Đầu năm, du xuân Yên Tử

Núi Yên Tử (Uông Bí, Quảng Ninh) là ngọn núi cao trong dãy núi Đông Triều vùng đông bắc Việt Nam.

Vốn là một thắng cảnh thiên nhiên, ngọn Yên Tử còn lưu giữ nhiều di tích lịch sử với mệnh danh "đất tổ Phật giáo Việt Nam".

Trên đỉnh núi thường có mây bao phủ nên ngày trước có tên gọi là Bạch Vân sơn. Tổng chiều dài đường bộ để lên đỉnh Yên Tử (chùa Đồng) là khoảng 6000m với 6 giờ đi bộ liên tục qua hàng ngàn bậc đá, đường rừng núi...

Tuy nhiên hành trình lên Yên Tử ngày nay sẽ không vất vả như xưa nữa vì hệ thống cáp treo 1 lên gần Hoa Yên đã hoàn thành năm 2002 và hệ thống cáp treo 2 lên cổng trời (khu vực đỉnh Yên Tử) đã được đưa vào sử dụng từ mùa lễ hội 2008.

"Trăm năm tích đức tu hành/ Chưa đi Yên Tử, chưa thành quả tu" - dẫu không thành chính quả nhưng một lần hành hương về Yên Tử, du khách sẽ được nếm trải không ít khổ nạn trên con đường tìm đến một chút thanh tịnh, bình yên cho tâm hồn.

 

Những du khách hành hương Yên Tử trong tiết trời giá lạnh

Những ngày đầu năm, lượng khách hành hương đến Yên Tử càng lúc càng gia tăng, người người chen chân lên những mỏm đá cheo leo, từng tốp đông đứng xếp hàng chờ hệ thống cáp treo.

 

Dốc đá cheo leo không làm nản lòng hàng trăm du khách muốn thượng đỉnh

Mặc dù nhiều phương án đảm bảo vệ sinh môi trường, an ninh trật tự được địa phương chuẩn bị chu đáo nhưng cũng còn đâu đó những hạt sạn. Đó là cảnh những “thầy lừa” đua nhau bán thuốc nam dọc đường hành hương với những người cò mồi đóng giả làm khách mua hàng, khen những lá thuốc quý, chữa được bách bệnh nhưng thật ra lại là những vị thuốc bình thường, ở cơ sở đông y nào cũng có. Và cảnh những người hành hương có ý thức vệ sinh quá kém, mỗi chặng đường nghỉ mệt là họ lại vứt rác đầy ra những mỏm đá, bậc thang, thậm chí trước cổng chùa Hoa Yên, bên cạnh những người đang khấn vái thì cạnh hông chùa, nhiều người vẫn say sưa “ẩm thực” và để lại “bãi chiến trường” để lên đường tiếp.

Người ở đâu, rác...ở đó!

Điều đáng buồn là vẫn có không ít đội bán hàng lưu động cung cấp hàng hóa tới tận tay người tiêu dùng: măng trúc, dứa dại, phong lan...Trúc lâm Yên Tử vì thế mà ngày càng trụi dần. Những thân trúc đã cứng cáp được chặt ngang làm chiếc "chân thứ ba" cho các ông già bà lão và cả những nam thanh nữ tú. Khó khăn đặt ra cho Ban quản lý di tích là hiện vẫn chưa có chế tài xử lý hành chính những kẻ bẻ trộm măng trúc. Vì thế, rất có thể, càng nhiều du khách đến Yên Tử, trúc lâm sẽ ngày càng vơi đi.

Tuy nhiên, những hạt san nho nhỏ không làm nản lòng nhưng du khách hành hương. Nhóm bạn của trường THPT Uông Bí cho biết “Mỗi năm, cứ rỗi là bọn mình lại rủ nhau hành hương Yên Tử. Dù hai chân mỏi nhừ nhưng cảm giác rất thích thú, về với cõi thiêng Yên Tử, ai cũng thấy lòng thanh tịnh hơn và nhân dịp này cầu chúc sức khoẻ cho gia đình, bạn bè cũng như may mắn trong học tập, và cả…tình duyên nữa!”

 

Chống gậy leo núi, không ngại vất vả

Đến được thượng đỉnh Yên Tử thì dù trải qua bao nhiêu gian lao, vất vả, các du khách vẫn rất hào hứng. Tách khỏi bụi trần, những thanh âm ồn ào vội vã để được hoà mình vào mây trời bát ngát, nghe tiếng cười mình vang vọng giữa mây xanh thì dẫu có phải leo cao hơn thế nữa, người ta vẫn chẳng thể bỏ cuộc.

 

Mây trời và núi non bạt ngàn nhìn từ đỉnh núi Yên Tử

Về với cõi thiêng Yên Tử, du khách cùng dâng hương tưởng niệm Đức vua Phật hoàng Trần Nhân Tông, vị anh hùng dân tộc, vị Vua Phật của Việt Nam, cảm nhận tấm lòng của phật tử Trúc Lâm, những phật tử nơi địa đầu Đông Bắc của Tổ quốc, để thấy thêm yêu những danh lam thắng cảnh của đất nước mình hơn.

Bài, ảnh: Thẩm Quỳnh Trân

Theo muctim