Suy nghĩ về phong trào chấn hưng Phật giáo và Hòa thượng Trí Hải

Khái quát chung

Hoà thượng Thích Trí Hải (1906-1979) người Nam Định, sinh ra và lớn lên trong bối cảnh đất nước thuộc địa nửa phong kiến. Các nước Tây Âu đã trải qua giai đoạn tư bản chủ nghĩa và hoàn thành cách mạng công nghiệp hoá đất nước, một số nước đã trở thành cường quốc trên thế giới (1). Trong sự phát triển của nền khoa học, công nghiệp tiên tiến, dẫn đến sự đua tranh thị phần, phân chia thuộc địa giữa các thế lực đế quốc phương Tây. Điều đó đã dẫn đến hai cuộc chiến tranh thảm khốc với quy mô rộng lớn trên toàn cầu (2). Cuộc Chiến tranh Thế giới thứ Hai, đẩy nước ta vào cảnh “nghìn cân treo sợi tóc”. Đây là thời kỳ khó khăn, phức tạp và tinh tế nhất trong lịch sử Việt Nam (3). Tuy phong trào  đấu tranh giải phóng dân tộc do Chủ tịch Hồ Chí Minh lãnh đạo, đã giành được thắng lợi, nhưng thực dân Pháp không từ bỏ dã tâm xâm lược nước ta một lần nữa. Để bảo toàn lực lượng, chính quyền cách mạng non trẻ của chúng ta tạm thời rút lên vùng rừng núi phía Bắc, chọn Việt Bắc làm căn cứ địa để tiếp tục lãnh đạo cuộc kháng chiến.

Sau khi chiếm xong Hà Nội, thực dân Pháp tiếp tục mở rộng địa bàn ra nhiều vùng đồng bằng Bắc Bộ, các cuộc chiến tranh du kích của quân và dân ta nổ ra khắp nơi, đã gây không ít khó khăn và thiệt hại cho địch. Sau trận quyết chiến ác liệt tại chiến trường Điện Biên Phủ, giặc Pháp mới chịu đầu hàng, Hiệp định Giơnevơ được ký kết, từ đó cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của nhân dân ta mới chấm dứt và chuyển sang giai đoạn mới.

Phong trào chấn hưng Phật giáo

Vào đầu thế kỉ XX, phong trào chấn hưng Phật giáo xuất phát từ Ấn Độ, rồi lan ra các  nước như Trung Quốc, Nhật Bản, Việt Nam, Miến Điện, Tích Lan... Người khởi xướng phong trào là cư sĩ David Hewavitarane người Tích Lan. Với mục đích vận động trùng tu lại những Phật tích quan trọng ở Ấn Độ; sau đó phát triển thành phong trào, các tu viện, trung tâm nghiên cứu Phật học và báo chí lần lượt ra đời... Trong quá trình vận động, David Hewavitarane đã được sự ủng hộ của nhiều người ở các lĩnh vực khác nhau như thi sĩ Edwin Arnold người Anh, đại tá Henry Steel Olcott người Mỹ, bác sĩ Ambedkar và cư sĩ Dương Nhân Sơn ở Trung Quốc...

Ở Trung Quốc, bên cạnh cư sĩ Dương Nhân Sơn còn có Âu Dương Tiệm, Mai Quang Hy, Thích Nhân Sơn... cùng chung lo Phật sự. Với mục đích cải cách: Phật tăng chủ nghĩa (cải cách giáo đoàn, bài trừ ngu tăng), Phật hoá chủ nghĩa (lấy Phật giáo làm quốc giáo), Phật quốc chủ nghĩa (chuyển thế gian thành nước Phật), nhiều cơ sở hạ tầng được xây dựng, nhiều hiệp hội ra đời như Tăng già Giáo dục, Phật giáo Hợp tiến, Phật giáo Tổng hội, Phật giáo Liên hiệp, Phật giáo cư sĩ lâm.... Các hiệp hội này đều có tạp chí riêng của mình. Đặc biệt, những cơ sở Phật học, báo chí do Thái Hư Đại Sư sáng lập đã ảnh hưởng lớn đến Phật giáo Việt Nam(4).

