Du khách vẫn bị "chém đẹp" khi đi Lễ chùa Hương

(VTC News) - Mặc dù tới mùng 6 Tết mới là khai hội chùa Hương, nhưng từ mùng 1 Tết, nhiều du khách đã đi lễ chùa. Tới mùng 4 Tết, lượng khách càng ken đặc khiến dân kinh doanh tại đây thỏa sức “chặt chém”.

Chi phí gấp đôi giá thường để mong "đi đến nơi về đến chốn"

Ông Nguyễn Khắc Lợi, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hà Nội cho biết: “Để chuẩn bị cho du khách thập phương trẩy hội chùa Hương, chúng tôi sẽ tổ chức các đoàn kiểm tra việc tổ chức, hoạt động lễ hội này. Chúng tôi có quy định rõ về điểm đỗ đò của tư nhân. Giá trông xe được niêm yết và thông báo rộng rãi. Ở lễ hội chùa Hương chắc chắn vẫn có tiêu cực nhưng chúng tôi sẽ cố gắng hạn chế”.

Chưa đến hội nhưng người đi lễ chùa Hương đã đông kín động Hương Tích.
Những nỗ lực này có như mong đợi hay không phải hết hội mới có thể đưa ra kết luận, nhưng ngay từ trước ngày khai hội, tình trạng “cò” dẫn khách và “chặt chém” khi mua đồ ăn, uống vẫn diễn ra.

5h sáng mùng 4 Tết, trong vai những người khách đi lễ chùa Hương đầu năm, xe chúng tôi vừa lăn bánh từ đường Khuất Duy Tiến rẽ phải ra đường Nguyễn Trãi, Thanh Xuân, Hà Nội, ngay lập tức đã có “cò” mặc áo mưa, tay cầm tờ giới thiệu có ghi số điện thoại liên hệ bám sát xe ô tô và gọi qua cửa kính. Bám theo chừng 1 cây số, bị từ chối, “cò” này mới dứt khỏi xe.

Đến điểm rẽ vào Hương Sơn từ quốc lộ 6, lại xuất hiện 1 “cò” khác bám riết theo xe với những lời mời mọc đi đò và tiếp tục bị từ chối.

Gần đến bến xuống suối Yến, tiếp tục xuất hiện 1 “người dẫn đường” mới  mời mọc chúng tôi dùng dịch vụ trọn gói vừa đi đò, vừa vào thắng cảnh, họ sẽ lo cho từ A đến Z.

Khách đợi đò ra suối Yến ngày 4 Tết đông nghịt dù chưa phải ngày khai hội.


Theo niêm yết trên vé thu phí thắng cảnh Hương Sơn năm 2010 là 29.500 đồng/vé cộng thêm 500 đồng tiền bảo hiểm khách du lịch, vé đi đò ra vào suối Yến là 25 ngàn đồng/người nhưng đoàn khách 5 người của gia đình anh Hoàng Lâm (Mỹ Đình, Từ Liêm, Hà Nội) đã phải chi 700 ngàn đồng để đi trọn gói.

Theo anh Lâm thì: “Tính ra, theo quy định thì mỗi người mất 55 ngàn đồng, 5 người mất 275 ngàn đồng nhưng cả tiền gửi xe, rồi phải đi bộ từ mất cả cây số vào suối Yến thì chi thêm để “nhẹ người” nên chúng tôi chấp nhận thôi.”

Không chỉ có anh Lâm mà nhiều người khác cũng có tâm lý như vậy nên dân ở đây có cơ hội “chặt chém”.

Sau khi kéo được khách, “cò” dẫn đường này sẽ đưa khách đến địa điểm gửi xe ô tô với mức giá là 20 ngàn đồng/xe. Nếu là người có kinh nghiệm đi lễ chùa thì sẽ có cuộc thương lượng giá cả gồm phí đi đò, đợi chờ đưa đò về bến, phí thắng cảnh.

Anh Thủy, chủ đò tại Hương Sơn nói: “Em dẫn anh, chị ra bến sẽ có em gái em đưa anh chị đi”. Sau khi thương lượng giá cả, đưa đoàn ra đò, anh Thủy tiếp tục ra đường để tìm khách.

Anh Hoàng Long, (Đội Cấn, Ba Đình, Hà Nội) cho biết: “Nếu đi lẻ hoặc tự mua vé thì phải đi ghép đò, lệ thuộc vào người khác nên tôi chấp nhận bỏ thêm tiền để đi đò riêng cho thoải mái”.

Ngoài tiền công đưa đi, tiền đò, tiền vé thắng cảnh thì dân đưa khách tại đây vẫn đề nghị khách “mừng tuổi” đầu năm.

