Trùng tu di tích, hãy...đợi đấy!

Phải phân định rõ lịch sử và văn hóa, di tích lịch sử thì không được quyền thay đổi kết cấu, kích thước, vật liệu... là những yếu tố hữu cơ gắn liền với di tích, còn yếu tố văn hóa thì lại liên tục biến đổi do 1001 lý do.

Sáng 20/1, hội thảo "Tính liên ngành trong bảo tồn di tích" do Viện Bảo tồn di tích tổ chức đã quy tụ đông đảo chuyên gia trong nhiều lĩnh vực để cùng bàn một câu chuyện không còn mới: trùng tu di tích đòi hỏi sự đa ngành trong tiếp cận, liên ngành trong ứng xử. KTS Lê Thành Vinh, Viện trưởng Viện bảo tồn di tích đã khẳng định: bảo tồn di tích có mối quan hệ hữu cơ với các lĩnh vực như lịch sử, khảo cổ, kiến trúc, mỹ thuật, văn hóa truyền thống, tôn giáo tín ngưỡng, di sản văn hóa phi vật thể...

 

Mô tả ảnh.
Ngũ môn đình Kim Liên đang xây dở theo mẫu cổng Chùa Láng hay một ngôi đình truyền thống? Ảnh: Khánh Linh

Thiếu một cây gậy nhạc trưởng

Không chỉ có thế, bảo tồn di tích bao giờ cũng gắn với sự phát triển không gian đô thị, nên PGS Doãn Minh Khôi lên tiếng cảnh báo: nếu không xem di tích như một thông số không thể biến đổi trong quy hoạch đô thị, không chấm sẵn vị trí của cả không gian di tích trên bản đồ quy hoạch, di tích sẽ chẳng thể bình yên trong cơn lốc phát triển đô thị quá nhanh của Việt Nam hiện nay. "Di tích là không thể biến đổi, cả vị trí địa điểm, cả đặc trưng kiến trúc, cả không gian di tích, dù có cũ kỹ cũng phải giữ nguyên vẹn. Đó chính là cốt lõi văn hóa của đô thị", PGS Khôi nhấn mạnh.

Danh sách các ngành liên quan thì dài thế, nhưng như chính các nhà khoa học có mặt trong hội thảo tự nhận, sự liên kết này còn hết sức lỏng lẻo. GS Hoàng Đạo Kính thẳng thắn thừa nhận: "Người Việt Nam mình ít khi hợp tác với nhau trong khoa học lắm, trong một ngành còn khó nữa là liên ngành. Nếu các chuyên gia của từng lĩnh vực không nắm được nguyên tắc của việc bảo tồn thì sẽ chỉ mỗi người nói chuyện ngành mình mà không thể đi đến điểm chung. Người đứng ra kết tụ những chuyên gia phải là người hiểu rất sâu về trùng tu di tích, giống như một đạo diễn trong lĩnh vực điện ảnh".

Tâm đắc với chia sẻ của GS Kính, KTS Lê Thành Vinh lại ví người kết nối, chuyên gia trùng tu di tích kia phải như nhạc trưởng của một dàn nhạc giao hưởng. Điều này có nghĩa là lĩnh vực trùng tu di tích đang thiếu một cây gậy chỉ huy.

Không thừa nhận quan điểm trên, PGS Đặng Văn Bài nhất quyết khẳng định rằng ngành trùng tu phải được chủ động phối hợp, khai thác trí tuệ các ngành khác để vận dụng sáng tạo, chứ vẫn là một ngành khoa học độc lập, tự chịu trách nhiệm. "Cũng phải tùy từng di tích, tùy từng địa phương mà ứng dụng cho phù hợp" là lời GS Bài.

Thiếu một bộ chuẩn quốc gia về tu bổ di tích

Ai cũng đồng lòng phải có sự tham gia của chuyên gia đa ngành, nhưng cơ chế nào để có thể tạo ra sự phối hợp ấy thì không chỉ chuyên gia mà các lãnh đạo cấp Cục, Vụ, Viện của Bộ Văn hóa cũng đành... nhường nhau. Theo PGS.TS Trương Quốc Bình, Vụ phó Vụ Khoa học-Công nghệ-Môi trường (Bộ VH-TT-DL), điều quan trọng là phải nâng cao nhận thức, nâng cao "quan trí", chứ không chỉ nâng cao dân trí, bởi dân có thể biết sai nhưng nếu "quan" không cho phép thì dân không làm sai được. PGS Bình đề nghị Viện Bảo tồn di tích phải nghiên cứu cho ra tiêu chuẩn quốc gia về tu bổ di tích.

