Kiến trúc Việt Nam

Đối với người nông nghiệp, Ngôi Nhà - cái tổ ấm để đối phó với nóng, lạnh, nắng, mưa, gió, bão - là một trong những yếu tố quan trọng nhất đảm bảo cho họ có một cuộc sống định cư ổn định, có an cư thì mới lạc nghiệp ! Tục ngữ có câu: thứ nhất dương cơ, thứ nhì âm phần, “dương cơ” và “âm phần” đều là chỗ ở cả: chỗ ở khi còn sống và khi đã chết. 

Do ngôi nhà chiếm một vị trí đặc biệt quan trọng trong cuộc sống của người việt Nam cho nên, trong tiếng Việt nhà (chỗ ở) được đồng nhất với gia đình (gồm mọi người sống trong nhà), với vợ chồng (chủ nhân của ngôi nhà thành viên chính của gia đình), được mở rộng nghĩa ra để chỉ một cơ quan (nhà máy), nhà bảo tàng, nhà văn hóa), chỉ quốc gia ( nhà nước) và những người có chuyên môn cao sống trong quốc gia (nhà văn, nhà chính trị, nhà khoa học…).

ghi chú: bài viết tuy không phải là kiến trúc Phật giáo nhưng nội dung giá trị, nói đến văn hóa Việt có liên quan đến kiến trúc Phật giáo, nên xin lưu lại đây. tkl)

Kiến trúc Việt Nam

 GS-TS Trần Ngọc Thêm

Đối với người nông nghiệp, Ngôi Nhà - cái tổ ấm để đối phó với nóng, lạnh, nắng, mưa, gió, bão - là một trong những yếu tố quan trọng nhất đảm bảo cho họ có một cuộc sống định cư ổn định, có an cư thì mới lạc nghiệp ! Tục ngữ có câu: thứ nhất dương cơ, thứ nhì âm phần, “dương cơ” và “âm phần” đều là chỗ ở cả: chỗ ở khi còn sống và khi đã chết. 

Do ngôi nhà chiếm một vị trí đặc biệt quan trọng trong cuộc sống của người việt Nam cho nên, trong tiếng Việt nhà (chỗ ở) được đồng nhất với gia đình (gồm mọi người sống trong nhà), với vợ chồng (chủ nhân của ngôi nhà thành viên chính của gia đình), được mở rộng nghĩa ra để chỉ một cơ quan (nhà máy), nhà bảo tàng, nhà văn hóa), chỉ quốc gia ( nhà nước) và những người có chuyên môn cao sống trong quốc gia (nhà văn, nhà chính trị, nhà khoa học…).

* Ngôi nhà của người Việt Nam có những đặc điểm gì ?

Trước hết do đặc điểm khu vực cư trú của người Việt Nam là vùng sông nước cho nên ngôi nhà của người Việt Nam gắn liền với môi trường sông nước.

Những người sống bằng nghề sông nước (chài lưới, chở đò,…) thường lấy ngay thuyền, bè làm nhà ở : đó là các nhà thuyền, nhà bè; nhiều gia đình quần tụ lập nên các xóm chài, làng chài. Đây là lời của JB Tavernier viết năm 1909 : “Họ (người Việt Nam) rất thích ở nước, thích ở trên nước hơn là trên cạn. Cho nên phần nhiều sông ngòi thì đầy thuyền. Những thuyền đó thay cho nhà cửa của họ. Thuyền rất sạch sẽ ngay cả khi họ nuôi gia súc ở trong đó”


