MỘT ĐẶC TRƯNG RẤT RIÊNG CỦA PHẬT GIÁO

 

Điểm chung của các tôn giáo thần khải là đức tin nơi một Đấng sáng thế, trong khi Kinh Pháp Cú (Dhammapada), một trong những kinh phổn biến nhất của Phật giáo lại mở đầu bằng câu: “Tâm có trước các sự vật, tâm thống quản chúng, sáng tạo ra chúng”. Điều đó đủ cho thấy cốt lõi và đặc trưng rất riêng của đạo Phật là con đường dẫn vào bên trong để gặp lại Bản Tâm của chính mình.

a/. Phật giáo và “sáng tạo luận” (creationism): Trong rất nhiều sách viết về Phật giáo và các tôn giáo Đông phương khác bằng ngôn ngữ Tây phương, một số tác giả Tây phương vẫn dùng những khía niệm tôn giáo theo truyền thống phương Tây để đánh giá các tôn giáo này. Ví dụ, Phật giáo bị xem là “vô thân” (atheism) bởi vì Phật giáo không giải thích nguồn gốc của vũ trụ bằng một “sáng tạo luận”, theo đó thế giới này được tạo ra bởi một “Đấng Tối cao” cai quản thế gian theo ý muốn độc đoán chuyên quyền của mình mà loài thấp hèn không được quyền thắc mắc hay khiếu nại gì cả.

Thật ra sáng tạo luận chỉ là một trong những giả thiết (chứ không phải là giả thuyết duy nhất) giải thích nguồn gốc của đời sống; và đây là đức tin nền tảng của các tôn giáo phát xuất từ Trung Đông (Mddle East). Trong khi đó khoa học và các tôn giáo Đông phương đưa ra những giải thích khác về nguồn gốc của vũ trụ và đời sống. Một khi ý thức được bối cảnh văn hóa Trung Đông của đức tin này, chúng ta không thể nào chấp nhận cái nhận xét cho rằng Phật giáo là “vô thần” chỉ vì Phật giáo không giải thích nguồn gốc của thế giới và con người theo cung cách với các tôn giáo Trung Đông ấy. Nhận xét như thế cũng giống như nói rằng: “anh không có những giá trị đạo đức giống tôi thì anh là đồ vô đạo đức”; hoặc như kiểu nói: “anh (chị) có đạo không?” – Đưa đến phản ứng: Thưa: “Tôi không có ‘đạo’, tôi là người lương” – Một người chỉ cần có nữa khối óc cũng đủ thấy nhận xét trên là không công bằng.

Một trong những lý do mà Phật giáo và một số hệ thống triết học Ấn Độ giáo không chấp nhận sáng tạo luận, chủ yếu là bởi vì họ có lập luận triết học tiêu biểu như sau: Không có một sinh thể (being) mà mọi mục tiêu đã được thành tựu lại vẫn còn cần phải hành động, bởi vì mục tiêu của hành động là để thỏa mãn một dục vọng nào đó. Ý là: Nếu như có một Thượng đế, thì đấng này hẳn phải là toàn hảo, và đã là toàn hảo thì tất nhiên là không còn có dục vọng nào cần phải thành tựu nữa. Vậy Thượng đế sáng tạo để làm gì? Cần có con người cho đỡ cô đơn chăng? Hay để hưởng thụ một chút quyền lực? vả lại, về mặt triết lý, nếu như quy mọi sự về một nguyên nhân tối hậu, thì cái gì là nguyên nhân của nguyên nhân tối hậu áy?

Thử hỏi: Thượng đế, hay Đấng tạo thế toàn năng ấy, có thể tạo ra một khối lượng lớn đến nỗi chính mình không cất lên nổi chăng? Và xin hỏi rằng: Đặc tính của Thiên chúa là năng động (active) hay là bất động (inactive)? Nếu là năng động thì phải là liên tục năng động, như vậy Thượng đế đương nhiên phải là thường hằng (eternal). Thế thì tại sao Thượng đế “không làm gì cả” (idle) từ hàng tỷ tỷ năm, mãi cho đến cách đây khoảng sáu ngàn năm (theo Do Thái giáo) mới hoạt động (tạo thế), và vũ trụ chỉ hiện hữu trong vài ngàn năm rồi sẽ tận thế vĩnh viễn?

