Lược Ý Danh Xưng Đạo Tràng An Cư Kết Hạ Trong Phật Giáo Bắc Truyền


Tiếng ve râm rang, phượng hồng đỏ thắm, một mùa hè nữa lại đến trong không khí còn vương nồng hương vị của đại lễ Phật Đản 2555. Các em học sinh thở phào nhẹ nhỏm xếp bút nghiên vào để tận hưởng một kỳ nghỉ hè vui vẻ, khác với thế nhân những người con của Đức Thích Già lại khăn gói lên đường đến Đạo tràng An cư, tập chúng tu học, “An kỳ tâm, Cư kỳ thân” thúc liễm thân tâm trau dồi giới đức, tấn tu tam vô lậu học.

Hơn hai ngàn năm đã trôi qua, Phật Giáo có mặt hầu hết trên khắp mọi miền của thế giới, Tăng đoàn của Đạo Phật như hạt giống lành sinh sôi nảy nở trên đại địa Diêm Phù Đề. Truyền thống an cư kiết hạ được Tăng đoàn duy trì hơn hai ngàn năm trăm năm qua chưa khi nào gián đoạn, tất cả các Tăng đoàn Bắc Truyền hay Nam Truyền và ngay cả Mật Giáo cũng đều tinh tấn nhất tâm hành trì. Vì An cư là nếp sống Đạo hết sức quan trọng đối với Tăng lữ của Phật Giáo.

Phật Giáo đông truyền, địa vực thay đổi, khí hậu thời tiết cũng theo đất trời mà có chổ biến thiên. Phật Giáo Bắc truyền thể theo mùa hạ của phương đông nên thường khởi đầu mùa “an cư” từ 16-4 ÂL đến hết 16-7 ÂL sớm hơn Phật Giáo Nam Truyền khoảng chừng 2 tháng. Phật giáo Nam Truyền vì giữ nguyên truyền thống từ thủa Phật còn tại thế nên việc kết giới an cư bắt đầu từ 16-6 đến 16-9 ÂL.

Đạo Tràng: trong sách Thích Thị Thị Yếu Lãm chép: “là nơi đóng cửa tu đạo, không có yến tiệc, thì gọi là đạo tràng. Đến đời vua Tùy Dưỡng Đế sắc lệnh đổi thành, nơi chổ của chư Tăng ở được gọi là Đạo Tràng.”

An Cư: Tiếng Phạm gọi là Vayiska, dịch là mùa mưa, an cư trong mùa mưa, mùa mưa ở một chổ, đây là một tập tục tu hành theo truyền thống của đạo Bà La Môn, và cũng là nếp tu hành của hầu hết các tu sĩ, của đa số Tôn giáo trến đất nước Ấn Độ. Phật Giáo cũng là một tôn giáo khởi nguyên tại Ấn Độ nên cũng không thể không tuân theo truyền thống tu hành này.

Trong Tứ Phần Luật quyển 37, Tạng An Cư Kiền Độ Pháp chép: “Đức Phật tại Vườn Kỳ Thọ Cấp Cô Độc, lúc bấy giờ Lục quần Tỳ Kheo, đi du hành trong tất cả các thời gian của bốn mùa xuân hạ thu đông. Đến mùa hạ trời mưa lớn, nước các con sông đều dâng cao, làm trôi mất y bát... dẫm đạp lên chúng sanh. Bấy giờ các cư sĩ thấy đều chê cười, cho rằng các vị Sa môn đệ tử của Đức Phật không biết xấu hổ, dẫm đạp lên chúng sanh, mà còn cho rằng mình hiểu chánh pháp... Đức Phật đùng vô số phương tiện quở trách lục quần Tỳ Kheo, sau đó dạy rằng từ đây về sau tất cả các Tỳ Kheo đều phải an cư trong ba tháng hạ...”

Đức Phật dạy An cư trong ba tháng hạ vì những nhân duyên, một là trong ba tháng mùa mưa không được đi ra ngoài, để chuyên tâm tu trì pháp xuất thế gian. Hai ba tháng mùa mưa là mùa sinh trưởng của côn trùng và cây cỏ, vì lòng từ bi sợ rằng chư Tăng do đi lại trong mùa mưa, giẫm đạp côn trùng và cây cỏ, làm thương hại đến chúng sanh cho nên Phật dạy phải an cư. Ba mùa mưa nước lớn, không có việc thì không đi ra ngoài, vì chư Tăng đi trên đường đôi khi xãy ra tai nạn như nước cuốn cây gãy rơi làm tổn thương đến tánh mạng hoặc vì bất cẩn bị nước cuốn trôi mất y bát, tổn hại đến hình tướng oai nghi tế hạnh của Tỳ Kheo, cho nên ba tháng mùa mưa Phật chế chư Tăng an trụ một chổ để tu hành nên gọi là an cư.”

Tăng đoàn Phật Giáo phát nguyên từ vườn Lộc Uyển, chế độ Tăng đoàn được hình thành, từ lúc Phật bắt đầu chế giới, Tăng đoàn có truyền thống kết hạ an cư là do Phật định. An cư trong Phật Giáo còn được gọi là Tọa hạ, Tọa lạp, Kết chế an cư, Cửu tuần cấm túc, Hạ an cư. Đây là một trong những chế độ tu hành trọng yếu của Tăng già Đạo Phật. TrongTứ Phần Luật San Bổ Tùy Cơ Yết Ma Sớ chép: “nhiếp tâm và hình tướng đều thanh tịnh nên gọi là An, đến thời gian quy định ở một chổ gọi là Cư”.

