Mai Sơn Tự Và Mai Khâu Tự

...Mai Sơn và Mai Khâu là hai Gò khác nhau. Mai Sơn Tự và Mai Khâu Tự là hai Chùa khác nhau. Mai Sơn và Mai Khâu từng được xem là biểu tượng của Sài Gòn Gia Định xưa, cả hai đều là di tích văn hoá đồng thời là di tích lịch sử nổi tiếng gắn liền với thời kỳ đầu cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, đáng được trân trọng bảo tồn để nêu cao truyền thống văn hoá và truyền thống chống giặc giữ nước của Thành phố.

Mai Sơn là tên một gò đất cao ở Phú Lâm, đường Hùng Vương (đường lục tỉnh cũ) Quận 11. Xưa kia trên gò có trồng nhiều cây Bạch Mai nên gọi như thế.

Mai Khâu là một gò đất nổi cao nằm ở cuối đường Ba Tháng Hai (đường Trần Quốc Toản cũ) quận 11, cách Mai Sơn nằm ở đường Hùng Vương chừng 1km đường chim bay.

Mai Sơn Tự Và Mai Khâu Tự

Nguyễn Khuê

Mai sơn va Mai Khâu vốn là hai thắng cảnh của vùng Gia Định xưa kia, hiện là hai di tích lịch sử của Thành phố Hồ Chí Minh. Mai Sơn và Mai Khâu đều có nghĩa là gò cây Mai (hay gò Mai), nên nhiều người hoặc đã lầm tưởng hai gò này là một, hoặc đã lầm gò này với một gò kia. Thật ra, đó là hai gò khác nhau, và cả trên hai gò này đều có Chùa, đó là Mai Sơn tự và Mai Khâu tự.

Mai Sơn Tự

Mai Sơn là tên một gò đất cao ở Phú Lâm, đường Hùng Vương (đường lục tỉnh cũ) Quận 11. Xưa kia trên gò có trồng nhiều cây Bạch Mai nên gọi như thế.

Mai Sơn là một vị trí chiến lược. Năm 1895, sau khi thành Gia Định thất thủ, quân triều đình từ Vĩnh Long và Định Tường tới đóng ở Mai Sơn, mưu chiếm lại thành, bị quân Pháp tấn công, phải rút lui về Vĩnh Long. Năm 1860, Nguyễn Tri Phương từng cầm cự với quân Pháp ở đấy trước khi rút về cố thủ đại đồn Kỳ Hòa (Phú Thọ). Sau khi đánh chiếm Mai Sơn, quân Pháp đã xây dựng một đồn binh trên Gò này để phòng quân ta phản công. Ngày nay người ta quen gọi đồn Mai Sơn là đồn cây Mai. Và hiện thời đồn này trở thành doanh trại quân đội nhân dân.

Mùa Xuân năm Đinh Mão (1867), trước khi ba tỉnh miền Tây Nam kỳ rơi vào tay thực dân Pháp, Tam Nguyên Trần Bích San, một trí thức yêu nước, nhớ đến Gia Định bị giăc chiếm đóng, đã bày tỏ nỗi cảm khái bằng mấy vần thơ khai bút:

Đinh Mão Thí Bút

Điểu đề hoa tiếu bán song hư,

Đế lý phong quang lạc hữu dư.

Cử mục Mai Sơn thiên lý viễn,

Kim triêu xuân sắc cánh hà như?

(Mai Nham thi thảo)

Dịch thơ

Khai Bút Năm Đinh Mão

Hoa cười chim hót cạnh song thưa

Vui vẻ kinh vua cạnh có thừa.

Ngước mắt, Mai Sơn ngàn dặm cách,

Sáng nay xuân sắc dễ như xưa? (Nguyễn Khuê dịch)

Nhà thơ ngận ngùi tự hỏi không biết cảnh xuân ở vùng Gia Định đã bị thất thủ, qua biểu tượng Sơn Mai, vào sáng mồng một Tết như thế nào?

