Câu sáu chữ trong bài châm xuất gia

Bài châm của hòa thượng Từ Ân viết rất tâm huyết, ngài muốn nhắn nhủ các lớp hậu thế sơ cơ nhập đạo, tin tưởng hơn ở việc mình làm. Hoà thượng Phúc Điền ở chùa Liên Phái của Việt Nam sống ở thế kỷ 19, đã lĩnh hội ý đó, đồng thời lại dụng công chau chuốt dịch ra tiếng Việt rồi cho khắc in phụ vào sau tập Thiền Uyển kế đăng lục.

CÂU SÁU CHỮ TRONG BÀI CHÂM XUẤT GIA CỦA

HOÀ THƯỢNG TỪ ÂN ĐỜI ĐƯỜNG PHẢI CHĂNG CÓ LIÊN QUAN
ĐÊN THỂ THƠ LỤC BÁT CỦA VIỆT NAM?

NGUYỄN TÁ NHÍ

TS. Viện Nghiên cứu Hán Nôm

Thơ lục bát là một thể loại văn học đặc sắc của dân tộc Việt Nam. Nhiều tác gia đã thuần thục sử dụng thể loại này để sáng tạo ra những áng văn chương bất hủ như Truyện Kiều của Nguyễn Du. Có thể cũng vì lẽ đó nhiều nhà nghiên cứu văn học đã đặc biệt quan tâm nghiên cứu nguồn gốc ra đời của thơ lục bát, như Dương Quảng Hàm, Đặng Thai Mai, Đinh Gia Khánh, Bùi Văn Nguyên, Kiều Thu Hoạch… Trước đó nhiều nhà nho Việt Nam cũng rất quan tâm đến vấn đề này như Phạm Đình Toái bàn đến trong Quốc âm từ điệu, Kiều Oánh Mậu nói đến trong Tì bà hành diễn âm v.v.. Nhiều người viện dẫn lý do trước đây cha ông ta từng sáng tác thơ ca lục bát bằng chữ Hán và cho rằng thơ lục bát của ta có nguồn gốc từ thơ văn chữ Hán. Chúng tôi thấy cách đặt vấn đề như vậy cũng có lý, nên từ lâu đã dụng tâm tìm kiếm cứ liệu để chứng minh. Gần đây nhân đọc bài châm xuất gia của Hoà thượng Từ Ân đời Đường thấy có những câu sáu chữ xen kẽ bài trường thiên bảy chữ rất đáng lưu ý. Toàn văn gồm 48 câu, in trong sách Thiền Uyển kế đăng lục do Hoà thượng Phúc Điền biên tập cho in đời Nguyễn. Bài châm cũng được người biên tập dịch ra tiếng Việt ghi bằng chữ Nôm in kèm theo. Để tiện cho việc phân tích giới thiệu, chúng tôi xin phiên âm toàn bộ cả bản Hán văn và bản diễn Nôm, như sau:

ĐƯỜNG TỪ ÂN HOÀ THƯỢNG XUẤT GIA CHÂM

Xả gia xuất gia hà sở dĩ?

Khể thủ không môn cầu xuất li.

Tam sư thất chứng định sơ cơ.

Thế phát nhiễm y phát hoằng thệ.

5. Khử tham sân, trừ bỉ lận

Thập nhị thời trung thường cẩn thận

Luyện ma chân tính nhược hư không,

Tự nhiên chiến thoái ma quân trận.

9. Cần học vấn, tầm sư tượng

Thiết dữ đồng nhân kham ỷ trượng.

Mạc giao tâm địa loạn như ma,

Bách tuế quang âm đẳng nhàn táng.

13. Chủng tiền hiền hiệu tiên thánh

Tận giả văn tư tu đắc chứng,

Vãng trụ tọa ngọa yếu tinh chuyên,

Niệm niệm vô sai thuỷ tương ứng

17. Phật chân kinh thập nhị bộ

Tung hoành chỉ thị bồ đề lộ

Bất tập bất thính bất y hành

Vấn quân hà nhật tâm khai ngộ.