Đó là những lý luận tiêu biểu của một bộ phận tư tưởng Ấn Độ, liệu truyền thống Trung Đông có sẵn lòng dựa trên lối lý luận này để phán xét vũ trụ quan của mình không? Tất nhiên là không, và họ không cần phải làm như thế.

Cho nên, trí giả Tây phương cũng không thể dùng các phạm trù văn hóa có nguồn gốc Trung Đông kia để phán xét các tôn giáo Đông phương. Bởi vì, ở mặt phương pháp luận, dùng những khía niệm “hữu thần”, “vô thần” để phán xét Phật giáo tự chính nó đã phi lý rồi. Rõ ràng là như vậy, nhưng thật khó tránh khỏi. Bởi vì, đối với những trình độ tri thức tôn giáo còn giới hạn, để hình dung được đối tượng nào đó, ở đây là Phật giáo, người ta còn cần phải cố xếp đối tượng đó vào bảng phân loại kiểu nhị phân của truyền thống triết học Tây phương quen thuộc với họ. Cũng may là, với sự tiến bộ của ngành tôn giáo học, ngày nay đã có một số ít nhà nghiên cứu chủ trương rằng truyền thống Phật giáo có đủ một lịch sử dài lâu để chúng ta nghiên cứu Phật giáo bằng chính lịch sử Phật giáo. Quan điểm này đánh dấu một bước tiến trong học thuật về Phật giáo ở Tây phương. Và cũng nên công bằng mà ghi nhận rằng: Trong nhiều sách, sau khi phân tích và tìm hiểu cặn kẽ giáo thuyết Phật, nhiều học giả Tây phương cho rằng đạo Phật là một liệu pháp thực tiễn: tất cả đều nhắm đến việc chấm dứt các ‘Khổ’. Đồng thời, họ cũng hiểu ra rằng, với Đức Phật, việc thực hành siêu nghiệm (dựa trên đức tin nơi một Đấng siêu nhiên, không kiểm nghiệm được, nào đó), nếu nó đóng góp được gì cho mục tiêu “chấm dứt các ‘Khổ’”, thì sẽ được tin cậy; thế nhưng chẳng những nó không nó không ích dụng gì cả, mà thường gây trở ngại (nên biết, tư tưởng tuyệt đối xấu không hề có trong đạo Phật).

b/. Bản chất của tôn giáo với Phật giáo: Như ai nấy đều công nhận religion (Việt dịch: tôn giáo) lấy sự kết họp giữa Thần (God, Thượng đế) và Người làm nền tảng. Nhưng Phật giáo không thừa nhận có một “Tạo Vật chủ”, nhất là Phật giáo Nguyên thủy, nên không có một khái niệm nào về sự quan hệ giữa Thần và Người. Phật giáo Tịnh độ, tuy có căn cứ vào sức bản nguyện của Phật A Di Đà để thành lập “cứu độ quan”, nhưng quan niệm này không thể được coi là một hình thức quan niệm về “liên hệ giữa Thần và Người”. Do đó, nhiều học giả Tây phương và Nhật Bản cho rằng Phật giáo, đặc biệt là Phật giáo Nguyên thủy, từ bản chất không phải là tôn giáo.

Phía khác, lại có một số học giả cho rằng Phật giáo là khoa học. Dĩ nhiên nhận xét này cũng đã đứng trên lập trường cho rằng tôn giáo là sự “quan hệ giữa Thần và Người” để quan sát Phật giáo; và đương nhiên chúng ta cũng không thể chấp nhận. Song có điểm rút ra rất thú vị là trong số các học giả Tây phương lại có người, cũng đứng trên lập trường ấy để nhận định Phật giáo, và cho rằng: “Phật giáo là khoa học chân chính, cho nên Phật giáo cũng là một tôn giáo chân chính”.

