Ba Vị Phật Bà Từ Phật Đài Bước Vào Sân Khấu Chèo

Giống như mọi tôn giáo phổ quát trên thế giới, khi du nhập vào Việt Nam, Phật giáo đã không giữ được những nét uyên nguyên của mình mà đều được "Việt hóa", với vị Phật Tổ - Phật Mẫu Man Nương và rất nhiều vị Phật Bà Quan Âm khác. Chính vì vậy, Phật giáo đã được cư dân Việt đón nhận và có ảnh hưởng sâu rộng tới mọi mặt đời sống tinh thần của người Việt, trong đó có nhiều loại hình nghệ thuật truyền thống. Rất nhiều Đức Phật đã từ Phật đài bước vào tác phẩm nghệ thuật, trở thành những hình tượng nghệ thuật đặc sắc, được người Việt ngưỡng mộ, noi gương. Tiêu biểu nhất trong các hình tượng nghệ thuật ấy là ba vị Phật Bà Quan Âm: Bà Chúa Ba, Bà Thị Kính và Bà Nguyên phi Ỷ Lan trong nghệ thuật Chèo.

Cho đến nay, ý kiến cho rằng nghệ thuật Chèo có nguồn gốc từ Phật giáo, chính xác hơn là từ trò giáo đò (ở dạng múa hát bỏ bộ) do sư sãi chủ trì, các vãi thực hiện trong lễ chạy đàn cầu siêu cho vong hồn người chết trong lễ Vu lan "xóa tội vong nhân" Rằm tháng 7 trong sinh hoạt Phật giáo còn cần phải nghiên cứu thêm, song việc nghệ thuật Chèo đã xây dựng những vở diễn về ba vị Phật Bà Quan Âm là Bà Chúa Ba, Bà Thị Kính, Bà Nguyên Phi ỷ Lan thì không phải bàn cãi. Trong Phật điện Việt Nam, ba vị Phật Bà Quan Âm trên đây đều có sự tích riêng, mẫu mực về quá trình tu hành để trở thành Phật Quan Âm. Đây chính là tích - chất liệu cuộc sống - để từ đó những người làm Chèo dịch - xây dựng/ viết - thành trò - vở diễn.

Ba Vị Phật Bà Từ Phật Đài Bước Vào Sân Khấu Chèo

Nguyễn Minh San

Giống như mọi tôn giáo phổ quát trên thế giới, khi du nhập vào Việt Nam, Phật giáo đã không giữ được những nét uyên nguyên của mình mà đều được "Việt hóa", với vị Phật Tổ - Phật Mẫu Man Nương và rất nhiều vị Phật Bà Quan Âm khác. Chính vì vậy, Phật giáo đã được cư dân Việt đón nhận và có ảnh hưởng sâu rộng tới mọi mặt đời sống tinh thần của người Việt, trong đó có nhiều loại hình nghệ thuật truyền thống. Rất nhiều Đức Phật đã từ Phật đài bước vào tác phẩm nghệ thuật, trở thành những hình tượng nghệ thuật đặc sắc, được người Việt ngưỡng mộ, noi gương. Tiêu biểu nhất trong các hình tượng nghệ thuật ấy là ba vị Phật Bà Quan Âm: Bà Chúa Ba, Bà Thị Kính và Bà Nguyên phi Ỷ Lan trong nghệ thuật Chèo.

Cho đến nay, ý kiến cho rằng nghệ thuật Chèo có nguồn gốc từ Phật giáo, chính xác hơn là từ trò giáo đò (ở dạng múa hát bỏ bộ) do sư sãi chủ trì, các vãi thực hiện trong lễ chạy đàn cầu siêu cho vong hồn người chết trong lễ Vu lan "xóa tội vong nhân" Rằm tháng 7 trong sinh hoạt Phật giáo còn cần phải nghiên cứu thêm, song việc nghệ thuật Chèo đã xây dựng những vở diễn về ba vị Phật Bà Quan Âm là Bà Chúa Ba, Bà Thị Kính, Bà Nguyên Phi ỷ Lan thì không phải bàn cãi. Trong Phật điện Việt Nam, ba vị Phật Bà Quan Âm trên đây đều có sự tích riêng, mẫu mực về quá trình tu hành để trở thành Phật Quan Âm. Đây chính là tích - chất liệu cuộc sống - để từ đó những người làm Chèo dịch - xây dựng/ viết - thành trò - vở diễn.