Nhà ở Bắc Ninh

Nhiều người tuy không sinh kế trực tiếp bằng nghề sông nước nhưng cũng thích làm nhà sàn trên mặt nước để đối phó với ngập lụt quanh năm. Dưới con mất của Finlayson, một nhà ngoại giao người Anh thì Sài Gòn đầu tk. XIX có “nhiều nhà cao cẳng, sàn bằng ván, xếp hàng dọc theo bờ kênh, bờ sông hay dọc theo đường cái rộng thoáng đãng. Phố xá ngang hàng thẳng lối hơn ở nhiều kinh thành châu Âu“. Nhà sàn chính là kiểu nhà rất phổ biến ở Việt Nam từ thời Đông Sơn, nó thích hợp cho cả miền sông nước lẫn miền núi. Nó không chỉ có tác dụng đối phó với (a) môi trường sông nước ngập lụt quanh năm mà còn có tác dụng đối phó với (b) thời tiết mưa nhiều gây lũ rừng ở miền núi và ngập lụt định kỳ ở vùng thấp, (c) khí hậu nhiệt đới có độ ẩm cao, và (d) hạn chế và ngăn cản côn trùng, thú dữ (ruồi muỗi, sâu bọ, rắn rết, cá sấu, hổ báo….) Ngày nay, nhà ở những vùng hay ngập nước (như đồng bằng sông Cửu Long) và các nhà kho (nơi phải đối phó với độ ẩm) vẫn duy trì kiến trúc nhà sàn. Vào tk. XVII, nhiều ngôi đình như đình Đình Bảng (Hà Bắc), đình Chu Quyến (Hà Tây), v.v. vẫn làm theo lối nhà sàn.

Kỉ niệm về cuộc sống gắn bó với thiên nhiên sông nước mạnh đến mức những ngôi nhà của người Việt Nam đã được làm với chiếc mái cong mô phỏng theo hình thuyền. Người ta quen cho rằng đặc điểm này là vay mượn của kiến trúc Trung Hoa trong khi thực ra là ngược lại. Nhà sàn Việt Nam từ thời Đông Sơn (chưa hề giao lưu với Trung Hoa) đã có mái cong rồi. Các dấu tích còn lưu lại qua hình khắc trên trống đồng và trong lòng đất cho thấy rõ điều này. Nhà rông Tây Nguyên đến giờ vẫn làm theo kiểu mái cong tuy rằng cũng không hề có giao lưu với Trung Hoa. Tháp Chàm cũng có loại mái cong trong khi đó, nhà Trung Hoa thời Hán mái vẫn thằng đến cuối đời Đường, lối làm nhà mái cong mới thâm nhập dần từ Nam lên Bắc. Thậm chí Cố Cung ở Bắc Kinh được xây dựng vào thời Minh mà mái mới chỉ hơi cong nhẹ. 

Chiếc mái cong bắt nguồn từ phương Nam, ngoài ý nghĩa là hình ảnh của con thuyền, không có tác dụng thực tế gì. Chính vì vậy mà vào thời Đông Sơn, khi mà một chiếc cán dao, một chiếc môi (vá) múc canh cũng có thể được trang trí một cách cầu kì, thì nhà nhà đều làm mái cong; còn về sau này thì mái nhà bình dân thường làm duỗi thẳng cho giản tiện. Chỉ còn những công trình kiến trúc lớn (như đình chùa, miếu mạo, dinh thự, cung điện) mới được làm mái cong cầu kì. Ngoài ra các đầu dao ở bốn góc nhà, đặc biệt là đình chùa cung điện, cũng được làm cong vút lên tạo nên một dáng vẻ thanh thoát đặc biệt cho ngôi nhà vốn được trải rộng trên mặt bằng để hòa mình vào thiên nhiên.

Ở trên vừa nói rằng nhà sàn có tác dụng đối phó với môi trường tự nhiên. Nó nằm trong một biện pháp rộng hơn được người Việt Nam đúc kết là nhà cao cửa rộng. Đó cũng là tiêu chuẩn ngôi nhà Việt Nam Về mặt cấu trúc; nó khác hẳn ngôi nhà ở phương Tây xứ lạnh phải làm nhỏ, trần thấp, tường dầy, cửa ít và nhỏ để giữ hơi ấm.

Cái cao của ngôi nhà Việt Nam bao gồm hai yêu cầu : nơi con người đặt chân cao so với mặt đất, và mái cao so với nơi con người đặt chân. Nhà sàn đáp ứng yêu cầu “cao” thứ nhất (nơi con người đặt chân cao so với mặt đất) và có tác dụng đối phó với lụt lội, ẩm ướt, côn trùng… Ngày nay, nhà Việt Nam phần nhiều đã chuyển sang dạng nhà đất. Nhưng nhà đất lý tưởng vẫn là nhà phải có nền cao: nhà những người có của. nhà địa chủ, dinh thự quan lại…. đều làm nền cao; nhiều nơi hay ngập lụt, nền nhà cứ phải nâng cao dần. Còn yêu cầu “cao” thứ hai - mái cao so với nơi con người đặt chân (sàn hoặc nền) - là nhằm tạo ra một khoảng không gian rộng, thoáng mát trong nhà để đối phó với nắng nóng. Mái cao còn tạo ra một độ dốc lớn để đối phó với lượng mưa nhiều, khiến cho nước thoát nhanh, tránh dột, tránh hư mục mái. Hình nhà Đông Sơn cho ta thấy mái đều được làm khá cao so với sàn nhà. Tuy nhiên cái cao của mái nói đến ở đây không phải là cao tùy ý mà là cao vừa phải (tỉ lệ hợp lí giữa chiều ngang và chiều đứng đảm bảo độ dốc cần thiết là nằm ba ngồi hai). Ở vùng ven biển mái nhà lại phải làm thấp để tránh bão (do nhiều gió nên thấp ở đây cũng đủ mát rồi).

