Từ hai cuốn kinh Phật bằng đồng: Phục dựng kinh cổ chùa Bút Tháp

Trung tuần tháng 3 vừa qua, trong khi tiến hành tu bổ tháp đá Tôn Đức phía sau khu nhà Tăng, chùa Bút Tháp, xã Đình Tổ, huyện Thuận Thành (Bắc Ninh), họa sĩ Phan Cẩm Thượng (người trực tiếp hưng công tu bổ) và tốp thợ đã phát hiện trong tháp có 2 quyển sách bằng đồng, khắc chữ Hán rất đẹp và gần như mới.

Bước đầu có thể xác định, đây là 2 cuốn kinh Phật cổ được xem như đồ tuỳ táng của nhà sư Minh Hành được Hoàng hậu Trịnh Thị Ngọc Trúc tổ chức an táng trong ngôi tháp chùa Bút Tháp.

 
 
 Một góc chùa Bút Tháp. (Ảnh: T.G)
 
Khó đến từng nét chữ
 
Hai cuốn kinh bằng đồng có trọng lượng khoảng 30 kg, kích cỡ 14,4x25cm gồm 56 tờ, được bọc kín trong những lớp giấy dó, cùng hai cây kim loại (đã hoen rỉ và gẫy) dùng để lật sách trông tựa như chiếc trâm cài tóc của phụ nữ. Ngay sau khi hai cuốn kinh được phát hiện, Cục Di sản Văn hóa và các cơ quan chức năng của Bắc Ninh cùng họa sĩ Phan Cẩm Thượng thống nhất trước mắt bàn giao cổ vật cho Bảo tàng tỉnh Bắc Ninh sớm nhanh chóng tiến hành phục dựng 2 cuốn sách.

Ông Lê Viết Nga, Giám đốc Bảo tàng Bắc Ninh cho biết: Trước sức ép phải hoàn thành việc phục chế 2 cuốn kinh cổ trong thời gian 60 ngày, các cán bộ bảo tàng đã tìm khắp làng nghề đúc đồng Đại Bái (Bắc Ninh) và phố Hàng Đồng (Hà Nội) để mua nguyên liệu. May mắn là đã tìm được duy nhất một cửa hàng ở phố Hàng Đồng có bán lá đồng dày 1mm đáp ứng được yêu cầu. Tìm mua được nguyên liệu đã khó, việc phục chế còn khó hơn bội phần như việc làm cũ những lá đồng tương ứng như những trang sách cổ, cho đến tìm người khắc chữ.

Để có được “màu thời gian” như cuốn sách cổ, các cán bộ Bảo tàng Bắc Ninh đã phải dùng nước chè cộng thêm một số thủ pháp “ngón nghề” của các nghệ nhân làng đúc đồng Đại Bái để tạo màu cho các lá đồng mới tinh sang cũ kỹ mà tuyệt nhiên không sử dụng đến nước muối và hóa chất để tránh bị ăn mòn. Tuy nhiên, cho dù bằng mọi cách phủ màu thì so với cuốn sách cổ, những trang sách mới cũng chỉ được khoảng bảy, tám phần.

Khó nhất vẫn là tìm người khắc chữ. Các nghệ nhân làng nghề đúc đồng Đại Bái, huyện Gia Bình (Bắc Ninh) chỉ đơn thuần khắc chữ trên các lư hương, đồ thờ cúng, hơn nữa lại phải khắc theo lối đục hớt trên tấm đồng dày có 1mm để nét chữ thanh thoát, các nét hất, nét móc bay như viết bằng bút lông trên giấy dó nên không phải thợ nào cũng làm được. Các thợ lành nghề về chạm khắc, có hiểu biết về Hán tự được mời đến đều thoái thác vì quá khó.
 
Anh Nguyễn Hữu Mạo, cán bộ Bảo tàng tỉnh Bắc Ninh chỉnh sửa lại những nét chữ mờ trên trang sách đồng phục chế.

Qua nhiều kênh thông tin, các cán bộ ngành văn hóa Bắc Ninh cũng đã mời được họa sĩ Ngô Đắc Lợi ở Bắc Giang tham gia khắc thử một số trang. Ông Lợi là họa sĩ rất khéo tay và tận tụy với công việc. Chưa biết cụ thể số tiền thù lao mình sẽ được nhận là bao nhiêu nhưng vẫn gắng chạm khắc và mỗi ngày ông cũng làm được hai trang với khoảng 200 chữ. “Cẩn tắc vô áy náy”, nếu gặp những chữ đã bị hoen rỉ, nhìn không rõ thì ông bỏ lại để cán bộ bảo tàng rà soát, bổ sung và dịch nghĩa.

Anh Nguyễn Hữu Mạo, người trực tiếp chỉnh sửa lại những trang sách phục dựng cho hay: “Không chỉ khó ở cách đục hớt để cho nét chữ bay như chữ thư pháp mà nó còn khó ở công đoạn làm cũ một cuốn sách mới và giữ màu cho nó. Việc xử lý tạo màu nhân tạo đã khiến cho chữ bị bong vảy lớp mặt, loang to hơn bản gốc và nhiều chữ không rõ nét. Nhiều khả năng, sau khi đục xong sẽ phải xử lý lại lần nữa bằng cách quét nước chè và hun khói”.

