Bốn Đặc Tính Của Niết Bàn (Thường, Lạc, Ngã, Tịnh)

Nếu nhìn kỹ ta sẽ thấy rằng những điều ta học được ở các kinh điển, kể cả trong kinh Duy Ma, có liên hệ rất mật thiết trong việc thực tập tu học của chúng ta. Người tu học luôn luôn nghĩ đến mục đích của mình là giải thoát và an lạc. Người tu học có thể nói đến giải thoát, giác ngộ và an lạc rất nhiều mà không chứng nghiệm được giải thoát, giác ngộ và an lạc trong khi mình đang nói. Phần đông chúng ta rất "hồ hởi phấn khởi" về đạo giải thoát, giác ngộ và an lạc của chúng ta; Tuy nhiên chúng ta chỉ nói nhiều chứ không nếm được. Chúng ta nói cuộc đời là vô thường, vô ngã, khổ đau, chúng ta đi tìm chân tâm, an lạc, giải thoát và giác ngộ nhưng chúng ta có trực tiếp nếm được cái giải thoát và an lạc ấy hay không? Thực tập theo con đường Bụt dạy, ta không nên làm như những người chỉ nói về các thức ăn mà không bao giờ được ăn. Không nên như những người làm ở ngân hàng mỗi ngày chỉ đi đếm tiền dùm cho người khác. Chúng ta phải trực tiếp nếm được vị tịnh lạc và giải thoát mà ta đã từng nói tới.

Theo Bụt dạy thì vị tịnh lạc và giải thoát đó chúng ta có thể nếm được ngay trong hiện tại mà không cần phải tu mười năm hay hai mươi năm. Ngay trong ngày đầu tu học ta cũng có thể đạt được phần nào niềm tịnh lạc và giải thoát đó. Chúng ta phải đặt lại cấp bách câu hỏi ấy: "Cái an lạc và giải thoát mà ta nói đó, chúng ta đã nếm được hay chưa?" Nếu chưa thì ta phải nếm cho được trong ngày hôm nay. Thiền duyệt mà Bụt nếm và dùng làm thức ăn hàng ngày, chúng ta cũng phải được nếm. Hạnh phúc mà chúng ta nói tới làm sao chúng ta nếm được hoặc tiếp xúc được? Bản chất của hạnh phúc ấy là gì? Hôm nay chúng ta sẽ nói sơ lược về cái đó.

1.Yếu tố thứ nhất là tự do. Tự do đó là chủ quyền (sovereignty). Có khi ta dịch là tự tại. Ta là ta. Ta không là nô lệ của quá khứ, của tương lai, của hiện tại; ta không là nô lệ của những phiền não, và như vậy tự do đó được dịch là giải thoát (freedom, liberation). Ðó là bản chất của sự an lạc. Ðó là nền tảng tất yếu của sự an lạc.
Cố nhiên là muốn thực tập đạo Bụt trước nhất là phải thực tập tự do. Nếu không có tự do thì chúng ta không có hạnh phúc. Ðó là điều mà ta không chối cãi được. Ðó là nền tảng của thực tập trong đạo Bụt. Cái mà ta gọi là chủ quyền hoặc tự do đó có khi được hình dung bằng một danh từ rất là kỳ đặc: ngã. Ngã đây không phải là một bản chất hoặc một thực tại bất biến. Nó không phải là atma. Ngã đây là sự tự do. Một trong bốn định nghĩa của Niết Bàn là ngã. Niết Bàn có ngã. Ngã đây không là ngã chấp mà là sự tự tại, không bị vướng bận. Ta biết rằng bốn định nghĩa của Niết Bàn là thường, lạc, ngã tịnh. Toàn bộ của giáo lý Bụt dạy là để nói về sự thực vô ngã và để diệt trừ những khái niệm về ngã. Nhưng khi định nghĩa Niết Bàn là ngã thì ta nên hiểu ngã này chỉ có nghĩa là tự do hoặc là chủ quyền thôi.

