PHỎNG VẤN ĐỨC ĐẠT LAI LẠT MA

ĐỨC ĐẠT LAI LẠT MA
Một Môn đệ của Phật – Một Chứng nhân Vĩ đại

Ngày 10 tháng 3, năm 1959, Vị Đạt-Lai Lạt-Ma thứ XIV rời nước Tây tạng bị Trung quốc xâm chiếm và Ngài đã lưu ngụ tại Dharamsala trên đất Ấn độ. Từ đó vị lãnh đạo tinh thần tạm thời của người dân Tây tạng đã ngược xuôi khắp nẻo trong thế giới Tây phương để nói lên những giá trị của Phật giáo.

(Nguyệt san Le Monde des Religions của Pháp, số ngoại lệ phát hành tháng 6 năm 2007, dành riêng cho Phật giáo, có đăng một bài phỏng vấn Đức Đạt-Lai Lạt-Ma. Ký giả ghi chép : Estelle Saint-Martin. Hoang Phong lược dịch)

Phật giáo là một tôn giáo, một phương pháp tu tập, hay là một triết học ?

Cả ba thứ ấy. Tu tập Phật giáo gồm có nhiều phương pháp khác nhau về thiền định. Và cách tu tập bằng phương pháp phân giải – một trong nhiều phương pháp – phải cần đến một hình thức triết học nào đó, một thứ trí tuệ nào đó. Nhưng Phật giáo cũng là một tôn giáo, bởi vì cách tu tập và nền triết học vừa kể buộc chặt con người với nhau để cùng nhau hướng về sự giác ngộ, giác ngộ là một nơi nương tựa giúp chúng ta trở thành những con người tỉnh thức.

Còn khái niệm về một vị Trời thì như thế nào ? Có thể xem Đức Phật như một vị thần linh hay không ?

Không, trừ trường hợp định nghĩa Trời như một nơi Nương tựa, một Người Giác ngộ. Đức Phật là một Sinh linh đạt được sự hiểu biết toàn năng một cách tuyệt vời ; trái lại, Ngài không phải là một vị Sáng tạo. Chúng tôi cho rằng mỗi con người đều hàm chứa bản thể của Phật, vì thế chúng ta không thể nào tự tạo ra chúng ta được (1)…Đối với người Phật giáo, chính là nghiệp (karma) làm phát sinh ra thế giới này. Bất cứ một hành vi nào cũng đều phát sinh từ một hành vi trước đó, bất cứ một biến cố nào cũng đều sinh ra từ một biến cố đã có từ trước, thuận theo luật nhân quả. Sức mạnh của tâm thức, những cảm tính và xúc cảm làm phát sinh ra thế giới của chúng ta và tác tạo ra mọi sinh linh.

Vậy thì những thần linh Phật giáo là gì ?

Thần linh là những biểu hiện của chư Phật. Không nên gọi chư Phât là « thần linh ». Và cũng đừng quên người ta thường nói có hàng ngàn chư Phật. Bởi vì sau Tất-đạt-đa Cồ-đàm, tức là vị Phật lịch sử, đã có vô lượng chúng sinh, nhờ vào sự chỉ dạy của Ngài, đã đạt được Giác ngộ.

Phật giáo khuyên nên dứt bỏ không bám víu. Vậy theo Ngài, tầm quan trọng của lịch sử nhân loại như thế nào ?

Tìm cách không bám víu vào các vật thể không có nghĩa là không quan tâm đến chúng. Mặc dù tôi là một nhà sư, tôi vẫn quan tâm đến những gì xảy ra trên thế giới. Đúng vậy,  điểm đặc thù của Phật giáo chính thực là cách tu tập giúp ta không bám víu vào các vật thể, con người và sự sống.  Nhưng ngay cả thông điệp của các tôn giáo khác, chẳng hạn như Thiên chúa giáo, cũng kêu gọi hãy noi theo một lối sống đơn giản và dứt bỏ, đúng vậy hay chăng ? Tuy nhiên, đúng thật như thế, Phật giáo kêu gọi hãy dứt bỏ một cách rốt ráo từ căn bản. Đối với chúng tôi, lịch sử nhân loại không có cùng một tầm quan trọng như quý vị (2). Và Đức Phật không can thiệp một cách trực tiếp, bởi vì chúng tôi tin vào định luật của nghiệp. Nhưng chúng tôi vẫn nguyện cầu Phật ban cho chúng tôi sức mạnh và trí tuệ…Và chúng tôi tu tập để kiềm chế những xúc cảm của chúng tôi và chủ động được những hành vi của chúng tôi.