Ở Việt Nam, phong trào chấn hưng Phật giáo bắt đầu từ Miền Nam do Thiền sư Khánh Hoà khởi xướng, với mục đích thành lập một hội Phật giáo toàn quốc, nhưng trong quá trình vận động không đạt kết quả (5). Nhận thấy cơ duyên chưa đủ, nên Thiền sư Khánh Hoà cùng đồng nghiệp (6) thành lập Hội Nam Kỳ Nghiên Cứu Phật Học, cử Thiền sư Hội Phong làm Hội trưởng, Thiền sư Khánh Hoà làm Phó hội trưởng, trụ sở đặt tại chùa Linh Sơn, Sài Gòn và xuất bản tạp chí Từ Bi Âm, số đầu ra ngày 1/3/1932.

Thấy trong Nam làm được, thiền sư Giác Tiên ở Huế cũng đứng ra vận động và thành lập Hội An Nam Phật Học vào năm 1932, cử cư sĩ Lê Đình Thám làm Hội trưởng, Thiền sư Giác Tiên làm Chứng minh Đạo sư, trụ sở đặt tại chùa Trúc Lâm, xuất bản báo Viên Âm, số đầu ra ngày 1/12/1933.

Ở ngoài Bắc, thấy trong Nam và miền Trung làm được, các thiền sư cũng ra sức vận động (7), trong đó phải kể đến vai trò của Thiền sư Trí Hải trong phong trào này. Hội Bắc Kỳ Phật Giáo ra đời năm 1934, suy tôn Thiền sư Thanh Hanh làm Thiền gia Pháp chủ, cử ông Nguyễn Năng Quốc làm Hội trưởng, trụ sở đặt tại chùa Quán Sứ, xuất bản tạp chí Đuốc Tuệ, ra mắt vào trung tuần tháng 8//1935(8).

Ngoài ba hội kể trên, các chi hội ở các tỉnh, thành cũng lần lượt ra đời, đến năm 1954 riêng miền Bắc đã có hơn 300 chi hội.

Hoà thượng Trí Hải trong phong trào chấn hưng

Trong lịch sử Phật giáo Việt Nam nói chung, phong trào chấn hưng Phật giáo nói riêng, rất hiếm thiền sư viết về cuộc đời hành đạo của mình, có lẽ chỉ riêng Hoà thượng Trí Hải có được điều đó. Hoà thượng Trí Hải viết Hồi ký không phải để khoe khoang công lao đóng góp của mình, mà vì hàng hậu học yêu cầu, và vì tương lai Phật pháp(9). Nói rõ hơn, phong trào chấn hưng Phật giáo mà Hoà thượng tham gia, chính là tập hợp các lực lượng Phật giáo vào trong một tổ chức thống nhất để trở thành một sức mạnh to lớn trong việc hoằng pháp lợi sinh. Cũng vì thế, Hoà thượng đã bất từ lao quyện, vượt qua mọi khó khăn trắc trở, cùng với đồng nghiệp của mình quyết tâm thực hiện bằng được sự nghiệp chấn hưng này. Và Ngài đã từng trải qua những thời kỳ hoạt động như: thành lập Lục Hoà Tịnh Lữ(10), xây dựng các cơ sở hạ tầng(11), đảm nhiệm các chức vụ quan trong trong các tổ chức Phật giáo(12), tham gia nhiều công việc từ thiện xã hội(13), dịch kinh, viết sách... Cho nên, nói đến phong trào chấn hưng Phật giáo là nói đến các danh tăng của những thập kỷ đầu thế kỉ XX, mà Hoà thượng Trí Hải là một trong những ngôi sao sáng lúc bấy giờ. Danh tiếng của Hoà thượng còn vang vọng đến hôm nay.
Một vài suy về phong trào Phật giáo chấn hưng

Về phong trào chấn hưng Phật giáo, có rất nhiều ý kiến, nhưng trước tiên là những người đương thời phát biểu. Xin trích một số đoạn văn sau:

Tạp chí Tiến Hóa kêu gọi cải cách Phật giáo một cách triệt để, nghĩa là phải huỷ bỏ hình thức đầu tròn áo vuông của tăng sĩ, thiết lập tân tăng như Nhật Bản, tham gia vào cách mạng xã hội(14).