Khi đi thiền hành, quý vị bước từng bước chân thảnh thơi, an trú trong hiện tại và không bị vướng bận vào những phiền não về quá khứ, những lo lắng về tương lai thì quý vị có thảnh thơi và tự tại; quý vị tiếp xúc được với bản thân và với vũ trụ chung quanh. Cái thảnh thơi tự tại đó ta có thể gọi là ngã. Chữ ngã này không có nghĩa là một thực thể bất biến, đồng nhất, tách rời với những gì ngoài ngã như được diễn tả trong khái niệm ngã chấp. Chúng ta chỉ có hạnh phúc khi nào chúng ta có cái tự do đó. Vì vậy khi đi thiền hành hay ngồi thiền, chính ta biết là ta có tự tại hay không, hay là ta bị bao vây bởi phiền não, bởi những chuyện đã qua và những chuyện sắp tới. Nếu biết rằng ta đang bị bao vây bởi những bực bội thì ta cũng biết rằng ta đang không có hạnh phúc, vì ta không có tự do. Và tu học là để đạt tới tự do. Ðạt tới tự do là cắt đứt những sợi dây ràng buộc của mình để có thể tiếp xúc được với sự sống trong giờ phút hiện tại. Hạnh phúc là tự do, không hạnh phúc là ràng buộc.
Khi ta đặt câu hỏi: "Hạnh phúc của Bụt là gì? Chúng ta có quyền và có khả năng nếm được thứ hạnh phúc đó hay không?" Ta có thể trả lời rằng: "Có". Vì bản chất của hạnh phúc đó là sự tự do và nếu ta có tự do, có thảnh thơi thì tức là ta đã tham dự vào cái hạnh phúc của Bụt một cách trực tiếp. Ta có thể làm được chuyện đó ngay từ bây giờ. Kinh nói, trước khi rời thành phố Tỳ Sa Ly (Vaisali) lần chót để đi về phương Bắc, Bụt đã nhìn thành phố bằng cặp mắt của một con voi chúa, rồi mới ngoảnh mặt lại và tiến về hướng Bắc. Nhìn bằng cặp mắt của một con voi chúa là nhìn bằng cái nhìn thật là sâu sắc. Mình chỉ có thể nhìn sâu sắc sự vật trên đời này nếu mình có được cái tự do lớn, cái thảnh thơi lớn, không bị vướng mắc bởi những sợi dây ràng buộc. Bụt hay khen thành phố Vaisali và núi Thứu là đẹp: trong những giây phút đó Bụt cũng an trú trong hiện tại và đưa cặp mắt của một con tượng chúa để nhìn.

Sáng nay đi thiền hành với đại chúng về, tôi có nói chuyện về đôi mắt của con tượng chúa đó. Tôi nói mỗi người chúng ta trong khi đi thiền hành thỉnh thoảng cũng có thể dừng lại và đưa con mắt tượng vương của mình để nhìn cảnh vật của xóm Thượng. Nếu ta nhìn bằng con mắt tự do thì cái nhìn của ta sẽ bao gồm được cả vũ trụ trong giây phút đó. Khi ta dừng lại và dừng lại với tất cả con người của ta thì ta sẽ có cái năng lượng của giải thoát, và khi ta đưa cặp mắt voi chúa của ta mà nhìn cảnh vật xóm Thượng thì những vùng năng lượng của giải thoát sẽ được dâng lên mắt. Nhờ thế mà cái nhìn của ta trở nên sâu sắc và chọc thủng được bức màn thất niệm và hôn mê.

