Đầu xuân nói chuyện đốt vàng mã

Năm nào cũng vậy, Tết đến, Xuân về, nhà nhà, người người mua sắm vàng mã để cúng ở nhà và đi lễ chùa. Các vị cao tăng thì khuyên nên bỏ tập tục này vì nó vừa gây lãng phí, vừa không phù hợp với nét đẹp văn hóa truyền thống của người Việt.

Vài năm nay, các vị tăng, ni ở chùa Hương đã không nhận vàng mã dâng lễ của tín chủ. Trong buổi giao lưu các tấm gương điển hình trong cuộc vận động "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh" vừa được tổ chức cuối năm qua, có vị cao tăng đã vận động những người đi lễ dùng tiền mua vàng mã công đức để mua vở cho học sinh nghèo vùng thiên tai, việc ấy mới là tâm thành.

alt

Các ngành chức năng cần có những biện pháp quản lý chặt chẽ việc sản xuất và sử dụng vàng mã

Lãng phí vô kể, thiệt hại khôn lường

Con số thống kê chưa đầy đủ cách đây 7 năm (2003) của ngành văn hóa cho thấy: Trung bình mỗi năm người dân Thủ đô tiêu tốn mất 400 tỷ đồng cho việc đốt vàng mã. Riêng ở đền Bà Chúa Kho (Bắc Ninh), lượng vàng mã đem "hóa" mỗi ngày lên tới hàng tạ, bằng 80-100 triệu đồng tiền thật. Một người có trách nhiệm ở chùa Hương cho hay: Hai lò đốt vàng mã cực lớn đặt tại chùa Thiên Trù và động Hương Tích không đáp ứng đủ nhu cầu hóa vàng của khách hành hương khi mùa hội đến. Hơn thế, trong ngày lễ Vu Lan năm 2009, một đại gia thầu cát xây dựng tại sông Hồng đã xác lập "kỷ lục" đốt vàng mã với việc bỏ ra hơn 400 triệu đồng thuê 6 người làm 1.000 người, ngựa giấy, đốt "tặng" Thổ công, Hà Bá mong các "ngài" phù hộ cho giá cát tăng...

Bức xúc về việc làm này, PGS-TS Nguyễn Hồng Dương, Viện trưởng Viện Nghiên cứu tôn giáo (Viện Khoa học XH Việt Nam) nhẩm tính: "Mỗi ngày có khoảng 500-800 người đến phủ Tây Hồ lễ, nếu mỗi người đốt khoảng 30.000 đồng tiền vàng mã thì riêng ở đấy số tiền lãng phí do đốt vàng mã đã lên tới hơn 20 triệu đồng/ngày. Mà cả nước có hàng vạn đình, đền, chùa cho nên sự lãng phí không dễ gì cân đo, đong đếm".

Cùng với việc tiêu tốn số tiền khổng lồ vào đốt vàng mã thì những vụ hỏa hoạn có nguyên nhân từ việc đốt vàng mã cũng gây thiệt hại không nhỏ. PGS-TS Nguyễn Hồng Dương cho biết thêm, hầu như năm nào cũng có những vụ cháy do đốt vàng mã. Ngày 21-2-2008, tại nhà số 6, phố Giảng Võ, quận Ba Đình (Hà Nội) xảy ra vụ hỏa hoạn mà nguyên nhân là do chủ nhà đốt vàng mã, sơ ý để ngọn lửa bén vào các vật dụng dễ cháy. Ngày 21-6-2009, khu chung cư 12 tầng ở số 25 Vũ Ngọc Phan, phường Láng Hạ (quận Đống Đa, Hà Nội) cũng bốc cháy do đốt vàng mã... Dù không xảy ra hỏa hoạn thì không khí vốn đã ô nhiễm ngày càng ô nhiễm hơn bởi khói và mực in từ tục đốt vàng mã.

Không phù hợp với nét đẹp văn hóa

Trái với quan niệm của nhiều người cho rằng "trần sao âm vậy", người sống dùng gì, đốt cho người chết thứ ấy để họ được sống đầy đủ, sung sướng ở thế giới bên kia, nhiều vị sư thầy lại khuyên nên bỏ tập tục này. Thầy Thích Nữ Như Hiền, trụ trì chùa Linh Sơn (Thanh Nhàn, Hà Nội) giải thích: Đốt vàng mã là một tục lệ của dân gian, xuất phát từ Trung Quốc, chứ không phải bắt nguồn từ nhà Phật. Ngay trong Tam Tạng Kinh của nhà Phật cũng không có nội dung nào đề cập đến vấn đề này.

Chung quan điểm trên, Thượng tọa Thích Thanh Từ, Viện trưởng Thiền viện Trúc Lâm nói: "Quan tâm đến người quá cố là một cách mang lại hạnh phúc cho người đang sống. Suy nghĩ đó là tốt, thể hiện tình cảm giữa người sống và người chết, duy trì truyền thống văn hóa của gia tộc, nhưng đã đến lúc cần thể hiện sự quan tâm đó một cách tích cực hơn, ví như dùng số tiền mua vàng mã để làm việc thiện chẳng hạn". Gần đây Hòa thượng Thích Thanh Tứ tại chùa Quán Sứ cũng lên tiếng chỉ trích việc đốt vàng mã. Hòa thượng cho rằng "nhiều người khi cha mẹ còn sống thì ngược đãi nhưng đến ngày báo hiếu thì đốt vàng mã thật nhiều. Báo hiếu như thế có ích gì…".

Cần siết chặt quản lý việc làm, in vàng mã

Theo thống kê chưa đầy đủ, nội thành Hà Nội có tới hơn 30 xưởng chuyên in tiền giấy đủ các mệnh giá, từ 10.000 đến 500.000 đồng. Giáp Hà Nội là huyện Thuận Thành (Bắc Ninh) cũng có số cơ sở chuyên sản xuất vàng mã tương ứng. Anh Bùi Minh Thông đang làm việc tại một xưởng in ở làng Đông Hồ, Thuận Thành (Bắc Ninh) cho biết: Trung bình mỗi ngày xưởng anh sản xuất ra khoảng một tấn thành phẩm mà vẫn không đáp ứng đủ đơn đặt hàng. Đây chính là nguồn "đầu vào" ổn định của thị trường vàng mã.

Về vấn đề này, ông Lê Hồng Phúc, Cục Văn hóa cơ sở cho rằng, tục lệ đốt vàng mã có từ lâu đời, đã bén rễ và ăn sâu vào tâm thức của người dân Việt Nam nên rất khó từ bỏ trong một sớm một chiều. Vì thế theo ông, trước hết cần tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện nếp sống văn minh trong sinh hoạt tín ngưỡng; đồng thời cần có biện pháp quản lý phù hợp đối với việc sản xuất, in và sử dụng vàng mã, bởi thực tế chúng ta đang buông lỏng quản lý hoạt động này.

Ông Dương Kỳ Lân, Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông (TT&TT) Hà Nội cho biết thêm: Thông tư số 04/2008/TT-BTTTT ngày 8-7-2008 của Bộ TT&TT hướng dẫn thực hiện một số nội dung của Nghị định số 105/2007/NĐ-CP ngày 21-6-2007 của Chính phủ về hoạt động in các sản phẩm không phải là xuất bản phẩm đã quy định: "Sở TT&TT chịu trách nhiệm xác nhận việc đăng ký loại vàng mã được in", song Bộ lại chưa có hướng dẫn cụ thể nên Sở chưa thể triển khai thực hiện việc xác nhận đăng ký in vàng mã, mặc dù đã thống kê danh mục thủ tục thuộc thẩm quyền. Đây cũng là nguyên nhân cơ bản dẫn đến tình trạng tiền vàng mã nhái tiền polymer "lộng hành" trong thời gian qua trên địa bàn Hà Nội mà chưa có cách giải quyết triệt để.

Và vì thế, mỗi dịp lễ Tết, ngày rằm, mùng một, người ta cứ thi nhau đốt tiền.

 

Minh Ngọc

Theo Hanoimoi