Tứ diệu đế của Phật tập trung vào chủ đề khồ đau. Tại sao như thế ?

Khổ đau hiện hữu từ lúc sinh ra đời cho đến khi chết. Tôi tin rằng, nếu không nhờ vào tôn giáo, không nhờ vào tu tập, thật khó mà loại bỏ khổ đau. Định luật của nghiệp là giáo huấn đầu tiên của Phật giáo : ta tự tạo ra cho chính ta những gì sẽ xảy đến cho chính ta, những gì xảy đến phát sinh từ một hành vi trong kiếp sống này hay trong một kiếp sống trước. Theo quan điểm của chúng tôi, Thiên chúa giáo tự mâu thuẫn lấy mình về vấn đề khổ đau (3). Nhưng đối với người Thiên chúa giáo thì chúng tôi cũng có những mâu thuẫn của chúng tôi…Chuyện ai nấy lo ! Đúng như người Trung quốc thường nói : « Đừng chen vào những vấn đề nội bộ của chúng tôi ! », (Ngài bật cười thật lớn). Nói một cách nghiêm chỉnh hơn thì  nhân loại có quá nhiều tính khí khác nhau và nhiều nền văn hoá khác nhau, cho nên một tôn giáo duy nhất không thể thích nghi cho tất cả mọi người. Tính cách đa dạng của con người đòi hỏi cần có nhiều thứ tôn giáo. Vậy nên tôn trọng những tôn giáo ấy, nếu như một tôn giáo không mang đến cho ta những gì ta mong muốn, thì nó vẫn có thể thích nghi với kẻ khác.

Hàng triệu người Tây phương bị thu hút bởi Đạo Pháp (Dharma) và những phương pháp tu tập thiền định và họ không còn quan tâm đến truyền thống trước đây của họ nữa.

Có hai hiện tượng khác nhau. Một số người vẫn giữ niềm tin nơi tôn giáo gốc của họ nhưng chọn những kỹ thuật và phương pháp tu tập của một tôn giáo khác. Như thế rất hiệu quả. Nhưng có nhiều người lại thay đổi hẳn tôn giáo của họ, làm như thế có phần nguy hiểm hơn. Nên suy nghĩ thật cẩn thận, bởi vì cắt đứt cội rễ của mình không phải là một điều tự nhiên cho lắm. Nếu thay đổi tôn giáo quá nhanh, thông thường là vì sự cay cú thúc đẩy và ta sẽ quay ra chỉ trích tôn giáo gốc của mình. Điều này mang tính cách nghiêm trọng, vì ta sẽ hủy hoại cả tâm thức của mình, tâm thức ấy là sự khoan dung, trí tuệ và yêu thương…Nhưng mỗi cá nhân đều có quyền thay đổi tôn giáo của mình. Với điều kiện không nên làm phát sinh một tâm thức tiêu cực chống lại tôn giáo gốc.

Ngài có tin rằng Phật giáo sẽ thiết lập lâu dài ở Tây phương hay chăng ?

Phải phân biệt rõ ràng đâu là giáo huấn chính yếu của Đức Phật, đâu là nền văn hoá. Phật giáo làn tràn trên khắp thế giới và những điều giáo huấn cốt lõi đã ăn sâu vào những nền văn hoá khác biệt : để trở thành Phật giáo Tây tạng, Trung quốc, Thái lan…Nhìn vào tiến trình lịch sử trên đây, rất có thể những điều giáo huấn chính yếu của Phật giáo sẽ hoàn toàn gắn chặt với nền văn hoá phương Tây, rồi một ngày nào đó sẽ trở thành một nền Phật giáo Tây phương.

Ghi chép : Estelle Saint-Martin
Lược dịch : Hoang Phong (12.08.07)

GHI CHÚ CỦA NGƯỜI DỊCH

1- Sáng tạo tức là tạo ra cái gì khác với chủ thể đứng ra sáng tạo. Người Phật giáo tin rằng trong mỗi chúng sinh đều hàm chứa bản thể của Phật tức là Phật tính. Nếu như Phật tính là kẻ sáng tạo thì làm thế nào Phật tính có thể tự tạo ra Phật tính trong mỗi chúng sinh ?

