Tin tức Phật giáo Thế giới (tuần thứ 4, tháng 01.2011)

 

Một đền thờ Phật giáo tại bang Orissa, Ấn Độ - Photo: Orissa Current News
Một đền thờ Phật giáo tại bang Orissa, Ấn Độ - Photo: Orissa Current News

 

 

ẤN ĐỘ: Tiềm năng du lịch giữa Nam Hàn và bang Odisha của Ấn Độ 

 

Ngày 20-01-2011 tại thành phố Bhubaneswar (thủ phủ của bang Odisha), Hội đồng Phát triển Du lịch Odisha (OTDC) đã tổ chức cuộc hội thảo về tiềm năng du lịch giữa Nam Hàn và Odisha - để đánh dấu Ngày Quốc tế Hòa bình của Liên Hiệp Quốc. Thượng nghị sĩ Pyari Mohan đã bày tỏ hy vọng rằng: tiến trình của một sự hợp tác chặt chẽ giữa thành phố Jellonamdo của Nam Hàn và bang Odisha để thúc đẩy du lịch và các hoạt động kinh tế khác sẽ thu hút đông đảo du khách Phật giáo từ Nam Hàn và Nhật Bản đến với bang Odisha.

Bộ trưởng Bộ Lao động và Việc làm Poshpendra Singhdeo hy vọng rằng mối quan hệ giữa 2 dân tộc sẽ được nâng lên và kích thích nền kinh tế của cả hai khu vực.

Đại sứ của Hội Hợp tác Toàn cầu (GCS) tại Liên Hiệp Quốc là Tiến sĩ Hong Ki-Kim đã so sánh tầm quan trọng của Odisha đối với Phật tử như Jerusalem đối với tín đồ Cơ Đốc giáo. Đề cập đến hoạt động của OTDC để làm cho GCS thành cơ quan đầu mối trong việc thu hút du khách đến với bang Odisha, ông nói rằng sự hiện diện của GCS tại 48 nước sẽ có thể đáp ứng những mong đợi của OTDC.

(Buddhist Channel - January 23, 2011)

 

MÔNG CỔ: Erdene Zuu: tu viện Phật giáo cổ xưa nhất còn tồn tại của Mông Cổ 

 

Tu viện Erdene Zuu có từ năm 1586, được xây bằng gạch lấy từ phế tích của cố đô Karakorum.

Nằm trong Thung lũng Orkhon, nó là tu viện Phật giáo cổ nhất còn tồn tại của Mông Cổ.

Xưa kia tổ hợp này có 60 đền chùa và 1.000 tăng sĩ. Bây giờ nó chỉ có 54 tăng sĩ - không ai trong số họ sống tại di tích này, và chỉ còn 13 đền chùa - trong số đó chỉ còn Đền Lạt Ma là có thể được dùng cho việc thờ phụng.

Đền Lạt Ma hiện nay được cai quản bởi Baasansuren Handsuren, một cao tăng nói tiếng Anh. Ông tu học tại tu viện khi được 14 tuổi (năm 1991) và làm trưởng lạt ma nơi này từ 7 năm nay.

Ông đã thành lập một trường học, được xây nhờ sự cúng dường của địa phương và sự tài trợ của Hội Hi Mã Lạp Sơn. Hiện nay trường có được 30 học viên tuổi từ 9 đến 16. Các tu sĩ trẻ này được học cả về Phật giáo lẫn thế tục.

Lạt ma trưởng Baasansuren Handsuren muốn mở rộng quy mô của tu viện cho việc giáo dục và phục vụ rộng rãi cho cộng đồng Karakorum, qua một trung tâm cộng đồng gồm 1 thư viện, 1 nhà bếp và các phòng học dành cho việc giảng dạy Phật pháp và thiền định.

(Khaleej Times - January 23)

 

TRUNG QUỐC: Tu viện Phật giáo Labuleng 

 

Cam Túc, Trung quốc - Tu viện Labuleng được vị Phật Sống đầu tiên là Jia Muyang xây vào năm 1710, và bây giờ nó là trung tâm văn hóa lớn nhất của Phật giáo Tây Tạng tại các tỉnh Cam Túc, Thanh Hải và Tứ Xuyên.