Một câu hỏi tất yếu đặt ra là tại sao cùng với nhà cao, ng­ời ta không làm cửa cao mà lại làm cửa rộng? Cửa không làm cao là để tránh cái nắng xiên khoai và tránh bị m­a hắt. Để tránh nắng, ng­ơi ta còn đan những tấm dại lớn bằng tre nứa để cản bức xạ nhiệt từ mặt trời và bức xạ nhiệt thứ cấp từ sân hắt vào. Cũng để tránh nắng, tạo ra một vành đai bóng mát quanh nhà và hắt m­a ra xa chân các cột gỗ, đầu d­ói mái nhà Việt Nam (giọt gianh) thường được đưa ra khá xa so với hàng hiên; mái nhà sàn ở vùng núi thậm chí có giọt gianh gần ngang với mặt sàn.

Còn phải làm cửa rộng là để đón gió cho thoáng mát, tránh nóng. Đầu hồi nhà trường để trống một khoảng hình tam giác để cho hơi nóng và khói đun bếp trong nhà bốc lên có chỗ thoát ra, đây cũng là một thứ cửa - cửa sổ trên cao - nó cùng với các cửa ở dưới tạo thành một hệ thống thông gió hoàn chỉnh. Cửa rộng để đón gió mát, nhưng đồng thời mặt khác lại phải tránh gió độc, gió mạnh; bởi vậy. dân gian có kinh nghiệm không làm cổng và cửa thẳng hàng (cửa chính thường ở giữa nhà, còn cổng thường lệch về bên trái), tuyệt đối tránh không để con đường trước mặt đâm thẳng vào nhà. Trường hợp bất khả kháng, phải làm một tấm bình phong bằng cây xanh hoặc bằng gạch để ngăn bớt gió và phân tán chúng sang hai bên.

Biện pháp quan trọng thứ hai để đối phó với môi trường tự nhiên là chọn hướng nhà, chọn đất. Đó là cách tận dụng tối đa thế mạnh của môi trường tự nhiên để đối phó với nó.

Đơn giản hơn cả là chọn hướng nhà. Hướng nhà tiêu biểu là hướng Nam : lấy vợ đàn bà, làm nhà hướng nam. Câu tục ngữ tưởng chừng vô lí đó thực ra rất dễ hiểu : Đối với người Việt Nam đã làm nhà thì phải là nhà hướng Nam - điều đó cũng hiển nhiên như việc lấy vợ phải là dàn bà vậy! Sở dĩ như thế là vì Việt Nam ở gần biển, trong khu vực gió mùa. Trong bốn hướng thì duy nhất chỉ có hướng Nam (hoặc đông Nam) là hướng tối ưu: Buổi sáng và buổi chiều không bị nắng chiều xiên khoai; và tránh được cái nóng từ phương Tây, cái bão từ phương Đông, và gió lạnh từ phương Bắc (gió bấc) thổi về vào mùa rét, lại vừa tận dụng được gió mát từ phương Nam (gió nồm) thổi đến vào mùa nóng. Muốn mát thì không gì cho bằng gió tự nhiên, gió Nam; tục ngữ có câu: Một trăm người hầu không bằng ở đầu ngọn gió và Gió Nam chưa nằm đã ngáy.

Quan sát thực địa cho thấy rằng, từ thời nguyên thủy, người xưa đã biết tận dụng hướng Nam này để chống nóng và chống rét : phần lớn hang động Hòa Bình có người ở đều quay về hướng Nam hoặc Đông Nam. Không một hang có người ở nào lại có cửa quay về hướng bắc. Các tòa thành có nhiều cửa mở ra bốn phía thì cửa chính bao giờ cũng là cửa phía Nam (Ngọ Môn của kinh thành Huế có nghĩa là cửa phía Nam, “ngọ” là phương Nam theo trục tư ngọ trên la bàn của thầy địa lý). 

