CHƯƠNG X: CHÁNH MẠNG (SAMMÀ- ÀJÌVA)

Chi thứ ba và cũng là chi cuối cùng của nhóm giới là Chánh mạng, Chánh mạng đòi hỏi người ta không được quan hệ mua bán các loại vũ khí, các loại súc vật để giết thịt, mua bán người (làm nô lệ), các loại rượu và chất say, và mua bán độc dược. Mặc dù Ðức Phật chỉ đề cập đến năm loại này, nhưng như chúng ta biết, còn có nhiều cách nuôi mạng không chơn chánh khác nữa. Chúng ta phải nhớ rằng những điều này được Ðức Phật nói với xã hội Ấn Ðộ vào thế kỷ thứ 6 trước Công Nguyên mà phần lớn, ngay cả ngày nay cũng vậy, bao gồm giới nông dân, chăn nuôi và buôn bán. Ðiều ghi nhận khá lý thú ở đây là trong Kinh điển Phật giáo, có những phần miêu tả rất sinh động về cuộc sống của người nông dân và những người chăn nuôi gia súc. Bài kinh thứ hai và thứ tư của Sutta- Nipata (Kinh Tập, thuộc Tiểu Bộ kinh) chứng thực khá phong phú sự kiện này. Ấn Ðộ là một nước nông nghiệp và chính phủ của họ không phải là chính phủ “dân chủ”. Hầu hết các tiểu quốc đều theo chế độ phong kiến đặt dưới sự cai trị của một vị tiểu vương (Ràjà: Vua) như trường hợp bộ tộc Thích Ca của Ðức Phật, nhưng cũng có những nước Cộng Hòa, chẳng hạn như cộng hòa Licchàvi, được cai trị bởi một viện nguyên lão gồm các vị trưởng tộc và các vị lãnh đạo. Trong các tiểu vương quốc, Vua là người cai trị mà mọi người đều phải phục tùng và chịu ơn mưa móc của Vua. Cuộc sống lúc đó dường như yên ả hơn so với cuộc sống của nhiều đất nước hiện nay. Vì cách sinh nhai thời ấy còn hạn chế nên Ðức Phật chỉ cảnh giác đối với năm điều kể trên.

Chúng ta không nên nghĩ rằng Ðức Phật chỉ nói về những hậu quả xấu của tà mạng và những lợi ích của Chánh mạng cho hàng dân giả thôi. Trong Nikàyas (Kinh Bộ), đáng kể nhất là trong Trường Bộ (Dighà Nikàya) và Tăng Chi Bộ (Anguttara Nikàya), chúng ta tìm thấy những bài pháp nói về đời sống mà một vị Vua hay người cầm quyền cần phải sống theo. Như đã được tuyên bố một cách minh bạch rằng Vua phải cai trị đúng Pháp (dhammena), không đựơc cai trị phi pháp (A- dhammena). Ngoài việc giữ Ngũ giới như các thần dân của họ ra, một vị Vua hay người cầm quyền còn phải có tất cả những phẩm chất hiền thiện xứng đáng làm vị nguyên thủ của một quốc gia nữa. Kinh Phật thường đề cập đến Thập Vương Pháp (Dasa- Ràja Dhamma) hay mười phận sự của một vị Vua: bố thí, trì giới, bỏ của cải ra để làm lợi ích chung; công bình ngay thẳng; ôn hòa, mềm dịu; cố gắng dứt bỏ sự ác; không có Sân hận, hung dữ vô ích, không có lòng thù oán, hãm hại kẻ khác; có sự nhẫn nãi; không làm quá phạm vi luật lệ của quốc gia đã có, vì lòng bất bình Sân hận của mình (1). Như Ðức Phật đã chỉ ra, chính các bậc Vua chúa là người phải an lập mình vào chánh pháp (dhamma), hiếu đạo với cha mẹ và có lòng chánh trực, tránh những thói hư tật xấu và làm mẫu mực cho thần dân của mình. Ngài nói: "Nếu Vua là người được liệt vào hàng chánh trực nhất trong số những thần dân sống không chánh trực của mình. Thời có cần phải nói người khác không? Mọi người sẽ noi theo gương Vua. Nếu Vua sống không chánh trực thì cả nước sống trong thống khổ... nếu Vua sống ngay thẳng, mọi người sẽ tích cực noi gương Vua và cả nước sẽ sống trong hạnh phúc" (2).

Không bao giờ thỏa mãn với những vinh dự đã đạt được, bậc Vua chúa hay bậc cai trị được trông đợi phải sống nhân ái và biết chăm lo đời sống cho người dân: "giống như người cha nhân từ đối với con cái vậy" (3). Một ông Vua suốt ngày chìm đắm trong dục lạc, kiêu hãnh với vương quyền (Issariyamadamatta) đã không được mọi người ca tụng, mà còn bị khinh miệt. Ðể có được sự công bằng, thành thật và chánh trực đối với mọi người không thiên vị hay tư vị, bậc cai trị phải tránh bốn pháp cư xử sai lầm với mọi người hay còn gọi là bốn pháp tư vị. Ðó là tư vị vì thương (chandàgati), tư vị vì ghét (dosàgati), tư vị vì Si mê (mohàgati), và tư vị vì sợ (bhayàgati).

Về phương diện này, Asoka (A Dục) bậc vĩ nhân của Ấn Ðộ, người, do đời sống gương mẫu của mình, sau đó đã trở nên nổi danh là Dhammàsoka, hay Pháp A Dục, có thể được xem như một trong những nhà cai trị công minh, trí tuệ và nhân từ nhất của mọi thời đại. Ðiều này được chứng minh qua những chỉ dụ của người: “Tất cả mọi người đều là con của ta”.

“Ta mong cho con ta hưởng mọi sự giàu sang và hạnh phúc trong đời này và đời sau như thế nào thời ta mong cho mọi người đều được như vậy”.

“Ta sẽ đem lại sự an ủi đến cho thế gian này. Từ nơi ta thế gian này sẽ được hạnh phúc, không còn sầu lo”. (Chỉ Dụ I).

“Không có bổn phận nào cao quý hơn là thúc đẩy sự hạnh phúc của toàn thế gian”.

“Ta phải làm việc vì lợi ích của cả thế gian” (Chỉ Dụ II).

Chắc chắn có thể nói rằng Hoàng Đế A Dục, người đã theo lời khuyên của Ðức Phật thực hiện việc cai trị quốc gia đúng theo vương pháp, là một nhà cai trị mẫu mực và như H.G. wells đã viết: “Trong số hàng chục ngàn các bậc quân vương... chất đầy các cột lịch sử, tên tuổi của A Dục chói sáng, và chói sáng hầu như đơn độc, đó là một ngôi sao” (4).

Ðó là chuyện của 23 thế kỷ trước, từ đó đến nay mọi sự đã trở nên xấu đi và người ta ngày càng ít quan tâm đến hạnh phúc của đồng loại. Con người ngày nay không ngừng dùng bất cứ thủ đoạn nào để nắm lấy những gì họ đã khát khao mong mỏi ngay đến độ họ phải tước đi mạng sống của kẻ khác.

Trong thế giới văn minh này Chánh mạng (nghề nghiệp chân chánh) có thể là một trong những điều luật khó vâng giữ nhất. Có rất nhiều loại việc làm tác hại đến xã hội và không xứng với người Phật tử chân chánh. Chẳng hạn, có những kỹ nghệ chế tạo vũ khí phục vụ chiến tranh; buôn bán rượu; những nghề liên quan đến giết thú mổ thịt hoặc mổ xẻ các động vật sống để làm thí nghiệm; nghề làm báo chuyên viết các tin giật gân; nghề quảng cáo và chào hàng không trung thực; và việc mua bán có tính cắt cổ hoặc cho vay nặng lãi. Ðạo Phật không phải là một Tôn giáo hẹp hòi thiển cận. Ðạo Phật nhìn những khuyết điểm của con người với sự hiểu biết và cảm thông. Tuy nhiên, người Phật tử chân chánh không thể thọ trì một giới luật và làm ăn sinh sống bằng một giới luật khác, làm mất giá trị của giới luật ấy đi” (5).

Giới liên quan đến nuôi mạng chân chánh được Ðức Phật thiết lập là nhằm đem lại hạnh phúc thực sự cho từng cá nhân và xã hội, đồng thời để thúc đẩy tình đoàn kết và những mối quan hệ chính đáng giữa con người. Một lối sống tà vạy, không chân chánh kéo theo nó rất nhiều bất hạnh, chia rẽ và rối ren cho toàn xã hội. Khi một người hay một cộng đồng không khắc phục được tội ác bóc lột người khác, điều này đã gây trở ngại cho sự an lành và hòa hợp của xã hội. Chính lòng ích kỷ và tham lam đã thúc giục người ta chọn lối sống tà vạy và phi pháp. Những người như vậy hoàn toàn lãnh đảm hay dửng dưng trước những mất mát và đau khổ mà họ đã gây ra cho đồng bào của họ và cho xã hội. Do vậy, Ðức Phật nói:

"Không vì mình, vì người

Làm điều gì sai trái

Ðừng mong cầu con cái

Tài sản hay quốc độ,

Chẳng mong được thành công

Bằng phương tiện bất chánh

Người ấy thật đức hạnh

Có trí tuệ, chân chánh" (6).

