GS.TSKH Trần Ngọc Thêm: Mâm ngũ quả phải thể hiện truyền thống văn hóa dân tộc

 

Mâm ngũ quả là thứ không thể thiếu trên bàn thờ gia tiên của mỗi gia đình Việt Nam trong ngày tết. Tuy nhiên, ở mỗi vùng miền, mỗi gia đình lại có một kiểu bày biện mâm ngũ quả riêng mà ít ai biết rõ về ý nghĩa của nó. Để tìm hiểu về ý nghĩa của mâm ngũ quả và thế nào là một mâm ngũ quả đúng văn hóa truyền thống, Tuổi Trẻ Online đã có cuộc trao đổi với GS.TS khoa học Trần Ngọc Thêm - trưởng khoa Văn hóa học, trường ĐH KHXH&NV TP.HCM.

 

* Thưa GS, truyền thống bày mâm ngũ quả ngày tết bắt nguồn từ đâu ạ?

- Mâm ngũ quả có nguồn gốc từ truyền thống văn hóa cổ ở vùng đồng bằng sông Hồng - sông Mã.

Để hiểu ý nghĩa của nó phải đi từ triết lý âm dương có gốc từ văn hóa lúa nước Đông Nam Á là văn hoá trọng âm, chú trọng tư duy tổng hợp, cùng một lúc quan tâm đến nhiều vấn đề và các mối liên hệ giữa chúng (đây là tư duy số lẻ, tư duy liên kết), khác với văn hóa gốc du mục ở phương Tây là văn hoá trọng dương, chú trọng tư duy phân tích, luôn tập trung vào một yếu tố, đi sâu vào một vấn đề (đây là tư duy số chẵn, tư duy đối lập).

Theo tôi, trong khu vực chịu ảnh hưởng của triết lý âm dương ở phương Đông lại có hai khuynh hướng:

Văn hóa người Hán ở phương Bắc vốn là văn hóa du mục chuyển sang làm nông nghiệp khô nên thuộc loại trung gian, họ tiếp thu và phát triển triết lý âm dương trên cơ sở một tư duy phân tích, nên chú trọng số chẵn hơn số lẻ, từ âm - dương họ phát triển mạnh theo hướng “tứ tượng, bát quái” và có thể thấy trong ngôn ngữ của họ tồn tại đậm dấu ấn của số chẵn như: lục căn, lục súc, lục nghệ, bát tiên, bát bửu...

Trong khi đó văn hóa Bách Việt phương Nam hoàn toàn là văn hóa lúa nước nên tư duy thiên hẳn về tổng hợp, rất coi trọng yếu tố trung gian. Từ âm - dương phát triển theo hướng “tam tài” và “ngũ hành”. Bởi vậy các con số lẻ, đặc biệt là con số 5 của ngũ hành rất quan trọng trong truyền thống văn hóa nước ta. Nó không chỉ chi phối các quan niệm về ngũ sắc, ngũ phương, ngũ vị, ngũ tạng…mà còn chi phối cả việc kiêng kị (dân ta thường kiêng kị các ngày mồng 5, 14, 23 vì 14 và 23 đều là biến thể của số 5, có tổng các chữ số là 5).

Như vậy, mâm ngũ quả ở đây mang tinh thần ngũ hành đòi hỏi phải bày biện 5 thứ quả. Đây là một nét văn hóa truyền thống rất lâu đời của dân tộc.

* Vậy người ta trưng mâm ngũ quả vào ngày tết để mong được gì?

- Mâm ngũ quả chính là sản phẩm đặc thù của văn hoá nông nghiệp, vùng xứ nóng cây trái quanh năm. Các loại trái cây đều là sản vật địa phương luôn có sẵn và rất dễ kiếm. Ước vọng của người dân cúng mâm ngũ quả cũng giống như ước vọng của Lang Liêu khi dùng gạo nếp làm bánh trưng bánh dày dâng vua cha: cầu mong ngũ quả (ngũ hành bao quát tất cả, cho nên ngũ quả cũng có nghĩa là tất cả các loại hoa quả) luôn dồi dào cho cuộc sống của mình được no đủ, bình yên.