Chưa biết đưa cuốn nào vào tháp

Vậy sau khi hoàn thành việc phục dựng 2 cuốn kinh cổ, sẽ trả bản gốc hay bản phục dựng về tháp? Ông Lê Viết Nga cho rằng: “Theo tôi nên để lại bản gốc ở bảo tàng vì nó có giá trị để nghiên cứu sau này cả về mặt ngữ nghĩa lẫn chất liệu. Nếu chôn vào tháp bản gốc thì chúng ta vĩnh viễn không bao giờ được nhìn thấy nữa. Và về sau này nếu chúng ta có điều kiện nghiên cứu cũng không thể lấy ra được vì với trọng lượng tấm đá phía ngọn tháp nặng tới hàng trăm kilôgram không dễ nay dỡ ra, mai bỏ xuống. Đó còn chưa kể vấn đề tâm linh”.

Vậy xét về góc độ tâm linh, coi đó là 1 lá bùa, nếu bỏ ra, cho bản phục dựng vào thì mất thiêng? Ông Nga giải thích: “Về tâm linh, như thời cổ, không dứt khoát là phải cho bản gốc, có chăng là bản thật nhưng là minh khí. Đưa được hiện vật vào là cái tốt nhưng từ xưa đến giờ đưa hiện vật vào là tốn kém, có thể đưa bản sao hoặc bản giấy. Vấn đề bảo vệ, chắc chắn tại kho của bảo tàng sẽ an toàn hơn vì có phương pháp và chức năng bảo quản, bảo vệ hiện vật, có điều kiện trông coi tránh nạn ăn cắp đồ cổ. Dù là tháp đá nhưng đạo chích vẫn có thể cạy ra để lấy. Mặt khác nó còn gây ra sự tò mò và không chỉ mất an toàn cho cuốn sách mà còn cho cả nhiều hiện vật giá trị khác của nhà chùa. Thậm chí đạo chích còn nghi các tháp khác cũng có cổ vật dẫn đến phá tháp để tìm”.

Trao đổi với các cán bộ làm công tác bảo tồn, bảo tàng, họ đều mong muốn có hiện vật gốc để trưng bày, giới thiệu, nhất là những hiện vật quý hiếm như hai cuốn kinh cổ. Nếu chôn vào tháp thì sẽ mất đi một hiện vật gốc không bao giờ ai được xem nữa, không thể dỡ ra mỗi lúc cần nghiên cứu. “Nếu vì lý do tâm linh thì có thể giữ lại một số bản gốc để phục vụ công tác nghiên cứu sau này, chứ nếu đưa toàn bộ sách cổ vào tháp thì không có tác dụng nghiên cứu. Nếu 2 cuốn kinh cổ nội dung chỉ là kinh thì các chùa khác cũng có thể có bản bằng giấy” – ông Nga cho biết thêm.
 
Tháp Tôn Đức chùa Bút Tháp - nơi phát hiện 2 cuốn sách đồng cổ.

Còn quan điểm của sư thầy Thích Thanh Đông, trụ trì chùa Bút Tháp cũng như ý nguyện của phật tử và chính quyền xã Đình Tổ huyện Thuận Thành mong muốn xin lại bản gốc 2 cuốn sách để hoàn trả vào chỗ cũ trên ngọn tháp tỏ rõ sự linh thiêng của kinh cổ. Sư thầy Thích Thanh Đông cho rằng: “Cổ nhân xưa khi làm ngôi tháp Tôn Đức (tháp cao thứ 2 sau tháp Báo Nghiêm chùa Bút Tháp) đã đặt những tấm đá có mộng, có khớp rất tinh tế. Trong tòa tháp cuốn sách được đặt ở tầng thứ 3, phía trên có những tấm đá nặng tới 900 kg và ở độ cao hàng chục mét thì việc trộm cắp cổ vật là rất hãn hữu. Còn việc chiêm ngưỡng cuốn kinh cổ thì du khách thập phương ngưỡng vọng bản phục dựng cũng sẽ hiểu đôi phần về xuất xứ cuốn sách, cứ gì phải là bản gốc. Bên cạnh đó còn là vấn đề tâm linh của cuốn sách nữa chứ, nên phật tử nhà chùa mong muốn đưa bản gốc vào trong tháp”.

Hiện tại, chưa biết có trả bản gốc 2 cuốn kinh cổ vào tháp hay không nhưng việc quản lý 2 cuốn kinh cổ đang rất khó. Giải thích về việc này, các cán bộ Bảo tàng Bắc Ninh cho rằng: Vì không biết mình có được quản lý hay không nên không giao vào kho mà vẫn “tạm giữ” để phục chế. Do sợ mất nên anh em đang phải khẩn trương làm suốt đêm ngày, cắt cử người trông coi. Hàng ngày cử cán bộ mang lên Bắc Giang vài trang để phục dựng, không mang nhiều nhỡ thất lạc. Theo các nhà nghiên cứu thì việc phát hiện những cổ vật là sách đồng ở nước ta rất hiếm. Cho tới nay, mới phát hiện được một số cuốn như: “Cầu Không từ ký” ở Cầu Không, thôn Văn An, xã Bắc Lý, huyện Lý Nhân, Hà Nam, 4 cuốn đồng thư triều Nguyễn ở Quảng Nam, cuốn sách đồng làng Mai Phúc (xã Ngọc Thụy, Gia Lâm) và Đông Lao (Hoài Đức, Hà Nội)...
 

 

Ngoài việc “sao y bản chính” khắc lại 2 cuốn kinh cổ trên chất liệu đồng để lưu trữ, Bảo tàng tỉnh Bắc Ninh còn tiến hành dập khuôn bằng giấy dó, chụp ảnh từng trang và scan lưu giữ trên máy vi tính. Gấp rút xử lý hiện vật, in ấn, chụp ảnh, đo vẽ để làm tư liệu cho hồ sơ hiện vật và cơ sở khoa học để phục chế, dịch nghĩa toàn bộ 2 cuốn sách này.
Nguồn: giadinh.net