Phật Bà Quan Âm - Quan Âm Nam Hải ngự ở Chùa Hương (Hà Tây) mang cái tên dân dã là Bà Chúa Ba. Sự tích về vị Bồ Tát này đã thành truyện dưới dạng diễn ca - Truyện Bà Chúa Ba - được các thế hệ người Việt truyền tụng kể rằng: Diệu Trang Vương nước Hưng Lâm chưa có con nối dõi. Sau khi thiết đàn 7 ngày, 7 đêm để cầu tự, được Thượng Đế ban cho con cái. Song, Hoàng hậu lần lượt sinh ra 3 công chúa là Diệu Trang, Diệu Âm và chúa Ba. Thấy sinh toàn con gái, nhà vua giận lắm, toan đem giết. Các quan xúm lại xin tha, các cô mới được toàn mạng.

Chúa Ba sinh ra đã có nhiều điểm khác người, "không trang điểm, chẳng chơi bời", cũng không mặn mà chuyện chồng con, chỉ mộ đạo, ăn chay niệm Phật. Nhà vua vô cùng tức giận, cho đày nàng ra sau hoa viên ở. Chúa Ba không tức giận, trái lại, nàng mừng vì được tự do nơi thanh vắng, dễ tu hành đạo Phật. Vua cha không hiểu việc đó, lại sai thị nữ đưa chúa Ba về chùa Bạch Tước, rồi sai các nhà sư ngược đãi để Bà thối chí, sớm lo hoàn tục. Từ việc lo nhang đèn đến phục dịch cơm nước cho mấy trăm sư sãi, chúa Ba vẫn vui vẻ làm, vì cho rằng đây là cách tháo gỡ nghiệp chướng để sớm thành chính quả. Hiểu được việc Bà làm, Ngọc Hoàng sai Thái Bạch Kim Tinh điều động các tướng nhà Trời xuống giúp: rồng gánh nước, cọp chẻ củi, chim nhặt rau, Thổ Địa quét chùa, thần Lục Đinh lo nhang đèn, các tiên khác lo xôi oản, nấu nước pha trà, đánh chuông, gióng trống cúng Phật… Biết chúa Ba không khuất phục trước thử thách, vua càng giận, ra lệnh phóng hoả đốt chùa, bắt về giam ở lãnh cung, sau đó một lần nữa, vua lại sai đem chém, song không được, vì chúa Ba đã được Ngọc Hoàng truyền cho chư thiên xuống hộ mạng. Vẫn không chịu tha, lần thứ tư, vua sai xẻo thịt chúa Ba, song cũng không được vì cọp xông vào cõng bà đi mất.

