Bảo Tồn Và Tiếp Biên Văn Hóa Thời Lý Qua Tượng Phật Chùa Phật Tích


altNhìn dọc theo các mốc thẩm mỹ nước nhà thì thẩm mỹ thời Lý là mốc thẩm mỹ thứ hai sau thẩm mỹ Đông Sơn, nhưng về thiết chế xã hội là thời kỳ nhà nước quân chủ trung ương tập quyền độc lập đầu tiên. Do những yếu tố lịch sử đương thời cũng như thừa hưởng cái gốc sâu bền từ những thời đại trước mà ở thời Lý đã hình thành nền văn hóa đa dạng, nhiều chiều.

Khi ta ngắm nhìn chu vi tượng để cảm nhận về luân hồi, dáng ngồi tĩnh tọa gợi lên sự an lành nơi thần thái, phiêu sái trong nếp áo mỏng nhẹ, vẻ tròn trĩnh dưới làn nét mà điểm tụ của chúng chạy hút vào hư vô, cuốn ta vào suy tư về thân phận con người. Cái khoáy áo phía sau lưng, bên tay phải thực là đột hứng ngoài niêm luật như tiếng cười sảng khoái của nghệ sĩ sau chuỗi dài hóa hồn vào thân Phật. ánh sáng ngưng đọng hòa điệu cùng khối làm tâm tư ta tìm thấy nhịp độ bình tĩnh và an lạc, đôi môi nồng nàn cuộc sống kia như hứa hẹn một nụ cười hoan hỷ sẽ mãn khai làm ta bâng khuâng biết bao hy vọng. Những cảm xúc ấy từ đâu mà có? Nếu không có tình cảm như cơn gió làm gợn lên những làn sóng xúc cảm trên mặt hồ tâm thức, hình tướng của tượng đòi hỏi được tắm mình trong tình cảm. Tác phẩm đã tiếp biến Rupa và Bhava trong Sadanga chính là quá trình tinh thần hóa cái đẹp.

Bảo Tồn Và Tiếp Biên Văn Hóa Thời Lý Qua Tượng Phật Chùa Phật Tích

Triệu Thế Việt

1. Bảo tồn bản sắc của văn hóa thời Lý

Bằng yếu tố Mẹ qua tượng Phật chùa Phật Tích (1)

Nhìn dọc theo các mốc thẩm mỹ nước nhà thì thẩm mỹ thời Lý là mốc thẩm mỹ thứ hai sau thẩm mỹ Đông Sơn, nhưng về thiết chế xã hội là thời kỳ nhà nước quân chủ trung ương tập quyền độc lập đầu tiên. Do những yếu tố lịch sử đương thời cũng như thừa hưởng cái gốc sâu bền từ những thời đại trước mà ở thời Lý đã hình thành nền văn hóa đa dạng, nhiều chiều.

Nét khái quát lớn nhất là văn hóa thời Lý giải Hoa để trở về với văn hóa Đông Nam Á vốn chung sống từ thuở Đông Sơn. Một trong những yếu tố văn hóa bản địa của người Việt nói riêng và của vùng văn minh lúa nước nói chung là tín ngưỡng thờ Nữ thần, thờ Mẹ. Ở tục thờ nữ thần, tín ngưỡng Mẫu của người Việt, hình ảnh Mẹ âu Cơ, mẹ Gióng, Phật Mẫu, các bà Tứ Pháp, hệ thống Mẫu… hình tượng nữ tính là hình tượng hằng xuyên trong văn hóa Việt, thẩm mỹ Việt.

Đối với thẩm mỹ thời Lý, yếu tố Mẹ hiện diện trên tượng Đức Phật thanh cao, bao dung và mát lành. Ngắm gương mặt thanh tú của tượng Đức Phật, có thể thấy sống mũi rất thoát với các nét mày, khóe mắt, bờ môi của nữ tính, vẻ kín đáo trong từng lớp áo dịu dàng, dáng hình mảnh mai, đôi bờ vai xuôi nhẹ tảo tần với cổ kiêu ba ngấn đến là duyên kia làm ta thấy tha thiết cái tình bao la của Mẹ Việt.

