Năng động làng nghề Sơn Đồng

Trong lúc nhiều làng nghề thủ công truyền thống đang tìm cách phục dựng, ngăn chặn sự suy thoái, mai một, thì làng nghề điêu khắc gỗ Sơn Đồng (xã Sơn Đồng, Hoài Đức, Hà Nội) lại đang tìm hướng hội nhập quốc tế.

Nghề điêu khắc gỗ ở Sơn Đồng có từ hơn 300 năm nay, đã trải qua những bước thăng trầm, có lúc tưởng như không bao giờ phục dựng lại. Nhưng trong những lúc khó khăn ấy vẫn có nhiều người ầm thầm làm nghề và giữ nghề, để đến lúc có thời cơ lại mở mang, phát triển. Người được cả làng tin yêu, tôn vinh là cụ Nguyễn Đức Dậu (1896-1988). Cụ rất giỏi tay nghề, luôn ôm ấp tình yêu với nghề và trăn trở giữ nghề. Năm 1986, khi nền kinh tế đất nước có bước phát triển mới, cụ đã mở lớp dạy nghề rồi cùng với Trường Đại học Mỹ thuật Công nghiệp Hà Nội tổ chức đào tạo cho người dân trong xã nắm vững kiến thức khoa học và biết cách “thổi hồn” vào sản phẩm. Nhờ có lớp học này, nghề đã được giữ vững và phát triển mạnh, nhiều người thợ đã trở thành những ông chủ thành danh.

Sơn Đồng hiện có hơn 1.700 hộ với 7.800 nhân khẩu thì có hơn 300 hộ chuyên làm nghề mộc với khoảng 4.000 thợ lành nghề. Doanh thu từ nghề này chiếm tới 80% tổng nguồn thu của xã. Người thợ có thu nhập mỗi tháng từ 800.000 đồng đến 2 triệu đồng tuỳ theo tay nghề. Sản phẩm chủ yếu của làng nghề là tạc tượng Phật, đức Thánh, các Anh hùng dân tộc, các linh vật thờ như ông Ngựa, ông Hạc, hoành phi, cuốn thư, câu đối, ban thờ... Nguyên liệu để tạc tượng là gỗ mít. Theo quan niệm dân gian, mít là loại gỗ “thiêng” thích hợp cho việc chế tác đồ thờ cúng. Gỗ mít có đặc tính dẻo, mềm, thớ dăm, nên có độ bền cao, ít nứt nẻ, dễ gọt, tránh được những sơ suất khi đục đẽo. Từ đục tách một khối gỗ để ra một pho tượng là quá trình sáng tạo rất bền bỉ. Trong khi chế tác, mỗi nghệ nhân có những bí quyết để sản phẩm mang sắc thái độc đáo riêng. Kỹ thuật sơn son thiếp vàng cũng khá kỳ công với các loại quỳ vàng, quỳ bạc được mua từ làng Kiêu Kỵ (Gia Lâm). Theo các nghệ nhân, để có được những sản phẩm độc đáo tinh khôi, người thợ phải có tâm đức, tâm hồn và tâm linh. Họ phải hiểu được cội nguồn sâu xa của từng sản phẩm, từng phẩm chất linh hồn của vị Phật, vị Thánh được tạc để nhân dân tôn thờ...

Hiện nay, một số cơ sở vẫn duy trì quy trình chế tác toàn bộ sản phẩm, còn lại đa phần đã chuyên môn hoá, mỗi cơ sở đi chuyên sâu vào từng công đoạn. Với cách này, thời gian gia công được rút ngắn và đảm bảo cho sản phẩm tinh tế, trau chuốt hơn. Ví dụ như xưởng thì chuyên làm phần mộc; xưởng thì chuyên nhận tượng từ công đoạn hoàn thiện; lại có xưởng chuyên pha chế sơn. Còn có xưởng chuyên chế tạo ra các mẫu mã mới mà giá trị thương mại gấp 3-4 lần sản xuất theo mẫu cũ. Từng bước trăn trở, lần mò tìm hướng phát triển cho làng nghề, nay sản phẩm của Sơn Đồng đã có mặt ở Anh, Mỹ, Thái Lan...

Ông Nguyễn Trí Mậu, Chủ tịch UBND xã Sơn Đồng cho biết: Để làng nghề có thương hiệu mạnh thì còn rất nhiều khó khăn. Nhưng xã sẽ cố gắng vượt qua, phấn đấu thành làng vừa sản xuất và kinh doanh, ngày càng mở rộng thị trường ở nước ngoài, nâng cao bền vững thu nhập cho nhân dân và giữ gìn, phát huy bản sắc văn hoá của dân tộc.

TRẦN CÔNG HUYỀN

Theo QĐND