* Cụ thể trong mâm ngũ quả sẽ là những quả nào, và mỗi quả tương ứng với mỗi hành ra sao?

- Văn hóa trọng âm còn có tính linh hoạt. Vì vậy không có quy định cứng nhắc là phải đúng những loại quả nào, miễn là phản ánh đúng cấu trúc ngũ hành thể hiện qua ngũ sắc là được.

Tuy nhiên, ở đồng bằng Bắc Bộ có một loại quả hầu như không bao giờ vắng mặt là nải chuối xanh. Chuối là loại cây được trống phổ biến mọi nơi, ra quả quanh năm nên rất dễ kiếm; thứ hai, các quả của nải chuối xòe ra nên dễ sắp các loại quả khác lên trên, thứ ba, chuối xanh thì để được lâu và màu xanh tượng trưng cho hành Mộc trong ngũ hành.

Một loại quả khác cũng rất hay gặp là quả phật thủ - quả phật thủ mang tính thiêng liêng vì phần đuôi có hình dáng giống như những ngón tay Phật, thường được dùng làm thuốc và có màu vàng tượng trưng cho hành Thổ trong ngũ hành. Nếu không kiếm được phật thủ thì quả bưởi vàng sẽ được dùng để thay thế.

Các loại quả có màu đỏ như lựu, quýt, ớt tượng trưng cho hành Hỏa; các loại quả có màu trắng như đào, doi tượng trưng cho hành Kim; các loại quả có màu tối như mận tượng trưng cho hành Thủy.

* Mâm ngũ quả của các vùng miền nước ta có gì khác nhau, thưa GS?

- Sự khác biệt của mâm ngũ quả giữa các vùng miền trước hết là do sự khác biệt về điều kiện tự nhiên chi phối: vào miền Trung và miền Nam sẽ gặp các loại trái cây đặc thù mà miền Bắc không có như dừa, thanh long, xoài...

Mặt khác, trong khi mâm ngũ quả miền Bắc tuân thủ khá chặt chẽ nguyên tắc ngũ hành theo ngũ sắc, thì miền Trung và miền Nam lại coi trọng nguyên tắc liên tưởng theo ngữ nghĩa của tên gọi hơn - chọn những loại quả có tên gọi hay.

Ngoài ra, mâm ngũ quả miền Trung còn có nét tinh tế của người xứ Huế: không dùng nải chuối qủa to dài như miền Bắc mà chọn loại chuối ngự (chuối tiến, chuối cau) quả nhỏ mà thơm. Người miền Nam thì thường chọn 5 loại trái là: mãng cầu, sung, dừa, đu đủ, và xoài. Vì tên 5 loại trái này khi đọc liền gần giống như câu: “cầu sung vừa đủ xài” hay “cầu vừa đủ xài sung”.

Mâm ngũ quả miền Nam vừa thể hiện khí chất của con người, vừa thể hiện thuận lợi về thiên nhiên của miền Nam: có sản vật dồi dào, phong phú, hết rồi lại sinh ra cho nên sự lựa chọn cho mâm ngũ quả cũng nhiều hơn.

Thứ tự và loại quả bày biện trên mâm không quan trọng lắm miễn sao đẹp mắt là được.

 

alt

Mâm ngũ quả ngày tết, nguồn: Internet

* Vậy mâm ngũ quả có kiêng kị loại trái nào không?

- Mâm ngũ quả phải đẹp hình đẹp ý, nên các loại trái có hình dạng xấu thì không nên bày lên mâm. Miền Trung và miền Nam lại coi trọng nguyên tắc liên tưởng theo ngữ nghĩa của tên gọi, nên cũng tránh những loại quả có tên xui xẻo, ví dụ: miền Trung không chọn quả đu đủ vì tên gọi này phát âm giọng miền Trung nghe gần như “thù đủ”.

* Xin cảm ơn GS!

 


Nguyễn Đức - Đình Khánh

Theo: Tuổi trẻ Online