Hướng dẫn thiền niệm hơi thở (Buổi 4 – Ngày thứ 4 – 11/7/2009)

HƯỚNG DẪN THIỀN NIỆM HƠI THỞ (Buổi thứ 4 – Ngày thứ Bảy 11/7/2009)

Do Ngài Hoà Thượng Pháp Sư - Đại Thiền Sư ASHIN KOVIDA

Thiền Lâm Viện Pa-Auk - Tiểu Bang Mon – Mawlamyine – Myanmar

Câu Hỏi 13: Trong khi ngồi thiền, có nhiều lúc nước mắt con chảy nhiều, như vậy là vì sao? Xin Ngài giải thích cho con. (Cô Phượng)

Trả Lời: Khi ngồi thiền, nước mắt lại chảy ra, có hai loại:

1.      Nước mắt hoan hỷ

2.      Nước mắt buồn lo

Nước mắt hoan hỷ: Có hành giả mang tâm trạng này trước khi hành thiền: “Tôi sẽ hành loại Hành Thiền đặc biệt này. Tôi sẽ biết được những việc trước đây tôi chưa từng được nghe, chưa từng được thấy, chưa từng được biết”. Nghĩ vậy nước mắt hoan hỷ trào ra.

Đối với nước mắt sầu muộn: “Mẹ cha tôi, thân bằng tôi, những người bạn thân của tôi, chưa bao giờ thấy được những Pháp này. Giáo Pháp đặc biệt này tôi đang nổ lực hành vẫn chưa gặp được; nhớ nghĩ đến họ, tôi mong muốn cho họ có cơ hội thực hành Giáo Pháp này.” Nghĩ như vậy nước mắt sầu muộn trào ra nơi vị ấy.

            Những người hành thiền thường gặp hai loại nước mắt này. Một số sầu muộn thì khóc, một số khác thì hân hoan hỷ hả cười, bạn có thể gặp những trường hợp này trong các thiền viện.

            Pháp Lạc “Dhammasukha” (Pháp Lạc), hay còn gọi là sự hoan hỷ trong Pháp “Dhammarati”. Nó cực kỳ phúc lạc. Lạc đến cỡ nào?

Những vị Hiền Vương xưa kia của chúng ta đã từ bỏ cung vàng điện ngọc, đã ẩn lâm thiền tịnh, để đi tìm những Phúc lạc này. Nghĩa là Thiền rất an lạc. Thêm nữa, những vị Vương tôn, phú hộ cũng vậy, họ đã xả bỏ của cải tài sản, ẩn lâm thiền tịnh để tìm kiếm Thiền Lạc ấy. Những Pháp Lạc, Thiền Lạc nầy còn quý giá, an lạc hơn số của cải tài sản đáng giá 40 Koṭi[1], 80 Koṭi kia. Và khi những vị ấy đã tìm thấy được Pháp Vị, Thiền Lạc, những vị ấy không bao giờ muốn rời xa nó nữa. Vì thế Đức Phật mỗi khi thuyết Pháp xong thì thính chúng nói lời “Sādhu! Sādhu! Sādhu!” (Lành thay! Lành thay! Tốt đẹp thay!). Trong khi thính chúng nói những lời hoan hỷ lành thay này, Đức Phật vẫn đang lúc nhập Thiền (samāpatti) và thọ hưởng những Pháp Lạc (Dhammasukha). Ngài đương khi ấy tịnh hưởng hương vị Pháp Bảo. Hương vị Pháp Bảo thù diệu biết bao mà kể. Vì thế chúng ta sẽ nổ lực hành thiền để đạt được Pháp Hương ấy. Nhắc nhở mình rằng: “Cũng như các vị Hiền Vương xưa kia, các vị Vương tôn, trưởng giả phú hộ xưa kia, tôi sẽ nổ lực hành thiền.” Chúng ta khi nổ lực hành thiền, nếu có được niềm mong muốn hành thiền như thế (Chanda), thì sẽ đạt được Pháp Vị. Nếu không có niềm mong muốn mãnh liệt đó thì sẽ không bao giờ đạt được. Nếu chúng ta không thú vị, không hứng khởi, không mong muốn, chỉ đến đây để mà ngồi, chỉ đến đây để biết được thêm ít kiến thức (Bahussuta), để được học hỏi thêm thì không thể nào đạt được những Pháp Hương, Pháp Vị, Pháp Lạc ấy. Không thể nào gặp được. Thật sự nếu muốn đạt được những Pháp hương đó, Pháp vị đó, Pháp lạc đó chúng ta phải hứng khởi nổ lực hành thiền mà thôi.      

Câu Hỏi 14: (xin tóm tắt câu hỏi) Khi tụng kinh, chẳng hạn kinh thỉnh chư thiên, Kinh Paritta, nếu chỉ tụng mà không hiểu nghĩa thì có lợi ích gì không bạch Ngài? (Cô Phượng)

Trả lời: Cho dù khi tụng lên người ta có hiểu nghĩa hay không, Các bài Kinh, Kệ, Chú, tất cả đều có oai lực của nó.

Thuở xưa có một con cáo, con cáo này thuộc được một bài chú, đi vào rừng và tụng lên bài chú này. Khi nghe bài chú ấy, tất cả những loài động vật từ con nhỏ đến con lớn như chúa sơn lâm đều muốn tôn nó lên làm vua. Cho dù một người hiểu hay không hiểu nghĩa thì chính các bài Linh chú, Kinh, Kệ đều đã có một oai lực. Vì có một oai lực như vậy, khi một người tụng lên các bài Kệ, hay các bài Chú ấy, người ấy đều bị chịu ảnh hưởng bởi oai lực của của bài Kệ, bài Chú ấy.  

