Hôn nhân khác tôn giáo và hướng giải quyết

Con là một Phật tử thuần thành, gia đình con có truyền thống Phật giáo đều quy kính Tam bảo. Con thường xuyên đến chùa tụng kinh, học hỏi giáo lý. Vì hoàn cảnh riêng nên con phải lên thành phố học tập và làm việc. Trong thời gian này, con đã yêu một người con gái, cô ấy cũng rất thương con và chúng con có ý định tiến đến hôn nhân. Tiếc rằng, người yêu của con bắt buộc con phải theo tôn giáo của cô ấy và nói rằng đó là điều kiện để đi đến hôn nhân. Con không muốn mất cô ấy, khuyên cô ấy theo con thì con không có khả năng mà bỏ đạo thì con không thể..

TRẢ LỜI

Một trong những yếu tố cơ bản để cấu thành cuộc hôn nhân bền vững ngoài tình yêu là hiểu biết và tôn trọng lẫn nhau. Trong hôn nhân, cố nhiên tình yêu vốn cực kỳ quan trọng song chỉ có tình yêu đơn thuần thì chưa đủ. Một tình yêu đúng nghĩa phải vượt lên tất cả những chướng ngại bằng bao dung, vị tha và đặc biệt là sự tôn trọng.

Có thể các bạn thương nhau nhưng chưa thực sự đạt đến độ chín của tình yêu chân thật. Trở ngại lớn nhất giữa các bạn bây giờ là niềm tin tôn giáo mà tôn giáo và tín ngưỡng lại thuộc phạm trù thiêng liêng, vốn bất khả xâm phạm. Theo như tâm sự của bạn trong thư thì chính bản thân bạn cũng như người yêu của bạn cả hai đều có lập trường kiên định trong việc bảo vệ niềm tin của mình.

Giữ vững niềm tin là điều tốt song éo le ở chỗ là tôn giáo hiện hữu trên đời để hướng thiện con người, giúp con người ngày một thăng hoa và tiến bộ trên phương diện đạo đức và tâm linh trong đó có vấn đề bảo vệ và xây dựng tình yêu chứ không phải làm chướng ngại, ngăn cách tình yêu. Vấn đề đặt ra ở đây là người yêu của bạn "thách cưới" bằng việc bắt buộc bạn phải từ bỏ tôn giáo của mình để theo tôn giáo của cô ấy. Nếu không thỏa mãn yêu cầu này thì hôn nhân chỉ là chuyện trong mơ. Chính yêu cầu này bộc lộ một điều rằng cô ấy quá ích kỷ, hẹp hòi; bảo vệ niềm tin một cách thiển cận, thiếu tôn trọng và yêu tôn giáo của mình hơn yêu bạn.

Một khi lập trường hôn nhân của người yêu bạn nghiêng nặng về tôn giáo hơn là tình yêu đồng thời ra điều kiện cho bạn muốn đi đến hôn nhân với cô ấy thì  phải bỏ đạo, chính bạn cần phải sáng suốt cân nhắc và kiểm định lại quyết định hôn nhân của mình. Bởi lẽ, điều kiện trên đã cho thấy người yêu của bạn sẵn sàng hy sinh tình yêu để bảo vệ tôn giáo đồng thời lộ rõ sự thiếu tôn trọng, xúc phạm đến niềm tin tôn giáo thiêng liêng của bạn.

Còn đối với bạn, dù yêu thương cô ấy và có dự định hôn nhân nhưng vẫn giữ vững lập trường kiên định về niềm tin tôn giáo của mình. Bạn đã có một quyết định đúng đắn và sáng suốt. Đạo Phật không chủ trương lợi dụng hôn nhân để quy nạp tín đồ đồng thời cũng không khắt khe đến độ cực đoan khi bắt buộc người chung sống với mình phải cải đạo. Người Phật tử, quy hướng đạo Phật xuất phát từ niềm tịnh tín, với ý thức tự giác và tự nguyện đồng thời rất tôn trọng tín ngưỡng và niềm tin của người khác. Do vậy, bạn cũng không cần người yêu của bạn từ bỏ tôn giáo của mình để theo bạn nếu không xuất phát từ tự giác và tự nguyện, nhưng đối với riêng bản thân bạn thì cần phải sáng suốt, không mù quáng và nhất là không đánh mất lòng tự trọng của người Phật tử, vốn dĩ cao quý và thiêng liêng.