Địa điểm an cư ngày xưa thường không nhất định, trong thất, dưới cây, trong hang động, hoặc ở các trú xứ trong phố xá làng mạc đều có thể kết giới an cư. Trong Tứ Phần Luật quyển 37 An Cư Kiền Độ chép: “chỉ ra nhưng nơi có thể an cư như dưới gốc cây, trong tịnh thất, hang núi...đều có thể an cư”. Trong Ngũ Phần Luật quyển19 An Cư chép: “cấm không được an cư nơi không thể cứu hộ được, nên an cư nơi có nhà cửa, cây cối thoáng mát, hoặc nhà lợp bằng da, hoặc nơi có sân rộng. Trước khi an cư nên sửa sang phòng ốc, và đem các đồ vật cần dùng trong phòng xá chia đều cho chúng Tăng.”

Phật dạy nếu là người xuất gia thì cần phải an cư tu tập, trong Thập Tụng Luật quyển 24 chép: “Tỳ Kheo, Tỳ Kheo ni, Thức xoa ma na ni, Sa di, Sa di ni, năm chúng xuất gia nên hành an cư, hai chúng tại gia là Ưu bà tắc và Ưu bà di thì không phải an cư..”. Vì tính chất quan trọng của an cư cho nên luật định năm chúng đệ tử Phật phải an cư kiết hạ nếu như không an cư cũng coi như đã phạm giới. Trong Luật Tạng Ba Li, Đại Phẩm Nhập Vũ An Cư Kiền Độ chép: “quy định Tỳ Kheo nếu không hành an cư là bị phạm vào tội ác tác”. Vì vậy khi Phật còn tại thế đến ba tháng mùa mưa Ngài đều kết giới an cư, trong Kinh Phật Bổn Hạnh Tập quyển 29 có ghi chép về việc Phật cùng đại chúng an cư tu hành. Trong Kinh Trường A Hàm quyển 2 cũng có nhiều nơi ghi chép về Đức Thế Tôn cùng Đại chúng an cư.

Thường thì luật đinh an cư là cấm túc ở một chổ không được đi ra ngoài, nếu đi ra ngoài thì phạm phải tội ác tác, tuy nhiên nếu có những việc quan trong cần phải làm hoặc giả bất khả kháng thì vẫn được phép đi ra ngoài, nhưng cần phải bạch chúng xin phép và thời gian đi ra ngoài phải có hạn định. Theo Tứ Phần Luật quyển 37 chép: “nếu là đi về trong ngày thì được phép, nếu như là việc quan trọng đặc biệt thì phải được sự cho phép của đại Tăng, kỳ hạn cho phép đi là 7 ngày, nhiều nhất là 15 ngày...”.

Kết Hạ: còn được gọi là Kết giới, Kết chế, ý trong phạm quy đã được quy định chư Tăng an cư không được đi ra ngoài, trong Tùng Lâm Tượng Khí Tiên chép: “Kết giới do Kết hạ an cư cho nên chế ra vậy, còn gọi là Kết chế”. Vì kết giới trong ba tháng hạ không cho Tăng chúng ra ngoài, cho nên khi mãn hạ phải làm phải giải chế hay còn gọi là giải giới, trong Tứ Phần Luật chép: “sau khi an cư kết thúc, nên giải trừ phạm vi đã quy định kết giới trong ba tháng không cho Tăng chúng ra ngoài, gọi là giải giới...”.

Thời Gian an cư thường là ba tháng mùa mưa còn được gọi là cửu tuần kết giới, trong Tứ Phần Luật San Phồn Bổ Khuyết Hành Sự Sao chép: “lấy ngày 16 tháng 4 là ngày bắt đầu an cư, đến ngày 15 tháng 7 là ngày cuối cùng của an cư kết hạ và là ngày Tự Tứ”. Có rất nhiều danh từ chuyên môn trong tùng lâm để gọi cho an cư như, ngày đầu tiên của an cư gọi là Kết Hạ, ngày cuối cùng viên mãn của ba tháng an cư gọi là Giải Hạ, Quá Hạ, Hạ Cánh, Hạ Mãn, Hạ Giải, An Cư Cánh, Tự Tứ, thời gian từ kết hạ cho đến giải hạ thường được gọi là Bán Hạ. Trong Tứ Phần Luật quyển 43 Ca Hy Na Kiền Độ chép: “An cư kết thúc nên làm pháp tự tứ, giải giới, kết giới, thọ công đức y và tứ sự cúng dường…”.

Ba tháng kết hạ an cư là truyền thống tu tập quan trọng không thể thiếu của Tăng già Phật Giáo nói chung, Tăng đoàn Phật Giáo Bắc Truyền nói riêng, vì đây là cơ may để trưởng dưỡng đạo tâm trang nghiêm giới đức, đồng thời cũng là nhân duyên tốt để giáo dục cũng như tiếp nối truyền thống sinh hoạt, luật lệ, nghi tiết, cuộc sống trong tòng lâm. Quan trọng hơn hết, đây là cơ hội tốt để cho đàn hậu lai của Tăng già Phật Giáo có sự tiếp xúc cũng như học tập với các bậc trưởng thượng, và chính những nhân duyên này mà truyền thống của Phật Giáo nói chung và truyền thống của Phật giáo Bắc Truyền nói riêng được gìn giữ và truyền thừa mãi mãi.

 

Thích Tâm Mãn

chuaminhthanh.com