Lại mới đây, trong bài khảo luận nhan đề “Phương diện tôn giáo và đạo đức của Phật giáo”, ông Paul Dalph nói: “Một tôn giáo là đưa toàn bộ yêu cầu nhân quả thể hiện ngay trong thân tâm của mình”, đó là dựa vào phương pháp khoa học để luận chứng chân lý của Phật giáo, một nhận xét tuy đúng nhưng vì quá thiên trọng phương diện lý trí, cho nên không hề thừa nhận có cảnh giới thần bí nào. Dù sao thì nhận xét này cũng không khỏi có điểm không phù hợp với Phật giáo.

Vậy, nói cho cùng, thì Phật giáo có phải là một tôn giáo (religion) không? Để trả lời câu hỏi này, chúng ta cần phải xét đến nguồn gốc cũng như bản chất của những đòi hỏi tôn giáo. Về nguồn gốc của tôn giáo, giữa các học giả tuy có nhieuf quan điểm khác nhau, nhưng nếu đứng về phương diện tâm lý mà nhận xét thì tôn giáo phát sinh từ nhu cầu đáp ứng những hiện tượng tinh thần của con người. Do đó ta không thể tìm nguồn gốc của tôn giáo ở các thần linh, mà phải tìm nó ở tinh thần của con người.

Các điều kiện sinh tồn của con người tuy nhiều, nhưng tựu trung, có hai điều kiện nổi bật nhất là: điều kiện tự nhiên và điều kiện tinh thần. Nhưng về mặt tác dụng, tính chất của hai điều kiện này hầu như hoàn toàn tương phản nhau. Điều kiện tự nhiên cũng là quy luật tự nhiên, mà dù muốn hay không người ta cũng buộc phải tuân theo. Còn điều kiện tinh thần thì lại lấy ước nguyện tự do làm đặc tính; có khi vì muốn được triệt để tự do mà mưu đồ chống lại các quy luật tự nhiên. Chẳng hạn như, con người sinh ra tất phải có chết, đó là quy luật tự nhiên; ấy thế mà ước vọng tự do của con người lại muốn sống mãi không chết. Như vậy trong sự sinh tồn của kiếp người, ta thấy chứa đựng một mâu thuẫn không thể tránh khỏi. Do đó, trong cuộc sống hằng ngày, khi nào hai điều kiện trên thỏa hiệp mà điều kiện tự do chiếm phần ưu thắng, thì cuộc sống đó được nhận là có hạnh phúc. Nhưng đi đến một hòa giải triệt để giữa hai điều kiện ấy là một việc không thể. Từ đó người ta tìm tòi và sáng tạo ra những phương pháp thần bí nhằm hóa giải mâu thuẩn đó của cuộc sống, đây chính là mầm móng của tôn giáo.

Mà thống cảm về mối mâu thuẫn đó càng tăng, nếu như lý tính của người ta càng mạnh; và sức phản tỉnh của người ta càng mạnh chừng nào thì thống cảm ấy cũng mạnh chừng nấy; rốt cuộc những quan điểm yếm thế, bất mãn, thất vọng đối với cuộc đời cũng do đó mà phát sinh. Như vậy, một bên là yêu cầu tự do, lấy sự tự do tuyệt đối và sự quang vinh tuyệt đối làm thuộc tính, thậm chí còn mong kéo dài sự sống đến vô hạn; đồng thời, nhìn lại cuộc sống hiện thực bị trói buộc, mất tự do càng cảm thấy bất mãn, khổ não, vì thế mà nảy sinh ra yêu cầu giải thoát. Và, hai phương diện của cuộc sống: một mặt đối với khổ và ước vọng thoát khổ; mặt kia, bằng các phương pháp thần bí do cái tâm mong cầu của con người tìm ra, nhằm đạt được một sự điều hòa, đó chính là nguồn gốc tôn giáo.