Nhà nhìn về hướng Nam cho nên cây đòn nóc nằm theo hướng đông-tây. Theo truyền thống văn hóa nông nghiệp trọng bên trái, người ta quy ước đặt gốc cây đòn nóc ở phía Đông (phía Đông bên trái ) cho nên đòn nóc còn có tên gọi là đòn đông, nhiều nơi dọc chệch thành đòn dông. Cũng do truyền thống trọng bên trái, bàn thờ Thổ công (ông Táo) - vị thần quan trọng nhất, cai quản cái bếp, cái nhà - được đặt ở gian bên trái; bài vị của ông vì thế được ghi là Trù tư mệnh Táo phủ thần quân.

Cả cái bếp cũng được đặt bên trái (phía Đông), biệt lập và vuông góc với nhà chính, nhìn về hướng lây. Tại sao bếp lại nhìn về hướng Tây? Kinh nghiệm dân gian cho rằng nếu bếp làm không đúng hướng thì gia đình sẽ lục đục và hay sinh hỏa hoạn. Đó là do chức năng đặc biệt của bếp là nấu nướng: bếp nhìn về hướng Tây sẽ tránh được ngọn gió thường xuyên thổi từ phía biển (hướng Nam và Đông); trong trường hợp ngược lại. ngọn lửa sẽ bị gió tạt về phía vách gây cháy nhà, chí ít là cơm chẳng lành canh chẳng ngọt (như thế thì làm gì mà gia đình không sinh lục đục!).

Nhưng nếu chỉ chọn hướng một cách giản đơn thì nhiều khi không giải quyết được vấn đề. Bởi lẽ tùy thuộc vào địa hình địa vật xung quanh, vào sự có mặt của núi, của sông, của con đường.v.v. mà ảnh hưởng của gió, nắng…. sẽ khác nhau. (cho nên ngoài việc chọn h­ướng, còn phải chọn nơi, chọn chỗ: (chọn bạn mà chơi, chọn nơi mà ở).

Để giải quyết vấn đề một cách triệt để hơn, ở một mức độ cao hơn, truyền thông văn hóa phương Nam đã hình thành nên cả một nghề Chọn đất để làm nhà, đặt mộ, gọi là nghề phong thủy. Nghề phong thuỷ bắt nguồn từ những nhu cầu tinh tế trong quá trình sống định cư và những kinh nghiệm lao động phong phú của người nông nghiệp. Đất làm nhà gọi là dương cơ, đất đặt mộ gọi là âm phần; dương cơ được coi trọng hơn âm phần (nhất dương thắng thập âm), song trên thực tế thì người ta chỉ chú trọng đến đất dương cơ khi lập đình chùa, đặt đô thị, còn nhà thường dân thì chủ yếu chỉ chọn hướng mà thôi; nhưng âm phần thì thường nhờ thầy địa lí đi tìm đất rất cẩn thận. Trong “Vân Đài loại ngữ“, Lê Quý Đôn kể rằng Hoành Cừ vốn không tin phong thủy, nhưng đã nói : “Người phương Nam… thử đất huyệt táng tốt hay xấu, họ dùng chỉ ngũ sắc đem chôn xuống đất độ mấy năm. rồi đào lên xem. Hễ đất tốt thì sắc chỉ không phai, đất xấu thì sắc chỉ biến màu hết. Họ lại lấy đồ đựng nước đem thả con cá vào nuôi.rồi chôn xuống đất vài năm, hễ cá sống là đất tốt, cá chết là đất xấu. Vì vậy, xem cây cỏ tươi hay hay héo cũng biết được đất tốt hay xấu”.