Cọp thả bà trong rừng, hồn bà phiêu lãng, được Thập Điện Diêm Vương mời xuống thăm chốn Phong Đô. Bà đi qua 18 cửa ngục, xót thương cho bao tội nhân bị đọa đày. Bà cứu khổ cõi U Minh xong, Thập Điện Diêm Vương tiễn Bà về dương thế. Bà tỉnh lại giữa rừng, bỗng có người đến ép dỗ chuyện chồng con. Bà một mực cự tuyệt. Thì ra Phật Thích Ca đến thử lòng. Bà được Phật Thích Ca chỉ đường sang đất Việt mà tu hành sẽ đắc đạo ở chùa Hương Tích, núi Hương Sơn. Y lời, Bà vượt rừng sang nước Nam, tu ở Hương Sơn, sau 9 năm thì thành chính quả. Tại đây, Bà thu được hai đệ tử là Thiện Tài và Long Nữ. Hay tin vua cha do phạm tội đại ác là tội giết con, bị Trời trừng phạt, đày đọa suốt 20 năm bị lở lói khắp thân thể, Bà chúa Ba đã bí mật cho chặt lần lượt cánh tay trái, khoét mắt trái, rồi cánh tay phải, mắt phải để làm thuốc cứu cha. Chúa Ba còn sai Thiện Tài và Long Nữ xuống núi đánh bại hai con yêu tinh Thanh Sư và Bạch Tượng hãm hại hai chị và cầu viện Phật Tổ Như Lai giúp, cứu được cả nhà. Sau khi khỏi bệnh, vua hồi triều, tổ chức dẹp xong nghịch tặc, rồi lại cùng hoàng hậu và hai công chúa lên Hương Sơn. Đến nơi, nhìn thấy chúa Ba hai tay bị cụt, hai mắt bị khoét, thân thể đầm đìa máu. Vua cha hối hận, cầu Trời, khấn Phật, nguyện sám hối, không làm việc ác. Lập tức, Bà Chúa Ba được hóa lại tự nhiên, hai tay, hai mắt vẹn nguyên. Vua truyền ngôi cho thừa tướng, rồi cùng hoàng hậu và hai con gái ở lại Hương Sơn tu Phật... Từ đó, Bà Chúa Ba - Phật Bà Quan Âm thiên biến, vạn hóa, phép thuật vô biên, thần thông quảng đại, một thân hóa mấy nghìn thân, cứu rỗi mọi kiếp người.

Sự tích về Phật Bà Quan Âm - Bà Chúa Ba kể trên rõ ràng mang tư tưởng Phật giáo thuần túy Việt Nam, nói nhiều về cách đối nhân xử thế của con người. Thế ứng xử đó chủ yếu xoay quanh vấn đề chữ hiếu và chữ nhân. Câu chuyện Bà Chúa Ba chủ yếu là câu chuyện về một công chúa từ bỏ sự giàu sang, sung sướng, vượt qua mọi trở ngại tu hành, nêu gương đức độ và khổ hạnh. Qua đó, nhân dân ta gửi gắm một chủ đề tư tưởng rất lớn cho nhân loại. Đó là quan niệm chữ hiếu, chữ nhân và đạo hiếu, đạo nhân.

Câu chuyện Quan Âm Thị Kính lưu truyền trong dân gian đã được văn bản hóa đưa vào Kho tàng truyện cổ tích Việt Nam trên đây rõ ràng không chỉ phản ánh về cuộc đời khổ cực với hết sự oan trái này đến oan trái khác của Thị Kính mà, thông qua việc Thị Kính được minh oan, được đức Phật đón về miền vĩnh cửu sau khi đã thân tàn, lực kiệt, trả xác cho đời, truyện còn nêu một mẫu hình của lòng nhẫn nhục, hiện thân của lòng từ bi kiên định Phật pháp, là lòng "nhân" với tinh thần vị tha, cảm hóa, là cái thiện thắng cái ác tà. Cuộc đời chìm đắm khổ đau triền miên của Thị Kính không thể không nghĩ rằng, nó chính là một hóa thân cô đọng những nỗi khổ đau của người phụ nữ Việt Nam sống dưới xã hội cũ. Trong xã hội đầy bế tắc ấy, thân phận con người, nhất là những người phụ nữ yếu đuối không có nỗi khát khao giải phóng, minh oan nào ngoài sự trông chờ vào các đấng thần linh. Và, họ chỉ còn có một sự chủ động duy nhất thoát khỏi bể trầm luân của cõi nhân gian là chân tu để đi tới cõi Niết Bàn. Thị Kính được minh oan, sự trắng trong được trả lại, được thành Phật Quan Âm. Nhiều thế kỷ qua, Quan Âm Thị Kính đã trở thành một mảng tâm hồn Việt, một điểm sáng văn hóa. Người từ cuộc đời trần thế bước vào Phật đài và rồi, Người lại từ Phật đài mà đi vào cuộc sống cứu rỗi những kiếp người khổ đau. Oan Thị Kính đã trở thành điển tích văn học quen thuộc trong văn học Việt Nam. Người Việt đã lấy Oan Thị Kính để chỉ mối oan to lớn nhất của kiếp người.