Báo Pháp Âm thì viết: “Cuộc chấn hưng Phật giáo không có ảnh hưởng, không có kết quả, bởi vì không thiết thực với xã hội nhân sinh, chỉ nói suông trong báo chí sách vở mà thôi chứ không có thực hành”(15).

Tác giả Phan Khôi là người rất ủng hộ phong trào, nhưng theo dõi trong quá trình hoạt động của các hội, ông đã phải thốt lên: “Các hội Phật giáo nước ta cứ im lìm mà chẳng làm gì hết”(16).

Một số quan điểm cho rằng, các hội Phật giáo ra đời là mưu mô của thực dân Pháp, bởi những lý do: Chính quyền cấp giấy cho phép thành lập các hội, một số người quyền chức chính quyền nằm trong tổ chức của hội như Trần Nguyên Chấn trong Hội Nam Kỳ Nghiên Cứu Phật Học, Nguyễn Năng Quốc trong Hội Phật Giáo Bắc Kỳ(17).

Phạm Quỳnh-Thượng thư Bộ Học của chính phủ và là học giả lúc đó nói: “Cái tinh thần Việt Nam của chúng ta đây tất phải nhờ các học thuyết tạo thành, mà xét về đức dục thì một phần lớn là do công nghiệp của Phật học. Phật học đã có ảnh hưởng về luân lý đạo đức trong dân tộc ta như vậy, thì ai là người muốn bảo tồn tinh thần dân tộc Việt Nam tất phải tán thành cho Phật học”(18).

Hoà thượng Trí Hải viết:“Đối với Phật giáo nước nhà, do từ xưa tới nay không có hệ thống tổ chức, tuy có các sơn môn nhưng cũng do đó mà chia môn rẽ phái “Phật pháp đồng quy củ dị”, mỗi nơi mỗi khác không đâu giống đâu, không ai theo ai như đống cát khô, nếu bị cơn cuồng phong thổi tới là bay hết. Đáng lẽ Phật giáo đối với những việc lợi ích chung cho quần chúng, việc giữ gìn tinh thần dân tộc, không việc gì là không làm được, nhưng lâu nay không làm được việc gì đáng kể đối với nhân quần xã hội cũng chỉ vì thiếu tổ chức, thiếu đoàn kết”(19).

Ngoài những ý kiến đã trình bày trên, chúng tôi cũng xin góp thêm một vài suy nghĩ của mình về Phật giáo Việt Nam trong giai đoạn này:

1. Phong trào chấn hưng Phật giáo Việt Nam là hoà chung với phong trào chấn hưng Phật giáo quốc tế, mà Phật giáo Việt Nam ảnh hưởng trực tiếp từ Phật giáo Trung Quốc, Nhật Bản.

2. Những nước thuộc địa của tư bản Tây Âu nói chung, Việt Nam nói riêng, đều đã chuyển mình từ cơ chế khai thác thuộc địa của chúng(20).

3. Phong trào chấn hưng Phật giáo đã thu hút được nhiều tầng lớp xã hội tham gia, nhất là giới trí thức Tây học; là thời kỳ Tân thư hay Âu phong Á vũ(21).

4. Các hội Phật giáo thành lập, đều có tiếng nói trên diễn đàn báo chí, đã góp phần mở mang dân trí, văn hoá Phật giáo đến toàn xã hội(22).

5. Nhiều trường lớp Phật học được mở mang, hệ thống giáo dục ngày một phong phú và đa hệ, đào tạo ra nhiều nhân tài cho Phật giáo trong hiện tại, cũng như sau này(23).

