VÀNG HOA

     

Tôi suýt đụng phải một chiếc xe bốn bánh. Đường phố như chật chội hơn với  lưu lượng xe gia tăng mỗi ngày (  cùng với sự tăng nhanh của tai nạn giao thông ).  Thật bất ngờ thú vị  khi tôi  nhìn lên  chiếc xe mình vừa tránh được.  Đó là một chiếc xe chở đầy hoa cúc vàng. Những đoá hoa cúc đang còn tươi rói, nằm lẫn với những đoá vừa chợt úa tàn. Tết năm nay được mùa hoa vàng. Nhiều nhất là cúc, không chỉ là loài hoa  dành riêng   mùa Thu nữa.   Xuân này cúc vàng đã rực rỡ trải dài cả một bờ sông Hương, trên nền xanh của cỏ, của sông nước và của đất trời. Cúc vàng còn trang điểm cho các con đường thành phố bởi nhà ai cũng có hai chậu cúc vàng trước cổng. Chưa năm nào cúc vàng lại chiếm hữu không gian Huế như vậy. Bạn tôi nói “ Cúc vàng lên ngôi “ ( Và không biết ngập trời hoa cúc vàng có thêm được cảm hứng cho những ai yêu  tà áo cùng màu để  có thêm những vần thơ đại loại : “ Đứng ngẩn trông vời áo tiểu thư” ? )

 

Cái hoan hỷ của người được thưởng ngoạn hoa  chắc sẽ khó trọn vẹn khi biết rằng để có được một trời hoa cúc kia  là niềm gian khó trước đây và tuyệt vọng bây giờ của người trồng. Những nụ hoa  đang mỉm cười dưới lấp lánh ánh Xuân lại  thấm đẫm nước mắt;. những giọt nước mắt lặng thầm  của người dân quê Phú Mậu, một làng trồng  hoa nổi tiếng của Huế, cận kề  nơi xuất phát của những đoá hoa giấy Thanh Tiên.   Hoa được mùa nhưng người trồng đã phải… khóc vì giá hoa cúc năm nay quá rẻ. Không kể công chăm sóc, phân, nước, người trồng đã mất trắng số vốn vay ngân hàng để bỏ ra mua giống hoa, có loại  hoa cúc phải mua giống tận Đà Lạt.  “ Hy vọng có được một cái Tết tươm tất và  tấm áo  mới cho đứa con nhỏ  đành khất lại sang  năm “ . Chị N, một nông dân nghèo trồng hoa đã nghẹn ngào nói trong nước mắt . Hoa đã đem lại niềm thư thái cho bao người thưởng ngoạn và làm nên lộng lẫy Mùa Xuân  và cũng chính những bông hoa đó đang long lanh giọt lệ của người vun trồng nó. Một bất ngờ…  đau xót  hơn nữa   khi tôi nhận ra chiếc xe chở đầy hoa cúc kia  lại chính  là một chiếc xe  chuyên chở… rác. Hoá ra  khi hoa không còn là một nhu cầu để chiêm ngưỡng , để thưởng thức ( một nhu cầu chính đáng của con người ), khi hết được nâng niu thì hoa cũng chỉ là… rác rưởi, những gì con người cần phải vứt bỏ  . Khi tươi tắn, hoa toả hương ngọt ngào và cũng chính đoá hoa kia, khi lụi tàn đã trở thành xú uế  gây ô nhiễm cho người.  Không biết khi chăm sóc và vun trồng những cây hoa cúc kia, người làm vườn có nghĩ đến số phận của những bông hoa mà mình đang chăm chút một ngày nọ sẽ  lụi tàn ô nhiễm không khác  thân phận  những đống  rác ven đường  cần phải  thu dọn, tránh xa ?

 

Chợt nhớ câu chuyện về nữ tôn giả Khema`. Đó  là người có nhan sắc tuyệt trần, hoàng hậu của Vua Tần bà sa la, luôn kiêu mạn về nhan sắc của mình. Khi Đức Phật ở tại Trúc Lâm, nàng cùng các người hầu  cận đến hầu Đức Thế Tôn.. Thế  Tôn hoá hiện một tiên nữ đẹp hơn cả nàng , đứng hầu quạt Thế Tôn. Trước mắt nàng , tiên nữ bỗng trở nên già sụm rồi ngả xuống đất. Nàng thức tỉnh, tiêu tan tất cả kiêu mạn về nhan sắc của mình và  khi nghe  Đức Thế Tôn dạy

 

“ Người đắm say các dục

Như nhện sa lưới dệt

Bỏ mọi khổ không màng

Tự lao mình xuống dòng

Người trí cắt trừ nó “

 

Nàng xuất gia và chứng đắc A La Hán.