Sau khi cả sáu tỉnh Nam Kỳ mất, thì Phan Rang, Phan Thiết và Phan Rí trở thành tiền tuyến tiếp giáp với vùng đất bị giặc Pháp chiếm. Nguyễn Xuân Ôn, một sĩ phu anh hùng từng hưởng ứng hịch Cần Vương khởi nghĩa chống quân Pháp ở Nghệ Tĩnh, trong bài “tiễn Tuần Phủ Hồ Đăng Phong chi Bình Phú Tổng đốc” (Tiễn Tuần Phủ Hồ Đăng phong đi nhậm chức Tổng đốc Bình Thuận Phú yên) đã viết về phần đất bị mất với tất cả tấm lòng ưu ái, và đã nói tới Mai Sơn như một biểu tượng của Gia Định:

Cần Hải, Mai Sơn cấu vị thanh,

Tam Phan tùng thử kiến bang bình.

Dịch nghĩa:

Biển Cần Giờ, gò Cây Mai bụi bặm chưa quét sạch,

Ba đất Phan từ nay trở thành bức bình phong của nước nhà.

Xưa ở Mai Sơn có một ngôi Chùa rất nổi tiếng, tên chữ là Mai Sơn Tự, cũng gọi là Mai Tự, tên nôm là Chùa Cây Mai. Trên bản đồ tỉnh gia định (1815) của Trần Văn Học, Chùa này được ghi bằng một cái tên nửa chữ nửa nôm là “Cây Mai Tự.” Trong bài Gia Định phú, một bài phú Nôm tập trung gần như đầy đủ các tên đất ở Gia Định, được làm trước khi quân Pháp xâm lăng, Chùa Cây Mai cũng được nói tới:

Thanh thao thay hình Hoà Thượng Chùa Cây Mai. (câu 26)

Mai Sơn có cảnh Chùa, lại có Bạch Mai là giống Mai quý, nên là một thắng cảnh được nhiều tao nhân mặc khách đặt chân tới đảnh lễ Phật, ngắm cảnh, thưởng mai và ngâm vịnh. Một hội tao đàn đã được thành lập ở đấy, lấy tên là thị xã Bạch Mai.

Khi quân Pháp xây đồn lính ở Mai Sơn, Chùa Cây Mai bị triệt hạ, dần dần chẳng còn dấu vết gì nữa ngoài một cây Bạch Mai sống sót. Tôn Thọ Tường, mà có sách cho rằng chính ông đã thành lập thị Xã Bạch Mai, về sau trở thành tay sai của Pháp, cũng không khỏi sót xa trước cảnh đổi thay:

Thơ Vịnh Chùa Cây Mai

Đau đớn cho mai cách dưới đèo,

Mười phần trong sạch phận cheo leo.

Sương in tuyết đóng, nhành thưa thớt,

Xuân đến Thu về lá quạnh hiu.

Lặng lẽ chuông quen cơn bóng xế,

Tò le kèn lạ mặt trời chiều.

Những tay rượu Thánh thi thần cũ

Trông cảnh bao nhiêu tiếc bấy nhiêu.

Bài thơ này đã trở thành nguyên xướng cho nhiều bài hoạ của các nhà thơ đương thời khác.

Về Chùa Cây Mai này có một ngộ nhận cần phải đính chánh. Trong Sài Gòn năm xưa, Vương Hồng Sển viết: “Theo ông Trịnh Hoài Đức, Chùa Cây Mai tên chữ là “Thứu Lãnh Tự” và “Chùa Cây Mai chữ khi gọi là Mai Sơn tự khi gọi Thứu Lĩnh Tự”…Cũng vậy, trong Gia Định xưa và nay, Huỳnh Minh viết: “Bên trên là một gò đất cao, là địa điểm Chùa cây Mai, mang tên là Thiếu Lĩnh tự.” Sự thật thì Chùa Cây Mai không có tên “Thứu Lãnh Tự”, và trịnh Hoài Đức, trong các tác phẩm ông còn để lại, cũng không nói như vậy. Chúng tôi sẽ trở lại vấn đề này ở một đoạn sau, khi đề cập đến Mai Khâu Tự.