6. Từng bước củng cố và hoàn thiện, tiến tới thống thống Phật giáo trong cả nước, là  một tổ chức có vị thế trong xã hội, với hệ thống chính quy hiện đại(24).

7. Không chỉ là tổ chức đại diện cho Phật giáo Việt Nam trên trường quốc tế mà còn có vị thế quan trọng trong tổ chức Phật giáo thế giới (25).

8. Có thể nói, Giáo hội Phật giáo Việt Nam hiện nay, là sự tiếp nối từ phong trào chấn hưng Phật giáo.

9. Bên cạnh những thành tựu to lớn mà phong trào chấn hưng Phật giáo đạt được, phần nào đã làm phai mờ nếu không nói là phá vỡ phong tục tập quán cổ truyền sơn môn, pháp phái khi xưa: “đèn nhà nào, nhà ấy dạng”.

10. Do hoàn cảnh lịch sử, những vị thiền sư tích cực tham gia trong phong trào hoặc giữ những chức sắc quan trọng trong các tổ chức giáo hội lúc đó, khi chuyển sang thời kỳ mới đều bị thất sủng, hoặc nghi ngờ như Hoà thượng Trí Hải, Hoà thượng Tố Liên...(26). Nhưng không vì thế mà ảnh hưởng đến Phật sự của mình, trái lại Hoà thượng Trí Hải từ khi về an trụ tại chùa Phật giáo Hải Phòng, Hoà thượng lại có nhiều thời gian hơn, để chuyên tâm vào việc phiên dịch, biên soạn và viết sách, với hơn 30 tác phẩm Phật giáo để lại cho đời. Công đức của Hoà thượng thật là hy hữu trong lịch sử Phật giáo Việt Nam thời Cận-Hiện đại.

Trên đây, là một vài suy nghĩ về phong trào chấn hưng Phật giáo và Hoà thượng Trí Hải do Viện Nghiên cứu Tôn giáo và Phân viện Nghiên cứu Phật học tổ chức, tất nhiều còn nhiều khiếm khuyết. Rất mong quý vị hoan hỷ chỉ giáo cho.

Nam mô Hoan hỷ tạng Bồ tát ma ha tát.

Kính chúc quý vị thân tâm thường lạc, phúc tuệ viên thành.

Chú thích:

(1) Cách mạng tư sản Anh diễn ra từ 1640, cách mạng tư sản Mỹ năm 1773, cách mạng tư sản Pháp năm 1789, cách mạng tư sản Nhật Bản năm 1868. Đến cuối thế kỉ XVIII, nước Anh đã trở thành nước công nghiệp hoá tư bản chủ nghĩa, là cường quốc số một trên thế giới, tiến hành nhiều cuộc chiến tranh xâm lược và là nước đứng đầu về thuộc địa. Nước Đức, Pháp, Mỹ, Nga và Nhật Bản thực hiện công nghiệp hoá đất nước vào giữa thế kỷ XIX. Riêng Nhật Bản, từ 1868-1912, đã trở thành nước tư bản chủ nghĩa, tiến lên đế quốc chủ nghĩa, là nước duy nhất ở châu Á thoát khỏi sự xâm lược của các cường quốc phương Tây.
(2) Chiến tranh Thế giới lần thứ Nhất (1914-1918). Chiến tranh Thế giới lần thứ Hai (1939-1945)
(3) Sau khi quân Đồng minh (Liên Xô, Anh, Mỹ) giải phóng châu Âu, tiến quân sang châu Á đánh Nhật Bản. Lúc này, đế quốc Nhật đã chiếm hầu hết các thuộc địa của Anh, Mỹ, Pháp, Hà Lan ở Thái Bình Dương. Đầu tháng 8/1945, Mỹ ném bom nguyên tử xuống hai thành phố Hirosima và Nagazaki giết chết 450.000 dân Nhật Bản.
Cùng tháng này, hồng quân Liên Xô tấn công đạo quân Quan Đông của Nhật Bản giải phóng ba tỉnh Đông Bắc Trung Quốc và Triều Tiên. Đến ngày 15/8/1945, Nhật hoàng tuyên bố đầu hàng quân Đồng minh. Cùng thời gian này, phong trào giải phóng dân tộc nổ ra khắp nơi trên thế giới. Ở nước ta, dưới sự lãnh đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhân dân ta đã giành lại chính quyền và tuyên bố độc lập vào ngày 2/9/1945 khai sinh ra nước Việt Nam dân chủ cộng hoà. Trong khi đó, ở miền Bắc với danh nghĩa Đồng minh giải giáp quân Nhật, quân Tưởng Giới Thạch đã tràn vào. Ở miền Nam, dưới danh nghĩa Đồng minh giải giáp quân Nhật, quân Anh cũng tiến vào, giúp quân Pháp trở lại xâm lược nước ta một lần nữa. Lúc này, chính quyền cách mạng của chúng ta còn rất non trẻ.