Ðức Phật không phải không biết đến những gánh nặng mà người tại gia sống với vợ và con cái phải cưu mang, chính vì vậy Ngài không trông đợi nơi họ những giới luật y như Ngài đã trông đợi ở một vị xuất gia. Nhưng Ngài nhấn mạnh rằng người tại gia cư sĩ phải cố gắng gìn giữ ít nhất là Ngũ giới, chuẩn mực đạo đức tối thiểu của một người bình thường, và rằng họ phải cố gắng sinh sống bằng những nghề nghiệp chân chánh, bằng chánh hạnh (Dhamma cariyà), và nuôi nấng vợ con cũng bằng cách ấy. Nuôi mạng bằng những phương tiện bất công và không chân chánh là thế nào - sát sanh, trộm cắp, lừa đảo và bằng những việc làm bất lương khác, không thể đựơc xem là sinh sống chân chánh. Về mặt luân lý đó là lối sống phi pháp (Adhamma cariyà), một lối sống không bình thường, một lối sống bất chánh (Visamma cariyà).

Ðức Phật không xem thường hàng tại gia, mà Ngài cảm thông với những khiếm khuyết và hạn chế của họ. Suy cho cùng thì xã hội không phải chỉ gồm những bậc Sa môn và ẩn sĩ từ bỏ gia đình sống không gia đình, mà xã hội còn có cả hàng thế tục mà họ được coi là một lực lượng đông đảo của xã hội, về cơ bản mà nói thì đó là một sự tập hợp của các nhân tố xã hội, vì thế sự thịnh vượng hay suy thóai của xã hội tùy thuộc vào các cá nhân. Nếu các cá nhân là những người tốt và sống một cuộc sống đúng đắn, đương nhiên xã hội ấy không thể là xấu được.

Một số bài kinh như Sigàla Sutta (7) (kinh Giáo Thọ Thi Ca La Việt) có thể gọi một cách chính xác là giới luật của người tại gia (gihi vinaya), Vyagghapajja Sutta (8)... là những bài kinh do Ðức Phật thuyết đặc biệt cho hàng tại gia đã cho thấy rõ sự quan tâm của bậc Ðạo Sư đối với cả hai phương diện hạnh phúc vật chất và phát triển tinh thần của hàng tục gia đệ tử của Ngài. Trong bài kinh giáo hóa thanh niên Sigàla, bằng ngôn ngữ giản dị, Ðức Phật đã giải thích những phận sự cần phải chu toàn của một người tại gia cư sĩ đối với tất cả những người mà họ có quan hệ: Những phận sự hỗ tương giữa các bậc cha mẹ và con cái, giữa thầy và trò, giữa vợ và chồng, giữa bạn bè và thân quyến, giữa chủ và tớ, và phận sự đối với Tôn giáo, nghĩa là đối với các Sa môn và Bà la môn. Bằng cách này Ðức Phật đã khuyến khích người tại gia cư sĩ sống một cuộc sống chân chánh, hoàn thành mọi phận sự của mình một cách tốt đẹp bằng hết khả năng của mình và điều quan trọng là không bỏ sót việc gì không làm.

Bà C.A.F. Rhys Davids, khi bình luận về kinh Sigala này có nói:

"Giáo lý của Ðức Phật về tình thương và thiện chí ở đây được giới thiệu trên nền tảng luân lý gia đình và xã hội với chi tiết dễ hiểu hơn ở các bài kinh khác... và thực sự chúng ta có thể nói rằng ngay cả ngày nay những giới luật này vẫn chứa đựng những lợi ích cơ bản nhất của con người, trí tuệ vạch ra những điều này quả là sáng suốt và sâu rộng, rằng việc trình bày ở không gian và thời gian này vẫn mới mẻ và thực tiễn như nó đã từng tại Ràjagaha lúc bấy giờ. Hạnh phúc thay những xóm làng và bộ tộc hai bên bờ sông Hằng (Ganges), nơi đây con người sống ngập tràn tinh thần nhân ái của sự thông hiểu lẫn nhau, ngập tràn tinh thần cao thượng của vị công bằng mà họ hít thở qua những lời dạy chất phác và giản dị này". Ắt hẳn sẽ hạnh phúc không kém đối với các ngôi làng hay dòng họ ở hai bên bờ sông Thames (một con sông của nước Anh, nơi bà Rhys Davids sinh sống) ngày nay, nếu như những lời dạy mộc mạc và bình dị này có thể được trình bày" (9).

Như chúng ta đã biết, sau khi thành tựu sự Giác ngộ viên mãn Ðức Phật không phải lúc nào cũng giam mình trong tịnh thất, mà Ngài dong duỗi hết thị trấn này đến thị trấn khác, hết làng mạc này đến làng mạc khác qua những con đường lớn nhở của Ấn Ðộ. Ngài lưu tâm đến tầng lớp bình dân hơn tầng lớp thượng lưu dân quý tộc. Các bậc Vua chúa và hoàng gia tìm đến Ngài để xin lời chỉ dạy và hướng dẫn, nhưng bậc Ðạo sư đích thân đi đến những người nghèo khổ, thấp hèn và đau khổ để giúp họ. Ngài hiểu mọi người, từ những tầng lớp thấp thỏi nhất của xã hội đến tầng lớp cao quí nhất và Ngài cũng ý thức rất rõ điều kiện kinh tế, chính trị và xã hội của Ấn Ðộ lúc bấy giờ. Nhờ hiểu biết mọi việc như vậy nên Ngài không giới hạn những bài giảng và thảo luận của Ngài, vào những vấn đề triết lý và tâm lý cao siêu. Là một bậc Thầy thực tiễn với lòng từ và trí tuệ vô biên, Ngài lưu tâm đến những phúc lợi xã hội và điều kiện kinh tế của số đông, và luôn luôn mong ước, bằng lời khuyên của Ngài sẽ làm vơi đi nỗi thống khổ của con người, cũng như thấy rằng họ sống không quá mức bất hạnh. Thực sự mà nói thì hạnh phúc phải phát xuất từ một cuộc sống thanh tịnh và an lạc; nhưng điều hiển nhiên là nếu không có một mức độ ổn định nào đó về mặt vật chất và kinh tế thì tiến bộ đạo đức và tinh thần cũng khó có thể ổn định.

Ðối với một người tu sĩ, bốn món vật dụng thiết yếu (Catupaccaya) giúp họ tiến bước trên con đường thanh tịnh và Giải thoát. Ðó là y áo, thực phẩm, thuốc men và sàng toạ. Ðây chỉ là những nhu yếu mà không có nó thì không ai có thể sống được. Về cơ bản đó cũng là những nhu cầu cần thiết của người tại gia.

Chính thói quen của Ðức Phật là hỏi các vị Tỳ kheo mỗi khi gặp họ: "Các con có được an lành không, các con sống có an vui không? Như Lai tin rằng các con sống được an vui, các con sống không đến nỗi thiếu thốn vật thực" (10). Có một câu chuyện cảm động kể về một người mục đồng nọ đang đi tìm con bò thất lạc, lỡ bữa ăn trưa. Trên đường trở về, vừa đói vừa mệt, anh ta đi đến chỗ Ðức Phật để nghe Ngài giảng pháp. Tuy nhiên, Ðức Thế Tôn biết rằng người mục đồng này đã không ăn gì suốt cả ngày nay, Ngài bèn hỏi thăm mọi người xem trước hết có gì cho anh ta ăn không đã. Ðức Phật biết là thuyết pháp cho bất luận người nào mà trước tiên không thỏa mãn cơn đói của họ là việc làm vô ích. Nhân dịp đó Ðức Phật nói lên bài kệ này:

"Ðói bụng bịnh trầm kha,

Các uẩn khổ vô cùng

Biết đúng sự thật này

Niết bàn lạc tối thượng" (11).

Mặc dù Ðức Phật không xem tiến bộ vật chất trong ý nghĩa văn minh hiện đại cũng như hạnh phúc thế gian là điều quan trọng, nhưng không phải là Ngài hoàn toàn bỏ qua việc ấy, bởi vì đó là căn bản cho tiến bộ tâm linh hay tinh thần của con người như đã nói rõ ở trên. Vì thế có thể nói Ðức Phật rất là thẳng thắn khi đề cập đến những phương diện có liên quan tới điều kiện vật chất và an lạc xã hội.

Một thực tế mà cũng phải nhìn nhận rằng đói nghèo là nguyên nhân chính của tội ác. Nếu người ta bị tước đoạt mất bốn món vật dụng kể trên, hoặc nếu bốn món thiết yếu này, đặc biệt là thực phẩm trở nên khan hiếm, tâm con người sẽ bất an. Họ không thể và chắc chắn là không còn nghĩ gì đến giới hạnh, hoặc là quan tâm đến nếp sống chân chánh. Tùy cơ ứng biến và thế là họ nghiêng về lối sống bất chánh để được sống còn. Do thiếu ổn định về kinh tế, và do thiếu thốn tiền bạc mà con người bị dẫn đến chỗ trộm cắp và phạm vào những tội ác khác. Kinh Kàtadanta (12) nói rõ cách làm thế nào để phát triển các điều kiện kinh tế và xã hội của một xứ sở, theo đó người nông gia và thương gia cần phải được chu cấp những phương tiện cần thiết để thực hiện việc canh tác và buôn bán của họ, và rằng mọi người phải được trả lương đầy đủ. Khi họ đã có đủ ăn đủ mặc và cuộc sống kinh tế ổn định như vậy, tội phạm sẽ giảm và an vui, hòa hợp sẽ tăng trưởng.

Trong một bài kinh khác Ðức Phật giải thích cho Cấp Cô Ðộc (Anàthapindika), người sáng lập Kỳ Viên Tịnh xá (Jetavana), bốn loại lạc mà người tại gia có thể thọ hưởng. Thứ nhất là lạc sở hữu hay sự ổn định kinh tế, nhờ đó người ấy có phương tiện đầy đủ (atthi sukha), thủ đắc đúng pháp do chính những nỗ lực của mình, không dùng đến năm nghề bất chánh kể trên; thứ hai là lạc về tài sản (bhoga sukha) hay hạnh phúc thành tựu do biết tiêu dùng sáng suốt những tài sản hợp pháp đó; thứ ba là lạc không bị mắc nợ (anana sukha), là sự hoan hỉ và thỏa thích phát sanh với ý nghĩ: "Ta không mắc nợ ai điều gì cả", thứ tư là lạc không phạm tội (anavajja sukha), là sự thỏa mãn phát sanh từ ý nghĩ: "Ta thành tựu các hành vi không lỗi về thân, về lời và ý" (13).

