KHAI MẠC HỘI NGHỊ KỲ 4 KHÓA VI TRUNG ƯƠNG GIÁO HỘI PHẬT GIÁO VIỆT NAM

alt

Vào lúc 8 giờ ngày 7 tháng 01 năm 2011, tại Hội trường Văn phòng 2 TWGH, Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam chính thức khai mạc Hội nghị kỳ 4 Khóa VI.

Chứng minh và chủ tọa Hội nghị có HT. Thích Phổ Tuệ - Pháp chủ GHPGVN; HT. Thích Trí Tịnh – Chủ tịch HĐTS; chư Tôn giáo phẩm Phó Chủ tịch thường trực; Phó Chủ tịch HĐTS; 147 Ủy viên HĐTS và 48 Ủy viên dự khuyết HĐTS; chư Tôn đức Ban Trị sự 53 tỉnh, thành hội Phật giáo, các Ban viện Trung ương; các Phật tử tại các nước Nga, Đức, Ucraina, Séc, Ba Lan …

Hội nghị hân hạnh đón tiếp ông Bùi Hữu Dược – Vụ trưởng Vụ Phật giáo Ban Tôn giáo Chính phủ; ông Trần Trung Tính – Phó Chủ tịch UBMTTQ Tp. Hồ Chí Minh.

Như chúng ta biết, năm 2010, năm đất nước và Giáo hội Phật giáo Việt Nam diễn ra nhiều sự kiện trọng đại, như Đại lễ Phật đản, Đại lễ Phật giáo Kỷ niệm 1000 Thăng Long – Hà Nội, Lễ Kỷ niệm 702 năm Phật hoàng Trần Nhân Tông nhập diệt, Kỷ niệm và dự lễ khánh thành tượng đài Bồ tát Quảng Đức vị pháp thiêu thân, Hội nghị Chuyên đề Phật giáo Nam tông Khmer lần thứ 4; Hội thảo Hoằng pháp, Hướng dẫn Phật tử, Nghi lễ toàn quốc, Đại lễ tưởng niệm cầu siêu anh linh các anh hùng liệt sĩ tại các nghĩa trang liệt sĩ; tham dự Hội thảo, Hội nghị Quốc tế; thực hiện chuyến hoằng pháp Châu âu; thăm viếng hữu nghị Phật giáo Myanmar, Phật giáo Ấn Độ v.v… Đây cũng là năm thứ ba thực hiện chương trình kế hoạch 5 năm nhiệm kỳ VI (2007 - 2012). Với quyết tâm hoàn thành Nghị quyết Đại hội VI, chương trình hoạt động Phật sự năm 2010 của Giáo hội Phật giáo Việt Nam, chư Tôn giáo phẩm các cấp Giáo hội, Ban, Viện Trung ương và Ban Trị sự các Tỉnh, Thành hội, Ban Đại diện Phật giáo cấp Quận, Huyện, Thị xã, Thành phố thuộc tỉnh đã nỗ lực hoàn thành các công tác Phật sự của Giáo hội.

Để đánh giá thành quả các mặt hoạt động Phật sự năm 2010 và đề ra chương trình hoạt động Phật sự năm 2011 của Giáo hội, Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam trọng thể tổ chức Hội nghị Kỳ 4 Khóa VI vào ngày 07, ngày 08/01/2011.

alt

Tại phiên khai mạc Hội nghị, HT. Thích Từ Nhơn - Phó Chủ tịch thường trực HĐTS GHPGVN đọc bài phát biểu khai mạc của HT. Thích Trí Tịnh - Chủ tịch HĐTS GHPGVN:

“Hôm nay, ngày 07 tháng 01 năm 2011, trong không khí trang nghiêm và đạo vị của Hội nghị Thường niên kỳ 4 nhiệm kỳ VI Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam, tôi xin gửi đến chư liệt vị lời chào mừng nồng nhiệt và lời chúc tốt đẹp nhất. Năm 2010 đã qua, năm của những nỗ lực và thành tựu khả quan của Giáo hội. Đây là lúc chúng ta tổng kết những gì đã thực hiện trong năm qua, phân tích các ưu khuyết điểm và thiết lập chương trình hoạt động cho năm 2011. Lát nữa đây, Ban Thư ký sẽ đọc Báo cáo tổng kết, kế hoạch của năm; và Hội nghị, với trí tuệ tập thể, với tinh thần đoàn kết, dân chủ, sẽ thảo luận, nêu ý kiến, đề nghị bổ sung. Nay tôi chỉ nêu lên một số nét trong các hoạt động Phật sự của năm qua mà chúng ta cần lưu tâm xem xét một cách cẩn thận. Đó là: việc tôn tạo nhiều tự viện, bảo tháp, thánh tượng tại nhiều nơi; việc tổ chức các hội thảo, hội nghị chuyên đề của Trung ương với các địa phương về Đức Phật hoàng Trần Nhân Tông, về Phật giáo đời Đinh và tiền Lê, về Thăng Long Hà Nội, về Phật giáo Nam tông Khmer, Hoằng pháp, Hướng dẫn Phật tử, Nghi lễ…; việc tổ chức các nghi lễ, tham gia tổ chức kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội; việc cứu trợ, ủy lạo đồng bào bị bão lụt và khá nhiều các hoạt động từ thiện xã hội khác. Một điều khích lệ nữa là về lĩnh vực văn hóa, số kinh sách Phật học được in ấn nhiều hơn năm trước, báo chí Phật giáo được cải tiến hình thức và nội dung như báo Giác Ngộ, tạp chí Văn hóa Phật giáo, tạp chí Nguyên cứu Phật học và nhiều tập san, đặc san, nội san in ấn công phu, bài vở phong phú; đặc biệt mới đây, tạp chí Phật giáo Nguyên thủy đã được giấy phép hoạt động, đóng góp vào việc truyền bá Chánh pháp của Giáo hội. Do hoàn cảnh và điều kiện có khác nhau, mức độ thành tựu các Phật sự của các Ban, Viện có khác nhau, nhưng nhìn chung, tất cả đều được thực hiện đúng như kế hoạch đã đề ra, củng cố sự phát triển của Giáo hội.

Nhân đây, có lẽ chúng ta cũng nên lưu tâm về một số Phật sự mà ý nghĩa đôi khi có thể bị xem nhẹ. Giáo hội chúng ta càng lúc càng được sự tín nhiệm, đồng tình, ủng hộ của quần chúng Phật tử, cho nên các cuộc lễ lạc, các công trình xây dựng có khuynh hướng thể hiện những quy mô lớn, chi phí cao, thậm chí nhiều công trình được đưa vào sách kỷ lục. Điều này chứng tỏ sự phát triển của Phật giáo Việt Nam, nhưng chúng ta cần lưu tâm đến nội dung hoằng pháp, đến truyền thống văn hóa, cần có tỷ lệ hợp lý giữa chi phí tổ chức, xây dựng và chi phí đóng góp các hoạt động công ích, từ thiện xã hội, cần phải luôn giữ đúng tính tiết kiệm, đơn giản của nhà Phật. Việc tổ chức và thực hiện hành chánh là rất quan trọng, giữ gìn nề nếp phát triển của Giáo hội, làm tăng hiệu quả của các hoạt động, tạo sự nhất trí, đồng thuận trong hệ thống, cơ cấu tổ chức. Hành chánh của chúng ta có những cải tiến tốt nhưng vẫn còn những trường hợp lỏng lẻo, sự liên hệ giữa hai văn phòng Trung ương Giáo hội có khi chưa chặt chẽ; một số địa phương, ban ngành có những cải tổ, có khi là sáng tạo, nhưng có khi mang tính cục bộ, biệt lập, tự phát, không phù hợp với tình hình chung, thiếu sự chỉ đạo của Trung ương Giáo hội.