Câu thơ của Thế Lữ trong bài “Nhớ Rừng”:

Trong đêm tối mắt thần khi đã quắc

Là khiến cho vạn vật đều im hơi

Ta biết ta chúa tể của muôn loài

Giữa chốn thảo hoa không tên không tuổi

Khi cọp đưa mắt của cọp chúa mà nhìn cảnh rừng núi của nó, tất cả muôn loài đều nín im thin thít. Và nó biết nó là chúa tể của rừng núi. Khi một người có định lực lớn đưa cặp mắt nhìn cảnh vật của xóm Thượng thì tự nhiên những lo lắng và những phiền não sẽ lắng im phăng phắc. Nếu chúng ta nhìn cảnh vật xóm Thượng như vậy một lần trong đời thôi, thì sống trên đời cũng đã không uổng. Huống gì chúng ta có thể nhìn nhiều lần trong ngày? Thực tập là làm nhiều lần. Mỗi giây phút là một viên ngọc quý. Nếu Bụt nhìn sự vật với cặp mắt tượng vương, thì khi bước đi Bụt cũng bước những bước chân của con sư tử chúa. Từng bước thảnh thơi dẫm lên mặt đất của thực tại, và như vậy bước đi của Người là bước đi của giải thoát an lạc. Ta biết hạnh phúc của Người là hạnh phúc căn cứ trên tự do. Vì vậy nếu bị quá khứ phong tỏa và tương lai lôi kéo thì chúng ta không có tự do, không có hạnh phúc.
Thực tập đạo Bụt là thực tập hạnh phúc. Ta nên biết chánh niệm (mindfulness) là vũ khí giúp chúng ta đoạt lại quyền tự do mà chúng ta đã đánh mất và đang đánh mất. Người tu mà không biết sử dụng chánh niệm thì không có vũ khí nào khác cả để giành lại chủ quyền của mình. Chủ quyền đó đạo Bụt đại thừa gọi là ngã. Ðạo Bụt đại thừa không sợ danh từ, trong đó có danh từ "Ngã". Chánh niệm là một thứ vũ khí giúp ta giành lại chủ quyền, nhưng ta còn một vũ khí khác cũng quan trọng lắm, đó là giới luật. Suốt mùa hè chúng ta đã học và thấy rất rõ là giới luật không phải những gì do người khác bắt buộc ta phải theo mà là hoa trái của chánh niệm. Giới luật căn bản của tất cả các giới luật là chánh niệm. Chánh niệm là mẹ của tất cả các giới luật.

Nhờ chánh niệm tôi biết rằng sát sanh tạo ra đau khổ. Nhờ chánh niệm tôi biết rằng uống rượu và sử dụng các chất ma túy tạo ra khổ đau. Có chánh niệm nên tôi biết rằng tà dâm làm tan nát gia đình và tạo ra không biết bao nhiêu là đau khổ. Vì vậy tôi nguyện không uống rượu, không sát hại và không tà dâm. Giới luật, như vậy, là hoa trái của chánh niệm. Giới luật vì thế không phải là một cái gì hạn chế tự do của mình. Những người chưa học Bụt và nhất là chưa thực tập, mỗi khi nghe nói tới giới thì cứ tưởng rằng giới luật hạn chế tự do của mình. Sự thực, giới luật bảo vệ tự do của mình, giúp mình có thêm tự do. Phá giới thì ta lâm vào cái vòng tù tội (không phải là cái vòng tù tội của chính quyền đặt ra mà là cái nhà tù của khổ đau). Ví dụ khi uống rượu và sử dụng các chất ma túy ta tự giam ta vào cái vòng nghiện ngập. “Khăng khăng mình buộc lấy mình vào trong”. Mình tự tạo khổ đau cho mình và tạo khổ đau cho những người khác; mình tạo ra những cái nhà tù cho mình và cho những người khác. Ta thử nghĩ cho kỹ lại xem. Ta mà nghiện ngập thì cả gia đình ta ở tù hết. Ta "tà dâm" thì cả gia đình ta cũng "ở tù" hết. Cái nhà tù đó là nhà tù của đau khổ.
Trong một đại chúng tu học cũng vậy, nếu có một người phạm giới thì tất cả đại chúng đều lãnh đủ hết. Cho nên tự do của một người, giới luật của một người có liên hệ tới hạnh phúc và tự do của những người khác trong đại chúng. Trong kinh Sa Môn Quả, Bụt có nói là khi một vị khất sĩ giữ giới thì vị ấy được tự do, vị ấy không còn sợ hãi. Ngủ dưới gốc cây ta cũng cảm thấy rất an lành. Các vị khất sĩ giữ đến hai trăm năm mươi giới thì tự do càng lớn. Khi có tự do ta cũng có hạnh phúc. Mà hạnh phúc là an lạc (peace and joy). Nếu mình nói tuy mình đã có tự do rồi mà mình vẫn chưa có an lạc thì mình hãy thử tự hỏi là cái tự do đó có phải là tự do thực sự chưa? Bởi vì nếu đó là tự do thật sự thì dù không muốn mình vẫn có an lạc. Sự thật là như thế. Nhiều khi không có tự do mà mình cứ tưởng là mình có tự do, cũng như rất nhiều người có vấn đề về đường ruột mà vẫn nghĩ là mình không hề có vấn đề về đường ruột. Có người có rất nhiều nội kết mà cứ tưởng là không có nội kết.
Khi tôi nhìn cảnh mặt trời lặn rực rỡ huy hoàng thì tôi có hạnh phúc. Có kẻ nói rằng vì cảnh mặt trời kia là vô thường, nên cái đẹp ấy chỉ là cái hạnh phúc của thế gian chứ không phải là cái hạnh phúc của người giải thoát. Cái đó không đúng. Hạnh phúc của người giải thoát là hạnh phúc mang theo tự do và biểu lộ được tự do. Còn hạnh phúc của người không giải thoát là hạnh phúc mang theo sự ràng buộc. Bụt có thể nhìn bông hoa và khen bông hoa đó là đẹp mà vẫn không bị vướng mắc, không bị ràng buộc bởi cái đẹp ấy. Còn người không có giải thoát nhìn vào một bông hoa có thể bị dính vào bông hoa. Khi nhìn bông hoa, Bụt thấy được tính chất vô thường của bông hoa và ý thức về vô thường đó chứng tỏ rằng Bụt có giải thoát.