Về trường hợp Nguyên phi Ỷ Lan, một nhân vật lịch sử có thật được suy tôn là Phật Bà Quan Âm, được kể như sau: một sớm mùa xuân năm 1063, vua Lý Thánh Tông xa giá về thăm chùa Dâu ở huyện Thuận Thành, Bắc Ninh. Đoàn xa giá của vua đi đến đâu, dân chúng các làng lân cận nô nức đón xem. Duy chỉ có một cô thôn nữ xinh đẹp tên là Lê Thị Yến (có tài liệu nói tên là Lê Thị Yến Loan, Lê Thị Khiết) người làng Thổ Lỗi (sau đổi là Siêu Loại, nay là xã Dương Xá, huyện Gia Lâm, Hà Nội) vẫn thờ ơ, dựa vào gốc cây hoa lan, xem việc ngự giá của vua như không có quan hệ gì đến mình. Lấy làm lạ, nhà vua bèn cho đòi người con gái có vẻ kiêu kỳ đó đến trước kiệu rồng để hỏi. Thấy cô gái quê ăn mặc tuềnh toàng nhưng cử chỉ đoan trang, dịu dàng và vô cùng xinh đẹp, đối đáp trôi chảy, vua đem lòng cảm mến, liền lệnh cho cô theo xa giá về kinh. Cô được vua gọi là Ỷ Lan để ghi nhớ kỷ niệm lần đầu tiên vua nhìn thấy cô gái tựa gốc cây lan ở vùng quê Siêu Loại. Ba năm sau, năm 1066, Ỷ Lan sinh hạ được một hoàng tử, đặt tên là Kiền (Càn) Đức, được lập làm thái tử. Ỷ Lan được tôn phong là Nguyên phi. Năm 1069, vua Lý Thánh Tông thân chinh chỉ huy năm vạn quân theo đường biển chinh phạt Chăm Pa. Nguyên phi Ỷ Lan được vua tin tưởng giao cho việc coi giữ triều chính. Bà thân chinh đi kinh lý các vùng thôn quê hẻo lánh để hiểu tường tận đời sống dân lao động và trừng trị bọn tham quan ô lại đục khoét, hà hiếp dân lành.

Trên đường chinh chiến, do đã nhiều lần tiến đánh mà không thể đổ bộ lên đất liền được, nhà vua đâm chán nản, cho rút quân về. Trên đường rút quân, nghe dân chúng ca ngợi Nguyên phi Ỷ Lan ở nhà trị nước giỏi, lòng dân cảm phục, suy tôn Bà là Phật Quan âm, vua lấy làm hổ thẹn, tự trách mình: "Nguyên phi là đàn bà còn làm được như thế, ta là đấng nam nhi, há chịu thua kém sao", rồi ra lệnh cho ba quân tiếp tục cuộc chiến. Lần này, nhà vua đại thắng. Trong chiến công đó, có công lao to lớn của Nguyên phi Ỷ Lan.

Tháng Giêng năm 1072, vua Lý Thánh Tông mất, Hoàng Thái tử Kiền Đức mới 6 tuổi lên nối ngôi, tức vua Lý Nhân Tông. Vua còn bé, theo luật lệ, Nguyên phi Ỷ Lan nắm quyền nhiếp chính. Đúng lúc ấy, quốc sự nhiều cam go hơn. Vua miệng còn hơi sữa, trong khi quân Tống tiến hành cuộc chiến tranh xâm lược (1075-1077). Nhưng chính trong lúc cam go ấy, tài năng, đức độ bản lĩnh Nhiếp chính vương của Bà càng bộc lộ. Sau khi được con là vua Lý Nhân Tông tôn phong làm Linh nhân Hoàng Thái hậu, Bà đã giúp vua công việc nội trị và cùng với nguyên soái Lý Thường Kiệt lãnh đạo quân dân cả nước chuẩn bị cuộc kháng chiến chống quân Tống xâm lược. Và dưới sự nhiếp chính của Bà, Lý Thường Kiệt đã chủ động, bất ngờ đánh phủ đầu sang bên kia biên giới vào Ung Châu, Khâm Châu và Liêm Châu - những căn cứ tích trữ lương thảo chuẩn bị cuộc chiến xâm lược nước ta của quân Tống, tiêu diệt quân địch ngay từ khi chúng đang tích trữ lương thảo, tập trung lực lượng chuẩn bị chiến tranh, sau đó rút quân về nước, có thời gian gần nửa năm xây dựng các phòng tuyến quân sự vững chắc, giăng thế trận chờ quân địch đến để tiêu diệt. Trận đánh táo bạo và thể hiện cơ mưu vô cùng sáng tạo này, chắc chắn phải được sự "phê duyệt" của Nguyên phi Ỷ Lan. Sau đó, Bà cùng tướng văn là Lý Đạo Thành, võ tướng là Lý Thường Kiệt tổ chức cuộc kháng chiến đánh thắng quân xâm lược nhà Tống.