Rất nhiều chuyên gia sốt ruột vì đến thời điểm này, việc trùng tu di tích vẫn thực hiện theo Luật Xây dựng, trong khi mỗi di tích là một sản phẩm của lịch sử, không bao giờ có thể lặp lại, nhưng lại ứng xử ngang với một công trình xây mới.

PGS Nguyễn Hải Kế bảo phải phân định rõ lịch sử và văn hóa, di tích lịch sử thì không được quyền thay đổi kết cấu, kích thước, vật liệu... là những yếu tố hữu cơ gắn liền với di tích, còn yếu tố văn hóa thì lại liên tục biến đổi do "ngàn lẻ một" lý do (tài chính, quyền lợi vật chất, ý tưởng thẩm mỹ, sáng tạo cá nhân hay nhóm, hay tinh thần thời đại). Bởi thế, nếu không phân định rạch ròi những giá trị lịch sử của di tích, sẽ dẫn đến việc trùng tu xong sẽ tạo ra một công trình mới. GS Kính cũng phê phán việc chúng ta đang xao nhãng giá trị lịch sử, lẽ ra là cái gốc phải bảo tồn, quyết định cách ứng xử với di tích.

KTS Phạm Thanh Tùng, Phó TBT Tạp chí Kiến trúc thẳng thừng "quy trách nhiệm" cho Bộ Văn hóa trong việc phê duyệt những dự án trùng tu chưa đủ thông tin như câu chuyện chùa Trấn Quốc, "Bức ảnh cổng chùa ngày xưa đăng trên VietNamNet rất hài hòa với chùa Trấn Quốc. Tôi sợ sau khi xây xong cổng mới, sẽ thấy cổng còn to hơn chùa, rồi lại phải mở rộng chùa nữa". Theo ông, phải rất cẩn thận với trào lưu xã hội hóa việc trùng tu di tích.

GS Lưu Trần Tiêu-Chủ tịch Hội đồng di sản quốc gia cũng nhấn mạnh việc phải tìm lại những tư liệu cổ nhất có thể để phục vụ công việc trùng tu, chứ không thể đem cổng đình, chùa này cắm vào đình chùa khác. "Phải có đủ cơ sở nào đó mới cho phục dựng, còn không thì ra hẳn một chỗ khác rồi xây mới, chứ đừng nhập nhằng việc phục dựng, phỏng dựng", GS Tiêu thẳng thắn.

Tia sáng ở cuối đường hầm

Cục trưởng Cục Di sản, đầu mối thỏa thuận chuyên môn mọi dự án trùng tu di tích quốc gia lại "phân bua" rằng với các dự án lớn, Cục Di sản đều có xin ý kiến các nhà khoa học. TS Nguyễn Thế Hùng còn "điểm danh" những thành viên Hội đồng di sản có mặt ở hội thảo để chứng minh rằng các dự án được xem xét bởi trí tuệ của nhiều chuyên gia hàng đầu, tuy cũng thừa nhận nhiều dự án được lập ra nhưng từ đầu đến cuối không thấy một nhà khoa học nào tham gia cả. "Hoàn toàn tùy thuộc người chủ trì dự án thiết kế, có người đủ trình độ để thấy dự án có tính phức tạp thì sẽ mời các nhà khoa học tham gia, có dự án lại không muốn mời".

Lối ra được TS Hùng hứa hẹn là nghị định mới theo sau Luật Di sản sửa đổi sẽ ban hành trong năm 2010, "Ba người trong phòng họp này đã được Bộ trưởng giao trách nhiệm tạo ra những quy định nâng cao chất lượng tu bổ di tích, là tôi, KTS Lê Thành Vinh và PGS Đặng Văn Bài", TS Hùng thật thà.

Nhiều chuyên gia cũng nhắc đến yêu cầu cấp thiết phải có đào tạo lại về chuyên ngành bảo tồn di tích cho những người làm nghề, "mới mong thống nhất về nguyên tắc của trùng tu, còn cứ lý luận chắp vá như bây giờ thì mỗi anh một cách" là lời than của PGS Hoàng Văn Khoán. Đáp lại cũng là một "tương lai" rằng trong năm 2010, Viện Bảo tồn di tích cũng sẽ tổ chức một số khóa đào tạo cho những người làm công tác bảo tồn.

Với cách "đá bóng" của hội thảo, xem ra, Viện Bảo tồn di tích sẽ có trách nhiệm lớn nhất trong việc "chấn chỉnh" chất lượng trùng tu di tích. Mọi thay đổi đều hứa hẹn sẽ diễn ra trong năm 2010, nên... hãy chờ xem!

  • Khánh Linh

  • Theo: vietnamnet