21. Tốc tu cứu tự đầu nhiên

Mạc đãi kim niên hựu hậu niên

Nhất tức bất lai tức hậu thế

Thuỳ nhân bảo đắc thử thân kiên.

25. Bất tàm y bất điền thực

Chức nữ canh phu hãn huyết lực

Vị thành đạo nghiệp thi tương lai,

Đạo nghiệp thanh tranh tiêu đắc.

29. Ai ai phụ, ai ai mẫu,

Yên khổ thổ cam đại tân khổ.

Tựu thấp hồi can dưỡng dục thành,

Yếu tập môn phong kế tiên tổ.

Nhất đán từ thân cầu thế phát

Bát thập cửu thập vô y thác.

Nhược bất siêu phàm nhập thánh lưu,

Hướng thử nhân tuần toàn đại thác.

37. Phúc điền y, hàng long bát

Thu dung nhất sinh cầu giải thoát

Nhược nhân tiểu lợi hệ tâm hoài,

Bỉ ngạn niết bàn tranh đắc đạt.

41. Thiện nam tử nhữ tu tri

Tao phùng nan đắc tự kim thì.

Ký ngộ xuất gia phi lũ cát,

Do như phù thuỷ trị manh quy.

45. Đại trượng phu tu mãnh lợi

Khẩn thúc thân tâm mạc dung dị.

Thảng năng hành nguyện lực tương phù

Quyết định long hoa thân thụ ký.

Bài châm của hòa thượng Từ Ân viết rất tâm huyết, ngài muốn nhắn nhủ các lớp hậu thế sơ cơ nhập đạo, tin tưởng hơn ở việc mình làm. Hoà thượng Phúc Điền ở chùa Liên Phái của Việt Nam sống ở thế kỷ 19, đã lĩnh hội ý đó, đồng thời lại dụng công chau chuốt dịch ra tiếng Việt rồi cho khắc in phụ vào sau tập Thiền Uyển kế đăng lục. Nhân đây cũng được xin giới thiệu toàn văn bản dịch đó:

Qua vào trở nữa lại ra đi tìm nơi Tuyết lĩnh,

Tới trước Từ Tôn xin đảnh lễ biệt cõi trần gian.

Giới ba đàn tăng thập vị, dẫn tiến cao xa,

Cầm giới hạnh tiếp quần sinh, cùng lên thượng phẩm.

5. Dừng ác nghiệp chớ ngu si,

Giờ giờ một niềm đều tỉnh.

Luyện được một lòng thì thấy Phật

Lọ vào sáu cửa đuổi ma quân.

9. Quyết học đạo tìm minh sư, thày tớ cho đáng

Người mười phân ta chín rưỡi, cũng ắt hầu nên

Thôi đừng bối rối trăm hình, mượn màu thiền tướng,

Lần lữa nay mai ngày khác, ấy thực người hư.

13. Theo đòi tác trước mở mang

Ắt cũng phải ba điều cho đủ.

Uy nghi giới luật phải tinh chuyên

Lòng cùng đạo như in mới sát.

17. Kinh có ba dạy có ba

Cú cú trỏ nẻo siêu sinh nào còn phép khác.

Văn tư tu ba điều chẳng bén

Kiếp thuở nào bớt được lòng ta

21. Kíp toan tu lấy thân này

Chớ lần lữa nay mai ngày khác.

Sống hình ta chết là hình khác

Thân thối này bền được bao lâu.

25. Áo cho ấm cơm cho no, nhàn đâu sẵn có

Sức ông cày công bà dệt, săn sóc mới nên

Người đắc đạo kẻ cúng dàng, ngàn vàng chớ mặn

Kẻ ăn không người làm sẵn, đã hẳn ngon đâu.

29. Cảm đến cha mẹ sinh thành, sinh con trứng nước

Mẹ chịu tanh hôi dơ dáy, ngon ngọt nhường con.

Ướt mẹ chịu, ráo xê con, nuôn cho cả lớn

Mong cho chóng được sang giầu hiển vinh gia nghiệp.

33. Một mai bỏ mẹ ra đi, cửa nhà chẳng đoái

Cha già mẹ yếu một mình, ngậm ngùi than thở.

