BÀI HỌC NGÀN VÀNG

Đại ý là: phàm làm việc gì phải biết hậu quả của nó, phải biết hậu quả của mỗi công việc mình làm

Đạo lý này ta lấy từ bộ "Phật học phổ thông" của Cố Hòa Thượng Thích Thiện Hoa, tựa đề là "Bài học ngàn vàng"

Tóm tắt câu chuyện như thế này: Có một vị Quốc vương, tình cờ nghe được một người lang thang rao bán "có một bài học đáng giá nghìn vàng", ai bỏ ra một ngàn lượng vàng thì ông ta mới bán đạo lý này...

Có những người nghe như vậy thì tò mò, cũng có những người chê bai; ai hỏi ông cũng không nói gì, chỉ khi nào trả một ngàn lượng vàng thì ông mới kể cho nghe, nhiều người bảo ông này bị điên vì họ nghĩ rằng chẳng có đạo lý nào đáng giá đến như vậy.

Nhưng ông cứ đi rao từ ngày này qua ngày nọ, tháng này qua tháng kia và cũng đến tai vị vua. Nhà vua ngạc nhiên và cho thám tử theo dõi; và được tin báo là ông này giống như vị tiên chứ không phải người điên, vì ông này cốt cách phi thường, đời sống chuẩn mực, đàng hoàng, lời ăn tiếng nói không thừa chữ nào, chỗ ăn chỗ nghỉ rất tự tại nhưng có biểu hiện của một vị siêu phàm thoát tục...

Nhà vua rất ngạc nhiên và giả dạng thường dân đến gặp và hỏi bài học gì mà ông lại rao đến một nghìn lượng vàng??? Ông già nói đây là bài học mà có thể làm cho người ta thoát khỏi những đau khổ của cuộc đời, vượt qua khỏi những lầm lỗi và có thể đạt tới thánh vị...

Nhà vua bỏ về nhưng cứ ray rứt bởi câu chuyện của ông già nên nhà vua quyết định lấy một nghìn lượng vàng để trả cho ông già; nhà vua cho mời ông già vào hoàng cung và nhận là người lúc trước đã hỏi ông già về bí mật đáng già ngàn vàng và hôm nay chấp nhận hoặc bị lừa mất một nghìn lượng vàng hoặc thật sự nhà vua sẽ được học một bài học có giá trị. Nhà vua kêu lính chất đủ một ngàn lượng vàng trước mặt ông già, sau đó ông già đưa ra một tờ giấy chỉ ghi dòng chữ "phàm làm việc gì, suy nghĩ đến hậu quả của nó". Nhà vua nghĩ mình đã bị lừa, nhưng lời vua nói ra thì như đinh đóng cột không thể rút lại không thể lấy lại vàng, còn ông già cứ lặng lẽ chất vàng vào túi rồi bước ra về.

Sau đó nhà vua cứ bị ám ảnh bởi câu nói "phàm làm việc gì phải suy nghĩ đến hậu quả" và một ngàn lượng vàng mà mình đã bỏ ra để mua, nếu như nhà vua mua câu nói này chỉ với một lượng vàng thì nhà vua sẽ quên rất nhanh, nhưng vì phải mua đến một nghìn lượng vàng nên nhà vua vừa tức, vừa tiếc và câu nói đó đã nhập tâm nhà vua; và mỗi khi nhà vua làm việc gì đều suy nghĩ đến câu nói đó.

Mọi người nhận ra nhà vua đã thay đổi từng ngày từng ngày, người ta thấy nhà vua trầm tỉnh hơn, khôn ngoan hơn, phân định công việc sáng suốt hơn, ngồi trong hoàng cung mà nhận định sự việc ở biên cương rõ ràng...đất nước bắt đầu cường thịnh hơn.

Người dân trong thành thì ngạc nhiên, nhưng chính nhà vua không nhận ra điều đó, ông chỉ bị ám ảnh bởi câu nói của ông già lang thang "phàm làm việc gì phải suy nghĩ đến hậu quả của nó", cũng nhờ đó mà nhân cách nhà vua thay đổi, ông không còn là một người tầm thường, thích hưởng thụ như ngày xưa mà làm gì cũng suy nghĩ cho dân cho nước, mỗi khi muốn làm việc gì là mỗi lần ông cân nhắc rất kỹ.

Khi thấy một đất nước nào cường thịnh thì các nước lân bang bắt đầu dòm ngó, có một đất nước bên cạnh cũng cho thám tử qua dò la và được tin là nhà vua lúc bấy giờ điều hành quốc gia rất giỏi, đất nước phát triển từng ngày, đời sống nhân dân ấm no hạnh phúc và niềm tin đối với vua rất mạnh; nếu đất nước của nhà vua này trở thành cường quốc thì nước lân bang sẽ bị đe dọa (các nhà chính trị thường sợ người khác mạnh hơn mình).

