Con Voi ngái ngủ và thế trận với Sư tử và Cọp

Đặt chân tới Ấn Độ trong hành trình chiêm bái Phật tích, nữ doanh nhân Tạ Thị Ngọc Thảo cho rằng cho thể ví quốc gia này như một "con Voi" đang ngái ngủ bên cạnh nước Mỹ là Sư tử dũng mãnh và Trung Quốc là một chú Cọp đang phô trương sức mạnh.

Sân bay Gaya giống như những sân bay cấp tỉnh của Việt Nam, nhưng dịch vụ và thủ tục thì hoàn toàn khác. Bước xuống cầu thang máy bay nhìn vào nhà ga thấy có mươi người mặc quân phục tay lăm le khẩu súng trường đi qua đi lại. Tôi thót tim, giống Sài Gòn thời Ủy ban Quân quản quá. Bụng nhủ dạ, "Mấy ổng đeo súng mà không biết đã học sử dụng chưa, lỡ xảy tay nổ cái đùng thì mệt".

Làm thủ tục nhập cảnh chỉ có hai bàn. Tiếp du khách là hai người đàn ông trung niên, khoác trên mình cái áo trắng nhuộm nước tương, gọng kiếng luôn chực rớt xuống cánh mũi, tóc có màu muối nhiều, tiêu ít.

Bàn bên kia làm thủ tục rất chậm, nhưng cũng còn có người lọt được qua cửa nhập cảnh; bàn của đoàn tôi xếp hàng máy tính bị trục trặc, không trôi bộ hồ sơ nào.

Sốt ruột vì mất nhiều tiếng đồng hồ trôi dạt từ nước này qua nước khác, bảy  người trong đoàn mong sớm về nơi nghỉ để được làm vệ sinh thân thể. Tôi nói với hai người trẻ trong đoàn, "Xem thử có sửa giúp họ máy tính được không?". Đúng lúc đó, người của bàn bên kia bỏ vị trí chạy qua bàn bên này "cứu bồ" (nghĩa là đoàn người xếp hàng của bàn bên kia phải đứng đợi). Cả hai loay hoay khoảng 15 phút, máy thông. Hú hồn!

Tôi còn đang băn khoăn với kiểu cách làm việc ngồ ngộ của hai vị hải quan, chợt nghe loáng thoáng ai đó nói vu vơ, "Qua lại hoài tui biết, họ làm bộ kéo dài thời gian làm thủ tục nhập cảnh để ra vẻ lăng xăng. Làm nhanh quá hết việc lấy gì làm (?)". Nghe vậy đoàn tôi ai cũng bật cười.

Thế nhưng hãy khoan nhận định Ấn Độ qua những gì bạn chợt thấy tại Gaya và trên đường chiêm bái Phật tích. Có thể lầm đấy!

Ấn Độ, như tôi biết, đất nước có dân số đứng thứ hai thế giới, diện tích lớn thứ bảy thế giới, tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh thứ hai thế giới, và tính theo sức mua ngang giá (PPP) kinh tế Ấn Độ xếp thứ tư thế giới. Đã có những kinh tế gia uy tín hàng đầu nhận định: "Trong vài thập niên tới, kinh tế Ấn Độ sẽ vượt kinh tế Trung Quốc, giữ vị trí thứ 3 thế giới". Tại sao?

Để có tốc độ tăng trưởng như hiện nay, Trung Quốc đã khai thác tối đa nguồn tài nguyên thiên nhiên; bây giờ Trung Quốc đang ngay ngáy tìm kiếm thêm nguyên nhiên vật liệu ở nước này, nước khác, để nuôi dưỡng nền kinh tế khổng lồ của mình.

Ấn Độ thì không như vậy, nhiều tỉnh của Ấn Độ tài nguyên thiên nhiên còn nguyên sơ, nguyên vẹn, chưa đụng tới.

Đó là chưa đề cập, kinh tế Trung Quốc phát triển dựa vào nguồn đầu tư (trực tiếp và gián tiếp) nước ngoài; kinh tế Ấn Độ đi lên chủ yếu từ nội lực. Nếu kinh tế thế giới rơi vào suy thoái sâu, kinh tế Trung Quốc dễ bị tổn thương, kinh tế Ấn Độ bền vững hơn.

 

Liệu kinh tế Ấn Độ có thể tăng trưởng ấn tượng để chiếm vị trí của Trung Quốc?

Ấn Độ không là Cọp để giữ thế dương oai với đồng loại, không là Sư tử để chiếm giữ vai trò sắp xếp trật tự trái đất. Ấn Độ là Voi, một con Voi ngái ngủ. Thiển nghĩ, Voi ngái ngủ mà đã đạt thứ hạng đáng nể trong bảng xếp hạng thế giới, nếu Voi thức tỉnh thì coi chừng mọi thứ đều có thể bẹp dúm dưới chân Voi!

Gần đây, thực tế lại cho thấy, Sư tử và Voi đang liếc mắt đưa tình; Voi và Cọp lại luôn hục hặc nhau. Sư tử ngoài mặt "hảo hảo" với Cọp, nhưng trong dạ lại "OK" với Voi.