Không phải chỉ có mình nữ tôn giả Khema` được Đức Phật thu nhận làm đệ tử. Trong xã hội Ấn Độ thời bấy giờ, nơi  mà sự phân biệt giai cấp và giới tính trầm trọng, thì chính Đức Thế Tôn là người đã san bằng sự đối xử phân biệt đó. Ngài đã giác ngộ và thu nhận nữ đệ tử trong đó có hai trường hợp nàng Vimala` và  Ambapa`li là hai kỷ nữ,  về sau cũng đắc A la hán. Ngài cũng đã  thành lập đoàn thể nữ giới đầu tiên,  Như vậy không chỉ đợi đến thế kỷ 20 người phụ nữ mới được giải phóng mà hơn 2500 năm trước, Đức Phật đã xác nhận nữ giới đồng đẳng với nam giới , có khả năng chứng đắc giải thoát và có khả năng đắc A la hán quả. Đây là tiếng nói đồng đẳng sớm nhất trần gian.

                       

Hoa và rác cũng như sắc đẹp và sự tàn diệt, thảy đều do sự chi phối của luật vô thường. Đã từng chiêm nghiệm lời  Đức Thế Tôn dạy “ Hết thảy các Pháp là vô ngã “ …“ Hết thảy các hành là vô thường và khổ đau “. Biết vậy  mà vẫn không tránh khỏi ngậm ngùi.

                      

Không kém vàng hơn cúc,  một loài hoa dân giả cũng đi vào ký ức người Huế khi nhớ  về những ngày đầu năm. Hoa Vạn thọ. Ngay trong Thành Nội ngày nay vẫn còn những nhà vườn trồng giống hoa này để dùng và bán trong những ngày rằm và  Tết dù giá hoa vô cùng rẻ. Họ muốn giữ lại kỷ niệm một thời . H là một người như vậy. Mỗi lần nhìn hoa Thọ tôi không thể không nghĩ tới Anh. Tôi biết H trong một lần sinh hoạt với cộng đồng những người nhiễm HIV. Là một kỹ sư nông nghiệp, H đã nhiều năm làm cho một công ty giống ở đồng bằng sông Cửu Long. Trong một lần gặp lại người yêu cũ và sau một đêm “ lãng mạn “ , H nhiễm HIV. Anh bị cộng đồng xa lánh. H về quê, lại bị gia đình xa lánh. Địa phương , nơi H cư trú đã cho anh một miếng đất bên sườn đồi. H làm một túp lều nhỏ và trồng cây, trong đó có hoa Vạn Thọ. Đêm Giao Thừa cách đây 5 năm, trước cổng nhà tôi chợt xuất hiện 2 chậu hoa Vạn thọ . Đó là  món quà   lặng lẽ đầu tiên và  cuối cùng  tôi nhận được từ  H,  mà sau này tôi mới biết ra. Và Mùa Xuân năm đó H qua đời .  Hoa Vạn Thọ vẫn nở nhưng chủ nhân của hoa thì chỉ thọ ở tuổi  …bốn mươi .

 

Và vàng mai, không thể thiếu trong Mùa Xuân. Năm nay thời tiết ấm áp, Hoa mai đã tưng bừng khoe sắc. Một trong những vườn mai đẹp nhất Thành phố Huế là Vườn mai của cố hoạ sĩ  Mai trang Nguyễn Khoa Toàn ở Vĩ Dạ, . Mai ở đây đa số là mai Huế, có những cội mai già  gần cả  thế kỷ chiếm hữu cả một không gian khá rộng Qua bao thăng trầm của cuộc sống, gia đình vẫn giữ lại và phục hồi gần như nguyên vẹn vườn mai quý này. Là một hoạ sĩ, một nhà điêu khắc, một nhà  ngoại giao, cố hoạ sĩ cũng là tác giả bức tượng Đức Phật Thích Ca bằng đồng hiện đang còn lưu giữ ở chánh điện Chùa Từ Đàm. Ông cũng là một trong những hoạ sĩ đầu tiên của Huế vẽ tranh sơn dầu với những bức tranh thiếu nữ mềm mại và rất ấn tượng. Đi qua Mai trang những ngày giáp Tết,  những ai yêu hoa mai không thể không cảm thấy lòng rung động trước một màu vàng rực rỡ của ngàn mai vẫy gọi mùa Xuân cũng như khó thể quên được nụ cười luôn tươi tắn của chủ nhân hiện tại, hậu duệ của hoạ sĩ Mai Trang,  một nàng Nguyễn Khoa với một phong cách “ rất Huế “

 

Sẽ qua đi Mùa Xuân và tàn lụi  những nụ hoa vàng , như cuộc đời luôn biến dịch, đoạn diệt. Hà cớ chi phải lấy đó làm muộn phiền ? Một sát na an bình đi qua  đã là một khoảnh khắc hạnh phúc. Nhân khoảnh khắc này thành niềm an lạc vô lượng hay làm cho nó tận diệt.  Điều này là có thể và hoàn toàn tuỳ thuộc vào khả năng giác ngộ của mỗi chúng ta.

 

Thanh Nhã

Tháng 3-2010

 

Source: art2all.net