Đi vệ sinh cũng bị "chặt chém"
Không thể phủ nhận rằng, ban tổ chức lễ hội chùa Hương đã có nhiều cố gắng trong việc xây mới, tân trang lại đường lên động Hương Tích. Hiện, không còn cảnh trẻ em dắt díu ăn xin…cầu Hội trước rộng 20m khiến cho giao thông trên suối Yến đi đến đoạn này là bị tắc nay đã được mở rộng lên 40 m.

Tại bến Đục, bên cạnh hàng nghìn chiếc đò sắt còn xuất hiện những chiếc đò VIP với hàng ghế nhựa xanh với mức giá là 35 ngàn đồng/người.

Sân ga cáp treo cũng được mở rộng để tránh tình trạng ùn tắc người chờ đi cáp treo.  Giá vé cáp treo cho người lớn là 40 nghìn đồng/một chiều và 70 nghìn đồng/người khứ hồi. Giá vé cho trẻ em tương ứng là 25 nghìn đồng và 40 nghìn đồng.

Trên suối Yến, BTC đã dựng những tấm biển to, cảnh báo khách tham quan giữ gìn vệ sinh môi trường, nếu xả rác sẽ bị phạt 50 nghìn đồng/lần vi phạm.

Đổi tiền 10 ăn 7 với mệnh giá 200 đồng và 500 đồng nhưng nếu không đếm lại ngay sẽ bị đếm thiếu tiền.

Tuy nhiên, tại đây, giá cả hàng hóa vẫn còn đắt. Bánh mì nóng được sản xuất ngay tại cửa hàng giá 5 ngàn đồng/chiếc so với mức 2 ngàn đồng/chiếc tại thủ đô Hà Nội. Xúc xích to giá 26 ngàn đồng/chiếc. Phở giá 25 ngàn đồng/bát.

Tại chùa Giải Oan, Hoàng Thị Nụ, (Đông Anh, Hà Nội) vừa cầm chai Bò húc hỏi giá để mua, lập tức đã lắc đầu chê đắt khi anh bán hàng nói giá 20 ngàn đồng/lon.

Giá 1 hộp sữa tiệt trùng cô gái Hà Lan là 10 ngàn đồng. 1 đĩa to thịt nai 200 ngàn đồng, bát rau sắng nấu thịt 60 ngàn đồng, 1 đĩa đậu sốt cà chua giá 70 ngàn đồng…50 ngàn đồng cho 2 chai bia Hà Nội.

Thuê chiếu trên đường leo lên động Hương Tích là 20 ngàn đồng/chiếc…Và đi vệ sinh cũng mất 3 ngàn đồng/lần.

Cũng chỉ vì với mức giá đi vệ sinh như vậy mà đã xảy ra cãi nhau giữa chủ và khách.

Tại đây, nhiều hàng đổi tiền lẻ, tiền 200 đồng và 500 đồng đổi 10 ăn 7. Tiền 5 ngàn đồng đổi 10 ăn 8. Tuy nhiên vẫn có hiện tượng đếm thiếu tiền. Tại đền Trình, chị Hồ Thi, (Đan Phượng, Hà Nội) cho biết: Tôi đổi tiền mỗi tập là 40 tờ 200 đồng nhưng bị đếm thiếu chỉ còn 34 tờ thôi nên phải quay ra đòi cho đủ.”

Khi đi lễ chùa Hương, du khách định đi lễ ở địa điểm nào thì nên chuẩn bị lễ dâng từ nhà gồm vàng, hương, trầu cau, rượu cúng, chè, hoa quả, bánh kẹo, tiền lẻ giọt dầu. Những điểm lễ Phật, nhà chùa không cho dâng lễ mặn như xôi, gà…

Khi mua, hay dùng bất cứ dịch vụ gì cần hỏi giá và trả giá trước. Khi đi đò, cần xin số điện thoại của người chở đò, và khi quay ra mới thanh toán tiền.

 

Vùng hang động Hương Sơn được tìm thấy cách đây hơn 2000 năm và  tên Hương Sơn - theo tên một ngọn núi ở phía Bắc Tuyết Sơn trong dãy Himalaya (Ấn Độ), nơi đức Phật đã khổ hạnh ngồi tu suốt 6 năm trời. Ở đây có động Hương Tích được phong là “Nam thiên đệ nhất động”.

Sách xưa chép rằng, đời vua Lê Thánh Tông (1460-1497) đã có am thờ Phật dựng trên mảnh đất chùa Thiên Trù. Còn chùa Hương được xây dựng từ đời Lê Huy Tông, niên hiệu Chính Hòa (1680-1705). Bia tại chùa Thiên Trù có ghi việc xây dựng nền đất, bậc đá và tôn tạo Kim Dung bảo điện của chùa được thực hiện vào năm 1686. Các ngôi chùa chính được xây dựng với quy mô lớn vào khoảng cuối thế kỷ 17. Cho đến đầu thế kỷ 20, trong khu vực này đã có hơn 100 ngôi chùa.


Bài, ảnh:
Nguyễn Tâm