TÂM NGUYỆN HÌNH THÀNH BỆNH VIỆN ĐA KHOA ĐẠI TÒNG LÂM PHẬT GIÁO


Phật giáo đã song song và phát triển với đất nước ta đã qua nhiều thế kỷ. Cùng trải qua bao nhiêu thăng trầm theo thời đại. Nhiều Tuệ tĩnh đường đã, đang và sẽ mọc lên để góp phần xoa dịu nỗi đau thân xác  cho các tầng lớp nhân dân và Tăng Ni Phật tử. Tuệ Tĩnh đường tuy kịp thời chung tay cùng với từ thiện xã hội, tuy nhiên về các mặt kỹ thuật, tiện nghi vẫn còn thiếu thốn và chưa được hiện đại hóa trong thời đại công nghệ này.

Thiết nghĩ, một người con Phật phải tu sữa toàn diện cả thân lẫn tâm. Tấm thân được khỏe mạnh thì mới dễ dàng tiến tu Tam vô lậu học, đạt đến an vui giải thoát. Bên cạnh đó, lòng hiếu thuận với mẹ già và tình thương bao la của một tu sĩ đã thầm nuôi trong tâm Hòa thượng Thích Quảng Hiển một ước mơ, một nguyện ước lớn. Tâm nguyện đó thúc giục Hòa thượng không thôi, ngày đêm trăn trở và rồi nhân duyên hội đủ, Hòa thượng tiến hành lễ đặt đá xây dựng bệnh viện Phật giáo đa khoa Đại Tòng Lâm, trong màu huỳnh y rực rỡ của chư Tăng Ni và màu lam hiền hòa của số đông phật tử.

Buổi lễ được tiến hành vào ngày 22/12/2010 (17/11/Canh Dần) trong mùi hương trầm nghi ngút và với lời kinh, nhịp mõ trầm hùng tha thiết để cầu nguyện cho bệnh viện Phật giáo sớm được hoàn thành.

Đây là bệnh viện đầu tiên của Phật giáo Việt Nam,  mang tầm cỡ hiện đại trong khu vực Đông Nam Á. Với dự án 4 ngàn tỉ đồng VN, được xây dựng trong khuôn viên quản lí của BQT Đại Tòng Lâm với diện tích 7ha và 10 tầng lầu. Bệnh viện sẽ phục vụ 500 giường bệnh đa khoa với đầy đủ tiện nghi và trang thiết bị hiện đại. Đội ngũ Y Bác sĩ là 850 người, trong đó có 21 khoa khối điều trị ngoại trú, 14 khoa khối kỹ thuật nghiệp vụ.

Là một bệnh viện của Phật giáo nên tài sản bệnh viện được hoạt động dưới sự quản lí của BQT Đại Tòng Lâm và một Ban giám đốc điều hành về chuyên môn.

Bệnh viện được xây dựng với 10 tầng lầu, khoảng 100-120 phòng bệnh, trong mỗi phòng bệnh có từ 4-5 giường, được trang bị đầy đủ âm thanh, ánh sáng, các tiện nghi và điều kiện thăm nuôi bệnh. Đặc biệt trong phòng tiếng niệm Phật không dứt, đây là liều thuốc tinh thần tuyệt vời nhất. Hẳn có lẽ, bệnh nhân sẽ không bình thản trước bệnh tình của mình và nhiều nỗi lo sợ, ưu tư tìm đến; lúc đó nhờ tiếng niệm Phật để nương và trụ hồn mình vào đó thời sẽ có những phút giây an lạc hiện tiền. Hay những lúc hồi hộp trong lúc giải phẫu, Bác sĩ và bệnh nhân cùng một lòng niệm A Di Đà Phật lấy lại bình tĩnh, tự tin cũng như nhờ Phật A Di Đà tiếp thêm sức mạnh vào sự thành công của ca phẫu thuật. Thời thời nghe niệm Phật và tự mình phát tâm niệm Phật cầu vãng sanh thì đường về cực lạc sẽ không xa, đó là trợ duyên cho Phật tử; còn với bệnh nhân không có đạo, niệm Phật sẽ giúp gieo nhân duyên với Phật pháp. Bên cạnh máy niệm Phật, bệnh viện cũng sẽ phát những bộ kinh, những bài thuyết giảng qua hệ thống âm thanh nhằm gieo nhân duyên tri ngộ với Phật pháp và giúp con người hiểu sâu hơn về chân lý của Phật giáo để xây dựng cuộc sống hạnh phúc, bình an khi xuất viện.