Tất cả những gì được thảo luận ở đây cũng như trong các bài pháp trích dẫn đủ để cho thấy rằng người tại gia cư sĩ, như một thành phần của xã hội, phải có bổn phận siêng năng làm việc để sinh sống và củng cố địa vị kinh tế và xã hội của mình, nếu không họ sẽ trở thành gánh nặng cho chính bản thân họ và cho xã hội, nhưng đồng thời họ cũng phải tránh những cách sanh nhai bất chánh, tà vạy và nhất là không đi lệch ra ngoài con đường chánh trực,

Những lời chỉ dẫn và khuyên bảo của Ðức Phật về Chánh mạng nhằm vào cả hai giới tại gia và xuất gia. Ngài rõ ràng đã giải thích cho hàng đệ tử của mình thấy rằng đời sống của người tu sĩ phải tuyệt đối trong sạch và không lầm lỗi. Bậc Ðạo sư thật sự rất chú trọng đến vấn đề này, vì Ngài nói:

"Này các Tỳ kheo, những vị Tỳ kheo nào lừa dối, cứng đầu, lắm mồm, lắm miệng, hoang dâm, hỗn hào, không có định tĩnh, những vị Tỳ kheo ấy không phải là đệ tử của Ta. Những Tỳ kheo ấy đã rơi khỏi Pháp- Luật này, họ không thể phát triển, tăng trưởng và tăng thịnh trong Pháp- Luật này" (14).

Bậc Ðạo sư nói thêm: "Này các Tỳ kheo, phạm hạnh (Brahmacariyam) được sống không phải để lừa dối mọi người, không phải để mưu đồ, không vì lợi lạc vật chất, cũng không phải vì mục đích danh vọng. Ðời phạm hạnh này được sống không phải để lý luận, tạp thoại, không phải với ý định: "mong rằng mọi người sẽ biết ta như thế này, như thế nọ...”Mà này các Tỳ kheo, phạm hạnh này được sống vì mục đích tiết chế, vì mục đích từ bỏ, vì mục đích xả ly, vì mục đích đoạn diệt" (15).

Như bài kinh "Xuất gia" (16) đã chỉ rõ, chính Ðức Phật đã nêu tấm gương cho hàng đệ tử khi Ngài nói:

"Bỏ nhà ta xuất gia

Từ bỏ mọi lời ác

Và những thân hành ác

Chánh mạng ta thanh tịnh".

Trong trường hợp một người xuất gia, vấn đề tránh năm loại nghề bất chánh không được nêu ra, vì người xuất gia chắc chắn không dính mắc vào những công việc, vị ấy cũng không có trách nhiệm chăm lo đời sống gia đình. Người xuất gia đã từ bỏ gia đình và chấp nhận lối sống thiểu dục, tri túc (ít muốn, biết đủ) như Ðức Phật nói; chính bổn phận của người tại gia cư sĩ có niềm tin là hộ trì cho chư Tăng bốn món vật dụng: Y áo, thực phẩm, sàng toà và thuốc men (17).

Vị Tỳ kheo, như một người đã bước vào đời phạm hạnh, phải tránh tất cả những phưong tiện sinh sống tà vạy, vì nếu vị ấy không minh bạch và trong sạch trong lối sống thì khó có thể đi theo con đường thanh tịnh dù chỉ với chút tín tâm và lòng hoan hỉ. Chính vì vậy Ðức Phật nói:

"Ðường này đến thế gian,

Ðường kia đến Niết bàn

Tỳ kheo đệ tử Phật,

Phải ý thức rõ ràng

Ðừng đắm say thế lợi

Hãy tu hạnh ly tham" (18).

Với chương này chúng ta khép lại phần thảo luận về nhóm giới của Bát Chánh Ðạo. Trong hai chương trước chúng ta đã đề cập đến Chánh ngữ, Chánh nghiệp và cùng với Chánh mạng này tạo thành Giới hay luân lý của đạo Phật. Sự kiện này một lần nữa được làm sáng tỏ trong lời tuyên bố cô đọng của Ðức Phật ở bài kinh số 78 của Majjhimà Nikàya (Trung Bộ Kinh):

"Này gia chủ, thế nào là các thiện giới (Kusasìlam)? Thân nghiệp thiện, khẩu nghiệp thiện, và Chánh mạng hoàn toàn thanh tịnh Như Lai tuyên bố là gồm trong các thiện giới. Những điều này được gọi là thiện giới, vậy cái gì là sự sanh khởi của những thiện giới này?.. thiện giới được sanh khởi trong tâm (ý: citta)... tâm nào? Vì có rất nhiều tâm khác nhau. Tâm nào không tham, không sân, và không si. Các thiện giới phát sanh từ tâm ấy...”

Lời nói và hành động đều do ý thể hiện. Trong Phật giáo cả hai động cơ và kết quả cần phải được cân nhắc. Cho dù động cơ có thể là tốt, nhưng nếu kết quả xảy ra sẽ không lành mạnh, chúng ta cũng nên tránh những lời nói và hành động sai lầm ấy.

* Chú thích

(1) Thập vương pháp theo Pàli: Dàna, Sìla, Pariccàga, Ajjava, Maddava, Tapa, Akodha, Avihimsà, Khanti, Avirodhana.

(2) A.II. 74.

(3) D.II. 178.

(4) The Outline of History (Cassel and Co., London, 1934) trang 402.

(5) Mind Unshaken, Johnwalters (Rider and company, 1961).

(6) Dhp. 84.

(7) D.II. 31.

(8) A.II.

(9) T.W. Rhys Davids, Buddism (London, 1907). Trang 148.

(10) M. 31. A.I. 70.

(11) Dhp. 203.

(12) D.5.

(13) A.II. 69.

(14) A.II. 26.

(15) A.II. 26.

(16) Pabbajjà - sutta, sn. V. 407.

(17) A.II. 65.

(18) Dhp. 75.

CHƯƠNGXI: CHÁNH TINH TẤN (SAMMÀ- VÀYÀMA)

Con người trong thời đại văn minh ngày nay bị vướng vào những hoạt động xô bồ và căng thẳng hơn con người ngày xưa rất nhiều. Những biểu lộ, lời nói và cung cách của họ hiếm khi tỏ ra định tĩnh và thư thái. Nếu có dịp đứng ở một góc phố nhộn nhịp nào đó và quan sát tỉ mỉ những khuôn mặt người đang vội vã qua lại, bạn sẽ nhận ra rằng nhiều người trong họ rất bất an. Họ đem theo họ cả một bầu không khí căng thẳng, chứng tỏ tâm lý đã bị xáo trộn và không thanh thản. Có lầm lẫn chăng khi nói rằng sự vội vã và căng thẳng này chủ yếu là do nếp sống văn minh hiện đại mà ra? Khi thế giới bên ngoài bề bộn như vậy, “thế giới bên trong” của con người cũng có khuynh hướng bất ổn. Vì vậy mà sự thanh thản và an lạc nội tâm của họ cũng bị đánh mất. Thay vì tìm hạnh phúc trong chính mình, họ dường như muốn đi tìm nó ở đâu phía ngoài họ, song hạnh phúc đâu lệ thuộc vào thế giới bên ngoài, hạnh phúc đâu có ở nền văn minh hiện đại. Hơn nữa, lịch sử đã từng chứng minh và sẽ tiếp tục chứng minh rằng chẳng có gì trên thế gian này là bền vững. Các quốc gia và những nền văn minh khai sanh, thăng hoa rồi tàn lụn, và cứ thế dòng thời gian ghi lại những hoạt cảnh lịch sử đã trôi qua, những ảo tưởng vô căn cứ và dòng lịch sử nhân loại đang tàn phai dần. Con người đã đưa thế giới bên ngoài vào sự thống trị của họ, trong khi khoa học kỹ thuật dường như hứa hẹn rằng họ có thể biến thế gian này thành một thiên đường hạ giới. Thế nhưng, con người vẫn chưa thể nào kiểm soát được tâm mình, so với tất cả sự tiến bộ khoa học của mình thì con người cũng chẳng khá hơn.

Con người được sinh ra với những thôi thúc mà chính những thôi thúc này đã khiến họ đi lệch khỏi con đường an lạc và đạo đức, nền văn minh hiện đại đã kích thích những thôi thúc này làm cho nó trỗi dậy mạnh mẽ hơn. Như Ðức Phật nói: "Tất cả đang bị thiêu đốt, tất cả đang bốc cháy. Và thế nào là “tất cả” đang bị thiêu đốt, đang bốc cháy? Mắt đang bốc cháy. Các sắc đang bốc cháy. Nhãn thức đang bốc cháy, nhãn xúc đang bốc cháy. Thọ lạc, thọ khổ hoặc thọ bất lạc bất khổ khởi sanh do nhãn xúc làm duyên cũng đang bốc cháy.

Tất cả đang bốc cháy với cái gì? Chúng đang bốc cháy với lửa tham, lửa sân, lửa si. Chúng đang bốc cháy với sanh, già, chết, với sầu, bi, khổ, ưu, não".

Tương tự như vậy:

“Tai đang bốc cháy. Các tiếng đang bốc cháy...”

“Mùi đang bốc cháy...”

“Lưỡi đang bốc cháy...”

“Thân đang bốc cháy...”