Sư Tử có nền kinh tế lớn nhất thế giới, Voi có số dân đông hạng nhì thế giới, nếu hai bên "se duyên" thì cục diện thế giới sẽ thay đổi. Điều đó thể hiện, dự đoán của các kinh tế gia "Voi sẽ qua mặt Cọp" sẽ thành hiện thực!

Nếu có điều gì khó hiểu ở Ấn Độ đối với tôi, nơi có nhiều dấu ấn sâu sắc của Đức Phật và tăng đoàn, thì đó chính là tỉ lệ dân số theo đạo Phật quá thấp, 0,76 %. Những ngày sau, trên đường đi chiêm bái, nhìn Phật tích bị hoang tàn bởi  thời gian thì ít, bởi sự tàn phá của con người thì nhiều; rồi nhìn đoàn người tự xem ăn xin du khách là một cái nghề, sáng xe bus chở đến "hành nghề", chiều xe bus tới đón về, tự tôi phải tìm câu trả lời "Tại sao?".

Và câu trả lời của tôi là, nếu nhìn vào hiện thực để lý giải thì chính sự phân hóa giữa các giai tầng xã hội kéo dài, tư duy của hệ thống hành pháp thiếu nhạy bén, và chính sách điều tiết kinh tế vĩ mô thiếu linh hoạt đã làm cản sức bật của Ấn Độ. Nhưng nếu nhìn theo quan điểm Phật giáo thì, những gì Ấn Độ hiện đang hơn hoặc thua các nước trên thế giới đều do "duyên sanh, nghiệp khởi".

...Ra sân bay đón và hướng dẫn đoàn suốt cuộc hành trình chiêm bái là thầy  Thích Pháp Tịnh và cô Thích nữ Minh Thái. Thầy Pháp Tịnh khoảng 35 tuổi, qua Ấn độ hơn 10 năm, đã có một bằng tiến sĩ "Ngôn ngữ học", bây giờ đang bảo vệ luận văn tiến sĩ thứ hai. Cô Minh Thái khoảng 30 tuổi, qua Ấn Độ năm 2003, vừa bảo vệ xong luận văn tiến sĩ "Lịch sử Phật giáo Ấn Độ", chuẩn bị về lại Việt Nam.

Quan sát thầy Pháp Tịnh và cô Minh Thái trong suốt cuộc hành trình, tôi thấy, hai người giỏi giang, linh hoạt, khiêm cung, tiếng Anh tốt và có kiến thức; lòng tôi reo vui. Phật giáo nước mình có được những người trẻ như hai vị là rất quý.

Cả đoàn nhận rõ, chính hai vị này đã góp phần quan trọng làm cho chuyến đi chiêm bái được hanh thông, viên mãn.

Sẽ là vô tình nếu không kể về chiếc xe và tài xế theo đoàn suốt cuộc hành trình. Chiếc xe mang thương hiệu nước sở tại, loại xe tải nhỏ, được thiết kế rất thực dụng: nếu chở hàng thì tháo ghế ra, nếu chở khách thì gắn ghế vào; tính luôn tài xế xe chở được mười người. Về hình thức xe thuộc loại xoàng (giá dưới 10.000 USD), nhưng khi chạy đường dài thì ác liệt lắm.

Sau đó, tôi được biết đây là một trong những chiếc xe xịn nhất Gaya.

Người điều khiển chiếc xe chạy một cách ác liệt là Baya, tuổi độ năm mươi. Ông có dáng người và bộ râu giống một "tên cướp" trong bộ phim "Alibaba và bốn mươi tên cướp"; ngầu lắm. Tôi đặc biệt chú ý cách ăn mặc của ông, cả quần và áo  một màu trắng toát, còn chân thì mang đôi giày màu đen. Tài xế mà diện nguyên bộ đồ trắng, lại diện ở xứ bụi mù trời như Gaya, ngó bộ hơi bị sang đấy. Riêng đôi giày, lại là đôi giày da đen bóng, rõ là đỉnh cao của sự khác biệt. Tại sao lại là "đỉnh cao của sự khác biệt"? quá lời chăng? Không hề!

Đàn ông ở đây, như tôi thấy, mặc áo bỏ vào quần, xài điện thoại di động mà có ai mang giày, dép gì đâu? Đàn bà, con gái cũng vậy. Mặt thoa son phấn, vấn váy nhiều sắc, đường rẽ tóc có rắc bột màu, tay đeo nhiều vòng xuyến, cánh mũi có đeo khoen, thế nhưng đôi chân son vẫn để trần giáp đất. Vui thiệt.

Như vậy có thể nói, giống như chiếc xe "ác liệt", ông tài xế của đoàn tôi cũng thuộc thứ hạng "bảnh tỏn tẻn" nhất Gaya!

Những ngày sau tôi còn biết thêm, Baya là một tay lái điệu nghệ, rất chịu thương, chịu khó; sống có trách nhiệm với công việc, tận tụy với đoàn và vui tính với mọi người.

Tạ Thị Ngọc Thảo

Theo: vef.vn