Vua nước lân bang mới cho người điều tra tại sao trước đây, đất nước đó rất là bình thường, vậy mà ngày hôm nay không biết có bí quyết gì mà phát triển như vậy; ba tháng sau thám tử quay về báo cáo có một ông tiên dạy cho vua bí quyết trị nước nhưng bí mật không nói cho ai, nhà vua bên đó phải mua đến 1 nghìn lượng vàng. Nhà vua nước lân bang mới nói: nếu vua bên kia mua bằng một nghìn lượng vàng, ta sẽ đem quân qua đánh để cướp vật đó. Và kết quả là nhà vua không kịp trở tay vì không kịp chuẩn bị, khi quân đánh vô tới hoàng cung thì vua biết rằng mình không thể trở tay nữa, chỉ muốn gặp mặt kẻ thù để hỏi lý do.

Vua nước lân bang vào hoàng cung, ngồi lên ngai vàng và hỏi "Ta nghe nói ngươi mua được một bài học ngàn vàng để trị nước, hãy đem bài học đó ra", nhà vua mới đưa tờ giấy lúc trước ông đã mua ra "Phàm làm việc gì phải suy nghĩ đến hậu quả của nó". Vua nước lân bang rất ngạc nhiên vì chỉ có một dòng chữ mà phải mua đến một nghìn lượng vàng.

Nhà vua trả lời "tôi chỉ mua được như thế, nên tôi nghĩ mình đã bị lừa; nhưng chính vì câu nói này mà tôi suy nghĩ về tất cả mọi điều trong cuộc sống này, và nhờ nó mà đất nước thay đổi, người dân hạnh phúc, nhưng tôi chưa đủ mạnh để xây dựng một lực lượng quân sự để chống lại kẻ thù". Vua nước lân bang cứ cầm tờ giấy đi tới đi lui suy nghĩ...vua nước lân bang đã suy nghĩ rất lâu, ông nhìn tờ giấy rồi lại đi tới đi lui, một lúc lâu thì hình như ông đã nghiệm ra điều gì đó và lập tức ra lệnh cho quân của mình rút lui, trả ngai vàng, hoàng cung lại cho nhà vua.

Câu chuyện này không có ghi trong lịch sử thế giới, đây là một câu chuyện tưởng tượng do một người nào đó tạo ra. Hòa Thượng Thiện Hoa mới thu thập được, dịch thành cuốn sách "Bài học nghìn vàng" rất phổ biến và làm cho người đọc rất thú vị.

Hôm nay chúng ta sẽ bàn với nhau câu nói đó hay như thế nào, biết đâu khi ta hiểu được bài học nghìn vàng này thì nhân cách ta thay đổi, đời sống ta tốt hơn, gia đình ta hạnh phúc hơn...mọi điều trong xã hội ta sẽ tham gia tích cực hơn mà không cần tốn đến một nghìn lượng vàng chỉ cần chịu nóng một bữa đến đây nghe giảng.

Có một vị hiền triết nào đó đã đem câu nói này dựng thành một trường thiên tiểu thuyết mà nếu được dựng thành phim thì sẽ là một bộ phim rất hay. Nhưng tại sao các vị hiền triết đã dày công nhắc nhở điều này cho mọi người?

Bởi vì các ngài đã thấy một điều như thế này: con người lúc còn trẻ thì dại khờ, làm việc gì chỉ theo ý thích của mình mà không nghĩ xa hơn, không nghĩ đến hậu quả, khi lớn lên bắt đầu có trách nhiệm với cuộc sống, với gia đình, với xã hội, với đất nước...thì khi ta làm việc gì mới biết đắn đo, cân nhắc, ta suy nghĩ đến hậu quả nhiều hơn một chút; đó là dấu hiệu của người trưởng thành...

Nhưng đa số hầu hết chúng sinh vẫn tiếp tục làm theo ý thích của mình một cách bồng bột và nông cạn không bao giờ chịu suy nghĩ xa xôi, ta nói lại về nhà vua một chút, tuy là một ông vua trị vì một đất nước nhưng thật sự trong hầu hết những việc làm của mình nhà vua vẫn không chịu suy nghĩ sâu xa về hậu quả của việc làm của mình, vẫn có cái nhìn rất nông cạn mặc dù nhà vua có đầu óc rất sáng suốt, bên cạnh có những cận thần, cố vấn...vậy mà để định hình rằng khi làm việc gì ta phải suy nghĩ ra được hậu quả của nó thì vẫn còn là một trí tuệ vượt bậc mà nhà vua vẫn chưa đạt được, mãi đến khi ông bị lừa mất một nghìn lượng vàng, bị ám ảnh bởi câu nói "phải suy nghĩ hậu quả trước khi làm việc gì" nên mới trở thành một con người khác; chứ trước đó dù ông rất khôn ngoan, dù có bao nhiêu cận thần, tham mưu, cố vấn..vậy mà cái gọi là "nghĩ cho ra hậu quả việc làm của mình" vẫn là một chuyện xa vời, vẫn là chuyện mà ông chưa thực hiện được hoàn toàn.

