hỏi rắc rối. Chưa chắc họ đã cho đi."

Một bà nói lớn:

"Người sắp chết đem đi cứu. Hỏi gì, rắc rối gì?"

Ông Bảy xẳng giọng:

"Tới đó mà cãi. Còn bây giờ tôi đi không được."

Nói xong ông ta quay vào.

Nhưng bỗng có tiếng nói:

"Ba không chở, để con chở."

Người mới lên tiếng là cô Hà, con gái ông Bảy và là chủ quán cà phê Bông Giấy (gọi như thế, vì trước quán có giàn bông giấy đỏ thẫm). Vừa bước vào nhà cô vừa nói:

"Cô bác chờ cháu nhe."

Khi cô Hà lái xe lam ra đường, ông Bảy cũng bước ra theo, giọng đấu dịu với con gái:

"Thôi để tao lái, còn mày đi theo xem công an hỏi gì thì liệu mà trả lời."

Thế là nhờ cô Hà mà Tân được cứu sống, còn Thường thì trở thành khách thân của quán Bông Giấy.

Sáng nay, nhìn đất ướt trên ngôi mộ mới, Thường hình dung lại nụ cười tươi của cô gái mỗi lần anh bước vào quán. Nay thì nụ cười ấy đã biến mất trên thế gian. Cô đã yên nghỉ. Nhưng thế gian nghèo khó sẽ không để cô yên. Nghe chuyện cô quán Thanh, rồi nghĩ đến đời sống bầm dập, đầu tắt mặt tối ở vùng này, anh thấy thật vô phương. Lòng người đã đến thế thì lấy gì ngăn cản. Giải pháp canh giữ nếu có, cũng chỉ là cách tạm thời của gia đình nào có nhiều người, nhưng hình như đó chỉ là lời nói, chứ thực sự chưa có gia đình nào dám làm.

Trời đã về chiều. Thường bồn chồn nghĩ đến thời gian và sự bất lực của hoàn cảnh. Nhưng khi nhìn vào cái chuông đặt trên miếng ván kê giữa nhà, anh bỗng nảy ra một ý, và như reo lên trong lòng: "Tiếng chuông có thể giải quyết chuyện này!"

 

Anh đứng dậy, thỉnh mấy hồi chuông, lắng nghe tiếng ngân vang xa, rồi gật đầu nhìn ra ngoài trời âm u, lác đác có giọt mưa tạt vào vách.

3

Trong ánh trăng lu, lúc mờ lúc biến mất theo những đám mây bay, ba bóng người xuất hiện từ phía rẫy bìa rừng, đi nhanh tới ngôi mộ mới mai táng sáng nay. Họ thì thầm một lúc, rồi một tên đi ra phía trước nghĩa địa. Hai tên ở lại bắt đầu đào đất. Tiếng chân đạp vào mai và sẻng tạo thành những âm thanh sột soạt mỗi lúc một nhanh. Mây đã che ánh trăng. Những cơn gió thổi ào ào qua bụi cây từng chặp, với tiếng chó tru ở phía xa. Khoảng 20 phút sau, một tên nói:

"Gần tới rồi. Mày đem theo mấy xà beng?"

Tên kia trả lời:

"Hai." Nhưng sau tiếng hai, bỗng tên này la thất thanh: "Ma! Ma!" rồi quăng sẻng lao đầu chạy.

Tên thứ hai quay lại, kêu hự lên một tiếng, cũng quăng mai chạy thục mạng.

Liền đó là những tiếng hú lanh lảnh phát ra từ ngôi mộ như đuổi theo chúng.

4

Vừa bước vào nhà, Tân, cậu bé chịu ơn cô Hà, đã liến thoắng:

"Chú ạ, đêm rồi, thằng Vũ, thằng Hưng và thằng Nhã tới đào mộ cô Hà, cô đã hiện lên vật ngã hết."

Thường hỏi:

"Sao cháu biết?’

Tân nói:

"Cháu theo người ta tới mộ ngay lúc đó mà."

Thường nói:

"Chuyện lạ nhỉ. Kể lại chú nghe coi."

Tân nói:

"Thằng Nhã kể lại là khi nó đang đứng gác ở ngoài đường thì nghe tiếng la và tiếng hú, rồi thằng Hưng lao ra bổ nhào xuống rãnh. Nó sợ quá vừa chạy ra đường cái vừa la. Du kích nghe tiếng la, chặn lại, bắt nó trở vào nghĩa địa."

Thường hỏi:

"Chuyện xảy ra trong đêm, sao cháu nghe được?"

Tân cười:

"Trời đất ơi! Người ta gọi nhau ầm ĩ từ khu A đến khu B. Khi cháu đến thì người ta đã vây quanh mộ cô Hà. Mộ bị đào lên hết, nhưng chưa tới áo quan. Thằng Hưng té gẫy chân, còn thằng Vũ nằm chết giấc cách đó mấy cái mộ. Lúc cháu còn ở đó, người nhà đã đến khiêng chúng về. Sáng nay cháu nghe nói thằng Vũ đang đau và nói lảm nhảm. Thật đáng kiếp. Hai thằng này có sống thì cũng tởn đến già."