Vì vậy khi Bụt nói với thầy A Nan: "Này thầy A Nan, thành phố Vaisali đẹp quá há!" Bụt quả thấy thành phố đẹp. Bụt biết thưởng thức thành phố mà không bị vướng mắc vào thành phố. Chúng ta là những người tu theo Bụt, chúng ta có thể thấy được cuộc sống mầu nhiệm trong giây phút hiện tại, chúng ta thấy được cái đẹp và cái hay của vũ trụ vạn hữu trong giây phút hiện tại, chúng ta có thể hưởng thụ cái hạnh phúc đó với điều kiện là chúng ta thấu được lẽ vô thường, biết rõ là những hiện tượng đó đều là những sự kiện vô thường sẽ tan biến.
Nói một cách khác hơn là trong khi thưởng thức những cái đó chúng ta vẫn còn là những con người tự do. Thành ra an lạc ở đây phải được làm bằng chất liệu của tự do. Nếu không có chất liệu tự do thì không thể gọi đó là an lạc chân thực. Người kia đang hưởng thụ năm món dục lạc (tài, sắc, danh, thực và thụy: moneỵ, sex, fame, uncontrolled eating, and oversleeping), tham đắm và ràng buộc vào năm món dục lạc như một con thiêu thân nhảy vào trong lửa. Người như vậy không có tự do. Khi chúng ta đi thiền hành hay uống một ly nước mát, ta có quyền có sự an lạc. Chúng ta đừng tưởng rằng có an lạc như vậy là có tội vì đó là hạnh phúc thế gian. Không, hạnh phúc đó cũng là hạnh phúc giải thoát, Bụt cũng hưởng cái hạnh phúc đó mà Người không vướng víu.

