Vô thượng thậm thâm vi diệu pháp

 

Niệm Phật có phải là một pháp môn vi diệu không?

Chẳng những thế mà còn là vô thượng thậm thâm vi diệu pháp.

Ông nói có quá đáng không?

Không quá đáng chút nào?

Xin ông giải thích?

Thiền, Mật chỉ độ được cho người thượng căn .  Riêng Tịnh độ với pháp môn niệm Phật lại độ được cho cả ba là Hạ, Trung và cả Thượng căn nữa.  Có phải đây là một vi diệu pháp không?

 

Đúng vậy, nhưng nói đó là vô thượng thậm thâm vi diệu pháp thì thật khó tin.

Nếu tôi nói Tịnh nhiếp luôn được cả Thiền và Mật thì ông có tin Tịnh là vô thượng thậm thâm vi diệu pháp không?

Nếu được như vậy thì quả thực đó là một pháp môn vô thượng thậm thâm vi diệu.  Nhưng làm sao lại có thể như thế được? 

Thế tông chỉ của Thiền là gì?

Trực chỉ chân tâm kiến tánh thành Phật?

Khi cất tiếng niệm Phật thì âm thanh đó lại được nghe bằng chính tánh nghe của mình.  Đây chính là pháp “Phản văn, văn tự tánh” hay “Nghe trở lại  với tự tánh nghe của mình” mà đức Quan Thế Âm đã chỉ dạy trong kinh Thủ Lăng Nghiêm. Như vậy là ta đã đi thẳng vào chân tâm, thấy tánh bất sanh bất diệt, có gì khác với thiền tông đâu.

Âm thanh là tướng thuộc sinh diệt,  ta lắng nghe âm thanh thì ta đã duyên theo tướng, như vậy nào có trở về với chân tâm đâu?

Phàm phu chỉ thấy tiếng là do miệng, lưỡi, khí quản và không khí phát ra, nào biết đâu nếu không được lưu xuất từ cái biết hay Phật tánh thì làm sao âm thanh phát ra được.  Không biết được điều này, nên  nghe mà  duyên theo tướng, rồi bị dính mắc, thì cũng dễ hiểu.   Nên biết âm thanh được phát ra chính là cái dụng của Phật tánh, hay tánh giác đang được hiển lộ qua tướng.   Âm thanh này lại đang được nghe lại bằng chính tánh nghe bên trong của mình.  Âm thanh tuy sanh diệt, nhưng tánh nghe thì chẳng bao giờ mất.  Ngay cả khi chúng ta niệm thầm, hay không niệm gì cả, cái tai lúc đó không sử dụng,  nhưng chúng ta vẫn  “nghe có tiếng”  hay “nghe không có tiếng”.  Người tu Thiền rất chú trọng đến điều này và đó chính là một  trong nhiều cách, để trở về với chính mình. 

Xin ông giải thích rõ hơn.

Mượn tiếng niệm Phật để quay lại tánh nghe bất diệt của mình, tức là quay lại chân tâm.  Niệm Phật cho rõ ràng là ta tỉnh, lắng nghe không sót một chữ là ta giác.  Tỉnh giác thì vọng tưởng khó có cơ hội chen vào.  Vọng tưởng không có thì ta đi tới chỗ định.  Định sâu thì cái bị nghe (sở) và tánh nghe (năng) đều biến mất, hay năng sở không còn, lúc đó “Tâm vô sở trụ”, hay “Tâm không còn chỗ nào để dính mắc hay bám vào” thì chân tâm hiển lộ, lúc đó chính là “Chân không diệu hữu”.  Đây cũng chính là “Di Đà tự tánh” trong Tịnh Độ Tông, có khác gì so với Thiền tông đâu.

Thế so với mật tông thì sao?

Vậy tông chỉ của mật tông là gì?

Tam mật tương ưng, tức thân tức Phật.

Đúng thế, Mật tông có tam mật tương ưng.  Tay bắt ấn, miệng niệm chân ngôn, ý không điên đảo, để bên trong tự thanh lọc thân tâm, bên ngoài nhờ sự gia trì của chư Phật, Bồ Tát, Hộ Pháp mà thành tựu pháp tu.  Với Tịnh Độ thì  miệng niệm Phật là khẩu thanh tịnh, lần tràng hạt là thân thanh tịnh, lắng nghe tỏ tường là ý thanh tịnh.  Lại nữa Tịnh độ tông lấy Tín Nguyện Hạnh làm pháp tu.  Tín là tin có Đức A Di Đà Phật với 48 lời nguỵện,  sẵn sàng cứu vớt chúng sinh về cõi Tây Phương Cực Lạc của Ngài, nguyện là nguyện khi chết sẽ được sanh về cõi nước của Ngài, hạnh là quán tưởng về ngài, hay thế giới của Ngài hoặc niệm Phật như trên.  Vậy thì với Tín Nguyện Hạnh, hành giả bên trong cũng đang tự thanh lọc thân tâm và bên ngoài thì nhờ sức gia trì của Phật A Di Đà và các thánh chúng cũng như chư hộ pháp để thành tựu được pháp tu của mình.  Nên nhớ A Di Đà Phật, vừa là tên Phật, vừa có nghĩa Vô Lượng Quang, Vô Lượng Thọ, Vô Lượng Công Đức.  Sáu chữ Nam Mô A Di Đà Phật  cũng là mật ngôn tối thượng, gồm đủ cả giới luật, thiền định và trí tuệ.  Nó có vô biên bất khả thuyết ý nghĩa thâm mật vi diệu.