Tăng cũng không tục chẳng phải, thực khác loài người

Cha sinh thày dạy Phật nuôi, công toi hết cả.

37. Áo vận mình bát cầu tay, mười phương hành khất,

Tiêu dụng ăn mặc một đời, sẵn sàng thong thả.

Nếu còn say thế sự vân vân

Nước cực lạc bao giờ đi đến.

41. Hỡi ai đấy biết hay chưa,

Muôn kiếp ngàn đời khôn gặp

Phúc được đầu tròn áo vuông, nhờ nhân duyên trước

Khác chi người mù được gậy, phiêu dạt dò la.

45. Thà đạo đức nắng hong trên, hầu thu công nghiệp,

Chớ cho thân tâm trệ nấy một khắc nào khuây.

Phật với ta mà có đồng lòng, xin cùng phù lấy

Tới hội long hoa người mới bảo, biết Phật là ta.

Trong 48 câu thơ ở bài châm chữ Hán trên, có 38 câu 7 chữ, còn lại 10 câu 6 chữ. Tức 4 câu đầu đều là 7 chữ, đến câu thứ 5 bắt đầu 6 chữ, cứ sau ba câu lại đến câu 6 chữ, cụ thể gồm các câu số 5, 9, 13, 17, 21, 25, 29, 31, 37, 41, 45. Theo quy luật trên, đáng lẽ câu thứ 33 phải là câu 6 chữ, song ở đây lại là câu 7 chữ, có thể có lý do nào đó hoặc do in ấn. Khi dịch ra tiếng Việt, trong số 10 câu 6 chữ đó, có 5 câu được Hoà thượng Phúc Điền dịch cũng dùng đúng 6 chữ. Đó là các câu:

Câu 5: Khử tham sân, trừ bỉ lận

Dịch: Dừng ác nghiệp, chớ ngu si

Câu 13: Chúng tiền hiền, hiệu tiên thánh

Dịch: theo đòi tác trước mở mang

Câu 17: Phật chân kinh thập nhị bộ

Dịch: Kinh có ba, dạy có ba

Câu 21: Tốc tu cứu tự đầu nhiên

Dịch: Kíp toan tu lấy thân này

Câu 41: Thiện nam tứ, nhữ tu tri

Dịch: Hỡi ai đấy biết hay chưa

Còn 5 câu kia lại được dịch thành 10 chữ, gồm:

Câu 9: Cần học vấn, tầm sư tượng

Dịch: Quyết học đạo tìm minh sư, thày tớ cho đáng.

Câu 25: Bất tam y, bất điền thực

Dịch: Áo cho ấm cơm cho no, nhân đâu sẵn có.

Câu 29: Ai ai phụ, ai ai mẫu

Dịch: Cảm đến cha mẹ sinh thành, sinh con trứng nước.

Câu 37: Phúc điền y, hàng long bát

Dịch: Áo vận mình bát cầm tay, mười phương hành khất.

Câu 45: Đại trượng phu, tu mãnh lợi

Dịch: Thà đại đức nắng hong trên, hầu thu công nghiệp.

Tuy dịch thành 10 chữ, song ở mười câu đều tập trung vào vế trên 6 chữ là đủ, còn về dưới có thêm chỉ là giúp cho nghĩa rõ hơn mà thôi.

Việc sắp xếp câu 6 theo trật tự chặt chẽ là cứ sau ba câu 7 chữ lại tiếp đến câu 6 chữ, cho thấy dụng ý sử dụng của tác giả là có ý thức. Đến dịch giả cũng có ý thức cố gói gọn ý nghĩa của cả câu vào trong 6 chữ như phân tích trên. Điều đó gợi ý cho một suy đoán rằng thể loại bài châm của hoà thượng Từ Ân đời Đường này đã ảnh hưởng đến thể thơ lục bát của ta sau này. Phải chăng người Việt đã tiếp thu rồi vận dụng sáng tạo thành lối thơ lục bát Hán văn, rồi dần dần chuyển thành lục bát Việt văn?

Thông báo Hán Nôm học 2000, tr.356-362