Tiểu Sử Hòa Thượng Vạn Ân (Hương Tích) (1885 - 1967)

...Sáu mươi mốt năm, vân du hành Đạo từ Phú Yên, Bạc Liêu, châu Đốc, Ninh Thuận, Bình Thuận và các tỉnh miền Nam. Ngoài việc giảng dạy giáo lý để hóa độ quần sanh, thì về mặc hình tướng Ngài đã kiến tạo và trùng tu cả thảy 22 ngôi Chùa. Ngôi Chùa Hương Tích là nơi Ngài khai sơn và trụ lâu nhất, hàng trăm vị xuất gia được đắc giới tại đây và gần đây là ngôi Bửu Tịnh tổ đình: Giáo hội cung thỉnh Ngài sung chức trưởng ban trùng tu ngôi Tổ đình để làm nơi Hoằng Đạo trung tâm cho Tỉnh giáo hội.

...Bên cạnh việc trùng tu và kiến tạo, Ngài còn rất lưu ý về mặt phát huy đạo đức, tiếp dẫn hậu lai; nên năm 1920 Ngài đã khai đại giới đàn, tại Chùa Khánh Long (Tuy Hòa). Năm 1956 Ngài dự vào hàng Tam sư Đại giới đàn toàn quốc; tổ chức tại Phật học viện Nha Trang.

...Ngoài sự thông suốt và đem ba tạng giáo lý Kinh điển dạy đời. Ngài còn trọn dâng một tinh thần cao thượng tham gia tích cực trong các cuộc vận động đấu tranh cứu nguy Phật giáo mặc dù tuổi già sức yếu.

 

Tiểu Sử Hòa Thượng Vạn Ân (Hương Tích) (1885 - 1967)

Thích Diệu Quang

Ngài thuộc môn phái Lâm Tế tôn (Liễu Quán) thứ bốn hai mươi.

Sinh năm Bính Tuất (1885) tại thôn Vạn lộc, Vạn lộc, xã Hòa Mỹ, quận Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên.

Viên tịch vào hồi 1 giờ khuya mồng 8 tháng 2 năm Đinh Mùi (nhằm vía Đức Thế Tôn xuất gia, Phật lịch 2510)

Hưởng thọ 82 tuổi, thuộc giòng Nho phong họ Nguyễn.

Thân phụ của Ngài là ông cụ Nguyễn Chơn Tịnh.

Thân mẫu của Ngài là cụ bà Trần Thị Như Liên.

Năm 12 tuổi Ngài xuất gia học đạo, thọ giáo Tổ Nguyên Đạt (Chùa Long Trường) Húy là Trừng Thành.

Năm 21 tuổi Ngài thọ Cụ Túc giới tại Chùa Sắc Tứ Bát Nhã, Tuy An pháp hiệu VẠN ÂN.

Năm 26 tuổi Ngài dự vào hàng Tam Sư (tại Chùa Mông Đức, Phan Rang)

Sáu mươi mốt năm, vân du hành Đạo từ Phú Yên, Bạc Liêu, châu Đốc, Ninh Thuận, Bình Thuận và các tỉnh miền Nam. Ngoài việc giảng dạy giáo lý để hóa độ quần sanh, thì về mặc hình tướng Ngài đã kiến tạo và trùng tu cả thảy 22 ngôi Chùa. Ngôi Chùa Hương Tích là nơi Ngài khai sơn và trụ lâu nhất, hàng trăm vị xuất gia được đắc giới tại đây và gần đây là ngôi Bửu Tịnh tổ đình: Giáo hội cung thỉnh Ngài sung chức trưởng ban trùng tu ngôi Tổ đình để làm nơi Hoằng Đạo trung tâm cho Tỉnh giáo hội.

Với tuổi 77 là tuổi dưỡng lão; thế mà Ngài đã hoan hỉ nhận lãnh và thời gian chỉ có sáu năm, hơn nữa lại gặp hoàn cảnh chiến tranh khó khăn. Nhưng một ngôi Chùa không kém phần hùng vĩ nguy nga đã hiển hiện giữa thành phố Tuy Hòa. Vẫn biết việc thành tựu cao thượng trên phần lớn là do chư tôn Hòa Thượng, Thượng tọa Đại Đức và tín đồ. Nhưng phần tâm linh phải ghi nơi Ngài một tinh thần trách vụ cao cả.

Bên cạnh việc trùng tu và kiến tạo, Ngài còn rất lưu ý về mặt phát huy đạo đức, tiếp dẫn hậu lai; nên năm 1920 Ngài đã khai đại giới đàn, tại Chùa Khánh Long (Tuy Hòa). Năm 1956 Ngài dự vào hàng Tam sư Đại giới đàn toàn quốc; tổ chức tại Phật học viện Nha Trang.

Và trước đó Ngài đã đảm nhiệm trách vụ giảng sư tại Phật học đường Gia Giáo (Bạc Liêu) 3 năm. (Bạn đồng thời với Ngài là Ngài Pháp chủ Khánh Anh).

Hiện tại hàng đệ tử xuất gia tại gia của Ngài rất đông: Đại Đức Nguyên Hương người dùng thân đốt lên ngọn đuốc thứ hai giữa mùa Pháp nạn năm 1963 là tôn đệ của Ngài, gọi Ngài bằng Sư Ông.

Ngoài sự thông suốt và đem ba tạng giáo lý Kinh điển dạy đời. Ngài còn trọn dâng một tinh thần cao thượng tham gia tích cực trong các cuộc vận động đấu tranh cứu nguy Phật giáo mặc dù tuổi già sức yếu.

Hôm nay tóm lược đọc mấy dòng tiểu sử của vị cao Tăng đức độ, đã suốt đời hy sinh cho đạo pháp và chúng sanh, chúng ta nguyện nối chí Ngài, trong sứ mạng truyền lưu đạo đức và phổ cập tình thương về cho tất cả.

Nguyện xin Ngài nơi Lạc bang thượng phẩm, phóng đại từ tâm gia hộ.

Tuy Hòa ngày mồng 10 tháng 2 năm Đinh Mùi

Trưởng Tử Sa Môn Diệu Quang, kính soạn

Trích “Đặc san tu chứng, PL. 2510 - 1967”