Năm nay là năm thứ 4 của nhiệm kỳ VI, Trung ương, địa phương, các Ban, Viện Trung ương sẽ phải nỗ lực thực hiện các phần còn lại của kế hoạch đã đề ra và tổng kết các Phật sự của nhiệm kỳ, đồng thời dự kiến kế hoạch hoạt động cho nhiệm kỳ tiếp theo, để chuẩn bị tiến tới Đại hội Đại biểu Phật giáo Toàn quốc lần thứ VII, sẽ được tổ chức vào cuối tháng 11 năm 2012 tại thủ đô Hà Nội. Trong năm 2011 này, chúng ta cần phải tổ chức trọng thể lễ kỷ niệm 30 thành lập Giáo hội Phật giáo Việt Nam, từ đó nhìn lại quãng đường tu tập, hoạt động Phật sự, phục vụ Đạo pháp và Dân tộc của Giáo hội, rút ra những kinh nghiệm và từ đó hoạch định những bước phát triển mới.

Tự nhận là con Phật, chúng ta nỗ lực tu tập Tam vô lậu học Giới, Định, Tuệ. Tùy căn cơ và hoàn cảnh, sự tu tập và tiến bộ của mỗi người có thể khác nhau, nhưng một khi đã quyết tâm thì điều cần nhất là phải kiên trì, nhẫn nại và luôn cố gắng vươn lên. Tôi xin nhắc lại đôi điều về tinh tấn. Tinh tấn là siêng năng, dũng mãnh tiến tu các thiện pháp. Trong Ba mươi bảy phẩm trợ đạo, Tứ chánh cần chính là nội dung ý nghĩa và mục đích của tinh tấn. Theo đó, tinh tấn là nhằm để ngăn các việc ác, trừ các ác nghiệp, khiến việc thiện phát sinh, và khiến việc thiện tăng trưởng. Tinh tấn còn là một trong các chi phần thuộc năm căn, năm lực, bảy giác chi, tám chánh đạo, sáu hoặc mười ba-la-mật. Tinh tấn còn là một trong mười thiện địa pháp của Câu-xá, một trong mười một thiện tâm sở của Duy thức. Tinh tấn là sức mạnh, là điều kiện để tiến bộ. Mỗi người trong chúng ta phải phấn đấu không ngừng để luôn được tinh tấn, chung sức xây dựng một Giáo hội tinh tấn. Chúng ta hãy thực hành tinh tấn như Luận Đại Trí Độ phân tích: Thân tinh tấn, nhằm bố thí (bố thí tài, pháp, vô úy) và trì giới (giữ gìn giới luật, phẩm hạnh) và Tâm tinh tấn (thực hành nhẫn nhục, thiền định và trí tuệ).".

 

alt

Tiếp theo chương trình, HT. Thích Thiện Nhơn – Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký HĐTS thông qua dự thảo Báo cáo tổng kết Phật sự năm 2010; TT. Thích Gia Quang – Phó tổng Thư ký thông qua dự thảo chương trình hoạt động Phật sự năm 2011.

Chư Tôn đức đại biểu tham dự Hội nghị đã có nhiều ý kiến đóng góp Báo cáo tổng kết công tác Phật sự năm 2010 và chương trình hoạt động Phật sự năm 2011. 

 alt

Chư Tôn giáo phẩm Chứng minh và Chủ toạ

alt

Ban kiểm Soát Hội nghị

alt

Ban Thư ký hội nghị

alt

Chư Tn giáo phẩm và khách mời

alt

alt

Chư tôn giáo phẩm Lãnh đạo các Ban nghành

và Lãnh đạo chính quyền tặng hoa chúc mừng Hội nghị

alt

 alt

alt
alt
Quang cảnh buổi lễ
alt

Tin và ảnh: Cộng tác viên tại Tp. Hồ Chí Minh

(giaohoiphatgiaovietnam.vn)