Lễ hội rằm tháng giêng: Cầu một năm mới an lành

ramthanggiengHôm nay - ngày rằm tháng giêng - một trong ba ngày rằm lớn nhất trong năm, mọi người đã đổ về các đình chùa, đền, miếu để dự lễ cầu an, nghênh đón sao tốt, giải hạn sao xấu, cầu mong một năm mới tốt lành.
Vào rằm tháng giêng, mọi người thường tập trung đi lễ chùa; dân gian còn nói, nếu từ đầu năm đến rằm tháng giêng đi lễ đủ 10 chùa thì phúc đức cả năm. Để hiểu rõ ý nghĩa của ngày rằm tháng giêng, phóng viên chúng tôi đã phỏng  vấn một số sư thầy ở các chùa lớn trong Nam, ngoài Bắc...

Thưa thầy, ý nghĩa của ngày rằm tháng giêng trong đạo Phật và văn hoá dân tộc?

Đại đức Thích Minh Hiền - trụ trì chùa Hương: Dân gian bảo: Lễ cả năm không bằng lễ rằm tháng giêng. Lễ rằm tháng giêng là lễ đầu xuân, quan trọng trong đời người, là truyền thống văn hoá dân tộc. Vì thế, mọi người đi lễ chùa rất đông. Tuy nhiên, ngày rằm tháng giêng trong Phật giáo lại không nhiều ý nghĩa lắm.

Thượng tọa Thích Chân Tín - trụ trì chùa Hoằng Pháp (Hóc Môn, TPHCM):  Mọi người đi lễ rằm tháng giêng đầu năm để mong muốn một năm tốt đẹp cho gia đình, bản thân. Đi chùa là cầu bình an, ấm no, hạnh phúc. Trong Phật giáo, rằm tháng tư (Phật đản) và rằm tháng bảy (lễ Vu lan, lễ "ra hạ" - sau một mùa an cư) là quan trọng nhất.

Đại đức Thích Minh Tiến, Uỷ viên thư ký Hội đồng Trị sự T.Ư Giáo hội Phật giáo VN: Mùa xuân là khởi đầu của một năm, tính theo quy luật của thời gian, là khởi sự cho mọi công việc. Vì thế, mọi người lo sắm sửa từ bàn thờ tổ tiên, đến các nơi thờ tự như chùa chiền, đi lễ Phật, lễ thánh hướng tâm cầu nguyện. Phật giáo hoà đồng với tâm linh, tín ngưỡng dân tộc, các chùa cầu cho quốc thái dân an, mong mọi người cùng nhìn lại một năm,  tự sửa mình tích phúc tích thiện, nuôi dưỡng đạo đức xã hội.

Mỗi người một năm đều có sao chủ: Sao tốt hoặc sao xấu. Ai gặp sao xấu chiếu, đều lo tìm thầy để lễ dâng sao giải hạn? Theo thầy, việc dâng sao giải hạn có tác động đến đâu, có thể làm xoay chuyển sao xấu thành tốt?

Đại đức Thích Minh Hiền: Việc dâng sao giải hạn là xuất phát từ Lão giáo. Trong Bát quái đồ, mỗi người có 9 vì sao chiếu mệnh, mỗi năm mỗi người có sao cát tinh (sao tốt) và hung tinh (sao xấu). Sao cát tinh như Thái Dương, Mộc Đức, Thái Âm, Thuỷ Diệu... Sao hung tinh như: La Hầu, Thái Bạch, Kế Đô... Thường mọi người lo tống sao xấu mà không lo đón sao tốt. Việc xoay chuyển đến đâu, tôi không dám bàn.

Thượng tọa Thích Chân Tín: Chùa Hoằng Pháp không tổ chức dâng sao giải hạn, vì nó không đúng với tinh thần Phật giáo. Một số chùa tổ chức dâng sao giải hạn là làm theo ý của phật tử, tùy duyên, giúp phật tử hoá giải nỗi lo lắng, an tâm trong năm, khuyên nhủ phật tử sống tốt.

Đại đức Thích Minh Tiến: Việc dâng sao giải hạn là thuộc tín ngưỡng tâm linh; tùy theo mỗi cá nhân để cầu an bản mệnh. Mỗi người tự soi lại mình, tự sửa mình, làm việc thiện. Phật dạy "Nhất thiết duy tâm tạo" (nghĩa là "Thiện phúc do mình tạo ra"). Phật không ban phúc, gieo họa cho ai cả, mà mỗi người tự tạo phúc cho mình.

Hoà thượng Thích Phước Thiện - trụ trì chùa Hội Phước, ở phố Hoàng Văn Thụ, TP.Nha Trang - giải thích: Cúng sao, giải hạn không có trong giáo lý nhà Phật, mà là một sinh hoạt truyền thống dựa trên tín ngưỡng dân gian. Khi Phật giáo du nhập vào Việt Nam, tín ngưỡng dân gian hoà chung niềm tin tôn giáo; không biết từ bao giờ, lễ cúng cầu an được người dân tin tưởng gửi gắm nơi cửa Phật.

(Theo Lao động)