Như vậy, so với lai lịch và hành trạng của các vị Quan Âm Bồ Tát là các nam giới trên đất Phật Ấn Độ, người Việt đã làm mới hoàn toàn linh tượng và hành trạng của Phật Bà Quan âm - Bà Chúa Ba và sáng tạo thêm hai linh tượng/nhân vật Phật giáo mới là Quan Âm Thị Kính và Quan Âm Ỷ Lan. Ba người phụ nữ được suy tôn là Phật Bà Quan Âm bằng ba con đường khác nhau.

Phật Bà Quan Âm - Bà Chúa Ba: Người phụ nữ giữ tròn chữ hiếu, chữ nhân.

Quan Âm Thị Kính: Người phụ nữ có khả năng nhẫn nhục chịu đựng 2 nỗi oan tày đình của người phụ nữ (1- thủa làm vợ để chồng ngờ thất tiết/ giết chồng, và 2- "lúc làm trai cho gái đổ oan tình") cho đến khi nỗi oan được giãi tỏ, Phật Tổ ban sắc phong. Thị Kính còn có một tấm lòng vị tha sẵn sàng nhận về mình những sự thiệt thòi, dị nghị để cứu rỗi những đứa trẻ vô tội. Thị Kính là tấm gương điển hình về chữ nhẫn - kiên nhẫn tu hành sẽ thu được trái ngọt quả lành - đắc đạo - thành Phật.

Quan Âm Ỷ Lan: Người phụ nữ tài năng, bản lĩnh và đức độ hết lòng cứu dân, hộ quốc, làm điều thiện, nâng cao địa vị của người phụ nữ trong xã hội phong kiến.

Các Bà đều đã từ dân dã, đúng hơn là từ lòng dân bước vào "gia đình" Bồ Tát, trở thành Bồ Tát đi cứu độ chúng sinh. Trong ba vị Phật Bà Quan Âm, duy chỉ có Nguyên phi Ỷ Lan là nhân vật lịch sử có thực, được suy phong là Phật Bà ngay khi còn sống và đang còn rất trẻ (năm đầu Thần Vũ - 1069).

Tích/ chuyện về các bà chính là mảnh đất mầu mỡ cho các nhà nghệ sĩ sáng tạo nên những hình tượng nghệ thuật đẹp, mang tính nhân bản, phù hợp với tư duy và quan niệm đạo đức của người Việt. Các vị Phật Bà từ dân dã bước lên toà sen và rồi lại từ Phật đài "nhập thế" bước lên sân khấu Chèo truyền thống cho ngàn đời sau người dân tín ngưỡng, nguyện theo. Đây là một kết cục đẹp theo luật nhân - quả trong triết lý nhà Phật và là minh chứng cho quy luật của môn đời: cái thiện bao giờ cũng thắng cái ác.

Bắt nguồn từ Phật giáo, buổi đầu ra đời, Chèo được sử dụng như một phương tiện để truyền đạo thông qua việc chuyển thể/ dịch các câu chuyện/ tích nhà Phật thành các trò/ vở diễn kịch hát (gọi là trò nhà Phật), với mục đích khuyến giáo đạo đức theo giáo lý nhà Phật, cùng là tuyên truyền sâu rộng trong chúng sinh về con đường tu nhân, tích đức, cứu dân hộ quốc để tới cõi Niết Bàn. Trò nhà Phật có thể tạm hiểu là những vở chèo hãy còn sơ sài, lấy cốt truyện là sự tích về các nhân vật đã tu hành đắc đạo thành Phật. Điển hình trong các tích đã được dịch nên trò nhà Phật cổ nhất ấy phải kể đến tích/ câu chuyện Mục Liên báo oán (hay Mục Liên Địa Tạng) - Mục Liên lập đàn cứu mẹ thoát ngục Huyết hồ về Tây Thiên, sau thành chính quả, trở thành Phật.