Bên cạnh cơ sở hạ tầng chính, bệnh viện còn có các cơ sở hạ tầng phụ. Bao gồm một căng tin chay dành cho Tăng Ni và Phật tử trường trai hay những ai muốn ăn chay để góp phần đảm bảo sức khỏe và thay đổi khẩu vị. Tuy bệnh viện Phật giáo nhưng bệnh viện vẫn tôn trọng thói quen và khẩu phần ăn của mọi người đối với căng tin mặn. Cũng như các dịch vụ khác.

Để sự tu hành của Tăng Ni Phật tử không gián đoạn, bệnh viện dành cho một khu Niệm Phật đường gồm hai lầu, lầu trên dành cho Tăng Ni, lầu dưới dành cho Phật tử. Thật là ấm cúng trong tình đạo của những hàng đệ tử Phật với lời kinh, nhịp mõ, tiếng chuông cùng điệu niệm Phật ngân dài để cầu nguyện cho quốc thái dân an. Rồi bệnh viện còn ưu tiên cho những bệnh nhân không còn cơ may sống thì có những phòng hộ niệm với ban hộ niệm là Tăng Ni Phật tử thuần thành đầy nhiệt tâm. Kế đó có Vãng sanh đường, đây sẽ là nơi tiếp dẫn và tổ chức đám tang cho những bệnh nhân lúc lâm chung; dưới sự hướng dẫn của ban hộ niệm theo tinh thần Phật giáo của trường phái Tịnh độ tông.

Khi tuổi già sức yếu, cô đơn, chư Tăng Ni phật tử có thể tìm về khu an dưỡng để những giây phút cuối đời được thảnh thơi, một hướng chuyên tâm niệm Phật cầu vãng sanh Cực lạc. Khu an dưỡng này sẽ được xây bên cạnh bệnh viện.

Đời sống của CBCNV cũng được bệnh viện rất quan tâm. Bệnh viện cho xây dựng dãy phòng dành cho bác sĩ, mỗi người một phòng, tương đương với 1 căn hộ ở  khu chung cư cao cấp, đầy đủ tiện nghi, điều kiện ăn ở, tiếp khách gia đình và người thân. Với y tá và nhân viên, mỗi người cũng có một phòng, đầy đủ tiện nghi sinh hoạt cho những ai ở lại. Những vị nào sáng đi chiều về thì có xe đưa rước, có khu ở tập thể. Đặc biệt, CBCNV là Tăng Ni thì có một dãy nhà riêng, trong đó mỗi vị một phòng, trong mỗi phòng có bàn thờ Phật đảm bảo cho sự tu khóa riêng; với những ai muốn tụng kinh trong tha lực của đại chúng thì tới Niệm Phật đường. Tất cả CBCNV  của bệnh viện sẽ được trả lương đầy đủ, về hưu bệnh viện cũng trích lương hưu cho CBCNV để đảm bảo ổn định cuộc sống.

Thời gian đầu hoạt động, bệnh viện sẽ miễn phí 100 giường bệnh cho Tăng Ni và những người không có khả năng chi trả, miễn phí hoàn toàn về thuốc men, phòng ở. Sau này tùy theo điều kiện, bệnh viện sẽ giảm kinh phí và miễn phí sẽ được tăng lên.

 Theo daitonglam.com