Phật giáo Việt Nam đóng góp cho hòa bình nhân sinh

Trao đổi với VietNamNet, Thượng Tọa Thích Bảo Nghiêm, Thượng Tọa Thích Chân Quang và Đại đức Thích Đức Thiện đều khẳng định Đại lễ Phật đản Liên Hợp Quốc 2008 là cơ hội lớn để quảng bá hình ảnh một Việt Nam không chỉ có sự phát triển kinh tế sôi động. Lịch sử 2000 năm tồn tại cùng những đóng góp cho sự hình thành và lớn mạnh của dân tộc là cơ sở để Phật giáo Việt Nam có thể đồng hành cùng Phật giáo thế giới phấn đấu cho giá trị hòa bình của nhân loại.

Phật giáo Việt Nam đóng góp cho hòa bình nhân sinh


Sau các phiên họp trù bị chuẩn bị, Việt Nam đã sẵn sàng cho Đại lễ Phật đản Liên Hợp Quốc 2008 diễn ra tại Hà Nội trung tuần tháng 5 tới. Tâm thế sự kiện là khẳng định vị thế hội nhập, đóng góp cho hòa bình nhân sinh của Phật giáo Việt Nam.

Trao đổi với VietNamNet, Thượng Tọa Thích Bảo Nghiêm, Thượng Tọa Thích Chân Quang và Đại đức Thích Đức Thiện đều khẳng định Đại lễ Phật đản Liên Hợp Quốc 2008 là cơ hội lớn để quảng bá hình ảnh một Việt Nam không chỉ có sự phát triển kinh tế sôi động. Lịch sử 2000 năm tồn tại cùng những đóng góp cho sự hình thành và lớn mạnh của dân tộc là cơ sở để Phật giáo Việt Nam có thể đồng hành cùng Phật giáo thế giới phấn đấu cho giá trị hòa bình của nhân loại.

Thượng Tọa (TT) Thích Bảo Nghiêm hiện giữ chức Phó Chủ tịch Hội đồng trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Trưởng Ban Hoằng Pháp Trung Ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam.

Thượng Tọa Thích Chân Quang là ủy viên Uỷ ban Tổ chức quốc tế Đại lễ Phật đản Liên Hợp Quốc 2008.

Đại đức (ĐĐ) Thích Đức Thiện, Tiến sỹ Phật học, hiện là Tổng thư ký Phân viện nghiên cứu Phật học.
Mô tả ảnh.
Lễ mừng Đức Phật đản sinh ở Huế. Ảnh: VNN
Phật giáo đồng hành cùng dân tộc

Cơ hội để khẳng định vai trò của Phật giáo Việt Nam đối với công cuộc hội nhập của đất nước thông qua Đại lễ Phật đản Liên Hợp Quốc 2008?

TT Thích Bảo Nghiêm: Phật giáo là một tôn giáo lớn có mặt sớm nhất ở Việt Nam, luôn đồng hành cùng dân tộc trong suốt chiều dài lịch sử đấu tranh, xây dựng và phát triển đất nước. Việc Chính phủ đăng cai tổ chức Đại lễ Phật đản Liên Hợp Quốc 2008 một lần nữa khẳng định vai trò của Phật giáo Việt Nam đồng thời thể hiện với bạn bè thế giới chính sách tự do, tín ngưỡng tôn giáo của Đảng, Nhà nước Việt Nam với tất cả các tôn giáo ở Việt Nam, trong đó có Phật giáo.

Chuẩn bị tổ chức thành công Đại lễ Phật đản Liên Hợp Quốc 2008 về mặt tâm linh để cúng nhường đức Phật nhân ngày lễ Đản sinh của Ngài và cũng là để cho bạn bè thấy được vị trí của Phật giáo trong lòng dân tộc.