Ta không thể hiểu bản chất của an lạc trong đạo Bụt nếu ta không biết rằng tự do là bản chất của an lạc. Bụt dạy các vị khất sĩ khi ăn nên quán chiếu về thức ăn. Các thầy có thể thấy ngon trong khi ăn nhưng các thầy cũng biết rằng thức ăn cũng bất tịnh và khi nuốt vào trong bụng rồi thì thức ăn sẽ rất khác. Ðó là cách quán chiếu về tính cách bất tịnh của thức ăn mà các thầy ngày xưa thường thực tập. Cố nhiên khi tắm gội thân thể sạch sẽ ta cũng biết rằng phải hiểu nghĩa sạch sẽ ấy theo tinh thần vô thường, nghĩa là mình biết trong con người mình đồng thời có những cái không sạch. Vì vậy Bụt dạy quán bất tịnh. Chẳng phải khi mình mẩy mồ hôi dơ dáy mình mới quán bất tịnh được mà khi mới tắm sạch mình cũng quán thấy thân thể mình có tính bất tịnh như thường.

2. Yếu tố thứ hai là an lạc. An có nghĩa là tâm tư không bị khuấy động. Cái cảnh mặt trời huy hoàng kia, niềm vui trước mắt kia không khuấy động được tâm tư mình. Mình đang thưởng thức nó nhưng tâm mình vẫn bình thản. Mình thưởng thức nó nhưng những huy hoàng kia không tạo sóng gió và không tạo ra những phiền não ràng buộc trong tâm mình. Cái đó gọi là an.

An cũng có nghĩa là không sợ hãi. Biết rằng vạn vật vô thường, chính ngũ uẩn của ta cũng vô thường nên ta không sợ hãi cái sanh và cái diệt. Ðó mới là thứ an tịnh vững chải nhất. Ta biết rằng hạnh phúc trong môi trường tu học được làm bằng bản chất của sự an tịnh. Nếu con người không có bản chất của sự an tịnh này thì không có hạnh phúc. Còn cái "an lạc" của người đang say mê trong ngũ dục không gọi là an lạc được. Ðó gọi là đam mê, là sự đánh mất mình.

Lạc là khả năng vui sống. Bụt bằng sự sống hằng ngày của Người chứng tỏ là Người có sự vui sống. Tôi rất lấy làm lạ là trong mấy chục năm tu học ở tu viện, được học rất nhiều giáo lý sâu sắc của đạo Bụt nhưng chưa bao giờ tôi được quý thầy dạy cho những câu mà Bụt nói với thầy A Nan như: "Này thầy A Nan, núi Thứu đẹp quá! A Nan, Thầy hãy nhìn xuống cánh đồng lúa kia, đẹp không? Tại sao thầy không tìm cách may áo của các vị khất sĩ theo mẫu mực của các cánh đồng lúa này? Thầy A Nan, thành Vaisali đẹp quá phải không?...".
Bụt đã chứng tỏ là Người có rất nhiều hạnh phúc. Người an trú trong hiện tại. Người có tự do. Người đã sống đời sống thanh thản, an lạc. Người tu mà không có an và lạc thì tu chưa giỏi. Hạnh phúc đó và sự an lạc đó thuộc về cái an lạc xuất thế gian (lokottara), trong khi những người tham đắm trong ngũ dục thì quanh quẩn trong cái gọi là hạnh phúc thế gian. Cũng là sắc, thanh, hương, vị, xúc nhưng cách thức đón nhận khác nhau. Ðón nhận bằng ràng buộc, nặng nề và tham đắm thì ta sống trong cảnh thế gian. Ðón nhận bằng trí tuệ giác ngộ, biết chúng là vô thường và vô ngã thì ta vẫn duy trì được an tịnh và tự do của ta và vẫn an trú trong thế giới của tịnh lạc xuất thế gian. Ðây là tịnh độ, tịnh độ là đây là như vậy. Niết Bàn nằm chính trong giây phút hiện tại.