Còn làm thế nào để thỏa mãn yêu cầu đó? Đây chính thực là vấn đề căn bản của tôn giáo. Về điểm này, tuy có nhiều đẳng cấp và chủng loại, nhưng loại tầm thường nhất là hòa giải mâu thuẫn, thỏa mãn yêu cầu, mà kẻ có thể đem lại những điều kiện đó phải là một tồn tại vượt trên loài người, tức là Thần hay tưởng tượng ra nhiều Thần do nhiều phương pháp (cầu đảo, đức hạnh, tín ngưỡng, mộng tưởng … - tức ‘duy tưởng’/idealist) để cầu xin sự phù hộ nhằm đạt mục đích. Nghĩa là, trên thế gian này, ngoài sự tồn tại của nhân loại, còn phải có một hoặc nhiều đấng thiêng liêng nắm giữ chìa khóa của tự do và của tự nhiên. Nếu con người biết chiều theo ý muốn của đấng thiêng liêng ấy thì sẽ được giải thoát, được tự do. Căn cứ theo tín ngưỡng này, đấng thiêng liêng đã có đủ uy lực, có thể hoán chuyển tất yếu (fatalism) thành tự do. Nói cách khác, đấng thiêng liêng ấy phải có phép lạ để có thể biến đổi thiên nhiên, và sẵn sàng hiển thị phép lạ đó khi con người thành khẩn cầu xin.

Và, bất luận là xưa hay nay, đây là hình thức tôn giáo thịnh hành nhất. Cho nên người ta định nghĩa tôn giáo là sự kết hợp hay quan hệ giữa Thần và Người. Thế nhưng chúng ta cần ghi nhận rằng đó chỉ là một hình thức tôn giáo, chứ không nên cho đó là điều kiện tất yếu của tôn giáo. Vì, như đã nói trên, nguồn gôc của tôn giáo là yêu cầu kết hợp giữa “cảm nhận mất tự do” và “mong cầu giải thoát”.

Và, nếu bằng tri thức có được từ kinh nghiệm, nhận thức rằng các Thần Thánh không thể thỏa mãn yêu cầu tôn giáo, mà chính là tôn giáo có thể làm thỏa mãn, thì Phật giáo là một tôn giáo. Thật vậy, nếu tôn giáo bắt nguồn tự sự mâu thuẫn bất hợp lý của nhân sinh, mà cố gắng hợp lý hóa những yếu tố bất hợp lý đó bằng hình ảnh một Nhân cách thần toàn năng toàn tri thì không thể toại ý được. Do đó, mà Đức Phật đã không coi trọng phương cách dùng vị Nhân cách thần làm đối tượng tôn giáo. Thật ra, Phật giáo không cho rằng có một Thần nào đó vượt ngoài những hạn chế của tự nhiên.

c/. Nét đặc trưng của Phật giáo: Từ chỗ rõ biết biết sự mâu thuẫn nhân sinh kia, nguồn gốc của mọi nhiễu phiền bất toại (dukkha), là do nơi ước vọng mong cầu có được một cuộc sống vô hạn với yêu cầu giải thoát, tất cả những thứ này đều phát sinh từ nội tâm của ta; như vậy sự giải thoát tối hậu tất nhiên phải tìm ngay trong tự tâm, thay vì đi tìm nơi một đấng siêu nhiên nào đó. Và: Nền tảng cơ bản về mặt tôn giáo của Đức Phật là sự phản tỉnh tự tâm.

Như nhiều người đã biết, lời dạy cuối cùng của Đức Phật là: “Hãy tự mình thắp đuốc lên mà đi; hãy tự mình là nơi nương tựa cho mình; nương tựa nơi Chánh pháp, chứ đừng nương tựa vào nơi nào khác”. Những lời này là minh chứng rõ ràng; và từ đấy về sau lập trường của Phật giáo đều lấy đó làm chủ hướng quán thông. Điều này cũng có nghĩa là, theo Phật giáo, người thể nhập được sinh mệnh vô hạn quyết không thể dựa vào phương pháp “biểu tượng hóa tích cực” (qua hình ảnh Thần) mà tìm cầu được; trái lại phải bắt đầu giải phóng những hạn chế, cho nên phải bắt đầu từ cái cá thể bất hợp lý của ngã chấp, ngã dục để giải phóng chính mình. Và khi thể nghiệm được sinh mện vô hạn thì tự mình biến thành thành nội dung của sự thể nghiệm ấy.