TT Thích Chân Quang: Đại lễ Phật đản Liên Hợp Quốc là dịp tụ hội của cộng đồng Phật giáo trên thế giới, các nhà lãnh đạo xã hội, các nhà quan sát. Qua sự kiện này, Phật giáo Việt Nam có thể chia sẻ, đóng góp tiếng nói vào việc giải quyết những giá trị xung đột, khủng hoảng của thế giới hiện tại như khí hậu toàn cầu, hậu sự của tiến bộ khoa học kỹ thuật, chiến tranh, hòa bình, sự rạn vỡ những giá trị trong đời sống gia đình hiện đại.
Mô tả ảnh.
Đảng, Nhà nước Việt Nam luôn tôn trọng và bảo đảm tự do tín ngưỡng, tôn giáo. Ảnh:L.A.D

ĐĐ Thích Đức Thiện: Phật giáo Việt Nam một lòng theo đường lối chính pháp của đức Phật đồng thời theo đuổi những giá trị phục vụ cho đời sống của nhân dân, cùng các tầng lớp trong xã hội xây dựng một xã hội công bằng, dân chủ, văn minh.

Với bề dày tồn tại và phát triển, Phật giáo Việt Nam hoàn toàn có thể đóng góp cho những giá trị chung của nhân loại bằng sự tham gia vào các cuộc đối thoại tôn giáo về việc giải quyết các cuộc xung đột sắc tộc bằng con đường hòa bình thông qua triết lý, tinh thần bất bạo động của Phật giáo.

Cởi mở và đoàn kết

Một trong những điều đặc biệt khi chuẩn bị cho Đại lễ Phật đản Liên Hợp Quốc 2008 đó là Việt Nam gửi thư mời rộng rãi các hội, đoàn Phật tử từ nhiều nước và vùng lãnh thổ trên thế giới, trong đó có cả những người có tiếng nói khác biệt?

TT Thích Bảo Nghiêm: Hiện nay, có những tiếng nói ở nước ngoài cố tình xuyên tạc, bóp méo sự tự do tín ngưỡng tôn giáo ở Việt Nam. Đại lễ Phật đản Liên Hợp Quốc là cơ hội để Giáo hội Phật giáo Việt Nam bày tỏ cho bạn bè quốc tế nói chung và những Phật tử trên thế giới nói riêng hiểu rõ hơn chính sách tự do tín ngưỡng và tôn giáo của Đảng và Nhà nước Việt Nam đối với tất cả các tôn giáo, trong đó có Phật giáo. Với những ai chưa hiểu hết, đây là dịp để họ chứng kiến đời sống sinh hoạt tôn giáo của Việt Nam.

ĐĐ Thích Đức Thiện: Nhân Đại lễ Phật đản Liên Hợp Quốc 2008, tất cả các tỉnh hội Phật giáo trong cả nước sẽ có nhiều hoạt động hưởng ứng ở cấp địa phương, trang hoàng xe hoa, cờ phướn để quảng bá hình ảnh của Đại lễ. Chúng ta hưởng ứng ngày hội của Phật giáo vì giá trị hòa bình, sự thịnh vượng của nhân loại.

Việt Nam mong muốn Đại lễ Phật đản Liên Hợp Quốc là ngày hội kết nối, đoàn kết tăng ni, Phật tử quốc tế và Việt Nam vì giá trị chung của nhân loại: hòa bình, phát triển?

TT Thích Bảo Nghiêm: Chúng ta muốn chia sẻ những giá trị đạo đức, tính từ bi, trí tuệ của đạo Phật với tất cả bạn bè trên thế giới.

TT Thích Chân Quang: Đạo Phật kêu gọi tinh thần hòa hợp. Nhân Đại lễ Phật đản Liên Hợp Quốc 2008, Việt Nam mời rất nhiều tổ chức Phật giáo, bất kể thành phần Phật giáo nào, ngoại trừ những tổ chức Phật giáo chỉ có tên mà không có người. Điều đó thể hiện tinh thần hòa hợp, đoàn kết mà Phật giáo Việt Nam muốn thể hiện với thế giới.

*
Xuân Linh (Vietnamnet)