Nghe Tân kể, Thường gật gù, rồi nói:

"Cô Hà lúc sống cũng như lúc chết. Thế là cô ấy đã giúp người sống trừ nạn đào mồ."

Khi Tân về rồi, Thường đứng dậy đốt nhang, thỉnh mấy hồi chuông. Nghe tiếng chuông ngân, anh mừng là mình đã thấm nhuần tiếng chuông ngân.

Đạo Phật là đạo giải thoát. Ai cũng hiểu như thế, nhưng cảm được và sống được với hương vị giải thoát thì lại tùy căn cơ từng người và tùy cảnh ngộ. Theo cảm nghiệm thì Thường thấy ở trong những nghịch cảnh, gian nguy, khổ ải, người ta dễ cảm được chất giải thoát này, và mỗi người, cũng lại có thể do căn cơ, đã nương vào, hương vị giải thoát này ở một số phương tiện nào đó. Riêng Thường thì từ thuở thiếu thời, anh đã thấy được hương vị giải thoát ở tiếng âm vang trầm trải dài của tiếng chuông chùa. Rồi đến thời gian chiến tranh thì anh nghiệm là tiếng chuông đã giúp anh tìm được sự bình thản, nhẹ nhàng trong những ngày lăn lộn ở trận địa. Trạng thái này đã đến dần theo thời gian. Nhưng một lần anh cảm nghiệm sâu xa nhất là ở một ngôi cổ tự đổ nát trên chiến trường phía bắc Thừa Thiên vào những ngày sau Tết Mậu Thân. Buổi chiều đó, Thường cùng đại đội ngồi bên cạnh hồ sen trước chùa, chờ đến giờ di chuyển tới địa điểm khác thì tiếng chuông ngân lên. Tiếng chuông và màu sen nở hình như đã đem lại một hương vị sống lung linh cho cả một vùng làng mạc tiêu điều, hoang vu. Theo tiếng chuông ngân và nhìn hoa lá sen lay động, Thường buột miệng hỏi mấy binh sĩ ngồi cạnh:

"Nghe tiếng chuông trong cảnh này, các cậu thấy thế nào?"

Có lẽ câu hỏi bắt nguồn từ tâm cảm khó trả lời, nên mấy binh sĩ chỉ nhìn anh im lặng. Cuối cùng một cậu lên tiếng:

"Em có cảm tưởng như mình đang sống trong cảnh thanh bình. Chùa làng em cũng có một hồ sen như thế này, nhưng nhỏ hơn."

Thường mỉm cười:

"Tôi cũng có ý nghĩ như cậu. Sống yên bình như tiếng chuông, như màu sen kia ai cũng muốn, nhưng chuyện thế gian lại đi ngược lại lòng người."

Từ buổi đó, trên đường hành quân, ngồi hút thuốc bên những dòng sông hay trên núi đồi trong những chiều lửa đạn vùng hỏa tuyến Trị Thiên, Thường đã tìm được sự yên bình trong âm hưởng của tiếng chuông. Rồi âm hưởng an bình ấy lại vực Thường dậy qua những năm tù dài đói khát và bệnh tật. Trong mấy năm tù cuối cùng, trước khi được thả, trại tù của Thường ở gần một làng ven rừng, nên anh lại được sống với tiếng ngân của chuông từ một ngôi chùa hay từ một nhà dân giả nào đó. Vì thế, thức sớm để nghe tiếng chuông từ xa lọt vào nhà giam lại trở thành một nếp sống của Thường. Một bạn tù nằm cạnh, có lần hỏi:

"Hình như anh có một xúc cảm gì đó, khi nghe tiếng chuông?"

Thường trả lời:

"Anh bén nhạy nhỉ. Tôi nghe chuông để tìm sự an nhiên, để vượt qua đời sống tàn nhẫn, bầm dập này."

Người bạn hỏi lại:

"Nhưng nếu ở một trại khác thì sao?"

Thường cười:

"Ở đây thì nghe âm thanh, còn ở nơi khác thì nghe âm hưởng. Vì tiếng ngân của chuông đã theo tôi trong suốt cuộc chiến."

Khi ra khỏi tù, về vùng kinh tế mới này, Thường đã mua được một cái chuông ở hàng đồng nát bên ngoài chợ Xuân Lộc. Từ đó, căn nhà lá có nhiều loại hoa bên ven rừng đã vang lên những hồi chuông ngân sớm chiều.

Chuyện giả làm ma đêm qua cũng bắt nguồn từ ý định dùng tiếng chuông để giải trừ nạn đào mồ, nhưng Thường mừng là đã thay đổi kịp thời cách làm để dân làng do việc này sẽ nói đến sự hiển linh của cô Hà, mà không đồn đãi về tiếng chuông ma quái ở trong nghĩa địa.

 

Việt Dương

buddhahome.net/