Đó là lập trường mới do Đức Phật đề ra. Nói một cách đơn giản thì: lập trường của Phật giáo là lấy ‘giải thoát’ (khỏi những hữu hạn của tự nhiên) làm mục đích, và đàng sau đó là dự phóng một sinh mệnh vô hạn (cuộc sống tự chủ tuyệt đối), nhưng cái ‘vô hạn sinh mệnh’ ấy chỉ được thể nghiệm nội tại, chứ không biểu tượng hóa, có thể nói đây là một hình thức tôn giáo, tuy thần bí nhưng rất hợp lý và thực tiễn.

Các tôn giáo phổ thông xem ‘sinh mệnh vô hạn’ như là cái ở bên ngoài, biến nó thành một hình thái nhất định với biểu tượng là Thần (Thượng đế, God/Dieu, Jehovah/Allah/Brahmah …). Phật giáo tuy lấy giải thoát làm tiêu biểu bên ngoài thế giới hữu hạn, nhưng vẫn biểu tượng hóa cái ‘sinh mệnh vô hạn’. Nếu nói một cách miễn cưỡng thì đem “Không” vào nội tâm – tất cả đều qui về ‘một tâm’ (duy tâm). Đó là lập trường độc hữu của Phật giáo. Thế nhưng, đối với những người chưa thể nghiệm được giáo lý thâm ảo đó thì không khỏi có cảm giác hoang mang, cho nên tùy thuận theo đà tiến triển của tư duy mà Chân Không biểu tượng thành Diệu Hữu; và, để thích ứng với đường lối này, Phật giáo đã đưa ra nhiều danh từ như ‘Pháp thân’, ‘Chân như’, ‘Tịnh độ’ v.v… Tư tưởng này có nhiều biến hóa nhưng tựu trung, theo ý hướng căn bản, thì tất cả chỉ là những phương pháp giúp khai thác triệt để vùng đất tự kỷ nội tâm.

Theo cách phân tích và quan sát trên, người ta không thể không thừa nhận rằng Phật giáo, về mặt tự lực, nơi mục tiêu thỏa mãn yêu cầu tôn giáo, trong bản chất, là một tôn giáo hoàn toàn sung thực. Nếu muốn so sánh với quan niệm Thần và Người của các tôn giáo khác thì: tương đương với Thần là ‘Niết Bàn’, ‘Không’, ‘Pháp’; còn tương đương với Người thì xem ‘Ngã dục’ là trung tâm khiến cho tự kỷ phải khổ đau trong cuộc sống mâu thuẫn. Nhưng cái ‘Ngã dục’ đó lại cũng luôn luôn hướng đến một cuộc thoát ly, nỗ lực gải phóng tự kỷ để thể nghiệm thế giới tuyệt đối tự do (‘Niết Bàn’, ‘Pháp giới’, ‘Phật quốc’). Nhưng, đối với Phật giáo, những Thần – Người trong các tôn giáo hoặc khách quan hoặc chủ quan, tất cả đều do “Một tâm” của người ta, nghĩa là do nơi tự tâm con người để tìm cầu sự siêu việt. Và cái cảnh giới siêu việt đó nhất trí với nội tâm, đây chính là hình thức tôn giáo đặc trưng nhất mà Đức Phật đã đề ra.

Ngắn gọn, trong tôn giáo tất phải có hai phương diện tiêu cực và tích cực, chúng không thể tách rời nhau. Các tôn giáo phổ thông thì từ mặt lý tưởng (tuyệt đối/ tích cực) tiến đến hiện thực (tương đối/ tiêu cực); nhưng đặc trưng của Phật giáo thì ngược lại; đi từ hiện thực tiến đến lý tưởng. Mà ngày nay, khi hầu hết các tôn giáo thần quyền đang đi vào bóng tối thì Phật giáo, vì có những đặc tính nêu trên, vẫn được loài người ngưỡng mộ và phát triển mạnh mẽ. Có thể nói Phật giáo là một tôn giáo đã được thành lập theo phương pháp tâm lý tôn giáo chân chính và vĩnh viễn bất diệt./.

(Theo Tạp chí Văn hóa Phật giáo)