Người thổi hồn vào gỗ

 

Mười năm không phải là  nhiều nhưng Đại đức   Thích Thắng Phước đã bỏ ra ngần ấy thời gian để mày mò, tìm hiểu và học hỏi cùng với không biết bao nhiêu tâm huyết để cho ra đời trên 100 tác phẩm nghệ thuật điêu khắc gỗ sinh động, độc đáo. Bà con Phật tử và khách tham quan trìu mến đặt cho thầy danh hiệu “Người thổi hồn vào gỗ” khi tận mắt chiêm ngưỡng không gian điêu khắc tại chùa Linh Thắng, huyện Di Linh, tỉnh Lâm Đồng.

thoihon_08.jpg

Đại đức Thích Thắng Phước
 
thoihon_06.jpg
Hộ Pháp
 
thoihon_12.jpg

Tâm sự với chúng tôi, Đại đức bộc bạch: “Lâm Đồng là vùng đất cao nguyên có rất nhiều loại cây quý. Nhiều năm qua, nhìn bà con xẻ thân cây lấy gỗ còn bộ rễ “trần ai” với hình thù xù xì, xấu xí, thô ráp làm củi đốt cũng không xong, dễ bị cho là đồ phế thải. Điều này đã làm cho tôi cảm thấy tiếc rẻ, trăn trở và không hiểu sao dưới mắt tôi khi ngắm những bộ gốc rễ ấy lại nảy sinh những cảm xúc dạt dào khó tả. Từ đó, tôi hình dung và phác họa hình thù sao cho phù hợp với dáng cây hoặc gốc rễ, sau đó là chặt bỏ những rễ nhánh không cần thiết, rồi đục đẽo chăm chút cho đến khi hoàn thiện tác phẩm…”.

thoihon_13.jpg

Đức Bồ Tát Di lặc

thoihon_14.jpg

Đức Phật Di Đà phóng  quang

Trong nghệ thuật điêu khắc, cái khó nhất là sắp xếp bố cục, trang trí cảnh và vật sao cho phù hợp, tương đồng. Chính vì vậy mà không thể ấn định thời gian cho từng loại tác phẩm. Tất cả đều tùy thuộc vào cảm xúc của nghệ nhân. Gốc cây mang về, phải dành nhiều thời gian để ngắm nghía, hình dung và chọn thế sao cho phù hợp với tác phẩm, gần gũi với cuộc sống đời thường.

Những tác phẩm điêu khắc gỗ chủ đề Phật giáo nổi bật như Thánh tượng Phật Thích Ca, Phật Di Lặc, Bồ tát Quán Thế Âm, Tổ sư Bồ Đề Đạt Ma, Hộ pháp, Tiêu diện v.v… đã được thầy tạo nên bằng đôi bàn tay khéo léo cùng với lòng đam mê nghệ thuật. Tác giả đã gởi trọn tâm hồn và tình cảm của mình qua các đường nét khắc họa tôn tượng cùng hoa văn thật sống động, tinh xảo, giúp người cầu nguyện cảm thấy gần gũi và dễ nhập tâm hơn. Nhiều loại gỗ quý còn tỏa hương thơm làm tăng thêm phần thiêng liêng, toát lên vẻ đẹp thánh thiện của từng tôn tượng. Thầy cho biết thêm: Ưu điểm của tượng điêu khắc gỗ là khi vận chuyển không bị bể gãy, hạn chế trầy xước, vân gỗ đẹp tự nhiên, màu sắc đa dạng, có độ bền thử thách cùng thời gian…

 

thoihon_15.jpg

thoihon_25.JPG

Tượng Bồ Tát Chuẩn Đề

Hầu hết các tượng thờ tại chùa Linh Thắng hiện nay đều được chế tác từ các loại gỗ quý trên 500 tuổi. Ngoài tượng Phật, Bồ tát, chùa còn chế tác và trưng bày các tác phẩm điêu khắc gỗ với các chủ đề khác như Phước-Lộc-Thọ, tứ linh v.v… Nhờ vậy, Phật tử và khách hành hương đến chùa, sau khi chiêm bái, lễ Phật còn được thưởng thức những tác phẩm nghệ thuật điêu khắc gỗ thật sinh động, độc đáo. Nghệ nhân tu sĩ Thích Thắng Phước ước mơ có được một không gian để triển lãm trên 100 tác phẩm nghệ thuật này trong thời gian tới.

Bài, ảnh LINH TOÀN

theo giacngo.vn