Câu Hỏi 15: Xin cho con hỏi, Khi rải Tâm Từ khi thân tâm mình mát mẻ, an lạc trước rồi mới rải hay sao? (Chú Trực)

Trả lời:

Có hai loại Tâm Từ:

Thứ nhất:       Rải Tâm Từ để được Phước lành.

Thứ Hai:         Tâm Từ được rải đến thực sự có hiệu quả và có Phước lành.

1.      Rải Tâm Từ để đạt được phước báu nghĩa là: Như việc tụng đọc hằng ngày: Nguyện cho tất cả chúng sanh đừng có sân hận oan trái, thoát khỏi khổ thân, thoát khỏi khổ tâm, nguyện cầu cho chúng sanh giữ mình được an lạc. (Sabbe sattā averā hontu, abyāpajjā hontu, anīghā hontu, sukhī attānaṃ parihārantu.) Nguyện cầu cho tất cả những mong mõi tốt lành của người đều được thành tựu. Khi khởi nguyện như vậy nghĩa là mong muốn những điều an lành cho người, đó chính là rải Tâm Từ để đạt được Phước báu.

2.            Nếu thật sự một người muốn rải Tâm Từ vừa được phước lành vừa thực sự có hiệu quả, có kết quả: Trước tiên người ấy phải nổ lực đạt Định, có năng lực Định sung mãn (cho đến Tứ Thiền với quang tướng cực kỳ sáng và ổn cố trước mặt – Paṭibhāghanimitta) vị ấy rải Tâm Từ đến cho mình trước.) Khi Ấy được gọi là Thiền Tâm Từ (Mettājhāna)[2]. Sau đó vị ấy muốn rải Tâm Từ đến cho bất kỳ một đối tượng nào vị ấy muốn. Kể cả những vị Thiên tình cờ xuất hiện trong quang tướng của vị ấy. (Câu chuyện, hào quang của chư thiên cũng thay đổi khác đi khi nói lời sādhu.).

Đức Phật: Một người rải Tâm Từ trong khoảng thời gian bằng một búng móng tay, hay một lần vắt sữa bò, thì thọ hưởng ân đức thật vô lượng không kể xiết.

Quả của việc Thực hành Thiền Tâm Từ có 11:

1- Ngủ trong an lạc.
2- Thức dậy trong an lạc.
3- Không thấy các ác mộng.
4- Ðược mọi người thương yêu, quý mến.
5- Ðược các hàng phi nhân thương yêu, quý mến.
6- Ðược chư Thiên hộ trì.
7- Lửa hoặc chất độc hoặc các loại vũ khí... không thể làm hại được.
8- Tâm dễ dàng an tịnh.
9- Gương mặt sáng sủa.
10- Lúc lâm chung, tâm không mê muội (tâm sáng suốt).
11- Sau khi chết cho quả tái sanh lên các cõi trời sắc giới phạm thiên.

Sukhaṃ supati, sukhaṃ paṭibujjhati, na pāpakaṃ supinaṃ passati, manussānaṃ piyo hoti, amanussānaṃ piyo hoti, devatā rakkhanti, nāssa aggi vā visaṃ vā satthaṃ vā kamati, tuvaṭaṃ cittaṃ samādhiyati, mukhavaṇṇo vippasīdati, asammūḷho kālaṃ karoti, uttari appaṭivijjhanto brahmalokūpago hoti. (Kinh Từ Bi – Tăng Chi Bộ Kinh – 11 Pháp)

So sánh với loại còn lại (chỉ rải do việc tụng đọc) có Phước báu nhưng không có hiệu quả của Tâm Từ. Loại Thiền Tâm Từ này đạt được cả hai: 11 quả phước lành và có hiệu quả.

Câu Chuyện Đức Phật và voi Nāḷāgiri :

Voi Nāḷāgīri đã bị phục rất nhiều thùng rượu to lớn và bị đâm bởi nhiều dáo mác lên mình khiến voi càng trở nên cực kỳ hung dữ. Khi Đức Phật đã đến lúc đi bát, Devadatta ra lệnh thả voi trong cơn hung dữ ấy hòng làm hại Đức Phật. Đức Phật đã rải Tâm Từ đến voi ấy như thế này: Ngài rải Từ Tâm của Ngài vào voi qua cả 6 căn môn: Mắt, tai, mũi, lưỡi voi Ngài rải, toàn thân voi, và cả vào vùng tim cơ của voi. Sáu căn môn của voi nhận được nguồn Đức Từ của Ngài - tất cả những thống khổ: Khổ thân khốc liệt, khổ tâm và cả cơn say điên loạn đều được Đức Từ của Ngài thấm nhuần. Thớt tượng to lớn, Voi Nāḷāgiri , đã phủ phục trước chân bụi Đức Thế Tôn.      

Đức Phật đã rải Từ Tâm đến voi dữ Nāḷāgiri  như vậy đấy.

Sādhu! Sādhu! Lành thay.

(Dứt buổi thứ 4)



[1] - Mười triệu

[2] (Ảnh hưởng của Từ Tâm đến đối tượng được rải trong các Tầng Thiền là khác nhau).

 

 

Đời sống: