Tổ chức Hội nghị Nữ Phật giáo Thế giới lần thứ 11 tại Nhà truyền thống Văn hóa Phật giáo Thành phố Hồ Chí Minh

THÔNG CÁO
Tổ chức Hội nghị Nữ Phật giáo Thế giới lần thứ 11
tại Nhà truyền thống Văn hóa Phật giáo Thành phố Hồ Chí Minh

Hội Sakyadhita (Những người con gái của Đức Phật) được thành lập năm 1987 để kêu gọi mọi thành phần Nữ giới (Ni giới và nữ Cư sĩ) Phật giáo trên toàn thế giới cùng hướng đến sự phát triển của Phật giáo nói chung và đặc biệt là sự phát triển của Nữ giới nói riêng cũng như hướng đến mục đích là đạt được nhiều thành quả tốt đẹp trong tu học và hành trì, cùng hợp tác để giúp đỡ người nữ Phật giáo có năng lực như những học giả, bác sĩ, giáo viên, nhà tư vấn, họa sĩ, những nhà hoạt động xã hội có tâm huyết và các tổ chức cộng đồng phát triển khả năng của mình.

Để tiếp tục triển khai tiêu chí: Thiết lập một liên minh quốc tế của Ni giới và nữ Phật tử, nâng cao lợi ích chung cho Nữ giới Phật giáo thế giới, đẩy mạnh sự hòa hợp và trao đổi giữa các truyền thống Phật giáo với các tôn giáo khác, khuyến khích việc nghiên cứu và xuất bản những chủ đề liên quan đến Nữ giới Phật giáo, thúc đẩy hoạt động từ thiện xã hội vì lợi ích cho nhân loại, đóng góp vào nền hòa bình thế giới thông qua sự thực hành những lời dạy của Đức Phật, và Hội nghị được tổ hai năm một lần tại mỗi nước Phật giáo khác nhau.

Hội nghị lần này được tổ chức tại Việt Nam với chủ đề: “NỮ GIỚI PHẬT GIÁO LỖI LẠC” (Eminent Buddhist Women) nhằm mục đích tôn vinh những thành tựu của chư Ni và Nữ Phật Tử, thắt chặt tình thân hữu, trao đổi, chia xẻ kinh nghiệm của những người Con gái của Đức Phật trên khắp thế giới. Thông qua Hội nghị sẽ làm cho các bạn bè đến từ nhiều quốc gia, vùng lãnh thổ hiểu thêm về sự phát triển của Việt Nam trên mọi phương diện, hiểu biết nhiều hơn về Giáo hội Phật giáo Việt Nam – Tổ chức Giáo hội duy nhất đại diện cho Tăng Ni, Phật tử trong nước cũng ngoài nước và những thành tựu của Nữ giới Phật giáo trong suốt chiều dài lịch sử 2.000 Phật giáo Việt Nam.

Nhằm tạo điều kiện cho Nữ giới Phật giáo nói chung và Nữ giới Phật giáo Việt Nam nói riêng phát triển vai trò, vị trí của mình trong sự kết nối toàn cầu, Hội nghị Hội Nữ Phật giáo Thế giới lần thứ 11 chính thức được Giáo hội Phật giáo Việt Nam đăng cai, Chính phủ nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam cho phép tổ chức. Giáo hội giao cho Phân ban đặc trách Ni giới thuộc Ban Tăng sự Trung ương GHPGVN triển khai tổ chức Hội nghị.

Hội nghị Hội Nữ Phật giáo Thế giới lần thứ 11 được trọng thể tổ chức:

- Địa điểm: Nhà truyền thống Văn hóa Phật giáo Thành phố – chùa Phổ Quang, quận Tân Bình, Thành phố Hồ Chí Minh, Việt Nam.

- Thời gian: Từ ngày 28 tháng 12 năm 2009 đến 03 tháng 01 năm 2010.