“Tâm đang bốc cháy... các pháp đang bốc cháy”.

“Ý thức đang bốc cháy, ý xúc đang bốc cháy. Thọ đang bốc cháy”.

"Thấy như vậy, bậc trí trở nên nhàm chán đối với mắt, các sắc, nhãn thức, nhãn xúc và thọ... trở nên nhàm chán với tai... mũi... lưỡi... thân... và tâm, trở nên nhàm chán đối với các pháp, ý thức, ý xúc và thọ... do nhàm chán nên tham lắng dịu dần. Với sự lặng dần của tham, tâm vị ấy được Giải thoát. Khi tâm vị ấy được Giải thoát, khởi lên tri kiến biết rằng ta đã được Giải thoát...” (1)

Một ngọn lửa tiếp tục bốc cháy bao lâu còn nhiên liệu, chúng ta càng thêm nhiên liệu vào thì ngọn lửa càng bốc cháy lâu hơn. Ðối với ngọn lửa sanh mạng này cũng vậy, nếu chúng ta tiếp tục nuôi dưỡng các giác quan (căn) của mình để thỏa mãn sự thèm khát của nó. Thực sự mà nói thì các giác quan của chúng ta rất cần thức ăn, rằng không nên để chúng chết đói, nhưng điều quan trọng là phải cho chúng ăn những thức ăn thích hợp để làm giảm tham ái của mỗi giác quan, trừ phi điều này được làm, bằng không sẽ khó mà kiểm soát được những xung đột, sẽ không thể nào có sự nhu thuận và an lạc của tâm. Nếu chúng ta muốn tiến bộ tâm linh, chúng ta phải thực hiện những nỗ lực cần thiết để canh phòng những Tư duy của chúng ta, vì những ác Tư duy luôn luôn sẵn sàng lẻn vào và khống chế con người biếng nhác. Như Pháp Cú có nói:

"Người sống chỉ nghĩ đến dục lạc ngũ trần, không chế ngự các căn (giác quan) ăn uống không tiết độ, lười biếng và trì trệ, người ấy sẽ bị ma vương (2) khuất phục, như cây mềm yếu trước ngọn gió vậy" (3).

Việc kiểm soát các Tư duy và giác quan không phải là điều dễ làm. Thật khó mà dứt tâm ra khỏi những Tư duy bất thiện, chặn đứng những khuynh hướng ác và kiềm chế những thôi thúc, nhưng chúng ta phải làm được điều khó làm này, nếu chúng ta muốn giảm bớt sự căng thẳng và bất an lúc nào cũng đang sẵn sàng làm suy yếu tâm trí, cho đến khi cả con người và tâm đều bị huỷ diệt.

Giống như con rùa mỗi khi nhận thấy có sự nguy hiểm liền lập tức rút hết chân tay vào, bậc hiền trí cũng phải như vậy, cố gắng canh phòng và kiểm soát các cửa của giác quan (căn môn) và nguồn khát khao dục vọng của mình.

Thế nhưng người ta phải kiểm soát các giác quan của mình như thế nào? Có phải bằng cách nhắm mắt, bịt tai, hay bằng cách không nhận thức các trần cảnh không? Chắc chắn không phải như vậy. Có một lần Ðức Phật nói với thanh niên Bà la môn Uttara, một đệ tử của Pàràsariya:

Này Uttara, Bà la môn Pàràsariya có dạy đệ tử kiểm soát các căn (giác quan) (4) không?

Thưa hiền giả Cồ Ðàm, Bà la môn Pàràsariya có dạy đệ tử kiểm soát các căn.

Nhưng! này Uttara, Bà la môn Pàràsariya dạy để tử kiểm soát các căn như thế nào?

Về điều này, thưa hiền giả Cồ Ðàm, Bà la môn Pàràsariya dạy: Ta không nên thấy sắc với mắt, nghe tiếng với tai. Hiền giả Cồ Ðàm, đó là những điều Bà la môn Pàràsariya dạy đệ tử kiểm soát các căn của mình.

Nếu nói như vậy, này Uttara thời những người mù và người điếc hẳn đã kiểm soát được các căn của họ, vì đối với người mù, này Uttara, không thấy sắc với mắt, và một người điếc không nghe được tiếng với tai của họ vậy.

Thanh niên Bà la môn Uttara nín thinh. Bậc Ðạo Sư biết đều này và nói với Tôn giả Ànanda:

"Này Ànanda, Bà la môn Pàràsariya dạy kiểm soát các căn một cách khác. Tuy nhiên, trong Luật của bậc Thánh (ariya), này Ànanda, việc kiểm soát các căn vô song (được dạy) một cách khác".

“Này Ànanda thế nào là kiểm soát các căn vô song? Ở đây đối với vị Tỳ kheo khi thấy sắc với mắt, khởi lên cảm giác thích và không thích; vừa thích, vừa không thích. Vị ấy biết như vầy: "Trong ta đã khởi lên cảm giác thích và không thích, hoặc vừa thích vừa không thích. Các cảm giác ưa thích hoặc không ưa thích đó cũng là hữu vi thô và tùy thuộc Nhân quả. Nhưng bất cứ những gì an tịnh và thù thắng cái đó là xả". Nhờ vậy các cảm giác ưa, ghét, vừa ưa, vừa ghét đã khởi lên trong vị ấy được trừ diệt chỉ còn lại xả. Ví như một người mở mắt liền nhắm mắt lại, hoặc đã nhắm mắt liền mở ra, cũng vậy, với cùng tốc độ nhanh chóng và sự dễ dàng như vậy các cảm giác ưa hoặc vừa ưa vừa ghét sẽ biến mất khỏi vị ấy và chỉ còn lại xả”.

"Nghe một tiếng với tai...

Ngửi một hương với mũi...

Nếm một vị với lưỡi...

Nhận thức một pháp với ý liền khởi lên (trong vị ấy) cảm giác ưa và ghét và vừa ưa vừa ghét... (như trên)... và chỉ còn lại xả" (5).

Tham ái là tâm lực tàn phá mạnh mẽ nhất. Tham đắm thái quá luôn luôn bị thúc đẩy bởi Si mê. Chính tham ái hay khát ái của những chúng sanh mù quáng này đã gây ra hận thù và tất cả những khổ đau khác. Không phải các loại vũ khí nguyên tử mà chính tham, sân, si mới là thủ phạm huỷ diệt con người mạnh nhất. Bom đạn và vũ khí được tạo ra bởi lòng tham của con người nhằm mục đích chinh phục và sở hữu, do lòng Sân hận của họ mà đưa đến sát hại, do Si mê của họ mà dẫn đến vừa chinh phục vừa huỷ diệt. Lòng khao khát danh vọng, quyền lực và thống trị này đã mang lại những nỗi thống khổ không lường được cho nhân loại. Nếu con người không thực hiện những nỗ lực để ngăn chặn lòng khao khát luôn luôn sẵn sàng ngự trị trong tâm họ này, họ sẽ trở thành một tên nô lệ cho tâm, lúc ấy họ không còn giá trị gì hơn loài cầm thú, vì cả hai đều ăn, ngủ nghỉ và thỏa mãn những khát khao nhục dục của chúng. Tuy nhiên con vật không thể phát triển được về mặt tinh thần, mà con người thì ngược lại. Con người có những phẩm chất tiềm tàng có thể được phát triển, có thể nâng lên mức ý thức và sử dụng vì phúc lợi của bản thân và tha nhân. Nếu một người thiếu đi đức tính thẩm xét tâm mình, thiếu sự phát triển những Tư duy thiện và loại trừ những Tư duy bất thiện này, cuộc sống của họ đã thiếu đi lực đẩy và nguồn cảm hứng. Chính vì vậy lời khuyên muôn thuở của Ðức Phật cho hàng đệ tử của Ngài là hãy Tinh tấn, Chánh niệm và Tỉnh giác chế ngự các Tư duy ác và tu tập các Tư duy trong sáng lành mạnh.

"Hãy đứng dậy, ngồi dậy!

Hãy kiên trì tu tập

Ðạt an tịnh nội tâm" (6).

"Này các Tỳ kheo, Pháp và Luật này là để cho người Tinh tấn, nhiệt tâm và kiên định mục đích, không phải cho người giải đãi, lười biếng" (7).

"Dầu chỉ còn da và xương; dầu cho thịt và máu trên thân có khô héo; nhưng sẽ không ngừng nỗ lực cho đến khi thành tựu những gì chưa thành tựu bằng sức mạnh, nghị lực và Tinh tấn của đấng nam nhi" (8).

Ðức Phật đã khích lệ hàng đệ tử phải tu tập như vậy. Những vần kệ của Trưởng lão Abhibhù, sau đó đã được Ðức Phật tán thành, tiếp thêm sức mạnh và sự khích lệ lớn lao cho những ai đang phấn đấu.

"Hãy vươn lên Tinh tấn,

Chăm chỉ trong giáo pháp,

Quét sạch đạo binh ma (cái dục),

Như voi phá chòi tranh".

"Ai trong Pháp Luật này

Sống thận trọng, Chánh niệm

Sanh tử lộ đoạn tận

Chấm dứt mọi khổ đau" (9).