Đạo Phật là đạo giác ngộ, được làm người Phật tử là đã đặt chân lên thềm thang giác ngộ, đó là một trong những căn lành mà không phải bất kỳ ai cũng có được. Do vậy, nếu bạn không muốn trầm luân, đọa lạc trong đời này và đời sau thì phải giữ vững niềm tin của mình. Hôn nhân có thể đem lại cho bạn hạnh phúc trong một đời nhưng để đạt được hạnh phúc trước mắt vốn mong manh ấy mà phải thay đổi lý tưởng và niềm tin là một điều tệ hại nhất trong các điều tệ hại vì đánh mất chánh kiến nên chắc chắn bị đọa lạc ở những đời sau.

Vẫn biết rằng nếu cùng một chí hướng và niềm tin thì rất tốt cho việc xây dựng hạnh phúc gia đình song thực tế quan điểm của hai người hiện giờ thì điều ấy trở thành không thể. Giải pháp "đạo ai nấy giữ" dù còn nhiều giới hạn và trở ngại nhưng vẫn không có tính khả thi vì điều kiện bắt buộc để tiến tới hôn nhân của cô ấy là bạn phải bỏ đạo. Và đây cũng là tín hiệu rõ ràng nhất của vấn đề rằng chuyện tình yêu của các bạn còn một khoảng trống bất hòa khá lớn, chưa hội đủ các điều kiện cần và đủ cho một cuộc hôn nhân hạnh phúc và bền vững. Do vậy, nếu đi đến hôn nhân khi tình yêu cũng như quan điểm chưa đạt đến độ hòa hợp, chín muồi thì chắc chắn sẽ bất hạnh, đổ vỡ và chuốc lấy thất bại mà thôi.

Người Phật tử luôn vận dụng trí tuệ để làm hành trang cho cuộc sống. Bạn phải luôn ý thức để quán niệm rằng hôn nhân (nếu may mắn) chỉ đem lại hạnh phúc một đời, còn Chánh pháp sẽ dẫn bước và soi đường cho bạn đạt đến hạnh phúc và an vui trong đời này và mãi mãi về sau. (Ban Tư Vấn TC. Gíac Ngộ)

Cháu là một Phật tử thuần thành, áp dụng những lời Đức Phật dạy vào cuộc sống thực tiễn được nhiều lợi ích. Cháu đang làm việc cho một công ty nước ngoài và yêu thương một bạn gái theo đạo Thiên Chúa. Bạn này cũng như cháu rất ngoan đạo. Hơn một năm, tình cảm tụi cháu vẫn tiến triển tốt đẹp, bàn về tương lai xa chúng cháu đã thống nhất với nhau đạo ai nấy giữ. Nhiều người nói với cháu: "Hai đạo khó làm ăn, khó dạy con cháu, khó hạnh phúc...".

TRẢ LỜI :

Đúng là trên thực tế có rất nhiều cặp vợ chồng đã không hạnh phúc chỉ vì họ theo hai đạo khác nhau. Tuy mỗi tôn giáo có một nền giáo lý khác nhau, mục đích tối hậu khác nhau nhưng vẫn có những điểm giống nhau trong quan niệm cuộc sống. Ví dụ như tôn giáo nào cũng khuyên tín đồ của mình nên siêng làm những việc lành và cố gắng lánh xa điều ác. Cho nên hai người khác đạo quyết định lấy nhau, họ đã tìm ra chỗ dung thông sau khi vượt qua biết bao cách trở: Đạo ai nấy giữ.

Song, họ đã không hiểu hết lời tuyên thệ đó. Họ chỉ hiểu đơn giản khi lấy nhau rồi thì ai nấy cứ tiếp tục tín ngưỡng tôn giáo của mình, tự do cúng kiếng lễ bái hay những hình thức sinh hoạt khác mà một tín đồ cần phải thực hiện. Họ không hề nghĩ đến sự khác nhau giữa tư tưởng của hai tôn giáo là một trở ngại lớn. Càng là tín đồ thuần thành thì họ càng khó chấp nhận về quan niệm sống hay những điều chân lý của tôn giáo khác. Nếu như chân lý là một cái gì đó ở đằng xa, họ ít có dịp luận bàn đến thì những giáo lý áp dụng ngay trong đời sống hiện thực cũng không phải luôn luôn có điểm chung giữa hai tôn giáo. Vì ai cũng giữ cái "ngoan đạo" của mình mà không chấp nhận nhau rồi xảy ra việc tranh cãi và chê trích đạo của nhau là chuyện thường có. Nếu họ là những người hiểu biết, ôn hòa và nhường nhịn lẫn nhau thì với tình yêu sắt son cũng không khó xây dựng hạnh phúc gia đình.

