Tản mạn về chùa Viễn

Cách trung tâm Thủ đô Hà Nội khoảng 50 km về phía Tây, chùa Viễn, chữ là VIỄN SƠN TỰ toạ lạc trên đồi Ông Voi, xã Cam Thượng, huyện Ba Vì giáp với xã Đường Lâm có một làng hai Vua: Phùng Hưng và Ngô Quyền đó là làng Cam Lâm, thuộc thị xã Sơn Tây.

Từ đền thờ Phùng Hưng và Ngô Quyền đến chùa Viễn chỉ có hơn 1km. Chùa nổi bật lên giữa vùng địa linh nhân kiệt xứ Đoài mà Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm phải thốt lên: “Đoài phương tịnh nhất khu”. Chùa được xây dựng từ đời vua Lê - chúa Trịnh do bà Ngô Thị Ngọc Diệu là Phi tần của phủ Trịnh Tráng lập nên. Khuôn viên chùa xưa là cả một vùng đất rộng sum suê bốn mùa hoa trái bao quanh. Đứng ở sân chùa nhìn bao quát được cả một vùng rộng lớn.

Trải qua thời gian và thăng trầm lịch sử, chùa Viễn xưa không còn nguyên vẹn, chỉ còn lại nền chùa cùng quả chuông cổ được đúc từ năm 1812 cao 1m65, đường kính 90cm và khám thờ bà Chúa Mía hiện đang ngự ở chùa Đà. Trước cổng chùa vẫn còn hai giếng nước gọi là “Giếng Chuông Sa” tượng trưng cho hai mắt voi, nước trong xanh bốn mùa, nên người xưa có thơ:

“Giếng Chuông Sa chưa hâm đã nóng

Chuông chùa Viễn chưa gióng đã kêu”.

Quả chuông rất lạ, khẽ đánh đã ngân lên lanh lảnh, âm thanh trong, nhè nhẹ lan toả khắp vùng rộng lớn như đưa ta vào chốn thần tiên. Tôi đã có cơ duyên được thỉnh quả chuông này cách đây hơn một năm khi hành hương xứ Đoài. Năm 1998, cụ Cao Sơn Hải, người quê Đường Lâm cùng những người mộ Phật đã đem tiền của, tâm sức dựng lại một ngôi chùa nhỏ trong khuôn viên chùa xưa. Song, từ đó đến nay, đã hơn 10 năm, chùa chưa có sư về trụ trì.

Đáp lời thỉnh cầu của toàn thể nhân dân, phật tử và chính quyền địa phương, sư thầy Thích Đàm Thanh ở chùa Mía đã nhận lời về tiếp quản nhằm tiếp nối bước chân của chư vị Lịch Đại Tổ Sư Bồ Tát với tâm nguyện “Tác Như lai sứ, hành Như lai sự” để phục vụ nhu cầu tín ngưỡng của bà con Phật tử quanh vùng.

Nói đến sư thầy Thích Đàm Thanh, người dân và chính quyền địa phương dường như đều biết tiếng về những việc hành thiện của Bà trong việc phụng sự nhà Phật và giúp đỡ nhân dân, chính quyền sở tại. Sư thầy Thích Đàm Thanh có trình độ đại học, hiện bà đang làm luận án cao học về Triết học ở Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, thuộc Trường Đại học Quốc gia Hà Nội.

Nói đến sư thầy Thích Đàm Thanh, không thể không nhắc đến ni sư Thích Đàm Cẩn nay đã hơn 70 tuổi hiện đang trụ trì tại chùa Mía, đã tạo mọi điều kiện động viên sư thầy Thích Đảm Thanh trên đường hành đạo kể từ khi sư Thanh xuống tóc tại chùa Mía đến nay đã hơn 20 năm.

Nhà chùa đã nuôi dưỡng 7 cháu nhỏ gặp cảnh ngộ éo le, có cháu mới 3 tháng tuổi. Trong những cháu trong nhà chùa nuôi dưỡng đến nay đã có cháu trưởng thành sinh cơ lập nghiệp, trọn bề gia thất. Đặc biệt nhà chùa rất chăm lo việc học hành của các cháu. Hằng năm nhiều cháu đều được xếp loại học lực khá, giỏi. Các cháu đều gọi sư thầy Thanh là mẹ, ni sư Cẩn là bà. Sáng nay, se se lạnh của một ngày cuối đông, tôi trở lại chùa Viễn sau một năm.