Ðã biết rằng an và lạc làm bằng bản chất tự do thì ta rõ an lạc ấy không mong manh như sự đắm chìm theo ngũ dục. Vì không có tính cách gây khuấy động và gây tà kiến vô minh nên an lạc này có tính cách tịnhthường. Có tính cách tịnh, vì an lạc ấy không làm đục ngầu cái tâm của mình và cái tâm của những người khác, không tạo ra khổ đau trong năm uẩn mình và trong năm uẩn của những người khác. Khi thưởng thức một tách trà, ta thưởng thức với chánh niệm, với tự do. Tuy chúng ta biết trà ấy ngon nhưng chúng ta nghĩ là nếu không có trà chúng ta cũng uống được nước lạnh, và nước lạnh cũng có cái ngon của nó. Vì vậy sự thưởng thức hạnh phúc của chúng ta có tính cách tịnh. Nó không khuấy động tâm ta.
Trong khi thưởng thức hạnh phúc ấy, biết rằng hạnh phúc ấy không phải là nguyên do của những đau khổ trong hiện tại và trong tương lai thì ta gọi hạnh phúc ấy là tịnh, bởi vì nó không có tác dụng làm cho thế giới và tâm hồn ta bất tịnh. Còn như khi ta uống rượu và tham đắm, chúng ta không có chánh niệm. Nếu có chánh niệm, ta đã biết rằng rượu làm hại gan. Rượu lại có tác dụng gây đau khổ cho mọi người, cho mình, cho xã hội và cho các loài khác. Ta biết rằng rượu được làm bằng chất ngũ cốc. Hằng triệu người đang chết vì thiếu ăn: uống rượu tức là sát sanh và đồng thời làm hư gan của mình. Nếu nghiện ngập mình sẽ làm đau khổ cho nhiều người: lái xe có thể làm chết người, say sưa sẽ làm nhiều điều xằng bậy. Vì vậy uống rượu mà không có chánh niệm là bất tịnh. Mà nếu uống rượu trong chánh niệm thì không thể nào có an lạc hạnh phúc được và nếu tiếp tục uống trong chánh niệm ta sẽ bỏ rượu không chóng thì chầy.

Hạnh phúc của người tu mang tính cách tịnh ấy. Tuy rằng thân thể ta miêu tả là bất tịnh, các thức ta ăn là bất tịnh, nhưng nếu ta có tự do, nếu ta có chứng nghiệm về vô thường và vô ngã thì tất cả các việc mà ta làm mới xem qua tuy giống hệt như việc người khác làm nhưng bản chất của chúng là tịnh, bởi vì chúng không gây khổ đau cho ta và cho người, bây giờ và trong tương lai.

Về bất tịnh quán, thầy tôi đã dạy: "không phải là thấy được sự dơ bẩn về vật chất của sự vật mới gọi là bất tịnh quán". Bất tịnh quán là có thể nhìn với con mắt quán chiếu về nhân quả. Một hành động nào có thể gây đau khổ trong tương lai, mình quán chiếu thấy được kết quả đau khổ ấy thì đó có thể gọi là bất tịnh quán rồi. Ðang đi ăn cắp mà chợt thấy rằng ăn cắp thì có thể bị ở tù, như vậy đã là bất tịnh quán. Quán như thế cho rõ ràng ta sẽ ngưng ý định ăn cắp. Nhờ tự do, chánh niệm và giới luật người tu có an lạc và có thanh tịnh. Niết Bàn của chúng ta là cái mà ta có thể tiếp xúc được ngay trong ngày hôm nay tới một mức độ nào đó.

Trong khi đi thiền hành, trong khi uống trà, ta thấy được và ta nếm được nó. Cái vui của ngũ dục rất mong manh, có khi chỉ kéo dài một phút, vài phút nhưng vì mê đắm quá có người đã nói "thà một phút huy hoàng rồi chợt tắt...!" Nhưng hạnh phúc của người giải thoát thì có thể kéo dài bao lâu cũng được. Khi mình ngắm nhìn một cội cây lá vàng rực rỡ trong mùa thu và mình thực tập hơi thở chánh niệm: "Tôi đang thở vào và tiếp xúc với lá vàng rực rỡ, tôi đang thở ra và cảm thấy hạnh phúc." Thực tập như thế trong năm phút ta có hạnh phúc trong năm phút. Nếu thở và ngắm trong mười lăm phút thì hạnh phúc ta kéo dài mười lăm phút.

