Trò chuyện cùng họa sĩ Lê Thiết Cương

Trong Phật giáo thế nào là đủ duyên và thế nào là không đủ duyên? Xá lợi của Đức Phật cũng chỉ là một pháp trong vạn pháp, vậy xây tháp dù nhỏ thôi cũng có cần thiết chăng? Lượm hòn sỏi ven đường đặt lên bàn thờ mà chơi không thú hơn là phải sang tận Ấn Độ mà thỉnh về?

Hân hạnh được hạnh ngộ Họa sỹ Lê Thiết Cương (HS) trong một bài báo viết về một sự kiện hình thức đón rước rầm rộ và được đa số quần chúng hân hoan vui mừng.

Họa sỹ đã sử dụng Kinh Kim Cương và các câu chuyện Thiền học để cho những hành động đó là Vô minh, theo như lời của HS, nên chúng tôi cũng mạn phép dùng Kinh điển và các câu chuyện Thiền học để hầu chuyện HS.

Trong Kinh Duy Ma Cật, khi diễn đạt về thực tánh của vạn pháp, các Bồ tát khác diễn giải quá nhiều và đều bị Bồ tát Duy Ma Cật cho là chưa đúng. Chỉ có Bồ tát Văn Thù – đại biểu cho trí tuệ - thì nói điều đó là bất khả thuyết, Ngài Duy Ma Cật cười và nói: gần đúng. Còn ông, ông chỉ im lặng.

Từ sự kiện trên cho chúng ta thấy rằng, thực tánh của vạn pháp là bất khả thuyết (không thể nói) và im lặng như ông Duy Ma Cật là đúng. Nhưng…. nếu không có cái lời nói được phát ra bằng âm thanh của Ngài Văn Thù thì sự im lặng ông Duy Ma Cật có ai hiểu được?

Và sự im lặng của ông Duy Ma Cật, tuy diễn giải đúng chân lý nhưng chân lý đó để làm gì nếu người khác không có khả năng tiếp nhận? Đức Phật nói: giáo pháp như ngón tay chỉ trăng, nương tay để nhìn trăng chứ nhìn ngón tay hoặc bỏ tay đi thì cũng sao thấy được trăng. Thế mới hay hình thức tuy không phải là cứu cánh nhưng rất cần thiết trên lộ trình tu tập của mỗi người.

Cũng xin nói thêm, những ẩn dụ như HS nói: “vô minh giống như tấm gương bị bẩn, phải lau sạch đi, không những thế phải đập cả cái gương đi. Gương sạch mới thấy Tâm” không phải từ trong Kinh Kim Cương mà chính là từ cuộc thi thơ thiền giữa Tổ Thần Tú và Tổ Huệ Năng.

Bây giờ chúng tôi xin nói về Kinh Kim Cương. Trong Kinh Kim Cương, vạn pháp được ví “như mộng, như huyễn, như bào, như ảnh, như sương mai, như điện chớp…” vì chúng chỉ là diễn trình tan và hợp của rất nhiều duyên.

Xin hỏi HS, HS có thấy vạn pháp như mộng không? Nếu HS thấy vạn pháp như mộng, như huyễn thì Xá lợi của Phật là huyễn, chùa to, Phật lớn là huyễn… cho đến cả những chiếc xe đời mới đắt tiền… cũng phải là huyễn.

Nếu Xe đời mới đắt tiền là huyễn, sự đón rước rầm rộ của thiên hạ là huyễn, là bụi… thì sao HS phải nhức mắt và mỏi miệng vì chuyện đó. HS đã nhức mắt vì chuyện đón rước đó tức chuyện đón rước đó không là huyễn mộng trong mắt HS thì Xá lợi Đức Phật và chuyện đón rước một cách thật trang trọng cũng không thể là huyễn mộng trong mắt nhiều người khác.

HS nói “những người bình thường thì cho rằng đây là một sự kiện văn hóa, những Phật tử thì cho rằng duyên. Những người biết thì bảo, cái sự kiện rước xá lợi Phật đắt đỏ, lãng phí, tốn kém nêu trên nếu soi bằng giáo lý nhà Phật thì không đúng, không sai nhưng nó là biểu hiện của vô minh. Thiện ác còn chả có nữa là sai đúng. Nhưng vô minh”. Khoan hãy nói đến chuyện Vô minh, chỉ riêng việc HS phân biệt giữa “người bình thường” và những “người biết” đã chứng tỏ một điều: HS còn nặng về phân biệt.