Bằng phương pháp tạo hình Việt qua tượng Phật ở chùa Phật Tích

Dù thẩm mỹ thời Lý vẫn tựa vào tiêu chuẩn không gian ba chiều của điêu khắc thế giới nhưng vẫn thản nhiên gắn với phương pháp tạo hình ước lệ vốn là lề lối từ thưở tiền Đông Sơn cho mãi đến nghệ thuật đình làng Ước lệ là cách ứng xử tạo hình rất riêng của người Việt.

Ngay từ cái nhìn đầu tiên, ta đã có thể cảm nhận rằng chiều chính diện của tượng một cái nhìn ôm choán lấy tổng thể mà dường như quên đi tỷ lệ mặt nghiêng có phần bị lép đi, vơi đi cái thân hình quá mảnh của tượng Đức Phật. Ta nhận thấy, về tỷ lệ, dường như vô lý ở đâu đó dăm ba chi tiết nhỏ, ước lệ mà không giả định, nó đủ đầy để đem lại hợp lý trong cấu trúc tổng thể.

Bằng sự từ chối những yếu tố văn hóa không phù hợp của văn hóa Ấn

Văn hóa Ấn Độ đồng nhất thần thánh với con người, bao gồm cả tu hành và tham vọng, thánh thiện và nhục cảm. Ở tạo hình, chất nhục cảm cứ rung lên khao khát theo từng làn cơ bắp nhỏ nhất, những người đẹp hoan hỷ lõa thể với một chút e lệ Á Đông, cho ta có cảm giác nhân vật đang do dự giữa nhục cảm, bản năng gốc và tiết hạnh, nết na, những khát khao cứ cồn cào trong đời sống âm thầm của đá, mong mỏi xóa đi cái lằn ranh nhọc nhằn giữa thiêng liêng và trần tục. Ở tư duy tạo hình Ấn Độ nhục cảm là mẫu số chung, nhưng điều đó đã bị gạt một cách cương quyết ra khỏi nhận thức thẩm mỹ của người Việt. Quả là cách ứng xử sòng phẳng.

Tượng Đức Phật ở Phật Tích không thuộc về trần thế, nó thuộc thế giới thiêng liêng của lòng mộ đạo, cảnh giới thanh tịnh và siêu nhiên, ý niệm cao thượng, biểu tượng của đỉnh cao chân lý, đạo đức và giải thoát. Cái đẹp của tượng Đức Phật ở Phật Tích là biểu tượng thẩm mỹ thời Lý, đó là sự cao cả, phi phàm và lý tưởng hóa.

Bằng sự từ chối những yếu tố văn hóa không phù hợp của văn hóa Hoa

Dù khôn khéo thế nào, dù đề tài Phật giáo có từ bi và minh triết vô tận thì uy lực của đế chế Hán - Đường và tinh thần tuyệt đối hóa Trung Hoa vẫn đẩy các vị Phật trong hang Đôn Hoàng đến cái đẹp hốt hoảng, xô đẩy tâm thức con người tuân theo và quy phục Đức Phật như quy phục trước quyền lực của đế chế, suy cho cùng, đó là nỗi sợ hãi truyền kiếp của con dân hèn mọn trước uy lực của vương quyền.

Văn hóa thời Lý từ chối tiếp nhận và đối lập lại với uy quyền, nam tính của các vị Phật Đại Đường, tượng Đức Phật ở Phật Tích đến với chúng sinh bằng lòng yêu thương và che chở bao la của tình Mẹ, bằng cái đẹp thanh tao và xinh xắn, đó là cuộc đối thoại âm thầm trong tâm thức để con người tìm về bản chất người trong tâm mình (Minh tâm kiến tính).

Văn hóa thời Lý giữ gìn độc lập quả là khôn khéo. Trong lúc đó, văn hóa Nhật Bản đôi khi trở thành đoạn kéo dài của thẩm mỹ Trung Hoa, văn hóa Champa mang nặng thẩm mỹ văn hóa của Ấn Độ suốt một thời gian dài. Ngay bản thân văn hóa ấn Độ đồ sộ và vĩ đại như vậy, trong những khúc ngoặt của lịch sử cũng không thể cưỡng lại sự quyến rũ ở cấu trúc hấp dẫn của thẩm mỹ cổ điển Hy Lạp.