Thuật phong thủy hình thành ở nền văn hóa nông nghiệp Nam-á nên khởi đầu hoàn toàn được xây dựng trên căn bản âm dương Ngũ hành. “Phong” và “thủy” là hai yếu tố quan trọng nhất, tạo thành vi khí hậu cho một ngôi nhà. Nhà xứ nóng rất cần có gió và nước. phong là gió, động hơn thuộc dương; không có gió thì hỏng, nhưng gió nhiều quá cũng không tốt; gió có thể bị núi đồi, mô đất hay cây to lái di, do vậy nhà phong thủy cần nắm vững hướng gió, biết sử dụng các bình phong để lái gió theo ý mình. Thuỷ là nước. tĩnh hơn. thuộc âm; mặt nước trước nhà sẽ tạo nên sự cân bằng sinh thái trong khuôn khổ của một vi khí hậu; dòng nước ngoằn ngoèo, càng dài thì càng tụ, nếu phình ra thành hồ ao thì càng tụ thêm; nước đọng (bất cập) thì tù, không tốt, nhưng nước chảy mạnh (thái quá) cũng hỏng, chỉ có nước chảy từ từ (âm dương điều hòa) là tốt nhất.

Theo Ngũ hành, các thế đất được phân thành hình thủy (ngoằn ngoèo như dòng nước), hình hỏa (nhọn như ngọn lửa). Hình mộc (dài như cái cây), hình kim (tròn), hình thổ (vuông). Đúng theo mối tương quan giữa các phương đông- tây của Ngũ hành với hai loại hình văn hóa, thế đất hình Kim (ứng với phương Tây du mục) được coi là sẽ phù trợ cho con cháu phát theo đường võ, còn thế đất hình Mộc (ứng với phương Đông nông nghiệp) sẽ phù trợ cho con cháu phát theo đường văn, nếu một thế đất có đủ cả Ngũ hành thì được coi là sẽ phát đế vương. Người nổi tiếng hơn cả về nghề phong thủy trong lịch sử việt Nam là ông Nguyễn Đức Huyên đời Lê, người làng Tả Ao (Nghi Xuân, Nghệ An), tục gọi là cụ Tả Ao, để lại nhiều sách dạy nghề này.

Lực âm dương vận động trong lòng đất, chạy thành mạch. Truyền thống văn hóa nông nghiệp Nam-á coi trọng bên trái (phương Đông) hơn bên phải (phương Tây), nên mạch đất được gọi là long mạch (long = Rồng = phương Đông theo Ngũ hành), việc tìm đất gọi là tầm long, công cụ để tìm đất là cái tróc long và la bàn (la bàn lớn hơn cái tróc long, đầy đủ thông tin hơn, dùng để phân kim điểm huyệt).

Phép tầm long, trước hết phải tìm tổ sơn, rồi dò theo long mạch mà tìm đến huyệt. Huyệt trường là thế đất có án che phía trước (gọi là tiền án. có khi là một quả đồi), chẩm làm chỗ dựa phía sau (gọi là hậu Chẩm, có khi là một trái núi), bên trái có tay Long và bên phải là tay Hổ (gọi là tảThanh Long, hữu Bạch Hồ). Tay Long và tay Hổ có thể là đồi núi. bờ ruộng,. dưới dạng hai vành móng ngựa lồng vào nhau : tay Long (= bên trái, phương Đông) phải lồng ra ngoài tay Hổ (= bên phải, phương Tây). Huyệt còn phải có chỗ trũng nước tụ lại ở phía trước (Minh đường) và chỗ trũng ở phía sau (Não đường). Long mạch có thể lớn hoặc nhỏ: lớn nó có thề gồm cả một vùng lãnh thổ, với những dãy nhiều ngọn núi trên một tay Long có thể có nhiều điểm kết, điểm kết nhất gọi là Hàm Rồng. 

Các kinh đô khi xưa đều là những địa điểm được chọn theo con mắt phong thủy. Trong Chiếu dời đô, Lí Công Uẩn miêu tả vị trí thành Đại La - mà rồi sẽ được đổi tên là Thăng Long như sau “Thành Đại La ở vào nơi trung tâm Trời Đất, được cái thế rồng cuộn hổ ngồi; đã đúng ngôi Nam Bắc Đông Tây, lại tiện hướng nhìn sông dựa núi. Địa thế rộng mà bằng, đất đai cao mà thoáng. Dân cư khỏi chịu cảnh khốn khổ ngập lụt, muôn vật cũng rất mực phong phú tốt tươi. Xem khắp đất Việt ta, chỉ nơi này là thắng địa”. Thành Huế ở trung tâm đất nước, nhìn rộng thì có biển đằng tờớc, núi đằng sau; nhìn hẹp thì có núi Ngự Bình ở phía trước làm án, sông Hương chảy lững lờ bao quanh, trên sông ở hai đầu có hai cồn đất như hai hòn đảo chầu vào - cồn Dã Viên ở bên phải là Bạch Hổ. Cồn Hến ở bên trái lớn hơn là Thanh Long, đoạn sông nằm giữa hai cồn đất ấy chính là Minh Đường. Con mắt phong thủy đã giúp tìm cho các đó thị những địa thế có núi có sông, có âm dương hòa hợp, tạo nên một môi trường thiên nhiên trong sạch và lành mạnh : Thăng Long có sông Nhị núi Nùng; Huế có sông Hương núi Ngự; Vinh có sông Lam núi Hồng Lĩnh;  Đà Nẵng có sông Hàn núi Sơn Trà…