Tinh tấn (Vàyàma) trong Phật giáo hàm ý sức mạnh tinh thần hay nghị lực chứ không phải sức mạnh của thể xác. Sức mạnh thể xác trội hơn ở loài vật trong khi nghị lực tinh thần chỉ có ở con người, dĩ nhiên là những người có thể khơi dậy và phát triển yếu tố tinh thần này để chặn đứng những Tư duy ác và trau dồi những Tư duy trong sáng, hiền thiện. Người đệ tử Phật không bao giờ từ bỏ hy vọng hay ngừng Tinh tấn, vì bản thân Ðức Phật khi còn là Bồ tát cũng không bao giờ ngừng phấn đấu một cách dũng cảm. Ngài chính là hình ảnh của một con người đầy nghị lực (vìra). Là một người có khát vọng tầm cầu Phật Quả, Ngài được khích lệ bởi những lời nhắn nhủ của các bậc tiền nhân: "Hãy tự mình nỗ lực đừng chùn bước! Hãy tiến tới" (10). Và Ngài đã không tiếc một nỗ lực nào trong cố gắng của mình để đạt đến sự Giác ngộ cuối cùng. Với sự kiên trì dũng mạnh Ngài tiến đến mục tiêu của mình - Giác ngộ, bất chấp cả mạng sống.

"Thật đáng hổ thẹn thay kiếp làm người!

Ta thà chịu chết trong cuộc chiến này

Hơn là phải sống với thảm bại đau thương" (11).

(Cuộc chiến chống chọi với dục vọng).

Chánh tinh tấn của bậc Ðạo sư đã lên đến đỉnh cao của nó khi Ngài quyết chí ngồi dưới cội Bồ đề lắng sâu trong thiền định để rồi kết thúc với sự Giác ngộ Viên mãn (Toàn giác). Kể từ giây phút đó, như cuộc đời Ngài đã tỏ rõ, Ngài không hề bị khuất phục trước sự mệt mỏi về tinh thần nào. Có thể nói từ khi thành đạo cho đến lúc nhập diệt, Ðức Phật đã nỗ lực không ngừng để thăng hoa nhân loại, bất kể thân xác mệt mỏi, và hiển nhiên cả những chướng ngại, cùng những bất lợi trên con đường hằng hóa của Ngài. Mặc dù về thể xác, không phải lúc nào Ngài cũng được khỏe, nhưng về tinh thần thì Ngài luôn luôn tỉnh táo và mạnh mẽ. Bằng thân giáo và ngôn giáo Ðức Phật đã dạy cho đời một lối sống tích cực.

Những điều vừa đề cập ở trên đã nói lên những nét nổi bật của Ðức Phật và hàng đệ tử của Ngài. Ðức Phật luôn luôn nhấn mạnh đến chi phần thứ sáu của Bát Chánh Ðạo, Chánh tinh tấn, bởi vì việc cứu độ chúng sanh không nằm trong khả năng của Ngài. Ðức Phật không phải là đấng cứu thế và đưa ra những lời bảo đảm rằng Ngài sẽ cứu độ mọi người thoát khỏi những trói buộc của vòng sanh tử luân hồi (Samsàra), nhưng Ngài luôn sẵn sàng hướng dẫn họ trên con đường hướng thượng, khích lệ và hỗ trợ họ về mặt tinh thần. Ý tưởng cho rằng một người có thể nâng người khác từ thấp lên cao và Giải thoát tối hậu cho họ có khuynh hướng làm cho con người trở nên yếu hèn, nhu nhược và ngu xuẩn. Nó làm cho họ thóai hóa và dập tắt mọi phẩm chất đạo đức của họ.

Việc Ðức Phật nhấn mạnh đến Chánh tinh tấn bằng ngôn ngữ giản dị dễ hiểu này cho thấy rằng đạo Phật không phải là một thứ Giáo lý của chủ nghĩa bi quan, một Giáo lý dành cho những tâm hồn yếu đuối bạc nhược nhìn mọi việc trên thế gian này từ quan điểm vô vọng nhất, mà đạo Phật chính là Tôn giáo của những người chiến sĩ chơn chánh.

Chánh tinh tấn như đã được Ðức Phật nói, là một khí cụ nhằm loại trừ những Tư duy ác, bất thiện và thúc đẩy cũng như duy trì những Tư duy trong sáng, lành mạnh.

Ví như người làm vườn nhổ sạch cỏ trước khi gieo hạt, hành giả (người hành thiền) cũng phải cố gắng loại trừ những loài cỏ dại ra khỏi khu vườn tâm của mình. Nếu người ấy không chịu làm cỏ thì chắc chắn chẳng có thứ gì giá trị có thể gieo trồng thành công trong khu vườn đó cả. Sau đó, người ấy còn phải bón phân, tưới nước và bảo vệ nó khỏi sự phá hoại của chim chóc và thú vật. Cũng vậy, người hành thiền phải canh chừng khu vườn tâm của mình và nuôi dưỡng nó một cách thích hợp.

Nhiệm vụ của Chánh tinh tấn có bốn là: Tinh tấn ngăn ngừa (Samvara), Tinh tấn đoạn trừ (Pahàna), Tinh tấn tu tập (Bhavàna) và Tinh tấn duy trì (Anurakkhana).

Thế nào là Tinh tấn ngăn ngừa?

“Ở đây, vị Tỳ kheo vì mục đích khiến cho các ác bất thiện pháp từ trước chưa sanh không cho sanh khởi, khởi lên ý muốn cố gắng, phát triển nghị lực và củng cố tâm mình (để đạt được mục đích này)”.

“Ở đây, vị Tỳ kheo thấy một sắc, nghe một tiếng, ngửi một mùi, nếm một vị, xúc chạm một vật hay nhận thức một pháp trần, không nắm giữ tướng chung, không nắm bắt tướng riêng (đó là vị ấy không bị tác động bởi những nét chung hay bởi những chi tiết của chúng). Những nguyên nhân gì, vì nhãn căn không được ngăn ngừa, khiến tham ái, ưu bi và các ác bất thiện pháp khởi lên, vị ấy tự mình áp dụng sự chế ngự như vậy, vị ấy phòng hộ các căn, chế ngự các căn. Ðây gọi là “Tinh tấn ngăn ngừa”.

Thế nào là Tinh tấn đoạn trừ?

“Ở đây, vị Tỳ kheo vì mục đích đoạn trừ các ác bất thiện pháp đã sanh khởi lên ý muốn cố gắng phát triển nghị lực và củng cố tâm mình (để đạt được mục đích này)”.

“Ở đây, vị Tỳ kheo không chấp nhận những Tư duy Tham dục đã khởi sanh, mà từ bỏ, đoạn trừ và khước từ những Tham dục ấy, chấm dứt nó và khiến cho nó không còn hiện hữu. Ðối với các Tư duy Sân hận và não hại đã khởi lên cũng vậy. Ðây gọi là Tinh tấn đoạn trừ”.

Thế nào là Tinh tấn tu tập?

“Ở đây, vị Tỳ kheo vì mục đích tạo ra và phát triển những Tư duy thiện chưa sanh khởi lên ước muốn cố gắng phát triển nghị lực và củng cố tâm mình (để đạt được mục đích này)”.

“Ở đây, vị Tỳ kheo tu tập các chi phần Giác ngộ (Thất Giác chi) y cứ viễn ly, y cứ ly tham, y cứ đoạn diệt đưa đến Giải thoát, đó là: Niệm giác chi, Trạch pháp giác chi, Tinh tấn giác chi, Hỷ giác chi, Khinh an giác chi, Định giác chi và Xả giác chi. Ðây gọi là Tinh tấn tu tập”.

Thế nào là Tinh tấn hộ trì?

“Ở đây, vị Tỳ kheo với mục đích khiến cho các thiện pháp đã sanh có thể duy trì, không có mù mờ, được quảng đại, được tu tập, được viên mãn, khởi lên ý muốn cố gắng phát triển nghị lực và củng cố tâm mình (để đạt được mục đích ấy)”.

“Ở đây, vị Tỳ kheo duy trì một đề mục (thiền định) thuận lợi nào đó... đây gọi là Tinh tấn hộ trì”.

Này các Tỳ kheo, như vậy là bốn pháp Tinh tấn.

"Ngăn ngừa, đoạn tận, tu tập và hộ trì

Là bốn Tinh tấn mà bậc Ðạo sư,

Bà con của mặt trời đã tuyên bố

Ở đây, vị Tỳ kheo với Tinh tấn nỗ lực

Sẽ đạt đến mục đích đoạn tận khổ đau" (12).

Những Tư duy bất thiện đề cập ở đây là ba nhân căn để của mọi điều ác, đó là Tư duy Tham dục, Tư duy Sân hận và Tư duy Si mê. Tất cả các dục khác đều gồm trong ba nhân căn để này, trong khi các Tư duy thiện là những gì đối nghịch lại với chúng.

Mục đích duy nhất của bốn pháp Tinh tấn này là để thành tựu thiền định. Chánh tinh tấn là những điều kiện cần thiết cho sự định tâm. Như chúng ta đã thấy ở trên, Chánh tinh tấn được kể trong nhóm định (Samàdhi). Như vậy Chánh tinh tấn tương quan, tương duyên lẫn nhau. Nó vận hành đồng thời với hai chi phần khác của nhóm, đó là Chánh niệm và Chánh định. Không có Chánh tinh tấn thực khó có thể vượt qua được các Triền cái ngăn che tiến bộ tâm linh. Chánh tinh tấn loại bỏ các Tư duy ác và không lành mạnh tác động như một rào cản đối với sự định tâm, đồng thời thúc đẩy và duy trì những Tâm sở tốt đẹp trợ giúp cho sự phát triển tâm định.

Khi tâm của hành giả lơi lỏng, đó là lúc mà vị ấy cần phải tập trung dõng lực, khơi dậy Tinh tấn và chế ngự lười biếng. Sự ngoan cố của tâm và các Tâm sở là kẻ thù nguy hiểm nhất của thiền định, vì khi tâm của con người bị trì trệ, uể oải sẽ phát sanh. Từ sự trì trệ và uể oải này dẫn đến những lơi lỏng trầm trọng hơn tạo ra tình trạng hờ hững, buồn nản.