Tất cả chúng sinh đều có Phật tính” thì sao lại còn có khái niệm “người biết” và “người bình thường” vậy thưa Họa sỹ.  “Thiện ác còn chẳng còn” theo như lời HS nói thì chuyện đón rước rầm rộ cũng làm gì có thật? Mà đã không có thật sao HS cho hành động đó là Vô minh? Nếu HS cho rằng chuyện đón rước rầm rộ là có thật, thuê xe hơi đắt tiền là có thật thì ai mới thật sự Vô minh đây thưa HS?

HS nói: “Người ta cho xá lợi thì mình nhận, mang về xây tháp (nhỏ thôi) đặt vào cho bà con xa gần chiêu bái. Thế là đủ duyên rồi. Bày vẽ đưa rước linh đình, tốn tiền cho dù là tiền công đức cũng là lãng phí công đức. Không biết tiền thuê chuyên cơ và thuê 3 xe hơi hạng sang tổng cộng là bao nhiêu? Ai bỏ ra? Nếu giả sử đây là tiền của mấy vị nào đó cung tiến thì cũng không được hay lắm bởi vì tham quá. Tham phúc quá. Tham phúc cũng là tham”.

Vậy xin hỏi HS, trong Phật giáo thế nào là đủ duyên và thế nào là không đủ duyên? Xá lợi của Đức Phật cũng chỉ là một pháp trong vạn pháp, vậy xây tháp dù nhỏ thôi cũng có cần thiết chăng? Lượm hòn sỏi ven đường đặt lên bàn thờ mà chơi không thú hơn là phải sang tận Ấn Độ mà thỉnh về?

Nói đến đây tôi thắc mắc khi HS vẽ một bức tranh mất cả tháng trời, đem đấu giá hay triển lãm và ai đó nói bức tranh đó cũng đẹp đấy nhưng cũng chẳng hơn kém cái giẻ lau nhà hoặc chùi cầu tiêu bao nhiêu thì HS sẽ nghĩ sao nhỉ? Công đức trong mắt nhà Thiền có nhiều ít chăng? Nếu nhiều ít không có thật thì như thế nào được gọi là “lãng phí” công đức? Rồi nói đến “lãng phí, ta lại nói đến “tiết kiệm”. Vậy tiết kiệm công đức là tiết kiệm như thế nào?

HS đã đúc kết bài viết của mình bằng một câu chuyện Thiền. Tôi cũng mạn phép kể một câu chuyện Thiền nhằm hầu chuyện Họa sỹ:

Có hai thiền sư đi ngang một khe suối. Khe suối đó khá sâu và trên bờ có một thiếu nữ đang có nhu cầu muốn được qua suối nhưng lại sợ suối sâu và dòng nước chảy xiết đó.

Một Thiền sư hăng hái nói với cô thiếu nữ: hãy ngồi lên lưng để tôi cõng cô qua suối. Sau khi Thiền sư cõng cô gái đó quá suối thì cả hai anh em tiếp tục chuyến đi của mình.

Một ngày trôi qua, hai thiền sư trẻ đã về đến liêu cốc của mình và dường như không thể im lặng hơn được nữa, thiền sư không cõng cô gái lôi thiền sư cõng cô gái ra chất vấn: hôm nay huynh đã phạm giới. Tại sao huynh dám cõng một cô gái trên lưng trong khi giới luật không cho phép điều đó.

Lúc này thiền sư cõng cô gái mới bừng tỉnh: vậy sao? Nhưng huynh đã để cô gái đó bên bờ suối rồi, sao đệ còn cõng cô gái đó về tận chùa vậy?

Buổi lễ đón rước đã xong, chiếc xe đắt tiền cũng đã về chỗ của nó, sao Họa sỹ còn ngồi trên đó lâu quá mà chưa xuống vậy?

Vì không biết họa sỹ ở đâu nên mượn Phattuvietnam.net làm nhịp cầu trò chuyện. Rất mong ban biên tập gửi dùm chúng tôi đôi lời trò chuyện này đến với Họa sỹ Lê Thiết Cương cùng tuanvietnam.net nhé.

Trí Không

Theo Phattuvietnam