Ngoài ra, trong việc “chọn nơi mà ở”, người Việt, với tính cộng đồng nông nghiệp của mình, rất quan tâm đến việc chọn hàng xóm láng giềng xung quanh. Đến thời kì kinh tế hàng hóa đã phát triển, người Việt còn rất coi trọng việc chọn vị trí giao thông thuận tiện : nhất cận thị, nhị cận giang. Những đô thị có tốc độ phát triển nhanh đều là đô thị gần biển, sông, có giao thông thuận tiện. Các thôn ấp miền Nam và các khu dân cư mới hình thành đã từ bỏ cách tổ chức theo xóm làng với lũy tre khép kín cổ truyền mà chuyển sang quy tụ theo trục đường sông, đường bộ. Trong đô thị, vị trí nhà mặt tiền được đánh giá cao. Tuy nhiên các yếu tố phong thủy và cộng đồng vẫn không bị lãng quên; khi xét đến nhiều tiêu chuẩn thì yếu tố hàng xóm (lân) vẫn được xếp vào thứ hai : nhất cận thị. nhị cận lân, tam cận giang, tứ cận lộ. ngũ cận điền.

Biện pháp thứ ba để đối phó với môi trường tự nhiên là tận dụng tối đa thế mạnh của môi trường tự nhiên trong việc chọn và sử dụng vật liệu xây dựng.

Vật liệu xây dựng tự nhiên sẵn có nhất là tre. Cây tre có mặt ở khắp nơi. Tre có tác dụng cải thiện môi sinh, làm cho không khí mát mẻ, che chắn gió bão, được dùng làm vật liệu quan trọng cho việc làm nhà. Họ hàng nhà tre theo đặc tính của mình mà được phân công mỗi loại một việc: bương, vầu thân to dầy, đốt ngắn chịu sức nén khỏe có thể làm cột nhà; tre đằng ngà thân gần như đặc lại dẻo nên chịu sức kéo tốt có thể dùng làm đòn tay; mai thẳng và dày đều được bổ ra thành lá làm sàn nhà cho bà con miền núi; nứa mỏng có thể đập dập lợp mái hoặc đan vách; rồi còn hóp, luồng, trúc, giang, mây, song…. Để chống mối mọt, lạt mây tre phải luộc trước khi chẻ, chẻ rồi phải gác bếp cho khói xông; tre ngâm khoảng một năm dưới bùn ao khi vừa vớt lên mềm như sợi bún rất dễ uốn. còn khi để khô thì có khả năng chống mối mọt rất hiệu nghiệm. Tổng hợp và linh hoạt như thế, tre xứng đáng là hình ảnh biểu trưng cho tính cách Việt Nam, cho cái đẹp Việt Nam: Trúc xinh trúc mọc đầu dình, em xinh em đứng một mình cũng xinh.

Sau tre thì đến gỗ. Gỗ quý và lí tưởng để làm nhà, để xây dựng đình chùa, cung điện là gỗ tứ thiết: đinh, lim, sến, táu. Còn để làm nhà dân gian thì phổ thông hơn cả là xoan, mít. Người nông thôn khi lập gia đình và làm nhà thường bao giờ cũng trồng một bụi tre ở góc vườn, một hàng xoan, vài gốc mít - đó là do tinh thần cộng đồng, thói quen lo xa : lối sống vì tương lai của người Việt Nam: tre, xoan, mít, đó là chuẩn bị cho 20 năm sau con mình có vật liệu làm nhà. Thân xoan cao, thẳng, phần gốc dể tròn làm cột, phần trên đẽo gọt làm xà, kèo….; gỗ xoan đắng (do chất nhựa) có tác dụng chống mối mọt lí tưởng: Nhà gỗ xoan, quan ông nghè.

