Những chuyện lạ kỳ trên non thiêng Yên Tử

]
Xem hình
Tượng An Kỳ Sinh.
Một đoàn du khách đến mấy chục người, toàn nam thanh nữ tú, lên đến chùa Hoa Yên, cười nói vô duyên, trai văng bậy bạ, gái cười hô hố, liền bị đau bụng quằn quại, không đi nổi nữa. Họ cứ cố lên mỗi bước, bụng lại đau hơn, cuối cùng phải xuống núi. Khi xuống đến chân núi, thì các cơn đau khủng khiếp chợt tan biến đâu mất. Đám người này hoảng hồn, không dám lên Yên Tử nữa.  

Nếu so về địa hình, thì dãy Yên Tử và đỉnh Yên Tử, nơi đặt chùa Đồng chỉ cao hơn 1.000 mét so với mực nước biển, chưa phải là cao lắm. Nhưng, như các cụ bảo: Núi không cốt ở cao, vấn đề là trên núi có tiên ngụ; sông không cốt ở sâu, niềm thiêng ở chỗ dưới sông có rồng ở. Và, Yên Tử được xưng tôn là đệ nhất danh sơn miền Đông thổ, là một non thiêng, bởi nó là ngọn núi của tâm linh, của Phật và chỉ những người có căn cơ với thiền mới sống được.

Người có căn cơ đầu tiên và kỳ lạ nhất chính là đấng quân vương kiệt xuất Trần Nhân Tông. Người đã rũ bụi trần, bỏ long bào cùng với ngai vàng lấp lánh, kiệu hoa bóng lọng, người đẹp sớm chiều để khoác áo cà sa lên núi tu hành, đã đủ để chứng tỏ mảnh đất này thiêng liêng, cuốn hút ngài như thế nào.

Sự rũ bỏ tham, sân, si của ngài cao độ đến nỗi ngài coi cái chết như sự trở về, như một điều giản dị đến khó tưởng tượng. Ngài nằm nghiêng thanh thản trong rừng, tựa dáng sư tử nằm, ngóng về xa xăm, rồi "hóa" giữa đại ngàn hoang vu đến nỗi, khi cây trúc mọc xuyên qua người ngài, đệ tử mới phát hiện ra, để rồi dựng lại hình ảnh ấy bằng bức tượng đá gây cảm động cho muôn đời sau.

Phật hoàng Trần Nhân Tông từng có 19 năm tu rất khắc nghiệt. Di tích chùa Cầm là để tưởng nhớ tới việc ngài chỉ uống nước cầm hơi, không ăn uống gì. Trong chuyến xuyên rừng thăm thẳm trọn một vòng quanh dãy non thiêng, tôi đã được nghe kể và được thấy tận mắt rất nhiều những con người của thế giới Phật cứ như trong chuyện cổ tích. Họ đang thầm lặng tiếp bước con đường vị Phật tổ của mình.

Sư Thích Minh Tiến, Đạt ma Trí Thông, Thích Thanh Quý... đang từng ngày, từng giờ ăn quả vả, chuối rừng, uống nước cầm hơi, tu luyện trong mái đá giữa rừng già để mong được tìm thấy chính mình trong vòng luân hồi bể khổ. Tôi cũng được nghe những câu chuyện về những con người biến mất một cách kỳ lạ khi đang trên đoạn đường hành xác.

Chuyện rằng, từ những năm 80 của thế kỷ XX, trên sườn Đông Yên Tử, có một nữ tu vô cùng khổ hạnh. Khi đó, Yên Tử còn hoang vu, rậm rạp. Cỏ mọc bịt bùng bít hết lối đi. Vị nữ tu này ngày ngày đào măng và cũng chỉ ăn một bữa, rồi ngồi trong am tu thiền. Người ta kể, dáng bà thanh mảnh, mặc áo nâu sồng, đôi mắt sáng, hiền từ như một vị Bồ Tát. Rồi người đi rừng phát hiện ra bà.