Dĩ nhiên cội cây ấy không vàng rực suốt đời cho mình ngắm đâu. Lá vàng rồi lá đỏ, và cây từ từ trụi lá. Khi mình không tham đắm màu vàng mình mới biết tận hưởng màu đỏ và cảm thấy hạnh phúc. Rồi khi cây trụi lá mình cũng không tham đắm tiếc thương lá. Biết lá thế nào cũng sẽ trở lại, mình mới thấy được cái đẹp của cội cây với những cành khẳng khiu trụi lá, hùng vĩ can trường trong sương tuyết và mình lại có hạnh phúc. Rồi khi xuân về, mình lại được thấy cái đẹp khi những chồi hoa lá xuất hiện từ từ trên các cành khẳng khiu kia một cách thật mầu nhiệm.

Cái hạnh phúc không tham đắm đó gọi là thường. Khi mà có tuệ giác về vô thường rồi thì cây vàng mùa thu cũng đẹp mà cây trụi lá mùa đông cũng đẹp. Hạnh phúc đó là hạnh phúc trường cửu, hạnh phúc làm bằng chánh niệm và bằng tự do. Những danh từ thường, lạc, ngã và tịnh ấy có người sợ lắm. Họ xem những danh từ đó là kỵ, là không chính thống, là ngoại đạo. Ta phải hiểu bốn tiếng đó không phải theo nghĩa trái chống với bốn tiếng vô thường, vô ngã, khổ và bất tịnh. Thường (permanence), lạc (joy), ngã (sovereignty), tịnh (non disturbance) ở đây là bốn đức của Niết Bàn, Niết Bàn có thể thực chứng được tại đây và bây giờ.

Bụt chỉ cho mọi người thấy tính cách vô thường, khổ, vô ngã và bất tịnh của mọi sự vật. Chúng ta quán chiếu để thấy được tính cách vô thường, khổ, vô ngã và bất tịnh của vạn vật vì vậy ta có khuynh hướng từ bỏ thế giới năm uẩn để đi tìm cái mà Bụt dạy, đó là Niết Bàn, trong đó có thường, lạc, ngã và tịnh. Rất nhiều người đã đi lạc vào trong cái quan niệm cho rằng niết bàn là một cái gì tách rời ra khỏi cuộc đời vô thường, khổ, vô ngã và bất tịnh này. Ðạo Bụt đại thừa tới giúp ta nhìn sâu hơn, rõ hơn về những điều Bụt dạy và nói rằng cái mà ta đang đi tìm đó, cái hạnh phúc và Niết Bàn đó, chúng ta hãy tìm ngay trong thế giới của vô thường, khổ, vô ngã và bất tịnh.

Vì vậy cho nên nếu khéo léo quý vị sẽ thực tập được tự do, chánh niệm, giới luật, chỉ và quán sẽ chứng nhập được Niết Bàn, cảnh giới của thường, lạc, ngã, tịnh tại đây, ngay trong cuộc đời này. Bốn từ này phải được hiểu theo nghĩa của tự do, của giải thoát. Hạnh phúc mà chúng ta đi tìm có tính cách trường cửu, trường cửu vì được căn cứ trên tuệ giác về vô thường, căn cứ trên phong độ và nhận thức tự do của chúng ta. Hạnh phúc ấy đem lại một niềm vui vững bền, nuôi nấng chúng ta bằng nhiều chất liệu lợi lạc. Thực tập là để cởi bỏ những sợi dây ràng buộc, để có tự do. Tự do ấy mà không có thì ta không có gì hết. Khi sống cuộc đời của mình trong tu viện mà được nuôi dưỡng hằng ngày bằng bốn chất thường, lạc, ngã và tịnh ấy thì ta mới nên nói về Phật pháp và mới nên đem Phật pháp chia sẻ với người khác. Bạn muốn giảng cho tôi nghe về thường, lạc, ngã và tịnh thì bạn phải nếm nó trước. Bạn hãy cười, hãy chứng tỏ là bạn có hạnh phúc. Nếu không, tôi sẽ không theo học với bạn.

Sư Ông Làng Mai