Thì như vậy cái mà ta gọi là "trước khi ta làm việc gì ta phải cân nhắc suy nghĩ hậu quả của nó" thật sự không phải là một điều đơn giản, tầm thường, mà đó chính là trí tuệ của một bậc hiền triết hay có thể gọi là bậc thánh nhân.

Bây giờ ta thử nghiệm lại bản thân mình, bao nhiêu lần trong cuộc đời này, trước khi làm một việc gì đó ta đã có suy nghĩ cặn kẽ đến hậu quả không??? Hay đa phần ta chỉ làm vì ý thích của mình? Hãy nghiệm lại ta sẽ thấy rằng trong mười công việc ta làm thì hết 8-9 việc ta làm theo ý thích, chỉ có 1-2 việc là ta có suy nghĩ về hậu quả một chút mà thôi chứ không bao giờ suy nghĩ đến hậu quả một cách sâu xa về sau.

Vậy cái gì đã khiến cho một người thích làm việc gì thì làm, không thích thì thôi và một người khi làm việc thì nhận thức rõ về hậu quả của việc mình làm??? Những người phàm phu tầm thường thì cái thích của sự ích kỷ cá nhân rất mạnh, mình thích mình muốn là mình làm để thỏa mãn ý thích của mình vì cái thích, cái muốn, cái nóng giận, cái tự ái, cái ích kỷ, cái ganh tị của mình rất lớn và nó che hết tâm trí mình, nó khống chế, thống trị, sai xử con người mình, làm mọi điều mà nó muốn;

Còn một bậc thánh siêu việt thì trong tâm, cái thích cái muốn rất thấp rất ít và hầu như không có. Các ngài không bao giờ làm điều mình thích, không bao giờ làm điều mình muốn vì các ngài chẳng muốn, chẳng thích điều gì nữa; Các ngài hễ làm việc gì là vì chúng sinh mà làm chứ không vì ý thích của mình nên không bị cái thích che lấp, vì thế cái ngài nhìn rất kỹ, rất thấu đáo hậu quả phía sau việc làm của mình; đây là chỗ khác nhau.

Chính vì còn cái thích hay không còn cái thích mà người ta có quan tâm đến hậu quả việc mình làm hay không! Những người có cái thích cá nhân mạnh quá, hay sự nóng giận quá mạnh thì người đó chỉ muốn làm cho đã thôi, không cần nghĩ tới hậu quả..đây là một người phàm phu. Còn bậc thánh nhân, trong lòng không còn cái thích của cá nhân nữa nên mỗi khi muốn làm việc gì thì chỉ làm vì chúng sinh và cân nhắc hậu quả rất kỹ, trí tuệ rất sáng.

Câu nói này không hề khó hiểu, khi ta mới nghe thì ta nghĩ không đáng giá một triệu đồng hay một trăm ngàn, nói miễn phí thì nghe còn bỏ tiền ra để mua thì không bao giờ. Vì câu này quá dễ hiểu, ai cũng có thể hiểu, ai cũng có thể nghe và ai cũng có thể giảng câu này nhưng khi đi sâu vào đó, suy nghĩ kỹ về câu nói đó thì một người có thể chiến thắng được những ham muốn cá nhân của mình, chiến thắng được những nóng giận, tự ái, ích kỷ của cá nhân mình để mỗi khi làm một việc gì có thể sáng suốt nhìn thấy được hậu quả để quyết định nên làm hay không nên làm thì đây là công phu tu hành của một bậc thánh nhân chứ không phải một người phàm mà có thể làm được.

Mặc dù ta mới nghe là có thể hiểu liền, nhưng để thực hiện được câu nói này thì ta phải chiến thắng được chính mình, nhưng muốn chiến thắng được chính mình thì cần phải có công phu tu tập của một kiếp người và của cả ngàn kiếp về sau nữa, không phải chuyện đơn giản.

Còn nhà vua có thể thành công vì ông bị tức, một nghìn lượng vàng đối với một vị quân vương thì chẳng là bao nhiêu nhưng ông có cảm giác bị lừa và bị mất mặt trước các quần thần, và ông bị ám ảnh suốt một thời gian dài...nhưng không ngờ câu nói đó lại đi vào tâm trí ông, đi vào đời sống của ông và biến ông thành một con người khác, một con người sáng suốt, anh minh, đạo đức...để thay đổi cả đất nước của ông.