Lợp mái thì phổ biến là các vật liệu thực vật : rơm rạ, lá cọ (lá gồi), lá dừa nước cỏ tranh, nứa đan thành tấm. Ở một số địa phương miền Nam trên rui mè người ta đổ một lớp đất sét rồi mới lợp lá gồi lá dừa nước lên trên - đất sét có tác dụng cách nhiệt (chống nóng) và chống cháy rất tốt.

Nung đất làm gạch xây tường và ngói lợp mái là một nghề thủ công rất phổ thông và cổ truyền có từ ngàn xưa. Ngói có nhiều loại với các chức năng khác nhau : ngói ống, ngói chiếu, ngói âm dương, ngói vảy rồng, ngói mũi hài, ngói lưu li (tráng men),… Gạch thì ngoài gạch chữ nhật, gạch vuông thông thường còn có các loại gạch chuyên dụng như gạch hộp (có kích thước lớn), gạch múi bưởi (xây cửa vòm), gạch có mộng, gạch thước thợ, gạch tròn, gạch đa giác….

Để xây tường thì hỗn hợp vỏ ốc vặn đốt thành than, vôi vỏ sò nghiền nát, trộn với cát giấy hàn hay rơm nếp vò nát luyện với vỏ xây dè đặt (hoặc các loại cây khác tùy địa phương) và mật mía tạo nên một chất kết dính lí tưởng; nó được dùng để đắp những con rồng, phượng, nghê. sấu…. trên nóc đình đắp những đầu đao cong vút rất bền vững với thời gian.

Về cách thức kiến trúc thì đặc điểm của ngôi nhà Việt Nam truyền thống là rất động và linh hoạt.

Toàn bộ ngôi nhà được hình thành trên cơ sở một bộ khung chịu lực hình hộp với sự liên kết chặt chẽ giữa các bộ phận trong một không gian ba chiều : theo chiều đứng, trọng lực của ngôi nhà phân bố đều vào các cột (cột cái, cột con, cột hiên) và dồn xuống các viên đá tảng kê chân cột; theo chiều ngang. các cột được liên kết bằng các kẻ (bẩy, câu dầu….) tạo nên các vì kèo; theo chiều dọc ngôi nhà, các vì kèo được liên kết lại với nhau bằng các (xà nóc, xà thượng, xà trung, xà hạ, xà chân). Để tăng thêm sự vững chắc cho ngôi nhà. các cột phải được đẽo theo hình đầu cán cân, chân quân cờ (ngọn cột nhỏ, gần gốc phình to và chân cột thắt lại theo tỉ lệ 6-10-8), khi dựng vì kèo thì các cột phải đứng theo thế choãi chân gọi là thượng thu hạ thách (thách 2 phân cho mỗi thước cao của cột). Không cần đến móng, tường. Tường đất vách nứa, hoặc ván bưng xung quanh chỉ có tác dụng che nắng mưa chứ không chịu lực.

Tất cả các bộ phận của ngôi nhà được lắp ghép lại bằng dây buộc, néo con xỏ (đối với nhà tre) hoặc mộng (đối với nhà gỗ). Mộng là phần gờ lồi ra của một bộ phận này lắp khít vào chỗ lõm có hình dáng và kích thước tương ứng ở một bộ phận khác (theo nguyên lí âm dương). Kĩ thuật ghép mộng áp dụng cho toàn bộ đồ mộc truyền thống, từ nhà đến giường tủ, bàn ghế…. tạo nên sự liên kết chắc chắn nhưng lại rất động và linh hoạt. Khi di chuyển chỉ cần làm ngược lại là có thế tháo dỡ ra rất dễ dàng.

Vì vậy, không có gì đáng ngạc nhiên khi biết rằng vua Gia Long đã cho dỡ một số cung điện của thành Hà Nội chở theo đường thủy vào dựng ở Huế; ngược lại, một nhà thờ họ ở Huế đã được chở ra Hà Nội dựng ở làng Vẽ; đền Hai Bà Trưng và chùa Trấn Quốc ở Hà Nội đã được di chuyển từ ngoài bờ sông vào trong đồng để tránh lụt; cũng để tránh lụt, vào năm 1903, đình Chèm ở bờ sông phía bắc Hà Nội đã được nâng cao hơn so với mặt nền cũ là 6 thước ta. Với kiều nhà này, việc mua bán nhà và đất là hai việc khác hẳn nhau.