2- Lịch sử nhân loại nằm trong sự biến động chung của vũ trụ, của thế giới ta-bà, trong sự tương liên, tương kết và tương tạo của mọi vật thể và hiện tượng. Lịch sử nhân loại không phải là một thứ gì duy nhất, thiêng liêng, đứng vào vị trí trung tâm của vũ trụ. Lịch sử ấy của nhân loại do nhiều điều kiện và nguyên nhân tạo ra. Đức Phật không can thiệp trực tiếp vào thế giới đang xoay vần theo quy luật của nhân quả, nhưng Ngài thiết tha và làm tất cả những gì có thể làm được để giúp ta ra khỏi thế giới biến động đó mà thôi.

3- Những gì sung sướng và tốt đẹp là do Trời sáng tạo. Những gì khổ đau và xấu xa không phải do Trời sáng tạo. Có những điều không phải sung sướng, nhưng cũng không phải khổ đau, có những thứ không tốt đẹp nhưng cũng không xấu xa. Cùng một vật thể, một sự kiện, một biến cố, có người cho là hạnh phúc và sung sướng, nhưng người khác cho đấy là khổ đau và bất hạnh. Trời đứng vào vị trí nào bây giờ ? Mâu thuẫn là ở chổ đó.

"DÙNG ĐẾN SỨC MẠNH LÀ DẤU HIỆU CỦA
SỰ YẾU ĐUỐI"

(Tờ nguyệt san GEO là một tờ báo lâu đời của Pháp có chủ trương và nội dung rất gần với tờ nguyệt san nổi tiếng National Geograghic của Hoa kỳ ; số báo 342, phát hành tháng 8 năm 2007, là một số đặc biệt dành cho Phật giáo với chủ đề « Đà phát triển mới của Phật giáo », trong số báo này có một bài phỏng vấn Đức Đạt-Lai Lạt-Ma. Ký giả ghi chép : Andreas Hilmer. Hoang Phong lược dịch và ghi chú)

Nguyệt san GEO của Pháp đã gởi người sang tận Dharamsala Ấn độ, để yết kiến và phỏng vấn Đức Đạt-Lai Lạt-Ma. Đối với nhà lãnh đạo tinh thần của người Tây tạng, bất bạo động là giải pháp trước tiên để trả lời cho những vấn đề khó khăn trên toàn thế giới.

Nguyệt san GEO : Ngài đã nghiên cứu Phật giáo hơn sáu mươi năm nay. Ngài có thể tóm lược giáo lý ý ấy như thế nào ?

Phật giáo xoay quanh hai khái niệm: lo âu và đau khổ, hân hoan và hạnh phúc. Hai thái cực đó liên hệ mật thiết với nhau. Trong bối cảnh chung, người ta luôn luôn tìm thấy khái niệm tương liên của vạn vật. Con người, muốn đạt được hạnh phúc, phải quan tâm đến nguyên nhân của khổ đau. Chính trên điểm này khái niệm về bất bạo động đã xen vào. Bạo động đưa đến khổ đau cho kẻ khác, và hậu quả của bạo động lại là đớn đau cho chính ta. Vì vậy, chúng ta phải cố gắng đừng làm tổn thương kẻ khác.

Nguyệt san GEO : Có thể sống hài hoà với lý tưởng của Đức Phật hay không ?

Mỗi người đều có khả năng kiến tạo một cuộc sống hạnh phúc. Sự kiện họ thành công hay thất bại trong mục đích đạt đến lý tưởng ấy tùy thuộc vào thái độ bên trong của mỗi người. Người ấy có phải là người tín ngưỡng hay không là chuyện không quan hệ lắm. Ngay cả Hitler cũng có khả năng trở thành một người hạnh phúc, đủ sức có lòng từ bi. Tôi nói lên điều này, các bạn của tôi trên đất nước Do thái sẽ không hiểu gì cả. Nhưng tất cả mọi con người đều có một tiềm năng để trở thành tốt và hạnh phúc. Đạt được hay không đạt được tiềm năng ấy lệ thuộc vào rất nhiều yếu tố. Đối với chúng tôi đây, những người Phât giáo, chuyện ấy tùy vào cách phải xử lý ra sao những xúc cảm và những động lực tiêu cực của ta. Ngày hôm nay đây, chúng ta vẫn cảm thấy những khó khăn giống như những khó khăn đã từng xảy ra từ hai ngàn năm trăm năm trước. Đấy, tại sao những văn bản cổ xưa vẫn luôn luôn mang tính cách thời sự.

Nguyệt san GEO : Có phải điều đó đã chứng minh từ nguyên thủy đến nay Phật giáo không bị biến đổi một cách đáng kể ?