Mai Khâu Tự

Một thắng cảnh nổi tiếng bậc nhất của Gia Định, mà ngày nay nhiều người thường lầm với Mai Sơn, là Mai Khâu.

Mai Khâu là một gò đất nổi cao nằm ở cuối đường Ba Tháng Hai (đường Trần Quốc Toản cũ) quận 11, cách Mai Sơn nằm ở đường Hùng Vương chừng 1km đường chim bay. Trong Cấm Trại Thi Tập, Trịnh Hoài Đức đã chọn Mai Khâu đưa vào số ba mươi cảnh tiêu biểu của Gia Định gọi là “Gia Định tam thập cảnh” để làm đề tài ngâm vịnh:

Mai Khâu Túc Hạc

Cửu cao thanh sạ bá vu thiên,

Chuyển hướng Mai Khâu hảo khế miên.

Tuyết cách bất lao hành tị giặc,

Sương linh mạn liễm học tham Thiền.

Tự khoa nhã tháo đồng thanh bạch,

Thả hứa phương danh cộng bảo tuyền.

Mộng lý ký bằng lâm sử sĩ,

Mạc lai u hác nhiễu khiêm triền.

(Cấn Trai thi tập)

Dịch thơ

Hạc Ngủ Đêm Ở Gò Cây Mai

Chín đầm tiếng hạc vẳng lưng trời

Đổi hướng gò Mai đến ngủ ngơi,

Tránh đạn nhọc gì lông tuyết sẵn

Tham Thiền xếp lại cánh sương thôi

Tự khoe tiết sạch lo gìn giữ

Lại hẹn danh thơm lại đổi dời

Hồn mộng gửi nương lâm xử sĩ

Nơi này u nhã chớ đùa chơi. (Nguyễn Khuê dịch )

Trong Cấn Trai Thi Tập, còn có hai bài nữa liên quan đến Mai Khâu. Chứng tỏ Trịnh Hoài Đức nhiều lần lui tới thắng cảnh này. Xin dẫn thêm một bài:

Mai Khâu Vãn Thiêu

Mai khâu vãn thướng lược đông phong,

Nhất vọng tiêu nhiên nhã bất cùng.

Thôn xá chẩm khê yên thụ ngoại

Mục đồng hoành địch thảo nguyên trung.

Ngưu tương giải ngột quy cao lũng,

Nha dĩ từ giao tập mậu tùng.

Trù trướng minh vân thiên miễu miễu,

Trù trì vô ngữ ỷ ngô đồng.

(Cấn Trai Thi Tập)

Dịch thơ

Gò Cây Mai Chiều Hôm Nhìn Ra Xa

Chiều đến gò Mai hứng gió đông,

Xa trông cảnh vắng mắt không cùng.

Xóm nhà gối suối nơi cây nơi cây khói,

Nội cỏ vang âm sáo mục đồng.

Quạ họp về cây, rời bãi trống,

Trâu chờ cởi ách, lại vùng giồng.

Trời cao mây tối giăng buồn bã,

Đứng tựa ngô đồng lặng ngó mông.

(Nguyên Khuê dịch)

Trịnh Hoài Đức sáng tác bài này năm 1782. Ngày nay, hơn 200 năm sau, cảnh vật được mô tả trong bài thơ đã hoàn toàn đổi khác. Nay đứng trên đỉnh gò nhìn ra bốn phía, tầm mắt khách tham quan bị giới hạn vì những khu phố lầu san sát xung quanh gò.

Trong Gia Định Thành Thông Chí (Sơn Xuyên Chí), Trịnh Hoài Đức cũng có bài “Mai Khâu” tả rõ vị trí, cảnh vật và phong vị nên thơ của gò này: “các trấn mười ba dặm rưỡi về phía Nam, gò đất nổi cao, có nhiều cây nam mai, thân già cỗi (…) Hoa bẩm linh khí sinh ra, không đem trồng nơi khác được (…). Suối trong chảy quanh chân gò. Các cô gái chiều mát chống thuyền hái sen. Gặp lúc trời tốt tiết đẹp thì văn nhân thi sĩ mang bầu rượu theo từng bậc cấp leo lên đầu gò ngâm vịnh dưới hoa, thơ văn phảng phất mùi hương, thật là một thắng cảnh cho khách du lãm (…).”