Sau Chiến tranh Thế giới lần thứ Hai, trật tự thế giới chia làm hai cực. Các nước Đông Âu như Ba Lan, Tiệp Khắc, Rumani, Bungari, Hungari, Anbani và Mông Cổ ở châu Á thuộc các nước chủ nghĩa xã hội do Liên Xô đứng đầu. Các nước còn lại thuộc về chủ nghĩa tư bản do Mỹ đứng đầu. Các nước thuộc địa ở châu Á, châu Phi, châu Đại Dương vẫn nằm dưới sự thống trị của các nước tư bản vốn có từ trước. Tuy nhiên, thời gian này, một số nước thuộc địa đã vùng dậy đấu tranh giành độc lập như Hi Lạp, Nam Tư, Trung Quốc và Việt Nam, Lào, Campuchia.
(4) Ví dụ Kim Lăng học đường, Võ Xương Học viên, Tạng Văn Học viện, Thế giới Phật học...Năm 1927, sư Thiện Chiếu được cử ra Bắc liên lạc, khi trở về ông có đưa cho Thiền sư Khánh Hoà xem chương trình cải tổ Phật giáo của Tổng hội Phật giáo Trung Hoa đăng trên Tạp chí Hải Triều Âm do Thiền sư Thái Hư chủ biên. Năm 1937, khi Hoà thượng Trí Hải được cử sang du học Trung Quốc cũng đã viết trong hồi ký: “Chủ ý của chúng tôi là mong sao gặp được Hoà thượng Thái Hư, vị lãnh đạo Phật giáo Trung Quốc mà ở nhà chúng tôi đã được đọc sách báo và biết cụ đã từng sang các nước bên Âu, Mỹ truyền bá đạo pháp, được các giới trí thức phương Tây rất hâm mộ”.
(5) Năm 1927, trên báo Thực Nghiệp, một số Phật tử Hà Nội, trongtrong đó có thiền sư Tâm Lai đề xướng về việc chấn hưng Phật giáo, nên thiền sư Khánh Hoà  cử sư Thiện Chiếu ra Bắc liên lạc.
(6) Gồm các thiền sư Huệ Quang, Thiện Niệm, Từ Nhãn, Chơn Huệ và một số cư sĩ Tây học như Ngô Văn Chương, Phạm Ngọc Vinh, Nguyễn Văn Cần, Trần Nguyên Chấn...
(7) Những gương mặt tiêu biểu lúc bấy giờ như các thiền sư Trí Hải, Tâm Ứng, Tâm Bảo; các cư sĩ Lê Dư, Nguyễn Hữu Kha, Trần Trọng Kim, Bùi Kỷ...
(8) Theo Hồi ký thành lập Hội Phật giáo Việt Nam. Nxb Tôn Giáo năm 2004.
(10) Năm 1930, thành lập nhóm Lục Hoà Tịnh Lữ, Ban Phật học Tùng thư, mở đầu cho phong trào chấn hưng Phật giáo Bắc Kỳ.
(11) Tham gia thiết kế và xây dựng chùa Quán Sứ (Năm 1938, Hoà thượng tham gia Ban Hưng công chùa Quán Sứ, trực tiếp vẽ phát hoạ cấu trúc chùa, sau đó nhờ kiến trúc sư Nguyễn Văn Ngoạn vẽ lại để xin lại giấy phép xây dựng, từ khi khởi công đến hoàn thành 4 năm (1937-1940); chùa Phật giáo Hải Phòng xây dựng năm 1954 (chùa Quán Sứ và chùa Phật giáo Hải Phòng hiện nay là xây dựng theo mô hình thiết kết của Hoà thượng đề xuất, còn bản thiết kết cũ không thể khả thi, vì thiếu kinh phí); xây dựng trường Vạn Hạnh ở chùa Hàm Long Hà Nội năm 1953. Ngoài ra, lập trường tăng học tại chùa Bồ Đề, Gia Lâm Hà Nội; vận động mua 40 mẫu ruộng ở Phụ Dực, Thái Bình để lấy lương cho tăng ni ăn học; và lập chương trình xây dựng Đại tùng lâm (rộng 20 mẫu) ở  Thường Tín, Hà Tây và khu danh lam Yên Tử...
