Trải nghiệm trước thềm Xuân

 

Sáng nay Thành phố Hồ Chí Minh có nắng, khí trời mùa Xuân đang len nhẹ qua góc phố. Góc tĩnh lặng vẫn được châm trà, ngồi im và ghi lại một vài trải nghiệm trước thềm Xuân…

1 Bụt không phải là đấng dùng thần thông để đưa ai lên cõi tịnh hoặc xuống địa ngục. Mà chính mỗi người đã tự đưa mình lên hoặc hạ mình xuống thông qua nhân mình gieo tạo (từ ý nghĩ, lời nói, việc làm). Vì thế nên khi bạn nói rằng: “Con xin Bụt cho con nghỉ tu năm phút, con làm việc ác này rồi Bụt cho con xuống địa ngục cũng được” thì tội cho Bụt quá. Lắng nghe thật sâu sẽ nghe Bụt mỉm cười và trả lời: “Này con của Ta, Ta làm gì có thể đưa con xuống địa ngục, bởi Ta thương con còn không hết mà. Nhưng nếu con tạo nhân địa ngục thì chắc chắn con phải xuống đó và ngược lại…”.

Đức Thế Tôn trao cho chúng ta chìa khóa từ bi-trí tuệ. Ngài chỉ cho ta thấy con đường nào để đến Niết bàn và về địa ngục. Sự lựa chọn là ở chính ta, vậy mà đã không biết bao lần ta buồn Bụt, trách Ngài sao không cứu rỗi mình?

2 Nếu có một phút giây nào đó kịp nhớ lại hơi thở, nhớ Bụt mà quay về nương tựa nơi Ngài ta sẽ thấy bình an. Năng lượng từ bi của Ngài đã tạo ra từ trường đủ để ôm ấp và xoa dịu những nỗi khổ đau cho mình. Ta phải nhận diện rằng sự quay về của ta đã khế hợp được với từ trường của đức Thế Tôn và khi ấy sự trở về của ta là về với năng lượng tiềm tàng trong ta (nó bị sân, si mê, tham lam che lấp bấy lâu nay).

3 Nếu là người, đương nhiên bạn sẽ có lúc tham, sân, si, nghi ngờ… Tuy nhiên, là người con Phật thì phải nhận diện được sự thật đó, thực tập ôm ấp, chuyển hóa để giảm dần lượng và chất của những tâm hành ấy! Sự thực tập không phải đợi tới lúc lên chùa, tới giờ giấc công phu mà bất kỳ lúc nào. Khi bạn thấy mình đang sân, đang nghi về một vấn đề nào đó liền chẩn bệnh và trị liệu. Nói thật tâm hành mà mình đang có với người khác để họ hiểu mình cũng là một cách giảm sân và phá nghi. Khi đó mình đã đặt cái tôi xấu hổ của mình xuống, bỏ qua thói quen “xấu che tốt khoe” nên mình sẽ bình an hơn!

4 Bất kỳ mối quan hệ nào cũng có lúc xảy ra những chuyện không vui. Và chúng ta cần tha thứ lỗi lầm cho người thân-thương của mình. Nhưng đôi khi tha thứ những lỗi lầm không đồng nghĩa với  việc xem như chưa có gì, đơn giản vì mình là con người! Và bạn sống tốt để sửa sai là tốt cho chính bạn, đó không phải là cách để đổi chát, nếu bạn sống tốt vì mục đích nào đó cho bạn thì cái tốt của bạn cũng là mầm mống của khổ đau. Bởi nếu bạn không đạt được mục đích thì bạn sẽ liền nghĩ “tôi sống tốt cũng vô nghĩa”. Sao bạn không tìm thấy ý nghĩa của sống tốt, sống thiện lành chính là phương thuốc nuôi dưỡng huệ mạng của mình nhỉ?

5 Ai đó đã từng trao cho bạn chìa khóa khu vườn của họ. Khu vườn ấy rất dễ thương, họ bảo “khi nào nhớ tôi hoặc cần tĩnh tâm thì vào khu vườn nhé, vì ở đó có bóng hình của tôi”. Mình cầm chiếc chìa khóa và nghĩ là chủ nhân của khu vườn đã xem mình như chính họ. Bỗng, một ngày bạn mệt mỏi vô cùng, bạn tra chìa khóa để mở cổng khu vườn xinh xinh của họ, khi ấy bạn mới biết là họ vừa thay ổ khóa. Bạn sẽ cảm thấy hụt hẫng một chút. Nhưng không sao, bạn cũng có một khu vườn dễ thương của chính mình đấy, hãy mở cửa vườn nhà mình bằng một hơi thở và một nụ cười. Cuộc sống vốn vô thường mà!

6 Nếu lòng từ bi của mình kịp lan đến những nỗi khổ niềm đau của đồng loại, đồng bào và chúng sanh thì trong khi ở đâu đó, con người đang phải chống chọi với mất mát thì bạn sẽ chẳng bao giờ chịu đi chơi, chịu đi ăn uống, hét hò… Bởi lòng bạn làm sao yên để vui-chơi trước cảnh đau thương cứ chạy qua dòng quán tưởng của mình. Nghĩ và nhớ tới lời nguyện của Bồ tát Địa Tạng Vương, ngài nguyện rằng: khi nào không còn chúng sinh ở địa ngục ngài mới thành Phật. Tâm từ quá lớn của một bậc đại Bồ tát đã được tuyên dương và xướng tụng.

Và nếu chúng ta có từ tâm thì những ngày hôm nay bạn sẽ thấy hình ảnh của những phận đời không nhà, những con người lang thang phải nằm co quắp, khô đét và gầy nhom nơi những mái hiên, vì cái lạnh của Sài Gòn trong những ngày cuối năm. Hình ảnh ấy nhắc nhở với lòng bạn rằng: mình vẫn còn may mắn vì mình còn có một chỗ đi về, ấm áp hoặc những ngày đoàn tụ bên gia đình trong ngày đầu năm. Và để bạn kịp dừng lại khi đi than một câu: “ôi, chán quá, trời lạnh thế này đi ra đường dễ bị cảm lạnh, hic…”!

Lưu Đình Long

daophatngaynay.com

image