Ra đời sớm, và quan trọng hơn, như trình bày ở trên, là tích/ câu chuyện về Bà Chúa Ba gần như là câu chuyện thuần túy đạo đức về chữ hiếu, chữ nhân, nên tích/ chuyện này đã sớm được dịch nên trò/vở: Đức Bà Chúa Ba đậm đặc hơi hướng của loại trò nhà Phật trên đây. Dần dần, dòng trò nhà Phật, cũng khai thác các tích nhà Phật, đã phát triển lên một trình độ nghệ thuật cao hơn, trở thành một vở diễn hẳn hoi, đưa nghệ thuật Chèo sang bước ngoặt mới, đánh dấu sự ra đời của Chèo sân đình. Tiêu biểu cho quá trình này là tích Quan Âm Thị Kính. Đầu tiên, tích này được dịch sang Quan Âm trò, sau đó sang chèo Quan Âm, cuối cùng là vở chèo Quan Âm Thị Kính - một trong những đỉnh cao của nghệ thuật chèo. Bản Quan Âm trò cổ nhất hiện biết, là của Tam Lang, được khắc bằng chữ Nôm, năm Tự Đức 25 (1872). Các bản Quan Âm trò bằng chữ Quốc ngữ mới in năm 1924 tại Hà Nội.

Vở chèo Quan Âm Thị Kính (một trong 4 vở chèo cổ truyền thống: Quan Âm Thị Kính, Trương Viên, Lưu Bình Dương Lễ, Ai mua hành tôi) là một trong không ít những vở mẫu mực của nghệ thuật chèo truyền thống. Phần lớn các hình tượng trong vở này đều đã được chú trọng khắc họa nét cá tính riêng, làm cho mỗi nhân vật mang một sắc thái không thể lẫn lộn với cũng những nhân vật ấy trong Quan Âm trò (trò nhà Phật). Một số hình tượng nhân vật đã trở thành nhân vật điển hình mẫu mực, là: Thị Kính, Thị Mầu, vợ Mõ, xã trưởng và "bộ tứ" chính quyền xã,… mỗi vai mỗi khuôn. Cùng với Chúa Ba, Thị Kính là nhân vật đào, loại nữ chín "ngoại hạng" giữ vai trò chủ chốt của tích trò - các vở - hay gọi là nhân vật trung tâm của tác phẩm.

Vở chèo Quan Âm Thị Kính cũng là vở chèo đề cập tới nhiều nhân vật nữ, đặc biệt là số nhân vật nữ khát vọng yêu vượt khỏi vòng kiềm toả của đạo lý phong kiến, tiêu biểu là Thị Mầu. Mặc dù Thị Mầu chỉ là nhân vật mang tính cách đối nghịch, trái ngược lại với nhân vật Thị Kính, làm bật rõ sự nhẫn nhục của Thị Kính lần nữa, để đức độ nàng khả dĩ đủ mức lên toà sen thành Phật Quan Âm, nhưng lại được nghệ nhân sáng tạo thành khuôn diễn với nhiều bài hát múa dành riêng, độc đáo, tới nay vẫn giữ nguyên giá trị thẩm mỹ và giá trị nghệ thuật.