(12) Năm 1951, thành lập Tổng hội Phật giáo Việt Nam, Ngài giữ chức Đệ nhất Phó hội chủ (HT Tịnh Khiết làm Hội chủ. Đại hội này gồm 6 tập đoàn Phật giáo trong cả nước). Năm 1952, thành lập Giáo hội Tăng già Việt Nam, Ngài giữ chức Trị sự trưởng (HT Tuệ Tạng làm Thượng thủ).
(13) Năm 1945, tham gia thành lập Tổng hội Cứu tế và làm Cố vấn của Bộ Xã hội do ông Nguyễn Văn Tố làm Bộ trưởng (có buổi họp do Chủ tịch Hồ Chí Minh làm chủ toạ), tham gia nhiều cơ sở nuôi dạy trẻ mồ côi. Đến năm 1958, Hội Phật giáo Thống nhất Việt Nam ra đời, Ngài không còn giữ chức gì nữa, sau đó về ở chùa Phật giáo Hải Phòng; năm 1971 tham gia trùng tu chùa Bồ Đề Gia Lâm Hà Nội; năm 1979 sau khi vào thăm miền Nam trở về được mấy hôm thì viên tịch (ngày 7 tháng 6 năm Kỷ Mùi), thọ 74 tuổi, 57 tuổi đạo, để lại cho đời hơn 30 tác phẩm.
(14) (15) (16) (18) Trích theo Việt Nam Phật giáo sử luận, tập III. Nguyễn Lang,  Nxb Văn Học, Hà Nội 1994.
(17) Ngay trong Văn kiện Đảng 1930-1945 cũng nói: “Cuộc vận động phổ biến và mở rộng tôn giáo như: đại biểu hội nghị chấn hưng Phật giáo ở Bắc Kỳ... là những mưu mô của đế quốc lấy mê tín che lấp tư tưởng giai cấp tranh đấu để kéo quần chúng ra khỏi đường cách mạng tranh đấu”. Trích theo: Việt Nam những sư kiện lịch sử (1914-1945) của Dương Trung Quốc, Nxb Giáo Dục 2005.
(19) Sách đã dẫn.
(20) Cuộc khai thác thuộc địa lần I và II, thực dân Pháp đã thúc đẩy phát triển trên nhiều lĩnh vực kinh tế, văn hoá, xã hội...như: nông nghiệp, lâm nghiệp, công nghiệp... Nhiều công ty, sở, hãng, nhà máy ra đời. Ví dụ chỉ năm 1919 thành lập Quan báo bằng chữ Quốc ngữ, Hội khai trí tiến đức, Công ty in và bán sách Đông Dương...; năm 1921 thành lập Sở Thương mại, Khai hoá nhật báo, Sở Bưu chính điện báo và điện thoại Đông Dương..., năm 1922 thành lập Công ty than chì Đông Dương, Công ty mỹ nghệ và lâm nghiệp Đông Dương, Công ty vận tải biển...
(21) Những vị tiêu biểu ở Bắc Kỳ lúc đó như: Nguyễn Văn Tố, Trần Trọng Kim, Trần Văn Giáp, Dương Bá Trạc, Nguyễn Trọng Thuật, Bùi Kỷ, Lê Toại, Tản Đà, Huỳnh Thúc Kháng, Phạm Văn Côn, Phạm Đình Hoè...