Sự bảo tồn những yếu tố văn hóa của dân tộc đã tạo cho văn hóa thời Lý khả năng chống lại sự nô dịch của các vùng văn hóa lớn mà vẫn tiếp biến những yếu tố tinh hoa, có lợi cho sự phát triển của văn hóa Việt.

2. Giá trị tiếp biến văn hóa của tác phẩm

“Không một nền văn hóa nào đứng chơ vơ trước lịch sử như một hòn đảo, sự giao thoa văn hóa là lẽ tự nhiên và rất nhân loại” (2).

Sự giao thoa là lẽ tự nhiên nhưng tiếp nhận yếu tố văn hóa tinh hoa của nền văn hóa khác (yếu tố ngoại sinh) và Việt hóa chúng để phù hợp với văn hóa dân tộc (yếu tố nội sinh) là đặc thù của văn hóa thời Lý.

Tiếp biến văn hóa với văn hóa Trung Quốc

Phong cách diễn tả tà áo của tượng Đức Phật ở Phật Tích là đem lại cho đá một đời sống của vải mềm, đủ mềm chứ không quá mềm và xô lệch tới rối mắt như ở tượng hang Phật Cười, Triết Giang. Nó cho ta thấy sự tiếp thu nghệ thuật Trung Hoa ở thời này là ít. Mặc dù, trong lịch sử, văn hóa Trung Hoa đã cưỡng bức người Việt phải tiếp nhận, nhưng ở thời kỳ này tinh thần dân tộc đã khá rõ ràng và trong tiếp nhận có xu hướng giải Hoa để tìm về với văn hóa Đông Nam Á và văn hóa gốc Ấn Độ.

Tiếp biến văn hóa với văn hóa Ấn Độ

Sự tiếp biến văn hóa Ấn Độ ở nghệ thuật thời Lý là thừa hưởng từ giai đoạn trước, với thái độ tự nguyện từ hai phía, mà hệ thống Tứ Pháp với các chùa Dâu, Đậu, Dàn, Tướng là minh chứng cho sự tự nguyện giao thoa Việt - Ấn.

Ở tác phẩm này, thoạt nhìn những đường nét nổi ở nếp áo trên thân tượng, chúng tôi không muốn nhắc lại ý kiến của nhiều người khác là giống gân lá sen, cảm nhận đầu tiên của chúng tôi là những đường gân đó thật gần gũi với tượng Phật và phù điêu chạm nổi ở nghệ thuật Gandhara thời kỳ Kusshan - Ấn Độ (TK II).

Nhưng để nói rằng tượng Đức Phật ở Phật Tích giàu chất Ấn, thì chất Ấn ôm trùm lên tổng thể lại là tư tưởng của bộ thư tịch thẩm mỹ, nghệ thuật vĩ đại Sadanga của Ấn Độ.

Sadanga, gồm sáu chuẩn của thẩm mỹ Ấn Độ cho đến nay vẫn là ẩn số về xuất xứ và tác giả, ngay Tagore là người giới thiệu và bênh vực bản quyền thuộc Ấn Độ của Sadanga cũng không làm sáng tỏ được ẩn số kia dù văn minh sông Hằng, sông ấn đã chứa đựng nó từ rất lâu. âu cũng là bí mật của lịch sử,

Rupa Bhêda, khoa học về hình tướng, là chuẩn mực quan trọng hơn cả trong sáu chuẩn mực, cũng như trong tác phẩm này, là thể hiện toàn vẹn sự đồng nhất giữa nội dung và hình thức; là khoa học toàn diện về hình thức (vật chất) và sắc tướng (thần thái- tinh thần).

Nếu nghệ sĩ tiếp cận với sự vật mà chỉ ở bên ngoài sự vật một cách vật chất, vốn chỉ chứa chất những đổi thay nông nổi, giả tạm, là người nghệ sĩ chưa nắm chút gì sự thật cả, vì thần tướng bên trong mới là sự sống của tác phẩm bởi nó hàm chứa tư tưởng, thần thái là giá trị vĩnh cửu và siêu việt. Cho nên, Sadanga đã chỉ rõ, thưởng thức và sáng tạo nghệ thuật đều bằng tâm. Đối với phương Tây khái niệm tâm là khái niệm ngông tưởng và mờ nhạt nhưng đối với người phương Đông, tâm là tư tưởng vô hạn, là thái độ sống và triết lý về cái chết - nó vượt ra ngoài lẽ tử sinh.

