Thiền Sư Nhất Hạnh kêu gọi thả tù

medium_VN_93929161_NhatHanh.jpg

Hình bên: Thiền Sư Thích Nhất Hạnh, trong lễ cầu siêu cho các người đã chết trong chiến tranh Việt Nam không phân biệt phe phái, nam nữ, tổ chức ở một ngôi chùa tại huyện Sóc Sơn, ngoại thành Hà Nội ngày 20 tháng 4 năm 2007. (Hình: AFP/Getty Images)

PARIS 15-2 - Thiền Sư Thích Nhất Hạnh kêu gọi nhà cầm quyền Hà Nội thả hết các tù nhân chính trị và tôn giáo đang bị chế độ cầm tù nhân dịp tổ chức kỷ niệm “Ngàn năm Thăng Long”.

Trong một bài viết dài tựa đề “Ăn mừng một ngàn năm Thăng Long” phổ biến trên trang mạng www.langmai.org ngày 12 tháng 2 năm 2010, Thiền Sư Nhất Hạnh đưa ra 12 đề nghị kêu gọi chế độ Hà Nội thực hiện. Trong số những đề nghị này, ở lời đề nghị thứ 5, ông kêu gọi “Ân xá cho những người bị lưu đày và tù tội, trong đó có tội góp ý cho chính quyền, kêu gọi đa nguyên, đa đảng, đa giáo hội, kêu gọi tự do tôn giáo, tự do ngôn luận. Cho phép một số phạm nhân được chuộc tội bằng công tác xã hội dưới sự che chở, giám sát và bảo lãnh của các vị xuất gia thuộc các tôn giáo.”

Thiền Sư Nhất Hạnh, năm nay 84 tuổi và đang cư trú ở Pháp, từng đưa ra nhiều lời kêu gọi qua các bức thư gửi các lãnh tụ và nhà nước CSVN nhưng không thấy có kết quả cụ thể.

Trong lời kêu gọi mới nhất nhân dịp nhà cầm quyền Hà Nội tổ chức kỷ niệm “Một nghìn năm Thăng Long”, thiền sư nhắc đến triều đại nhà Lý với các vị vua thấm nhuần và sùng kính đạo Phật. Nhờ đó “nền hòa bình và hạnh phúc của đất nước kéo dài trong mấy trăm năm”.

Tháng trước, nhìn lại khổ nạn gần 400 tăng sinh tu viện Bát Nhã ở Bảo Lộc đã phải trải qua, thiền sư đã đả kích nhà cầm quyền thuê mướn côn đồ giả danh “Phật tử” “mang guốc dép đi vào Phật điện giăng biểu ngữ, chửi bới, ném phân thối vào các vị tôn túc, đập phá chùa, hành hung, đánh đuổi các thầy và các sư cô ra khỏi chùa”.

Hồi năm ngoái, gần 400 thiền sinh tu tập theo pháp môn Làng Mai ở tu viện Bát Nhã tỉnh Lâm Ðồng, đã bị nhà cầm quyền khủng bố, cưỡng bách phải giải tán. Họ chạy sang tạm trú ở chùa Phước Huệ gần đó vẫn không được để yên.

Vào lúc căng thẳng nhất, thiền sư dưới bút hiệu Nguyễn Lang, ngày 30 tháng 9 năm 2009, đã gửi cho chủ tịch nước CSVN Nguyễn Minh Triết một bức thư ngắn nửa trách cứ nửa nhắc nhở cái đám lãnh tụ Hà Nội là hàng ngàn cán bộ “đã từng tới ẩn náu tại chùa và các thầy các sư cô luôn luôn tìm mọi cách để đùm bọc và che chở.” Mà bây giờ “Bây giờ đây cảnh sát và công an của chủ tịch đã đánh bật 400 thầy và sư cô ra khỏi chùa (Tu Viện Bát Nhã ở Bảo Lộc) và các vị ấy đã tìm tới tỵ nạn nơi một chùa khác (chùa Phước Huệ ở Bảo Lộc). Hiện thời cảnh sát và công an của chủ tịch lại đang vây quanh chùa Phước Huệ buộc các vị xuất gia ấy phải ra khỏi chùa trong đêm nay. Các vị cảnh sát và công an này chắc hẳn không phải là con cháu của cách mạng.”

Thiền sư kêu gọi ông Triết “Tôi xin chủ tịch kịp thời ngăn chặn hành động trái, chống luân thường đạo lý này”.

Nhưng cuối cùng, tăng sinh Bát Ngã vẫn bị giải tán trọn vẹn, không thấy ông “cách mạng” Nguyễn Minh Triết xuất hiện. Chỉ thấy đại diện chính phủ Pháp, chính phủ Mỹ tới can thiệp không có kết quả.

Nhiều người tin rằng tăng sinh Bát Nhã bị cưỡng bách giải tán sau khi Thiền Sư Nhất Hạnh lên tiếng ủng hộ Ðức Ðạt Lai Lạt Ma. Nhà cầm quyền Bắc Kinh đã áp lực với Hà Nội đàn áp tăng sinh Bát Nhã để trừng phạt.

Năm 2005, sau nhiều cuộc thương thuyết, Thiền Sư Nhất Hạnh được Hà Nội cho về Việt Nam lần đầu tiên, đi thuyết pháp nhiều nơi từ Bắc chí Nam. Trong chuyến về nước lần thứ hai năm 2007, thiền sư tổ chức “Trai đàn Chẩn tế Giải oan” và gửi thư mời chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết đến tham dự.

“Chúng tôi xin kính cẩn mời ngài chủ tịch nước tới dâng hương trong lễ Bạch Phật Khai Ðàn lúc 10 giờ sáng ngày 26 tháng 03 năm 2007, nhằm vào ngày 28 Tháng Giêng Ta năm Ðinh Hợi, tại Chùa Vĩnh Nghiêm, TP. HCM, để mở đầu cho lễ cầu nguyện. Sự có mặt của ngài chủ tịch nước tại Trai Ðàn sẽ có ảnh hưởng rất lớn lao đến công trình trị liệu và nuôi dưỡng và quốc dân sẽ thấy được rằng đất nước chúng ta luôn luôn đi theo những giá trị truyền thống dân tộc trong công cuộc bảo vệ sự toàn vẹn của lãnh thổ và lòng người. Các vị quốc vương của chúng ta trong các đời Lý và đời Trần đã luôn luôn đi theo con đường ấy.” Bức thư đề ngày 18 tháng 11 năm 2006 viết như vậy. Hai bức thư khác gửi cho thủ tướng và chủ tịch Quốc Hội của chế độ với lời lẽ tương tự.

Chính phủ và Quốc Hội Hoa Kỳ, Liên Âu cũng như các tổ chức bảo vệ nhân quyền kêu gọi chế độ Hà Nội trả tự do cho tất cả các tù nhân chính trị, tôn giáo suốt bao nhiêu năm qua đều không có kết quả.

Theo nguoiviet