Con đường nhỏ ven theo chân đồi bạch đàn, bước đầu đã được tu sửa. Tới cây đa, tôi ngỡ ngàng trước cổng chùa mới xây được bài trí hoa văn khá đẹp phù hợp với cảnh nhà Phật. Từ cổng lên chùa là con đường dài hơn 300m rộng 5m được lát bằng gạch chỉ xây nghiêng dành cho các phương tiện xe cộ tới tận sân chùa do Tổng Công ty Vinaconex tài trợ. Mới hơn là hai hàng cau mới trồng đã cao qúa gối của một gia đình phật tử nào đó tiến Phật. Tam quan mới xây xong rất khang trang. Hài đốc tam quan được xây bằng loại gạch to bản hiếm thấy ở các công trình xây dựng, mái lợp ngói mang nét đẹp truyền thống của những ngôi chùa xưa.

Tôi nhớ ngày nào mới khởi công đào móng, nhà chùa đã thu giữ được một số hiện vật quý hiếm của chùa xưa như: Thân rồng, đầu nghê, lá đề, đài hoa sen, là họa tiết trang trí bằng gốm và cách đây vài trăm năm. Theo dự kiến việc trùng tu, tôn tạo khu quần thể chùa Viễn sẽ hoàn thiện trong 5 năm.

Thế mà mới tròn một năm từ khi sư thầy Thích Đàm Thanh tiếp quản triển khai việc trùng tu, tôn tạo khuôn viên chùa Viễn, một số hạng mục công trình đã mọc lên hoàn thiện như một phép màu kỳ diệu. Đó là nhà thờ Tổ, Tam quan, gác chuông, nhà Tứ Ân, cổng đi. Hạng mục nào cũng đẹp trang nhã in đậm dấu ấn kiến trúc của những ngôi chùa cổ.

Hiện nhà chùa đang thi công 4 hạng mục công trình khác, đó là nhà thờ mẫu, gác Khánh, nhà khách, nhà bếp với tổng diện tích gần 500 m2. Có được tiến độ trong việc trùng tu, tôn tạo khu khuôn viên chùa Viễn như ngày hôm nay nhờ bao công đức của các doanh nghiệp cùng các Phật tử hảo tâm đóng góp.

Có rất nhiều kíp thợ từ các vùng quê khác nhau tới giúp nhà chùa trong việc xây dựng, trùng tu, tôn tạo khuôn viên chùa Viễn. Họ đã làm việc ngày đêm, đem hết sức lực, tài năng, trí tuệ, của mình, gửi hồn mình vào từng phiến đá ong, từng mảnh vữa đến các đường nét chạm khắc hoa văn nơi cửa thiền.

Quả là thiếu sót nếu người viết không nhắc đến vị “Tổng công trình sư”. Người đưa ra ý tưởng và trực tiếp chỉ đạo, điều hành công trình, trùng tu tôn tạo khuôn viên chùa Viễn - Sư thầy Thích Đàm Thanh.

Để có bản thiết kế tổng thể khuôn viên chùa Viễn, thầy Thanh đã phải đi tham quan nhiều ngôi chùa cổ nổi tiếng trong nước để học hỏi về mặt cấu trúc cũng như việc trang trí nội thất, tổng hợp một cách chắt lọc để đưa ra ý tưởng, góp ý cho các nhà thiết kế.

Nhìn bãi nguyên vật liệu ở sân chùa, tôi biết trước mắt sư thầy Thích Đàm Thanh còn bao nhiêu khó khăn chồng chất. Bà mới đi được một phần năm đoạn đường. Giờ lấy đâu ra nguyên vật liêu, nhân công... để tiếp tục xây hoàn thiện khu khuôn viên chùa Viễn.

Tôi mạnh dạn đưa câu hỏi này trong một lần trao đổi với thầy Thanh. Thầy Thanh trả lời: “Tôi tin ở tâm nguyện của mình, Phật Tổ sẽ độ, sẽ có rất nhiều nhà tài trợ có tâm nguyện như tôi sẵn sàng công đức tiếp”.

Nghe thầy nói, tôi thở phào. Tôi tin rằng với sự giúp đỡ của chính quyền các cấp đồng hành cùng các nhà tài trợ, khu tổng thể khuôn viên chùa Viễn sẽ sớm trở thành hiện thực. Vả lại Phật không của riêng ai, mọi con người điều hướng thiện.

 

Ánh Hồng

Làng hai Vua, tháng 01 năm 2010

Theo giaothongvantai