Tọa lạc tại phía tây Hạt Xihe thuộc Quận Tự trị Gannan của Tây Tạng, Tu viện Labuleng là trung tâm tôn giáo và văn hóa của vùng nam Cam Túc. Nó là tổ chức lạt ma lớn nhất thế giới, bao gồm 6 trường cao đẳng ở các vùng khác nhau.

Hàng năm khách hành hương từ khắp Trung quốc và thế giới đến viếng Tu viện Labuleng. Các nghi lễ tôn giáo lớn được lần lượt tổ chức từ ngày 04 đến 17 tháng giêng, và từ 24 tháng 6 đến 15 tháng 7 âm lịch.

Tu viện Labuleng được xem là một thánh địa, không chỉ trong mắt  của người dân địa phương mà còn đối với những ai mong muốn làm cho tâm linh của mình được trong sạch.

(UrbanDharma - January 24, 2011)  

 2

 

Tu viện Phật giáo Labuleng ở Cam Túc,Trung quốc - Photo: CRIENGLISH.com 

 

VƯƠNG QUỐC ANH: Viện Bảo tàng Quốc gia Cardiff (xứ Wales) triển lãm các tác phẩm điêu khắc đá Đại Túc của Trung quốc 

 

Từ ngày 26-01 đến 03-04-2011, viện Bảo tàng Cardiff tại xứ Wales tổ chức cuộc triển lãm 'Từ những dốc đồi: Những tác phẩm khắc đá ở Đại Túc,Trung quốc'.

Nằm gần thành phố Trùng Khánh, di sản thế giới Đại Túc là nơi có 50.000 tượng Phật và các tác phẩm khác được điêu khắc bằng đá sa thạch. Di tích này được xem là kiểu mẫu lớn nhất của nền nghệ thuật đền chùa Phật giáo trong hang động. Công trình điêu khắc tại Đại Túc bắt đầu vào thế kỷ thứ 7 và tiếp tục trong hơn 4 thế kỷ.

Trong số các hiện vật được triển lãm này có nhiều tượng được phát hiện từ các cuộc khai quật gần đây.

Đây là lần đầu tiên các tượng điêu khắc Đại Túc được trưng bày bên ngoài Trung quốc. Và theo kế hoạch, số tác phẩm khắc đá này cũng sẽ được đem triển lãm tại Bắc Mỹ. Nam Mỹ, châu Phi và châu Úc.

(BBC Wales - January 26, 2011)  

 

3

 

4

Tượng Phật Đại Túc triển lãm tại xứ Wales - Photo: Clare Gabriel

 

TÂY TẠNG: 4 triệu du khách tham quan Cung điện Potala trong 5 năm qua 

 

Trong 5 năm qua, đã có 4.040.000 du khách và tín đồ Phật giáo đến viếng Cung điện Potala, một Di sản Văn hóa Thế giới ở thủ phủ Lhasa của Tây Tạng. Đây là cung điện mùa đông của các vị Đạt lai Lạt ma, được xây vào thế kỷ thứ 7.

Sau khi tuyến đường sắt Thanh Hải - Tây Tạng được vận hành vào năm 2006, số lượng du khách hàng ngày được tham quan Cung điện Potala đã tăng từ 1.500 lên 2.300 người.

Năm 2007, lượng du khách đã vượt hơn 1 triệu, tăng 56% so với năm 2006. Nhưng nó giảm mạnh vào năm 2008 xuống còn 478.300 do các cuộc bạo loạn tại Lhasa vào ngày 14-03-2008.

Tuy nhiên, ngành du lịch đã lấy lại đà trong 2 năm qua, với số lượng du khách đã đạt 780.000 vào năm 2009 và trên 1 triệu người vào năm 2010.

(Tân Hoa Xã - January 27, 2011)   

 

 5 

Cung điện Potala ở Lhasa, Tây Tạng - Photo: Wikipedia

Diệu Âm lược dịch

Theo haitrieuam.com