Vở chèo Quan Âm Thị Kính (còn có các tên: chèo Quan Âm, Thị Kính (do Trần Huyền Trân cải biên), Oan Thị Kính (do Nguyễn Đình Nghị viết lại năm 1948; năm 1990, vở Quan Âm Thị Kính được các soạn giả Hà Văn Cầu và Bùi Đức Hạnh viết lại) đã để lại những lớp chèo độc đáo, đặc sắc. Đó là các lớp Thị Mầu lên chùa/ ghẹo tiểu, lớp phú ông say rượu thử trống thử chiêng, lớp Thị Kính than thân trách phận giả trai vào chùa, lớp vợ Mõ với xã trưởng (xã trưởng và mẹ Đốp), lớp việc làng, lớp bắt khoán, lớp tiểu Kính Tâm bế con. Đặc biệt, lớp Thị Mầu lên chùa cho ta thấy một hình ảnh Thị Mầu yêu "trai" say đắm thành quá trớn, với đôi mắt lúng la, lúng liếng liếc tiểu Kính Tâm ngùn ngụt ngọn lửa dục tình; đôi tay uốn lượn, ỡm ờ, khích lệ kẻ khác giới lao vào; bước chân vòng lượn khép dần; những vạt áo mớ ba mớ bảy xanh xanh đỏ đỏ không chịu kìm trong giải thắt lưng hoa lý, cứ tung toé bay lên, làm cả gian chùa - không gian sân khấu sáng rực lên nóng bỏng, rạo rực. Trích đoạn lớp chèo Thị Mầu lên chùa luôn luôn chiếm vị trí quan trọng khi giới thiệu nét đặc sắc của Văn hóa Việt Nam với bạn bè trên thế giới.

Tích/ chuyện Nguyên phi Ỷ Lan xảy ra từ thời Lý, nhưng được dịch/ sáng tác thành vở chèo muộn hơn rất nhiều so với những tích Bà Chúa Ba, Quan Âm Thị Kính. Đây là vở chèo cũng khai thác tích nhà Phật, nhưng đó lại là một câu chuyện lịch sử có thực dưới vương triều nhà Lý. Chính vì vậy, Chèo đã bứt lên khỏi truyền thống và thực sự đổi mới trong việc khai thác đề tài xưa phục vụ cuộc sống hôm nay. Khởi nguồn từ soạn giả Trần Minh (với kịch bản Nhiếp chính Ỷ Lan), soạn giả Tào Mạt dựa trên những đặc trưng chủ yếu của Chèo - lối kết cấu của sân khấu kể chuyện truyền thống - viết lại thành 2 tập: Tập 1 mang tựa đề Lý Thánh Tông tuyển hiền, được Đoàn Nghệ thuật Tổng cục Hậu cần dàn dựng năm 1979, sau quay video và được giải thưởng loại A tại Liên hoan Phim vô tuyến truyền hình toàn quốc 1983 và Tập 2 có tựa đề Ỷ Lan nhiếp chính. Trong các vở trên, Nguyên phi Ỷ Lan đã trở thành một hình tượng văn học sống động, được ngợi ca trong những việc làm cụ thể, tỏ rõ tấm lòng yêu dân, hộ quốc, gây dựng nên một giai đoạn lịch sử đất nước có chúa sáng, tôi hiền. Vì vậy, tác phẩm mang tính thời sự, khả dĩ rút ra nhiều bài học đạo đức có tính cảnh báo, thức tỉnh những cán bộ có chức có quyền tha hóa hại dân, hại nước đương thời. Hai vở/ tập được Đoàn Nghệ thuật Tổng cục Hậu cần dàn dựng, công diễn. Sau đó, để tham dự Hội diễn Sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc năm 1980, soạn giả Tào Mạt đã "đúc" 2 tập đó lại thành một vở: Bài ca giữ nước. Kịch bản ban đầu: Trần Minh; Kịch bản viết lại: Tào Mạt. Đạo diễn Tào Mạt và Cao Lưu. Âm nhạc: Thế Phiệt và Đỗ Tùng. Múa: Đoàn Long. Mỹ thuật: Phạm Duy Tùng. Vở Bài ca giữ nước đoạt Huy chương Vàng một cách xứng đáng; đồng thời đoạt HCV cá nhân cho 2 vai Ỷ Lan (Xuân Theo) và Hề hoạn (Ngọc Viễn); HCB cho vai Thị Lộc (Thu Hiếu). Tiết mục được giới kịch hát dân tộc và khán giả Hội diễn hoan nghênh nhiệt liệt, về cách nêu và cách giải quyết câu chuyện lịch sử theo quan điểm hiện đại với những tình huống nhiều tính thời sự mà xem vẫn không thấy gượng ép, trái lại nhiều đoạn còn ngọt ngào thú vị. Vở có một số lớp hay, là: lớp Thị Lộc yểm bùa thể hiện mưu độc của Hoàng hậu; lớp lột áo tham quan của Ỷ Lan và 2 thị nữ thể hiện bản lĩnh trị nước của Bà. Sau hội diễn, có đến 8 đơn vị nghệ thuật đến xin kịch bản về dựng lại, như: Đoàn Chèo Thái Bình dựng lại vở Nhiếp chính Ỷ Lan, do Trung Anh đạo diễn (1980); Đoàn Chèo Hải Phòng dựng Nhiếp chính Ỷ Lan do Phan Tất Quang đạo diễn (1981); Đoàn Chèo Hà Nam Ninh dựng lại Nhiếp chính Ỷ Lan, Tào Mạt đạo diễn (1982)….