Quả thế. Phật giáo dựa trên khái niệm « sinh khởi do điều kiện » và chủ trương có thể cứu giúp được mọi người (1). Điều đó không biến đổi, và cũng không có lý do nào để nó biến đổi ! Dù cho sự hiện hữu của ta như thế nào đi nữa, tất cả đều quyết định từ mối tương quan giữa hạnh phúc và khổ đau. Cho đến khi nào khổ đau còn hiện hữu, thì những nguyên nhân sinh ra khổ đau vẫn còn hiện hữu, và, cũng chính vì thế, vẫn còn có những khả năng để tác động trên những nguyên nhân nhân ấy (2). Tất nhiên, qua hai nghìn năm trăm năm, Phật giáo cũng có những thay đổi nhỏ. Những thay đổi ấy là do nơi các môn đệ trong một vài quốc gia, đã giải thích khác nhau về khái niệm của khổ đau. Và sự cảm nhận về thế giới cũng biến đổi. Chẳng hạn người ta đọc thấy trong kinh điển Phật giáo mô tả thế giới bằng phẳng và ngọn núi Tu-di, ngọn núi thần bí của chúng tôi, sừng sững ở vị trí trung tâm, bao quanh là các lục địa. Rõ ràng là sai. Nhất định chúng tôi sẽ là những kẻ ngu ngốc, nếu không biết chấp nhận những gì do khoa học mang đến.

Nguyệt san GEO : Như vậy có nghĩa là Ngài chấp nhận khoa học đã làm lung lay một số giáo điều ?

Nếu đó là hình dáng của trái đất, thì đúng. Ngược lại, khoa học đã công nhận những nguyên tắc mà Phật giáo chủ trương. Chung quanh khái niệm về vô tận chẳng hạn. Hãy lấy thí dụ của vụ nổ lớn big-bang (3) : phải chăng chỉ có một vụ nổ lớn và duy nhất, hay là có nhiều vụ nổ đúng như những người Phật giáo đã chủ trương từ trước, ngày nay nhiều khoa học đi sau họ cũng đã tin như vậy ?

Nguyệt san GEO : Người phương Tây theo Phật giáo càng ngày càng đông. Giáo huấn của Phật giáo ở phương Tây có gì khác biệt không ?

Có những khác biệt trên phương diện văn hoá, lẽ dĩ nhiên, nhưng trên phương diện tâm linh thì không.

Nguyệt san GEO : Rầt nhiều người Thiên chúa giáo theo về với Phật giáo. Có phải là một điều tốt hay chăng ?

Thay đổi tôn giáo không phải là một điều tốt. Một hành vi như thế có thể đưa đến những hoang mang tinh thần. Có rất ít người rút tỉa được ích lợi khi chuyển đổi tâm linh. Chuyện làm này không cần thiết : mỗi tôn giáo đều có khả năng chữa trị tâm thần.

Nguyệt san GEO : Ngài rao giảng về bất-bạo-lực. Nhưng làm thế nào để thuyết phục những kẻ xử dụng bạo lực ?

Bạo lực luôn luôn phát sinh từ u mê (4). Nhất là nó bùng lên khi con người không nghĩ đến những hậu quả đưa đến từ hành vi của họ. Một thí dụ cực đoan : anh giết kẻ địch của anh. Anh là kẻ chiến thắng, nhưng anh phải trả lời cho hành động của anh trước pháp luật. Vậy là anh đã tự gây đau thương cho anh. Tuy rằng anh chiến thắng, nhưng anh phải gánh chịu hậu quả tiêu cực từ những hành động của anh. Về phần những người mà ta gọi là kẻ thù, họ vẫn hằng mang một chút gì đó của chính ta trong họ. Làm hại kẻ thù cũng tương tợ như làm hại đến chính ta.

Nguyệt san GEO : Nhưng lắm khi ta đạt được mục đích nhanh hơn bằng cách xử dụng vũ lực…

Không đúng, chuyện ấy đâu phải tiến hành như thế. Quả thật, ta thắng và ta loại bỏ được khó khăn. Nhưng đồng thời ta lại tạo ra một khó khăn khác. Khi anh xúc phạm đến một người nào đó, người này có thể gánh chịu những tổn thương lâu dài. Và chính nơi vết thương còn há miệng đó sẽ nẩy sinh ra một khó khăn mới. Ý thức được sự liên kết ấy không cần phải dính dáng với tôn giáo, nhưng chính là khả năng của chính ta để hiểu được kẻ khác.

Nguyệt san GEO : Còn Ngài thì sao, Ngài kiểm soát sự tức giận của Ngài như thế nào ?