Con suối quanh chân gò nay vẫn còn đó, nhưng trải qua thời gian, những sông rạch chảy thông với nó đã bị lấp để xây dựng nhà cửa, nên nước suối nay thành nước tù nổi rêu xanh. Thời Trịnh Hoài Đức, ở Mai Khâu có Chùa Ân Tông. Xin dịch đoạn nói về Chùa này: “Trên gò có Chùa Ân Tông, đêm tụng Kinh Phật, tối đánh chuông lớn, thanh âm vang rền trong mây khói, giống như thế giới núi Thứu Lĩnh” (Gia Định Thành Thông Chí, Mai Khâu). Chúng ta thấy tác giả chỉ có ý so sánh Mai Khâu với Thứu Lĩnh, tức núi Linh Thứu hay Linh Sơn ở Ấn Độ, nơi Phật Như Lai từng giảng Kinh Pháp Hoa.

Sách Đại Nam Thống Chí (tỉnh Gia Định), được biên sọan dưới đời Tự Đức, cũng nói xưa ở Mai Khâu có Chùa Ân Tông, nhưng đến thời bấy giờ thì không hiểu vì sao Chùa lại có tên là Mai Khâu Tự. Sách này cho biết trên gò còn lại bảy cây mai.

Chùa là một thắng cảnh được nhiều khách du lãm đặt chân đến, và một thi sĩ khuyết danh nhân đi qua đấy, xúc cảnh sinh tình, đã để lại mấy vần thơ:

Mai Khâu Tự

Thiền môn hà xứ phỏng mai hoa

Tạm hiết chinh tiên thuyết phạn gia.

Hương nhập trà bình yên chính noãn,

Nhất sinh trần lự bán tiêu ma.

Dịch thơ

Chùa Gò Cây Mai

Tìm mai cửa Phật ở nơi đâu?

Dừng bước đường xa, luận đạo mầu.

Hương ngát bình trà đang quyện khói

Lòng trần dứt hết nửa lo âu. (Nguyễn khuê dịch)

Hiện nay Chùa ở Mai Khâu, tục gọi là Chùa Gò, không rõ vì sao lại có tên là Phụng Sơn Tự, và tên này có tự bao giờ. Người ta kể rằng dưới thời Gia Long, sư tổ Liễu Thông (1753 - 1840) người Thanh Hoá, trên đường tầm đạo đi qua gò này, thấy cảnh trí thích hợp nên dừng chân tại đấy, dựng Chùa và đặt tên một các nôm na là Chùa Gò. Một hôm có một con chim phụng đến đậu trên cây ngô đồng ở đầu gò, kêu liên tiếp ba ngày rồi bay mất. Sư tổ cho là điềm lành, đổi tên Chùa thành tên chữ Phụng Sơn Tự. Từ giai thoại này, một nghi vấn được nêu lên là nếu cái tên Phụng Sơn Tự đã có thời Gia Long thì tại sao Trịnh Hoài Đức là người thời Gia Long lại không biết?

Đến năm 1960, trên gò còn bốn cây Bạch Mai. Nay trên gò, bên cạnh Chùa, chỉ còn một cây Bạch Mai già cỗi có mang tấm biển đề là trồng năm 1909, hơn tám mươi năm. Chùa Gò đã được liệt vào di tích cổ của Thành phố.

Tóm lại, Mai Sơn và Mai Khâu là hai Gò khác nhau. Mai Sơn Tự và Mai Khâu Tự là hai Chùa khác nhau. Mai Sơn và Mai Khâu từng được xem là biểu tượng của Sài Gòn Gia Định xưa, cả hai đều là di tích văn hoá đồng thời là di tích lịch sử nổi tiếng gắn liền với thời kỳ đầu cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, đáng được trân trọng bảo tồn để nêu cao truyền thống văn hoá và truyền thống chống giặc giữ nước của Thành phố.

(Trích Tập văn Phật Đản PL. 2535 – 1991)