Tiếp tục khai thác "tích"/câu chuyện lịch sử trên, Tào Mạt lại tung ra vở có tựa đề Lý Nhân Tông học làm vua. Tiết mục kể việc vua Lý Nhân Tông theo lời mẹ (bà Nguyên phi Ỷ Lan) học chữ nhân, chữ hiếu, chữ tình; vừa học hỏi mọi điều nơi dân dã, vừa giải quyết thoả đáng gian trong giặc ngoài. Đến đầu năm 1985, Đoàn Tổng cục Hậu cần dựng vở này tham gia Hội diễn Sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc, song với tựa đề sát đúng với nội dung hơn: Lý Nhân Tông kế nghiệp (Soạn giả: Tào Mạt, Đạo diễn: Tào Mạt - Đoàn Long; Mỹ thuật: Phạm Duy Tùng; Soạn nhạc: Đôn Truyền; Ca khúc: Tào Mạt; Biên đạo múa: Đoàn Long). Tiết mục đoạt HCV một cách vẻ vang với sự nhất trí cao của Ban giám khảo; đồng thời đoạt nhiều HCV cá nhân: vai Hề già (Ngọc Viễn), vai cung nữ (Thu Hoà), vai Lý Thường Kiệt (Bảo Quý); HCB cho vai Ngọc Hoa (Kim Quy), vai Kỳ nữ (Xuân Theo), vai Lý Nhân Tông (Đào Lê)… Trong Hội diễn Sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc năm 1985, các đoàn Nghệ Tĩnh, Thanh Hóa cũng tham gia với vở Lý Nhân Tông kế nghiệp.

Chỉ nhìn riêng từ góc độ sân khấu Chèo nước ta, qua những điều trình bày trên đây cho thấy, Phật giáo đã có ảnh hưởng rất lớn, đã góp phần hình thành bộ môn nghệ thuật Chèo. Đồng thời, với kho tàng phong phú các tích/ chuyện về những con người tu thành chính quả, Phật giáo đã góp phần xây dựng nên những vở Chèo "để đời": Quan Âm Thị Kính, Bài ca giữ nước, Nhiếp chính Ỷ Lan, Lý Nhân Tông kế nghiệp,… đánh những mốc son trên đường phát triển để Chèo trở thành bộ môn nghệ thuật truyền thống đặc sắc của Việt Nam. Điều có ý nghĩa hơn, cũng như các ấn phẩm văn học về các tích/ chuyện nhà Phật đã được lưu truyền từ hàng trăm năm nay, những vở Chèo trên luôn được đông đảo khán giả ngày nay đón nhận, đã nhiều năm rất "ăn khách" trên sân khấu cả nước, góp phần nâng cao đời sống tinh thần, giáo dục đạo đức truyền thống cho người Việt Nam ta. Thực tiễn trên đã làm cho những nhận xét rằng các vở diễn này "là sản phẩm của một nhân sinh quan lạc hậu, sặc mùi Phật giáo… không thể tồn tại trên sân khấu hiện đại" và, các vở này "tuyên truyền cho đạo Phật", là hoàn toàn không có cơ sở tồn tại.

Trích: Văn Học Phật Giáo số 10-2006