(22) Các tạp chí như Viên Âm, Đuốc Tuệ, Từ Bi Âm, Pháp Âm, Quan Âm, Tam Bảo, Tiếng Chuông Sớm, Duy Tân, Tiến Hoá... và nhiều kinh sách Phật học đều chuyển tải chủ yếu bằng chữ Quốc ngữ, không chỉ góp phần xoá nạn mù chữ, mà còn nâng cao kiến thức về Phật học và xã hội lúc bấy giờ.
(23) Ngoài Bắc mở các lớp học từ hệ Đại học, Trung học và Tiểu học ở các chùa như chùa Cao Phong (Phúc Yên), chùa Côn Sơn (Hải Dương), chùa Hàm Long và chùa Quán Sứ (Hà Nội), chùa Sở (Hà Đông). Miền Trung mở An Nam Phật học ở chùa Trúc Lâm, chùa Vạn Phước, chùa Tường Vân, chùa Từ Đàm, chùa Long Khánh (Bình Định), chùa Tây Thiên (Phan Rang) và các trường ở Đà Nẵng. Miền Nam mở tại chùa Long Hoà (Tiểu Cần), chùa Thiên Phước (Trà Ôn), chùa Viên Giác (Bến Tre), Phật học đường Lưỡng Xuyên (Trà Vinh)...và còn cử  tăng sinh du học nước ngoài. Nhiều tăng sinh sau này là rường cột Phật giáo như Hoà thượng Đức Nhuận, Trí Thủ, Thiện Siêu, Đức Nghiệp, Minh Châu, Quảng Độ, Thanh Kiểm ...
(24) xem hệ thống tổ chức Hội Bắc Kỳ Phật giáo năm 1934 và Tổng hội Phật giáo Việt Nam năm 1951.
(25) Năm 1950, Đại hội Phật giáo Thế giới tại Colombo-thủ đô Sri Lanca (Tích Lan). Phật giáo Việt Nam cử Thượng toạ Tố Liên làm trưởng đoàn sang tham dự. Tại Đại hội này, Thượng toạ Tố Liên được của làm Phó Hội trưởng Hội Phật giáo Thế giới.
(26) Năm 1958, Hoà thượng Trí Hải xuống ở chùa Phật giáo Hải Phòng cùng với Hoà thượng Kim Cương Tử. Sau khi Hoà thượng Trí Hải mất, Hoà thượng Kim Cương cũng chuyển đi nơi khác. Từ đó đến nay, chùa này vẫn chưa có danh tăng nào về trụ trì trực tiếp.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Hoà thượng Thích Trí Hải. Hồi ký thành lập Hội Phật giáo Việt Nam. Nxb Tôn Giáo, Hà Nội 2004
2. Nguyễn Lang. Việt Nam Phật giáo sử luận, tập III. Nxb Văn Học, Hà Nội 1994.
3. Thích Đồng Bổn (chủ biên). Tiểu sử danh tăng Việt Nam, tập I. Thành hội Phật giáo Thành phố Hồ Chí Minh, 1995
4. Hoà thượng Thích Thanh Kiểm . Lịch sử Phật giáo Trung Quốc.
5. TS Cao Liên. Phác thảo lịch sử thế giới. Nxb Thanh Niên, Hà Nội 2003
6. Nguyễn Quang Ngọc (chủ biên). Tiến trình lịch sử Việt Nam. Nxb Giáo Dục, Hà Nội 2002
7. Dương Trung Quốc. Việt Nam những sự kiện lịch sử (1919-1945). Nxb Giáo Dục, 2005

TS. Thượng tọa Thích Thanh Đạt
Học viện Phật giáo Việt Nam tại Hà Nội