Song, đến khi có con lại là một vấn đề nan giải. Lời giao kết "đạo ai nấy giữ" thuở ban đầu ấy là dành cho vợ chồng, nhưng con của họ thì sao? Theo cha hay theo mẹ? Ai mộ đạo thì cũng muốn con mình theo đạo truyền thống của ông bà cha mẹ mình, phải tranh thủ hướng đạo cho con ngay từ nhỏ. Nếu cha mẹ khoáng đạt hơn thì lớn lên cho con tự quyền lựa chọn tôn giáo, nhưng nếu đứa con mặc dù đã đủ lớn khôn để nhận thức nên theo đạo nào lại ngặt nỗi sợ mất lòng cha hoặc mẹ thì càng rắc rối hơn.

Đó là chưa nói đến hai họ, bên nội và ngoại, họ là những bức tường thành kiên cố khó mà vượt qua. Ngay từ khi cha mẹ chúng lấy nhau đã phải khổ sở lắm mới chinh phục được quan niệm "như đinh đóng cột" của nội ngoại, bởi những người theo đạo lâu năm họ cho rằng đó là một điều thương tổn đạo đức. Vì thương con mà họ đành ngậm ngùi chấp nhận, nhưng đến khi có cháu thì bất ngờ trong họ nảy sinh một sự chiếm hữu rất lớn, họ không thể "mất" thêm đứa cháu. Thật ra, tất cả cũng chỉ là quan niệm mà con người đã lỡ đặt ra và chấp chặt vào. Tôn giáo không hề có lỗi, bởi tôn giáo ra đời là để giáo dục con người hướng đến hạnh phúc trọn vẹn, chỉ tại con người bị bản ngã làm kẹt vào những quan niệm. Hai người khác đạo lấy nhau nếu muốn có hạnh phúc thì phải vượt lên những quan niệm đó. Còn chưa hiểu gì về tôn giáo của nhau, chưa tìm thấy được điểm chung để cố gắng hòa vào và điểm riêng để vượt ra khỏi thì nhất định sẽ rơi vào nghịch cảnh tan vỡ nếu vội vã lấy nhau. Không nên vì tình yêu quá độ mà lờ đi những hiểu biết về đạo của nhau. Phải thực sự hiểu giá trị đích thực của  cuộc sống là gì thì mới thấy được sự cần thiết của đạo, bằng không sẽ xem nó như một nỗi ám ảnh đọa đày.

Giáo lý Đức Phật dạy chúng ta từ bi bình đẳng, độ lượng vị tha, nhu hòa nhẫn nhục... để thanh tịnh hóa nội tâm, chuyển hóa và trị liệu những tật bệnh phiền não chứ không hề khuyên chúng ta phải chết sống để bám giữ khư khư vào đạo mà không được phép tạm rời. Sống hình thức trong đạo mà không thực hành được những điều đạo đã dạy thì coi như hoàn toàn xa đạo, ngược lại không điều kiện để gần đạo hoặc có thể ở chung đạo khác mà vẫn sống tốt theo những gì đã được hấp thụ từ đạo của mình và còn tạo ảnh hưởng đến người đạo khác thì quả là một tín đồ thuần đạo, rất gần với đạo. Đó là lời răn nhắc của Đức Phật. Nhưng tư vấn đến đây, chúng tôi có ý định khuyên cháu khoan tiến xa hơn trong mối tình này, bởi chúng tôi vừa phát hiện ra cháu phát biểu nông nổi: "Chúa Jesus và Phật Thích Ca là một". Dựa vào đâu là cháu dám nói càn như vậy? Cháu hiểu Phật Thích Ca là như thế nào và Chúa Jesus ra sao? Không nên vì muốn chuyện tình cảm của mình được trọn vẹn mà cẩu thả "sáp nhập" đại để tìm ra sự "dung hòa chân tình" trong tư tưởng của mình. Điều đó chứng tỏ rằng vì những lời cảnh báo của kẻ bàng quan và thấy người đi trước gặp thất bại nên cháu mới lo lắng băn khoăn chứ cháu chưa thật sự quan tâm đến vấn đề trở ngại của chính bản thân mình. Chúng tôi tán đồng quan điểm của cháu là cuộc sống là do bàn tay và khối óc của mình tạo nên, song sức mạnh của bàn tay thì có thể dễ dàng biết rõ chớ còn khối óc thì cần phải kiểm tra thật kỹ lại từng giây phút mới không lầm nhận về nó. Sự hiểu biết của con tim luôn nhạy cảm tìm sự thích nghi với hoàn cảnh và cũng bị tác động ít nhiều từ hoàn cảnh. Cháu không được phép chủ quan mà không chịu tìm ra chỗ gút của bài toán khó này thì về sau cháu sẽ hối tiếc vì không còn đủ sức để nhận diện nữa, lúc ấy chỉ còn biết đương đầu chấp nhận và thở dài mặc tùy số phận mà thôi. 

(Câu hỏi số 11 trích trong mục “Tư Vấn Bạn Đọc” tuần san Giác Ngộ số 243, ngày 23/09/2004).