Người Việt đi chùa trên đất Tây

Nguyễn Tuấn An, 43 tuổi, sống ở Pháp gần 20 năm. Anh cho biết do công việc bận rộn nên mỗi năm cũng chỉ đi chùa được mấy lần, nhưng mỗi lần như thế đều như được trở về. 
Hồn Việt ở xứ người

Pháp là một trong những nước châu Âu có nhiều chùa Việt nhất, bà con Phật tử đi lễ rất đông, từ những người lớn tuổi sang đây đã mấy chục năm đến lưu học sinh. “Chỉ riêng Paris và những vùng xung quanh đã có hơn chục ngôi chùa Việt rồi. Ở đâu có đông người Việt sinh sống và nhất là họ làm ăn được thì ở đó chắc chắn có chùa”, Tuấn An nói

Nơi anh hay lui tới là một thiền viện nằm trên ngọn đồi cách Paris chừng hai chục cây số. Điều anh thích nhất ở đây là sự hiện diện của những khóm trúc xanh đậm chất phương Đông, chất Việt giữa châu Âu náo nhiệt. “Thuở nhỏ ở quê Bắc Ninh, tôi vẫn hay được bà dắt đi chùa. Trong khi bà lễ, tôi chạy chơi khắp nơi, chờ bà xong về để chia lộc. Lúc đó, chẳng nghĩ ngợi gì nhưng đến khi sang đây mới biết không khí ấy ngấm vào mình từ lúc nào. Mỗi lần đến chùa, tôi lại nôn nao nhớ về tuổi ấu thơ ở Việt Nam, nhớ bà, nhớ quê”, Tuấn An tâm sự.

 

Người Việt dù ở đây vẫn giữ thói quen lễ chùa để giữ cho tâm hồn thanh thản. (Ảnh minh họa)

Ngoài đất Pháp, Tuấn An cũng từng đến một số ngôi chùa khác ở châu Âu. Anh rất ấn tượng về lần tới ngôi chùa ở Vác sa va (Ba Lan), không phải vì sự trang nghiêm thân thuộc của nó mà vì tiếng chuông chùa vọng đến khi ô tô của anh còn cách một đoạn khá xa. Trên đường đi, anh đang rối bời và căng thẳng bởi những việc chưa thành, nhưng tất cả tạp niệm dường như tan biến với tiếng chuông thân thương như che chở, như an ủi, xoa dịu, khiến anh có cảm giác được trở về với vòng tay của bà.

Phạm Thị Hương Giang, một lưu học sinh ở Pháp, cho biết cô thỉnh thoảng vẫn lên chùa với một người bà con. “Bà dì họ em lấy chồng Tây, bố mẹ ở Việt Nam đã mất từ lâu. Cứ đến ngày giỗ, ngày Tết, dì lại lên chùa lễ, nói là cho đỡ nhớ gia đình, nhớ quê, dì vẫn rủ em đi cùng”, Giang tâm sự. Cô cho biết hồi đầu hơi thất vọng khi nhìn những ngôi chùa lộng lẫy, hiện đại khác hẳn vẻ trầm mặc, rêu phong của chùa Bắc bộ quê mình, “nhưng khi vào lễ thì về mặt tâm linh thấy không có gì khác, rất quen thuộc, rất Việt Nam”.

Nơi gặp gỡ của tình đồng bào

Anh Lê Vĩnh, 42 tuổi, kiều bào ở Đức, vốn không phải là Phật tử. Hồi ở nhà, anh không đi lễ bao giờ, chỉ chở mẹ lên chùa khi bà nhờ. Thế nhưng những năm gần đây, hễ có dịp là Vĩnh lại đến ngôi chùa cách thành phố Stuttgart nơi anh ở chừng 800 km, nhất là sau khi cưới vợ. Đó là những dịp vợ chồng anh gặp gỡ những người đồng bào, sống trong không khí hội hè của người Việt. Ở tuổi ngoại tứ tuần, Vĩnh sung sướng như trẻ con khi được phát tiền lì xì đựng trong phong bao đỏ vào dịp tết, cũng háo hức khi xin quẻ…

Cùng với nhiều bạn bè, đồng bào khác, Lê Vĩnh quyên góp tiền để xây một ngôi chùa Việt ở Leizig, cách nhà anh chừng 600 km. “Để xây ngôi chùa này, một Việt kiều đã hiến hàng nghìn mét đất, rất nhiều bà con dù không phải Phật tử cũng đóng góp, vì muốn có chỗ đi lại, gặp gỡ nhau, vì ngôi chùa là nơi đoàn tụ của tâm linh người Việt”, Vĩnh nói.

Chị Nguyễn Thu, cũng sống ở miền Tây nước Đức, tâm sự, trong công việc và cuộc sống, thỉnh thoảng chị vẫn gặp và tiếp xúc với người Việt, thế nhưng không hiểu sao khi gặp nhau ở một ngôi chùa trên đất khách, chị cảm thấy thân thương hơn nhiều. “Cảm giác như họ với mình mà những đứa con của một nhà, dù trước đó chưa gặp bao giờ”, Thu nói.

Còn Hương Giang kể, có lần một người bạn ghé chơi đúng dịp cô và mấy bạn nữa chuẩn bị lên chùa thì cô đã rủ người này cùng đi nhưng bị từ chối, lý do là anh ta không theo tôn giáo nào và không thích vẻ “màu sắc” của chùa ở đây. Mãi sau nể bạn, anh đồng ý, để rồi sau đó hễ có dịp nào nhóm của Giang tổ chức đi lễ là cũng đòi tham gia. “Anh ấy bảo ở trời Tây này, không nơi đâu anh cảm thấy mình là người Việt hơn, thấy hiểu và đồng cảm với đồng bào hơn nơi đó”, Giang xúc động kể.

Hương Giang cho rằng, vượt ra ngoài chuyện tín ngưỡng, những ngôi chùa cuốn hút cô và các bạn bởi không gian văn hoá, tâm linh Việt, và gợi lại nhiều nhất ký ức về vùng đất tổ cách xa hàng vạn km.

Lam Giang