Ðức Phật cảnh báo tính cách yếu đuối này như sau:

"Khi cần không nỗ lực,

Dù trẻ khỏe nhưng lười

Buông thả tâm (13), thụ động.

Tuệ đâu mà thấy Ðạo" (14).

"Này các Tỳ kheo, Như Lai không thấy một pháp nào khác có khả năng ngăn ngừa hôn trầm - thuỵ miên chưa sanh, không cho sanh khởi, hay nếu đã sanh, khiến cho bị đoạn trừ, như pháp Tinh tấn này. Người nào có Tinh tấn nỗ lực, hôn trầm - thụy miên sẽ không sanh, hoặc nếu đã sanh sẽ được đoạn trừ" (15).

Tu tập tâm bằng pháp Tứ Chánh Cần này không phải một sớm một chiều có thể thành tựu được. Nó cần có thời gian và cần phải thực hành đều đặn các bài tập luyện tâm. Một lực sĩ hay một vận động viên điền kinh không thể dừng luyện tập sau một hay hai ngày, mà lúc nào cũng phải tiếp tục chương trình luyện tập của mình. Luyện tập đều đặn không cần quá căng thẳng là mấu chốt đưa đến sự thích nghi của cơ thể. Nếu bạn thực hành một cách thất thường lúc thì Tinh tấn quá mức, lúc lại giãi đãi trây lười bạn sẽ chẳng bao giờ trở thành một vận động viên giỏi. Khi luyện tập tâm cũng vậy, bạn phải áp dụng khuôn vàng thước ngọc này, thực hành đều đặn và luôn luôn kiên nhẫn.

Khi thực hành những bài tập luyện tâm ta không cần phải dằng co với những Tư duy ác bất thiện, cứ để cho nó hoàn toàn tự nhiên. Nếu chúng ta cố gắng chiến đấu với những Tư duy ác của mình chúng ta sẽ thất bại. Thay vì chiến đấu với nó chúng ta hãy ghi nhận và ngắm nhìn những Tư duy của chúng ta khi nó khởi lên, phân tích chúng, và cố gắng làm giảm sự căng thẳng. Kỹ thuật này cũng giống như khi tập bơi vậy. Nếu không cử động chân tay bạn sẽ chìm; nếu bạn quờ quạng lung tung bạn sẽ không bơi được, hay giống như một người ngủ, nếu bạn giằng co với ý nghĩ muốn ngủ bạn sẽ chẳng bao giờ rơi vào giấc ngủ, ý nghĩ chỉ là một sự hành hạ tinh thần đối với bạn. Bạn không cần phải gắng sức để ngủ. Giấc ngủ sẽ đến với bạn một cách tự nhiên và bạn chỉ cần thư giản những căng thẳng là đủ.

Vả lại, tự hành hạ mình là một trong những cực đoan mà Ðức Phật muốn người hành thiền phải tránh, vì bất lợi. Hành hạ thân để ngăn chặn sự khởi sanh của những ác Tư duy quả là điều vô ích, vì tự hành hạ mình như vậy sẽ luôn luôn kết thúc bằng Sân hận và bất mãn. Khi tâm trở nên bất mãn, trạng thái hờ hững chai lỳ đối với việc hành thiền sẽ theo sau. Tất cả mọi sự luyện tập tâm của chúng ta cần phải tự nhiên và được thực hiện với sự tỉnh thức. “Nhiệt tâm mà không sáng suốt chẳng khác nào người chạy trong đêm tối”.

Như Ðức Phật đã chỉ rõ, những ai ước muốn thành tựu Giải thoát qua sự Giác ngộ cần phải tránh mọi cực đoan dù ở đâu và trong trường hợp nào họ cũng phải giữ Trung đạo. Trong việc thực hành Chánh tinh tấn cũng vậy, ta phải theo pháp trung dung, không để rơi vào một cực đoan nào cả.

Một người cỡi ngựa chẳng hạn, xem chừng tốc độ của con ngựa, khi nó chạy nhanh hơn ý muốn, ông ta phải kềm cương lại cho chậm bớt. Ngược lại khi ngựa tỏ dấu hiệu chậm lụt ông liền thúc cho nó chạy nhanh hơn. Ðối với người tu tập Chánh tinh tấn cũng như vậy, không căng thẳng để khỏi bị trạo cử, không chùng quá để khỏi bị hôn trầm. Cũng như người kỹ sĩ, hành giả phải luôn luôn giữ quân bình. Câu chuyện sau đây sẽ minh hoạ rõ điều này.

Có câu chuyện kể về một vị Tỳ kheo, Tôn giả Sona - kolivisa, người vận dụng cả tâm lực lẫn thể lực để thực hiện một sự Tinh tấn mãnh liệt nhưng chẳng đưa đến kết quả gì. Rồi ý tưởng sau đây nảy sinh trong tâm vị ấy trong lúc đang độc cư thiền định: "Trong hàng đệ tử của Ðức Thế Tôn, sống hạnh nhiệt tâm Tinh tấn và Ta là một trong số các vị ấy. Tuy vậy, tâm ta vẫn chưa thoát khỏi những cấu uế. Gia đình ta giàu có, ta có thể hưởng thụ sự giàu sang và làm các việc phước thiện, nếu như ta từ bỏ học giới và trở về với đời sống cư sĩ thấp hèn hưởng thụ cảnh giàu sang và làm các công đức thì sao?".

Ðức Thế Tôn đọc được ý nghĩ trong tâm vị ấy, đi đến và hỏi rằng:

Này Sona, phải chăng con nghĩ: Trong hàng đệ tử của Ðức Thế Tôn sống hạnh nhiệt tâm Tinh tấn... và làm các công đức thì sao?

Thưa vâng bạch Ðức Thế Tôn.

Và con nghĩ như thế nào này Sona, phải chăng trước khi xuất gia con đã từng chơi đàn tỳ bà đúng không?

Bạch Ðức Thế Tôn, có như vậy.

Thế con nghĩ thế nào, này Sona, khi những sợi dây đàn tỳ bà của con quá căng lúc đó nó có đúng giọng và có thể chơi được không?

Không thể, bạch Thế Tôn.

Này Sona, con nghĩ thế nào, khi những sợi dây đàn tỳ bà của con quá chùng thì nó có đúng giọng và có thể chơi được không?

Không thể, bạch Ðức Thế Tôn.

Thế nhưng, này Sona, khi những sợi dây của cây đàn con không quá căng và cũng không quá chùng, mà được điều chỉnh vừa mức trung bình, lúc ấy nó có đúng giọng và có thể chơi được không?

Bạch Ðức Thế Tôn, chắc chắn là có thể.

Cũng vậy, này Sona, Tinh tấn khi quá mức cần thiết sẽ dẫn đến dao động trạo cử và khi quá lơi lỏng sẽ dẫn đến lười biếng uể oải. Vì thế, này Sona, con hãy kiên quyết thực hiện một sự kiên quyết như vầy: Tuệ tri tính bình đẳng của các căn (16), ta sẽ cố gắng nắm lấy đề mục nhờ đều đặn Tinh tấn.

Thưa vâng, bạch Ðức Thế Tôn.

Tôn giả Sona nghe theo lời chỉ dẫn của Ðức Thế Tôn và đúng thời đạt đến sự hoàn thiện (Giác ngộ) và được kể vào số các vị A la hán (17).

Bài kinh số 20 trong Trung Bộ (Majjhimà Nikàya) thì đưa ra những chỉ dẫn thực tiễn và cần thiết cho một vị hành giả để làm thế nào loại trừ những Tư duy bất thiện. Ý chính của bài kinh được tóm tắt như sau: Ðức Phật gọi các vị Tỳ kheo và nói:

“Này các Tỳ kheo, vị Tỳ kheo nào có ý định tu tập tăng thượng tâm (18), cần phải thường xuyên tác ý đến 5 pháp, thế nào là năm?”.

1) Nếu do tác ý đến một đối tượng nào, những Tư duy ác bất thiện liên hệ đến tham, sân, si khởi lên trong một vị Tỳ kheo, vị ấy nên (để loại trừ những Tư duy ác bất thiện đó) tác ý đến một đối tượng khác liên hệ đến thiện. Khi ấy các Tư duy ác bất thiện được loại trừ, chúng sẽ tiêu diệt. Nhờ loại trừ các Tư duy ác bất thiện mà nội tâm được an trú, trở nên an tịnh, nhất tâm và định tĩnh trong (đề mục thiền của vị ấy). Ví như một người thợ mộc khéo tay hay đệ tử của người thợ mộc khéo tay làm văng ra và loại bỏ đi một cái nêm thô với một cái nêm nhỏ hơn. Cũng vậy, vị Tỳ kheo sẽ loại trừ đối tượng bất thiện đó bằng cách tác ý đến một đối tượng khác được coi là thiện hơn. Khi những Tư duy ác bất thiện kết hợp với tham, sân, si được loại trừ, chúng sẽ tiêu diệt. Nhờ loại trừ những Tư duy ác bất thiện này mà nội tâm được an trú... định tĩnh.

2) Nếu những Tư duy ác bất thiện vẫn khởi lên trong vị Tỳ kheo khi đã tác ý đến một đối tượng khác được xem là thiện, vị ấy cần phải suy xét đến những bất lợi của những Tư duy ác như vầy: "Quả thực những Tư duy này của ta là bất thiện, đáng chê trách, và đem lại những hậu quả khổ đau". Nhờ suy xét đến những bất lợi của ác Tư duy như vậy mà những Tư duy ác bất thiện ấy sẽ được loại trừ, chúng sẽ tiêu diệt. Nhờ sự loại trừ những Tư duy ác bất thiện mà nội tâm được an trú... định tĩnh.