Để thống nhất kích thước, trong khi phương Tây dùng bản vẽ kĩ thuật phức tạp, chi li và cứng nhắc thì người Việt Nam dùng cái thước tầm (còn gọi là rui mực sào mực). Đó là một thân tre bổ đôi dài hơn chiều cao của cột cái, trong lòng máng vạch những kí hiệu cho phép xác định các khoảng ngang, khoảng đứng và khoảng chảy, từ đó mà ấn định được kích thước của các bộ phận như chiều cao của cột hiên, cột con, cột cái…Cấu tạo của thước tầm là chung cho mọi nhà, nhưng mỗi thước lại được tính theo một đơn vị gốc mang tính rất cá biệt là dốt gốc ngón tay út hoặc gang tay của người chủ nhà (truyền thống coi con người là trung tâm, lấy kích cỡ con người làm chuẩn để đo đạc tự nhiên và vũ trụ). Thành ra nhà nào thước ấy, không thể mượn thước người khác mà làm nhà cho mình được. Thước tầm trở thành vật xác định quyền sở hữu ngôi nhà của chủ nhân. Khi hoàn thành nhà, phải làm lễ cài sào để báo cáo với thần linh thổ địa và long trọng đưa cây thước tầm lên gác ở vị trí cao nhất dưới nóc giữa hai vì kèo. chỉ khi nào cần sửa chữa thì thợ cả mới lấy xuống để đo cắt các chi tiết thay thế.

Về hình thức kiến trúc thì ngôi nhà Việt Nam là tấm gương phản ánh đặc điểm của truyền thống văn hóa dân tộc. 

Hình thức kiến trúc của ngôi nhà Việt Nam phản ánh truyền thống coi trọng bên Trái (phía Đông) của văn hóa nông nghiệp. Ngoài những điều đã nói về chiếc đòn đông có đầu gốc ở phía trái (phía Đông), về cái bếp luôn đặt phía trái (phía Đông),… ta còn có thể gặp hàng loạt sự kiện thú vị khác. Một tòa thành có nhiều cửa thì cửa chính nằm phía Nam; còn nếu có hai cửa nhìn về phía Nam thì cửa chính là cửa tả (bên trái, phía Đông). ở Nam Bộ, nếu trong nhà có thờ tổ tiên của cả hai họ thì bàn thờ họ nội đặt bên trái (phía gốc của cây đòn dông, phía đông) và họ ngoại đặt bên phải; cha mẹ đã qua đời thì bàn thờ cha mẹ đặt bên trái (vì gần gũi hơn), bàn thờ ông bà đặt bên phải.

Hình thức kiến trúc ngôi nhà Việt Nam còn tuân thủ nguyên tắc coi trọng các con số ước lệ, nhất là số lẻ theo truyền thống văn hóa nông nghiệp. Bước vào cổng là cổng tam quan; bước lên bậc là bậc tam cấp; các kiến trúc lớn đều dựng theo lối nhà tam tòa. Các tòa thành như thành Cổ Loa, thành Huế đều có kiến trúc 3 lớp vòng thành. Ngọ Môn ở Huế nhìn chính diện có ba cửa (số 3) dành cho Vua và quan lại, thêm hai cửa phụ hai bên cho lính và súc vật (số 5), trên nóc có 9 nhóm mái (ca dao Huế : Ngọ Môn 5 cửa 9 lầu - Cột cờ 3 cấp, Phú Văn Lâu 2 tầng). Số gian của một ngôi nhà, số bậc của cầu thang trong nhà bao giờ cũng lẻ. Nói chung, khi có khả năng lựa chọn thì kiến trúc nhà cửa cho người sống đều chọn các sô lẻ vì số lẻ là dương (dương = động; động là sự sống và động còn phù hợp với tư duy linh hoạt của văn hóa nông nghiệp). Trong khi đó thì nhà cho người chết- nhà mồ - của các dân tộc (ở Việt Bắc, Tây Nguyên) lại chọn các số chẵn (ví dụ, số bậc cầu thang), vì số chẵn là số âm (âm = tĩnh, chết).

GS-TS Trần Ngọc Thêm