Rupa ở tượng Đức Phật ở Phật Tích là cảm nhận bằng tâm thức cái hình bên ngoài và cái tướng ở bên trong. Nghệ sĩ sáng tạo tượng Đức Phật ở Phật Tích tiếp thu Rupa của Sadanga ở cả hai chiều, bên trong và bên ngoài của hình tướng.

Bhava, tình cảm với hình tướng. Thẩm mỹ Ấn độ và tượng Đức Phật ở Phật Tích đều có điểm chung là hướng nội. Nhận thức nghệ thuật không phải là chiếm đoạt bằng vật chất của tác phẩm mà là hòa vào bên trong nó bằng tình cảm và xúc động, thức tỉnh bản chất người trong ta, tác động tình cảm lên hình tướng. Ở đây, đỉnh cao của thưởng thức và sáng tạo là tâm thức con người hòa vào tác phẩm để ngân lên bản tình ca nhân loại. Nhưng khi tâm ta đạt đến thanh tịnh, trong sáng và phẳng lặng như mặt hồ nước, thì tình cảm lại là trạng thái khơi dậy cảm xúc thẩm mỹ, không có tình cảm tác động thì tâm cứ im lặng và trống không. Muốn tiếp cận được điều này, trước hết tình cảm của chúng ta không bị đáng lừa bởi biểu hiện nông nổi bên ngoài sự vật, lại không bị một trạng thái tâm lý cực đoan nào chi phối.

Khi ta ngắm nhìn chu vi tượng để cảm nhận về luân hồi, dáng ngồi tĩnh tọa gợi lên sự an lành nơi thần thái, phiêu sái trong nếp áo mỏng nhẹ, vẻ tròn trĩnh dưới làn nét mà điểm tụ của chúng chạy hút vào hư vô, cuốn ta vào suy tư về thân phận con người. Cái khoáy áo phía sau lưng, bên tay phải thực là đột hứng ngoài niêm luật như tiếng cười sảng khoái của nghệ sĩ sau chuỗi dài hóa hồn vào thân Phật. ánh sáng ngưng đọng hòa điệu cùng khối làm tâm tư ta tìm thấy nhịp độ bình tĩnh và an lạc, đôi môi nồng nàn cuộc sống kia như hứa hẹn một nụ cười hoan hỷ sẽ mãn khai làm ta bâng khuâng biết bao hy vọng. Những cảm xúc ấy từ đâu mà có? Nếu không có tình cảm như cơn gió làm gợn lên những làn sóng xúc cảm trên mặt hồ tâm thức, hình tướng của tượng đòi hỏi được tắm mình trong tình cảm. Tác phẩm đã tiếp biến Rupa và Bhava trong Sadanga chính là quá trình tinh thần hóa cái đẹp.

Như vậy, thông qua tượng Đức Phật ở Phật Tích, ta nhận thấy, sự bảo tồn và tiếp biến văn hóa đủ độ, đúng cách đã tạo ra văn hóa thời Lý những tinh hoa quý báu, chứng minh cha ông ta đã thành công trong quá trình hội nhập. Bài học đó dường như không chỉ là ngày hôm qua mà nó vẫn còn nguyên vẹn những giá trị cho hôm nay và mai sau.

Trích Văn Hoá Nghệ Thuật 4-2005

Chú thích

1. Tượng Đức Phật chùa Phật Tích ( Bắc Ninh), chất liệu đá, cao 184 cm không kể bệ tượng, TK XI. Có nhiều tài liệu gọi là tượng A Di Đà, theo văn bia chùa Phật Tích có ghi: Đức Phật mình vàng. Ở đây, chúng tôi gọi là tượng Đức Phật chùa Phật Tích.

2. Thái Bá Vân, Tiếp xúc với nghệ thuật, Viện Mỹ thuật xb, Hà Nội, 1995.