Mật tông tiến tới tức thân thành Phật, hay ngay thân này là Phật, tức buông mọi vọng niệm, thấy mình là Phật, Phật là mình, rồi ngã sở đều vong, tịch mà chiếu, chiếu mà tịch, và Tịnh độ tông với tự tánh Di Đà như đã trình bày cùng ông ở trên, nào có khác gì đâu.

Tôi thấy những gì ông nói chỉ dành cho những bậc thượng căn?  Vậy môn tịnh độ nhiếp những căn dưới ra sao?

Nên nhớ khi ta có Tín Nguyện Hạnh là ta đã nằm trong nguyện hải của Như Lai và được sự gia trì của Đức Di Đà rồi.  Tùy theo tín tâm, nguyện thiết và hành trì nông sâu mà ta được vãng sanh vào thế giới của Ngài theo những bậc cao thấp khác nhau.

Xin cho một ví dụ để dễ hiểu.

Ví như một nước thật giàu có, nhân dân trong nước đó đều sống đạo đức, hạnh phúc và vị vua nước đó tuyên bố nếu bất cứ người dân nước nào, không phân biệt giai cấp, già trẻ, trình độ học vấn, nếu tin vào sự anh minh nhân từ của ông, muốn sống tại nước ông và gắng sức đi tới nước ông thì ông sẽ giang tay sẵn sàng giúp đỡ người đó đạt thành ý nguyện.  Bằng phương tiện thật dồi dào, bằng lòng nhân ái vô biên và bằng vào lời nguyện thâm sâu của mình, chắc hẳn chẳng có gì khó khăn đối với vị vua đó khi cứu một người có nguyện tha thiết được sống trong nước mình.

Xin cho một ví dụ khác.

Như trong không gian luôn có những hình ảnh và âm thanh, nếu ta dùng cùng tần số thì sẽ bắt được âm thanh và hình ảnh đó.  Cũng vậy, bốn mươi tám lời nguyện của Đức Phật Di Đà và thần lực của Ngài  đang bao trùm mọi không gian và thời gian, chỉ cần ta có Tín-Nguyện-Hạnh thì ta đang nằm trong nguyện hải và sự gia trì của Ngài rồi.  Tín – Hạnh –Nguyện và lòng chí thành là hành trang đủ cho mọi người cùng bình đẳng đi đến với đức Phật Di Đà.

Người ta nói Tịnh Độ Tông ích kỷ, không chú trọng tới việc độ tha, chỉ muốn hưởng thụ nơi Thế giới Cực Lạc của Phật A Di Đà?

Nên nhớ Tịnh độ tông cũng thuộc Đại thừa như Thiền Tông và Mật tông.  Và cũng như mọi tông phái khác, Tịnh độ tông ngoài việc tự độ cũng phải độ tha và làm những công việc khác giúp đời theo nhân duyên và khả năng. Tuy nhiên Tịnh độ tông chú trọng nhiều vào việc tự độ trong đời này trước, vãng sanh về thế  giới cực Lạc của Phật A Di Đà để tiến tu.  Khi không còn lui sụt thì lại tùy duyên mà đi khắp mọi nơi giúp vô lượng chúng sinh đồng thành Phật đạo.  Kẻ muốn vào Thế giới cực lạc của Phật Đi Đà phải có nguyện độ sanh thì mới đúng là bản hoài của Ngài.  Vào đó chỉ để hưởng thụ, không phải là bản nguyện của Ngài, không phải là hướng đi của người tu Tịnh Độ.

Thế có phải chỉ có Tịnh độ pháp môn mới là vô thượng thậm thâm vi diệu pháp?

Không phải thế.  Mọi pháp môn đưa tới giải thoát, an lạc và trọn thành Phật đạo đều là vô thượng thậm thâm vi diệu pháp cả.  Ông chớ hoài nghi và không nên phân biệt như vậy.

Từ Phong
Theo thienviendaidang.net