Tuy câu nói đơn giản nhưng để hiểu sâu xa ý nghĩa của nó cũng như thực hành được như thế là phải mất bao nhiêu tâm huyết của một con người; chúng ta cũng vậy, nếu kể từ bây giờ chúng ta bị ám ảnh bởi câu nói đó, chúng ta phải cân nhắc cái thích của mình, cái muốn của mình, cái tự ái của mình ra sao rồi ta cẩn thận mỗi khi làm việc thì ta cũng sẽ giống như ông vua đó thay đổi cả cuộc sống của mình chứ không dễ dàng chút nào.

Tuy nhiên tại sao chúng ta không bị ám ảnh bởi câu nói đó? Hôm nay chúng ta ngồi đây để nói với nhau về câu nói ngàn vàng này nhưng ta không mất một cái gì hết, ta nghe miễn phí do đó ta sẽ không bị ám ảnh câu nói này giống như ông vua đã mất một nghìn lượng vàng, còn ta không mất một đồng nào nên khi về nhà ta sẽ quên liền và ta không thể thay đổi được cuộc sống của mình một cách tuyệt vời như ông vua đó.

Thật ra khi vị hiền triết dựng câu chuyện này lên để dạy cho những người phàm phu như chúng ta thì ngài biết rằng chúng ta còn những ham muốn cá nhân, còn tự ái, ích kỷ, nóng giận, thù hận, ganh tị...những điều đó đã chi phối tâm hồn chúng ta, chi phối hành động của chúng ta.

Khi chúng ta ham muốn cho cá nhân mình, khi chúng ta tự ái nóng giận cho cá nhân mình, chúng ta làm theo cái nóng, cái tự ái đó, chúng ta không suy nghĩ sâu xa về hậu quả, chúng ta đâu ngờ rằng hậu quả lại rất lớn, cái lớn đó là cái lớn trong hiện tại mà chưa nói đến quả báo thảm khốc của nhiều kiếp về sau; hậu quả trong hiện tại là ta đau khổ, gia đình ta đau khổ, người chung quanh ta đau khổ...nhưng quả báo theo luật nhân quả cho nhiều kiếp về sau thì kéo dài cực kỳ khó chịu.

Cho nên ta phải làm sao mà mỗi khi làm việc gì ta đều nhìn suốt được hậu quả của nó để biết nên làm hay không nên làm thì buộc mỗi người chúng ta phải chiến thắng chính mình, trước khi làm việc gì ta phải bình tĩnh, xem xét lại ta làm việc này là cái gì, hậu quả phía sau là cái gì? Có phải ta muốn, ham thích cho cá nhân mình hay không, có phải ta làm vì ta đang tham lam hay không, có phải vì ta đang nóng giận hay không, có phải vì ta đang tự ái, ta ganh tị, ta hơn thua hay không? Phải tìm cho được động cơ đó rồi mới làm, nếu những động cơ đó đang xúi giục ta thì phải lập tức quỳ trước Phật xám hối liền.

Con người ta khi sợ vẫn có thể có những hành động không đúng, khi sợ chết ta sẽ làm bậy, khi sợ mất danh dự ta cũng sẽ làm bậy, khi sợ nghèo ta cũng sẽ làm bậy...cho nên cái sợ cũng là một cái rất đáng sợ vì nó sẽ xúi ta làm những điều bậy giống như khi ta nóng giận, tham lam, ham vui...Nếu sống trong cuộc đời mà chúng ta có thể chiến thắng được những điều đó để mỗi khi làm việc gì ta nhìn suốt được hậu quả về sau thì cần phải có một quá trình tu tập công phu và lâu dài.

Khi ta tu theo đạo Phật, Phật dạy ta vượt qua những điều của cá nhân, không nóng giận, không sợ hãi, không tham lam, không ích kỷ...nếu chúng ta làm được những điều này thì tâm chúng ta sáng ra, ta nhìn rất sâu và cực kỳ can đảm. Sống để làm điều đúng chứ không bao giờ sống để làm điều tội, nếu có ai buộc mình sống để làm điều tội thì thà chết còn hơn.

Phải tu đúng theo lời Phật dạy thì ta mới có được can đảm như vậy. Phật dạy ta vô ngã, bây giờ ta sợ chết vì ta chưa đạt được vô ngã, còn thấy bản thân này, sự sống này rất quan trọng, cho nên ta phải tu như thế nào để ta không còn thấy mình là quan trọng nữa mà chỉ thấy chân lý, lẽ phải, đạo đức mới là quan trọng. Cần 10 năm tu đúng hướng thì ta mới đạt được tâm vô ngã, nếu ta tu sai thì sau 10 năm ta tiếp tục hận thù, hơn thua,ích kỷ, tham lam, bản ngã sẽ phát triển. Vì thế chúng ta nên nhớ "Phàm làm việc gì phải suy nghĩ đến hậu quả của nó về sau"!

TT Thích Chân Quang