Nếu chuyện ấy xảy ra với tôi. Tôi cũng có nhược điểm và yếu đuối. Đôi khi tôi cũng ganh ghét và nổi cáu. Chẳng hạn, tôi cũng có thể bị đánh thức trong đêm vì tiếng chiêm chiếp của chim kêu (5). Nhưng khi tâm thức lành mạnh thì chẳng có gì đáng ngại. Những xúc cảm tiêu cực bùng lên và biến mất. Những lúc bực bội thật khó kiểm soát, nhưng nó không được phép làm lay chuyển cấu trúc căn bản của con người (6). Trong Phật giáo có nhiều cách tu tập giúp ta kiểm soát những loại xúc cảm như thế.

Nguyệt san GEO : Chẳng hạn như những cách tu tập nào ?

Thiền định, thiền định xem sự nổi giận là một vị thầy, một thách đố cho ta, va chạm với nó sẽ giúp ta trưởng thành. Khi một cảm tính như thế xảy đến, trong giai đoạn đầu, ta đừng làm gì cả, mục đích tránh gây cho tình thế trở nên trầm trọng hơn, tiếp theo đó hãy tự đặt câu hỏi để tìm hiểu đâu là phần trách nhiệm của ta. Cũng phải đủ sức khơi động lòng từ bi và tình thương sẳn có trong ta để thiền định về những cảm tính đó. Thật là hệ trọng phải biết tập luyện để hiểu rằng những hiện tượng tiêu cực tấn công ta, chúng chỉ có tính cách nhất thời, vô thường mà thôi. Nóng giận thường liên đới với sự kém cỏi của ta.

Nguyệt san GEO : Gần đây Ngài chính thức bày tỏ sự mong muốn được đi hành hương ờ Trung quốc, trong khi Trung quốc chiếm giữ quê hương của Ngài là xứ Tây tạng, từ năm 1950. Vì đâu có sự mong muốn ấy ?

Có rất nhiều thánh địa của người Tây tạng nằm trong lãnh thổ Trung quốc. Ngay sau khi chính thức tái lập sự tiếp xúc với chính quyền Trung quốc, vào năm 2002, tôi xin được hành hương ở những nơi ấy. Cho đến nay, Trung quốc chưa trả lời. Người ta giải thích với tôi rằng Trung quốc phải được bảo đảm chuyến du hành ấy chỉ có mục đích tinh thần, và duy nhất chỉ có mục đích đó. Tiếc thay, gần đây lại có những khó khăn mới xảy ra cho Trung quốc. Chính quyền Trung quốc tấn công thẳng vào tôi, một cách rất ác liệt. Những người lính biên phòng Trung quốc bắn vào những người Tây tạng di tản. Nếu như một ngày nào Trung quốc biết chọn một giải pháp đem đến tốt đẹp cho Trung quốc, vấn đề Tây tạng sẽ được giải quyết tức khắc. Nhưng nếu nhờ vào sức mạnh và bạo lực thì đấy chỉ là dấu hiệu của sự yếu kém. Vì lý do đó mà chúng tôi vẫn hằng nguyện cầu cho những người Trung quốc. Họ cần đến lòng từ bi của chúng tôi.

Nguyệt san GEO : Vấn đề Tây tạng có thể giải quyết xong trong khi Ngài còn sống hay không ?

Khó trả lời. Trên đất Ấn, có những người Tây tạng đã tự thiêu. Những người đó chỉ biết đến cuộc sống lưu vong và không có một chút hy vọng nào nhìn thấy tình hình đổi thay. Những biến chuyển đó làm cho tôi rất buồn, vấn đề còn trầm trọng hơn nữa đối với thế hệ trẻ. Dù  muốn hay không, về lâu dài, chúng tôi cũng phải sống chung bên cạnh người Trung quốc.

Nguyệt san GEO : Ngài đã để nghị những gì với người Trung quốc ?