3) Nếu vị Tỳ kheo, khi đã suy xét đến những bất lợi của chúng, mà những Tư duy ác bất thiện vẫn khởi lên, vị ấy nên không chú ý đến những Tư duy bất thiện đó nữa, không tác ý đến những Tư duy bất thiện đó nữa. Khi ấy các Tư duy ác bất thiện được loại trừ, chúng sẽ tiêu diệt. Do sự loại trừ của chúng mà nội tâm vị ấy được an trú... định tĩnh.

4) Nếu vị Tỳ kheo sau khi đã tác ý đến những Tư duy thiện, suy xét đến những bất lợi của chúng, và không chú ý đến, không tác ý đến những Tư duy ác bất thiện đó nữa, mà những Tư duy ác bất thiện vẫn khởi lên, lúc ấy vị Tỳ kheo cần phải tác ý từ bỏ hành tướng (gốc) của những Tư duy bất thiện đó. Khi ấy các Tư duy ác bất thiện sẽ được loại trừ, chúng sẽ tiêu diệt. Nhờ sự loại trừ của chúng mà nội tâm được an trú... định tĩnh.

5) Nếu những Tư duy ác bất thiện vẫn khởi sanh trong một vị Tỳ kheo sau khi đã tác ý đến sự từ bỏ hành tướng (19) của chúng, vị ấy nên cắn chặt răng, và lưỡi ép lên nóc họng, dùng thiện tâm chế ngự, khắc phục và kiểm soát ác tâm. Khi ấy các Tư duy ác sẽ được loại trừ, chúng sẽ tiêu diệt. Nhờ sự loại trừ của chúng mà nội tâm được an trú... định tĩnh.

Nếu vị Tỳ kheo do tác ý đến đối tượng thiện, suy xét đến những bất lợi của ác Tư duy, không chú ý và không tác ý đến những Tư duy ác, tác ý từ bỏ hành tướng của nó, dùng thiện tâm chế ngự, khắc phục và kiểm soát ác tâm với răng cắn chặt và lưỡi ép lên nóc họng, những Tư duy được loại trừ và nội tâm được an trú, an tịnh, nhất tâm và định tĩnh (trong đề mục hành thiền của vị ấy), vị Tỳ kheo ấy được gọi là bậc Thầy biết rõ đường đi của những Tư duy, vị ấy có thể nghĩ đến Tư duy nào mà vị ấy muốn, không nghĩ đến Tư duy nào mà vị ấy không muốn nghĩ đến. Vị ấy đã cắt đứt tham ái và loại trừ hoàn toàn các kiết sử, khống chế kiêu mãn vị ấy đoạn tận khổ đau.

Không phải chỉ trong giờ hành thiền nghiêm túc chúng ta mới cần đến tính chất vô cùng quan trọng của Chánh tinh tấn này. Chánh tinh tấn cần phải được thường xuyên tu tập bất cứ khi nào và ở đâu có thể được. Trong mọi lời nói của chúng ta, mọi hành động của chúng ta và cách cư xử của chúng ta trong đời sống hằng ngày, chúng ta cần Chánh tinh tấn để thực hiện những bổn phận của chúng ta một cách toàn tâm, toàn ý và thành công. Nếu chúng ta thiếu đức tính nhiệt tâm tinh cần này, và nếu chúng ta để cho những trạng thái hôn trầm, lười biếng khuất phục, chúng ta sẽ không thể nào tiến triển trong công việc mà chúng ta đã đảm nhận dù chúng ta chỉ với chút niềm tin.

Ðể chế ngự những Tư duy Tham lam, Sân hận, Ganh tỵ và hàng loạt những Tư duy ác khác mà con người phải chịu, chúng ta phải cần có nghị lực, siêng năng Tinh tấn và Tỉnh giác. Khi thoát khỏi những xô bồ của đời sống phố thị hoặc những lo toan vướng bận với cuộc đời, chúng ta không đến nỗi bị quyến rũ để đánh mất mình, nhưng khi hòa nhập vào nhịp sống xã hội, đó là lúc chúng ta cần phải Tinh tấn để chặn đứng những sai sót, lầm lẫn của mình. Bất cứ sự tham thiền nào mà chúng ta có thể đã thực hiện đều là sự trợ lực lớn lao giúp chúng ta điềm tĩnh khi đối diện với những bất toàn này.

Khi tu tập Chánh tinh tấn chúng ta cần phải thành thực với những Tư duy của chúng ta. Nếu phân tích chúng ta sẽ thấy rằng những Tư duy này không phải lúc nào cũng là thiện, là trong sáng. Ðôi khi chúng chỉ là những Tư duy bất thiện và ngu xuẩn, mặc dù chúng ta không phải lúc nào cũng bộc lộ nó ra bằng hành động hay lời nói hoặc cả hai. Như vậy nếu chúng ta cứ để cho những Tư duy này khởi lên đều đặn, đó là một dấu hiệu không tốt; vì khi một Tư duy không lành mạnh được phép tái diễn nhiều lần, nó có khuynh hướng trở thành nỗi ám ảnh. Do vậy, điều thiết yếu là phải nỗ lực không để cho những Tư duy bất thiện này tới gần. Khi chúng nảy sanh không cần phải để ý đến chúng. Không để ý đến chúng là điều không dễ, vì cho đến khi nào chúng ta thành công trong việc chế ngự chúng, những Tư duy bất thiện này vẫn sẽ xâm chiếm tâm chúng ta.

Tuy nhiên có một điều cần phải nhớ. Ðối với người nhất quyết muốn kiềm chế những thôi thúc có hại của mình cần phải tránh, càng xa càng tốt, những người bị ám ảnh bởi những thôi thúc ấy cũng như những cuộc nói chuyện đưa đến sự thôi thúc này. Cố gắng tránh những người và vật có ảnh hưởng đến những Tư duy lành mạnh và nghiêm túc của bạn. Xã hội văn minh đang lâm vào tình trạng nguy hiểm do bị tràn ngập bởi những trò giải trí và những cám dỗ mà chỉ có thể được kiềm chế nếu chúng ta đảm nhận công việc luyện tập tâm đầy khó khăn này một cách đều đặn và kiên trì.

Do những tiến bộ vật chất, những thu nhập và lợi nhuận tùy thuộc phần lớn vào sự Tinh tấn của chúng ta, chắc chắn chúng ta cần phải cố gắng nhiều hơn nữa để luyện tập tâm, nhờ vậy sẽ phát triển được những khả năng tốt nhất trong con người chúng ta. Vì việc luyện tập tâm đòi hỏi phải có sự nỗ lực cao nhất, vậy hãy cố gắng ngay từ bây giờ. “Chớ để tháng ngày của bạn trôi qua như bóng mây chẳng lưu lại dấu vết nào cho sự hồi tưởng”.

Như Plotinus nói:

"Hãy thu mình lại và nhìn, và nếu bạn vẫn chưa tìm thấy nơi bạn một vẻ đẹp nào, hãy làm như cách người tạo tượng đã làm nghĩa là làm sao cho thật tuyệt đẹp; anh ta cắt xén chỗ này, gọt giũa chỗ kia, làm cho đường này sáng hơn, chỗ nọ tinh anh hơn, cho đến khi anh thể hiện được một khuôn mặt trác tuyệt trên bức tượng. Bạn cũng làm như vậy, cắt bớt những gì thái quá, nắn thẳng lại những chỗ cong quẹo, đem ánh sáng vào những chỗ tối tăm, gắng sức để làm cho tất cả được chiếu sáng với vẻ đẹp, và không ngừng chạm trổ bức tượng của bạn cho đến khi ở đó chói ngời trên bạn vẻ rực rỡ của đức hạnh, cho đến khi bạn nhận ra là cái chân thiện cuối cùng chắc chắn đã được thiết lập trên Thánh địa vô nhiễm" (20).

Tâm con người ảnh hưởng đến thân một cách sâu xa, nếu cứ để cho tâm hoạt động một cách bừa bãi và nuôi dưỡng những Tư duy bất thiện, tâm có thể gây ra những tai hại khó lường, thậm chí có thể sát nhân, tuy nhiên, tâm cũng có thể chữa lành một cái thân bệnh hoạn. Khi tâm được tập trung vào những Tư duy chân chánh với Tinh tấn và sự hiểu biết chân chánh thì hiệu quả mà nó tạo ra cũng vô cùng. Một cái tâm với những Tư duy trong sáng và hiền thiện thực sự sẽ dẫn đến một cuộc sống lành mạnh, thư thái.

Những công trình nghiên cứu gần đây trong lãnh vực y học, trong khoa tâm lý thực nghiệm và trong cái vẫn thường được gọi là cận tâm lý đã đem lại những hiểu biết mới về bản chất của tâm và vị trí của nó trong thế gian này. Trong suốt bốn mươi năm qua sự tin tưởng đã gia tăng đều đặn trong giới y khoa rằng rất nhiều nguyên nhân của bệnh, về nội tạng cũng như sự rối loạn chức năng, đều trực tiếp gây ra bởi những trạng thái tâm lý. Thân trở nên bệnh hoạn bởi vì cái tâm điều khiển nó, hoặc muốn làm cho nó bệnh một cách bí ẩn, hoặc bởi vì nó ở trong trạng thái bối rối, xúc động đến nỗi không thể ngăn thân khỏi bệnh. Dù cho bản chất vật lý của nó là gì đi nữa, khả năng kháng bệnh chắc chắn vẫn tương quan với điều kiện tâm lý của bệnh nhân" (21). Ngay cả một bệnh rất ư là thuộc về “vật lý” như bệnh sâu răng cũng có thể do những nguyên nhân tâm lý, và điều này đã được xác nhận trong một bài thuyết trình đọc trước Hội Nghị về Răng ở Mỹ năm 1937. Tác giả của bài thuyết trình chỉ ra rằng trẻ em sống theo chế độ ăn uống hoàn toàn đầy đủ vẫn có thể mắc chứng mục xương răng này. Trong những trường hợp như vậy, các cuộc thẩm tra thường thường cho thấy rằng cuộc sống của đứa trẻ ở gia đình hay ở tại trường về một phương diện nào đó không được thỏa mãn. Chiếc răng mục là vì người chủ của nó phải chịu một sự căng thẳng nào đó về tâm lý.