- Số lượng đại biểu: Dự kiến 1600 đại biểu trong và ngoài nước tham dự.

+ Đại biểu trong nước: Hội đồng Chứng minh, Hội đồng Trị sự, Ban Trị sự Tỉnh, Thành hội Phật giáo, Chư Tôn đức Ni Phân Ban Đặc trách Ni giới TW và Ni giới các Tỉnh, Thành, đại diện nữ Phật tử trong nước.

+ Đại biểu quốc tế: Dự kiến có khoảng 400 đại biểu đến từ 47 quốc gia và vùng lãnh thổ, bao gồm khoảng 20 hội đoàn Phụ Nữ Phật giáo: quý Ni trưởng, Ni sư đại diện Ni giới và Nữ Phật tử gồm các giáo sư, diễn giả, học giả, nghiên cứu sinh đến từ các trường đại học.

+ Khách mời danh dự: các cấp lãnh đạo Nhà nước Trung ương, Thành phố Hồ Chí Minh và địa phương

- Chương trình Hội nghị:

· Ngày 27.12.2009: Đại biểu quốc tế đến Thành phố Hồ Chí Minh

· Ngày 28.12.2009: Lễ Khai mạc

· Ngày 29.12.2009 – 2.01.2010: Nội dung Hội thảo, Thiền định, Thảo Luận nhóm

· Ngày 3.01.2010: Bế mạc

· Ngày 4 tháng 01: Thăm Lãnh đạo GHPGVN (Văn phòng 2 TWGH), Lãnh đạo Thành phố, các chùa ở Tp. Hồ Chí Minh

· Ngày 5.01.10: Thăm các chùa ở Đồng Nai, Vũng Tàu

· Ngày 6-10 tháng 1/ 2010: Du lịch Huế và Hà Nội, thăm Lãnh đạo GHPGVN (Văn phòng TWGH), Ban Tôn giáo Chính phủ.

- Chủ đề Hội thảo và các đề tài thảo luận:

Chủ đề chính (Main Theme): “Nữ giới Phật giáo lỗi lạc” (Eminent Buddhist Women)

Các chủ đề thảo luận nhóm (Sub-themes):

1. Nữ giới Phật giáo Việt Nam (Buddhist Women of Vietnam)

2. Nữ giới Phật giáo Thế giới (Buddhist Women of the World)

3. Nữ giới Phật giáo và sự lãnh đạo (Buddhist Women and Leadership)

4. Nữ giới Phật giáo lỗi lạc trong lịch sử Phật giáo thời kỳ đầu (Eminent Women in Early Buddhist History

5. Nữ giới Phật giáo lỗi lạc trong Kinh điển và thực tế (Eminent Buddhist Women in Text and Reality)
6. Những nữ văn sĩ, thi sĩ của Phật giáo: thi ca và khẩu truyền (Women Writing Buddhism: Poetry and Oral History)

7. Cộng đồng Nữ giới Phật giáo (Buddhist Women’s Communities)

8. Sống giản dị, Bảo vệ môi trường (Living Simply, Protecting the Environment)

9. Nữ giới Phật giáo lỗi lạc của thế kỷ 20 (Eminent Buddhist Women of the 20th Century

10. Nữ giới Phật giáo dấn thân trong xã hội (Socially Engaged Buddhist Women)

11. Giáo dục Phật giáo qua các nền văn hoá (Buddhist Education across Cultures)

12. Những con đường thực hành Phật pháp (Diverse Dharma Paths)

13. Những tấm gương điển hình (Exceptional Role Models)


Trân trọng kính thông cáo.

TM. BAN THƯỜNG TRỰC HỘI ĐỒNG TRỊ SỰ
GIÁO HỘI PHẬT GIÁO VIỆT NAM
PHÓ CHỦ TỊCH kiêm TỔNG THƯ KÝ
(đã ký và đóng dấu)
Hòa thượng THÍCH THIỆN NHƠN