Hãy theo con đường « trung đạo ». Về phía Tây tạng, chúng tôi không muốn hoàn toàn độc lập với Trung quốc, nhưng cũng không muốn một quy chế như hiện nay, vì tất cả quyền hành đều trong tay người Trung quốc và người Tây tạng đang đau khổ. Trên quê hương chúng tôi, mọi người bị bắt buộc phải nói tiếng Trung quốc. Ngược lại, ngôn ngữ của nền văn hoá Tây tạng bị giới hạn. Chúng tôi nghĩ rằng sau này nền chính trị đối ngoại của nước Tây tạng tự trị trong vòng lãnh thổ Trung quốc sẽ do Bắc kinh quản lý. Nhưng trên phương diên giáo dục, văn hoá, kinh tế và môi trường, chúng tôi phải có tiếng nói. Đấy là điều kiện tiên quyết cho một cuộc đối thoại xây dựng. Những gì xảy ra ở Âu châu cũng có thể gợi ý cho trường hợp này. Chung quy, trường hợp của Tyrol (7) và Catalogne (8) đã tìm được giải pháp. Người Trung quốc tiếp tục cho rằng họ có quyền lịch sử về sự vẹn toàn của Tây tạng. Về điểm cuối cùng này, không thể thủa thuận với nhau được.

Nguyệt san GEO : Sẽ có sự tái sinh của Đạt-Lai Lạt-Ma hay không?

Đúng hơn, câu hỏi phải được nêu lên như sau Đạt-Lai Lạt-Ma tương lai phải làm thế nào để có thể giúp đỡ dân tộc Tây tạng hiệu quả hơn. Sự tái sinh có thể của Đạt-Lai Lạt-Ma tùy thuộc vào câu trả lời trên đây. Hãy nêu lên một thắc mắc khác : Đạt-Lai Lạt-Ma còn có lý do tồn tại trong một thể chế, dưới hình thức như hiện nay hay không ?

Nguyệt san GEO : Ngài đã từng nói rằng Đạt-Lai Lạt-Ma tương lai có thể sinh ra bên ngoài Tây tạng và Trung quốc, và kể cả trường hợp cũng có thể là một người phụ nữ…

Thắc mắc trước hết là Đạt-Lai Lạt-Ma tương lai phải dấn thân vào những công việc mà tôi còn bỏ dở. Nếu tôi chết bên ngoài Tây tạng, vị Đạt-Lai Lạt-Ma mới cũng sẽ được tìm thấy bên ngoài Tây tạng (9).

Nguyệt san GEO : Người Trung hoa sẽ hình dung việc này như thế nào?

Người Trung hoa nhất định sẽ chỉ định một vị Đạt-Lai Lạt-Ma riêng cho họ. Chuyện ấy sẽ sinh ra nhiều khó khăn, nhưng những khó khăn ấy hầu hết dành cho họ. Nói như thế, để hiểu rằng thể chế của một vị Đạt-Lai Lạt-Ma có thể mang một tầm quan trọng lớn lao vào một giao đoạn nhất định nào mà thôi. Nhưng nếu đa số người Tây tạng, một ngày nào đó, xét rằng tầm quan trọng ấy không còn cần thiết nữa, thì nó cũng sẽ biến mất.


Ghi chép : Andreas Hilmer
Lược dịch : Hoang Phong (Pháp quốc, 06.08.07)


GHI CHÚ CỦA NGƯỜI DỊCH

1- Một câu phát biểu rất đơn giản nhưng có thể tượng trưng cho Phật Giáo. Khái niệm về sự tương liên, tương tạo, tương kết của mọi hiện tượng là một cách nhìn bao quát, thật triết lý và rất khoa học về thế giới chung quanh ta và cả vũ trụ, cách nhìn đó là một đặc thù của Phật giáo : đây là phần «lý thuyết». Trong thế giới này, mọi vật thể và mọi biến cố đều sinh khởi vì nguyên nhân tương liên của nhiều điều kiện, do đó hạnh phúc của ta cũng liên đới với hạnh phúc của kẻ khác, khổ đau cũng thế. Giúp đỡ kẻ khác chính là lòng Từ bi : đây là phần «ứng dụng» trong Phật giáo.
2- Đức Đạt-Lai Lạt-Ma giải thích về Tứ diệu đế.
3- Giả thuyết khoa học cho rằng một vụ nổ lớn đã tạo ra vũ trụ.
4- Vô minh.
5- Tiếng chim kêu chiêm chiếp trong đêm là chuyện không thể có, hoặc gần như vô lý. Nổi cáu khi bị đánh thức bởi những tiếng chiêm chiếp trong đêm là một chuyện không tưởng, sự nóng giận của Đức Đạt-Lai Lạt-Ma cũng thế.
6- Tức là Phật tính.
7-8- Các vùng tự trị trên lãnh thổ Áo và lãnh thổ Tây ban nha.
9- Một câu tiên đoán cho tương lai : nếu Đức Đạt-Lai Lạt-Ma chết bên ngoài Tây tạng, Ngài sẽ tìm cách tái sinh bên ngoài Tây tạng.