“Tâm không chỉ làm cho thân bệnh mà nó còn chữa được thân bệnh. Một bệnh nhân lạc quan có nhiều cơ may phục hồi nhanh hơn một người bệnh lúc nào cũng lo âu và buồn bã. Những trường hợp chữa bệnh bằng đức tin đã được ghi lại, kể cả những trường hợp trong đó các chứng bệnh thuộc nội tạng đã được chữa khỏi hầu như tức thời" (22).

Liên quan đến điều này thật khá thú vị khi ta nhận thấy, tại các nước Phật giáo, sự thịnh hành của việc nghe tụng kinh với mục đích bảo hộ và Giải thoát khỏi điều ác, cũng như nhằm tăng tiến thêm sự an lạc và hạnh phúc. Những bài kinh được chọn để tụng gọi là Pàritta sutta. "Pàritta" trong Pàli và "Paritràna" trong Sanskrit có nghĩa là sự bảo vệ chủ yếu. Sở dĩ được gọi như vậy vì nó mô tả những bài kinh hay pháp (do Ðức Phật thuyết) được xem như mang đến sự bảo vệ và Giải thoát khỏi điều ác. Việc tụng và nghe kinh Paritta (Kinh Bảo Hộ) này có từ rất sớm trong lịch sử Phật giáo. Người ta chắc chắn rằng việc tụng kinh này sẽ đem lại sự an lạc tinh thần nào đó cho những người đang lắng nghe kinh với sự hiểu biết và đức tin nơi những lời chân thật của Ðức Phật. Một sự an lạc tinh thần như vậy có thể giúp cho những người đang bịnh được mau phục hồi, và nó cũng có thể giúp tạo ra một thái độ tinh thần mà thái độ này sẽ đem lại sự an vui và vượt qua những đau khổ. Ðầu tiên ở Ấn Ðộ những người nghe kinh Paritta hiểu rõ ý nghĩa của những gì được đọc và hiệu quả tác động trên họ cũng rất lớn và tức thời.

Theo Giáo Pháp (Dhamma) thì tâm kết hợp chặt chẽ với thân đến độ các trạng thái tinh thần ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe và sự an vui của thân. Một số các bác sĩ thậm chí còn nói rằng không có một chứng bệnh nào được xem thuần tuý là thân bệnh cả. Do đó, trừ phi những trạng thái tinh thần xấu này là do những ác nghiệp của kiếp trước gây ra (Akusala Kamma Vipàka: nghiệp quả bất thiện), và vì vậy không thể thay đổi được, bằng không người ta vẫn có thể chuyển đổi chúng để tạo ra sự lành mạnh về tinh thần và từ đó thân an lạc sẽ theo sau.

Làm thế nào những ảnh hưởng xấu xuất phát từ những chúng sanh ác lại có thể bị mất tác dụng nhờ tụng kinh Paritta này? Phải, những ảnh hưởng xấu đó chỉ là quả của những Tư duy ác bất thiện. Do vậy, chúng có thể bị tiêu diệt bằng những trạng thái tâm thiện tạo ra bởi việc nghe kinh Paritta với sự hiểu biết và đức tin, vì năng lực định phát sanh do sự tập trung toàn tâm toàn ý vào tính chân thật của Phật ngôn này. Tụng kinh Paritta (Kinh Bảo Hoä) là một hình thức của Saccikiriya, nghĩa là nhờ sự chân thật bảo vệ, hay nhờ sự chân thật xác minh. Ðiều này hàm ý đặt niềm tin hoàn toàn vào năng lực của sự chân thật để thành tựu mục đích của mình. Phật ngôn "Pháp Bảo hộ trì người thực hành pháp (sự thực)" (Dhammo have rakkhati dhammacàrim) là nguyên tắc nằm đằng sau việc tụng kinh Paritta này. Nếu quả thực giới bảo vệ người giữ giới thì người nghe những lời kinh này với đức tin trong sạch đặt nơi những lời chân thật của Ðức Phật, những lời xuất phát từ sự Giác ngộ viên mãn, sẽ đạt được một trạng thái tâm cũng như người giữ giới, mà nhờ đó họ có thể chiến thắng bất kỳ mọi ảnh hưởng xấu nào.

Việc tụng kinh Paritta cũng đem lại những phước báu vật chất do các trạng thái tâm tạo ra, nhờ sự tập trung và đức tin trong sạch khi lắng nghe kinh một cách hiểu biết. Theo Ðức Phật Chánh tinh tấn là một yếu tố cần thiết để vượt qua khổ đau (23). Khi lắng nghe một trong những bài kinh Paritta này tụng lên đúng cách cũng có thể phát khởi nghị lực thúc đẩy việc hành thiện và theo con đường tiến bộ vật chất thế gian với sự chuyên cần.

Ðến đây, hầu như không còn chút hoài nghi nào về việc tụng kinh Paritta (Bảo Hộ) này có thể tạo ra trong tâm người nghe, với đức tin và hiểu biết, những trạng thái hiền thiện mà những trạng thái này có công năng chữa lành và ngăn ngừa bệnh hoạn. Không có thuốc nào giá trị hơn thuốc chân thật (dhamma) cho cả hai loại bệnh thể xác và tinh thần được coi là nguyên nhân của mọi khổ đau và bất hạnh. vì vậy việc tụng kinh Paritta có thể, khi nó được lắng nghe một cách đúng đắn, đem lại cho người ta những điều kiện lành mạnh về tinh thần cần thiết cho tiến bộ vật chất, cho sự an lạc và hạnh phúc của thân.

* Chú thích

(1) Vinaya Mahàvagga, khandaka.

(2) Ma Vương (màra) ở đây được dùng với nghĩa các dục vọng (Kilesas). Trong đạo Phật Màra luôn luôn hàm ý sự hiện thân của những gì bất thiện, nghĩa là những gì trói buộc con người vào vòng sanh tử luân hồi.

(3) Dhp. 7.

(4) Nguyên văn Indriya Bhàvanam = The develepment of the senses: sự tu tập hay phát triển các căn.

(5) M. 152.

(6) Sn. 332.

(7) A.N. 234.

(8) M.70.

(9) S.I. 157.

(10) BV. Kệ. 109, Jàt. Com.

(11) Sn. 440.

(12) A.II. 15

(13) Buông thả tâm là để cho tâm ôm ấp những Tư duy tham, sân, si...

(14) Dhp. 280.

(15) A 1- 4.

(16) Các căn có 5 là: tín căn, tấn căn, niệm căn, định căn và tuệ căn (saddha, viriya, sati, samàdhi và pannnà).

(17) Tình tiết câu chuyện tìm thấy trong chú giải Trưởng Lão Tăng Kệ như vầy: "Tôn giả nhận một đề mục hành thiền nơi bậc Ðạo sư, nhưng không thể tập trung được do việc gặp gỡ những người trong lúc Tôn giả trú ngụ tại Rừng Mát". Và vị ấy nghĩ rằng: "Thân ta được nuôi dưỡng quá nuông chìu để đạt đến hỷ lạc". Những phận sự của một vị Sa môn đòi hỏi phải mệt mỏi về thân. Vì thế vị ấy bất chấp mọi cơn đau kịch liệt nơi chân phát sanh do đi kinh hành, và cố gắng đến tột độ nhưng không thể thành công. Rồi vị ấy nghĩ: "ta chắc không thể nào đạt đến Ðạo - Quả, đời sống phạm hạnh này còn có ích gì cho ta nữa? Ta sẽ trở lại đời sống thấp thỏi để làm các công đức". Lúc ấy bậc Ðạo Sư bằng tâm biết được, và cứu vị ấy bằng bài học về "Ngụ ngôn cây đàn tỳ bà", chỉ cho vị ấy cách làm thế nào để dung hòa giữa Tinh tấn với an định. Sau khi được điều chỉnh như vậy, vị ấy đi đến đỉnh Kên kên hành thiền, và đúng thời chứng đắc Arahán quả. - (Psalms of the Brethren, by Mrs Rhys Davids).

(18) Tăng thượng tâm (Adhicitta) là tâm đã đạt đến một trong 8 thiền được dùng như nền tảng để phát triển thiền tuệ (minh sát), gọi là tăng thượng tâm vì nó cao hơn mọi tâm thiện thông thường.

(19) Hành tướng (Vitakka- sankhara - santhànam) theo Chú giải Trung Bộ (MA) thì Sankhara ở đây phải hiểu là điều kiện, nhân, hay gốc và trong từ ghép này nó có nghĩa là "chặn đứng nguyên nhân sanh ra Tư duy này". Ðiều này được hoàn tất bằng cách đặt câu hỏi, khi một Tư duy bất thiện đã sanh: "Nhân của nó là gì? Nhân của nhân đó là gì?" v.v... Theo chú giải thì, cách gạn hỏi như vậy sẽ làm suy giảm, và cuối cùng là sự tiêu diệt hoàn toàn của dòng Tư duy bất thiện này.

(20) Plotinus on the Beautiful, translated by Stephen MacKenna, Reproduced in "Meditation for Beginnes" by J.I Wedgwood.

(21) Xem The Nature of Disease, J.E.R Medonagh.

(22) Aldous Huxley, Ends and Mean (London 1946).

(23) S.I. 214.