Những câu chuyện đồn thổi về bà cứ ngày một lớn. Phật tử khắp nơi đổ về tôn bà như vị Thánh, theo hầu nhang khói. Rồi một ngày, bà đột nhiên mất tích, chẳng ai còn thấy bóng dáng bà trong cánh rừng hoang rậm. Người dân quanh vùng thì tin bà là đức Bồ Tát hiển linh.

Sau khi đã vặt đầy một rổ quả vả lẫn lá vả non thết đãi chúng tôi trong bữa cơm chiều, chú tiểu Hà (ở Ngọa Vân Am bên sườn Tây Yên Tử, thuộc địa phận tỉnh Bắc Giang, nơi mà chúng tôi phải cuốc bộ ngót một ngày từ chùa Hoa Yên mới tới nơi) dẫn tôi đi tìm khu mộ tháp hoang phế, dưới bóng những cây thông khổng lồ.

Giữa cảnh rừng rú, không có đường đi, các nhà sư chỉ còn biết lấy mấy cây thông làm “la bàn” mà đi. Điều đặc biệt là cứ chỗ nào có thông khổng lồ, y rằng có vườn mộ tháp. Lâm tặc xả gỗ ầm ầm giữa rừng, nhưng lạ ở chỗ, chúng vẫn tha cho những cây thông mà gốc nó to đến mức 2-3 người ôm mới xuể ấy.

Có lần, chú tiểu Hà thật thà tâm sự với đám lâm tặc rằng: “Các anh tốt thật đấy, không nỡ đẵn mấy cây thông do Phật tổ trồng!”.

Nhưng đám lâm tặc cười và nói rất thật: “Thú thật với chú tiểu. Ngày trước, chúng tôi cũng hạ một cây thông lớn, xẻ thành từng khúc, cho trâu kéo. Nhưng trâu không sao kéo được những khúc thông ấy đi. Chúng tôi dồn hết sức lực để vần, thì khúc thông lăn đè chết trâu luôn. Thay 3 con trâu mộng khác thì chết cả 3 con. Sau vụ ấy, chúng tôi hoảng, phải làm lễ tạ rồi không dám động vào những cây thông ấy nữa”.

Vừa đi, chú tiểu Hà vừa kể cho tôi nghe về sư Cường:

Được nghe kể về những gốc thông bí ẩn, sư Cường đã một mình tìm đến dựng lều để hành xác dưới gốc thông bên vườn tháp mộ u tịch. Sư Cường ngoài 40 tuổi, dáng cao to. Có tài đóng đồ mộc, nên ông đóng cả một căn nhà nhỏ bằng gỗ dưới gốc thông và mấy chiếc ghế tuyệt đẹp. Nền nhà được ghép bởi những thân trúc rất trang nhã.

Ông cũng sống một cuộc đời đạm bạc, cũng ngày ăn một bữa cơm với quả vả, quả chuối rừng, rồi ngồi thiền từ sáng đến tối như các vị chân tu. Thế nhưng, được vài năm, đột nhiên sư Cường bỏ lại cả căn nhà giữa rừng hoang đi đâu mất, không một lời từ biệt. Đến cả người huynh đệ của sư Cường là thầy Trí Thông cũng không rõ thực hư thế nào. Mọi người chỉ biết rằng, trước ngày ra đi, sư Cường bỏ rất nhiều công sức khiêng một pho tượng vượt qua nhiều ngọn núi để cúng vào chùa Hồ Thiên.

Trong đại ngàn non thiêng Yên Tử còn có một di tích trong hệ thống chùa chiền, am tháp từ xa xưa bị bỏ quên, đó là chùa Ba Bậc. Chùa Ba Bậc nằm rất sâu trong rừng, giữa bốn bề những núi đá phô bày những hình thể kỳ dị.

Theo các nhà chân tu nhiều năm sống trên Yên Tử thì khu vực chùa Ba Bậc là nơi hội tụ nhiều linh khí, nên sản sinh ra nhiều kỳ hoa dị thảo. Trên đường đi qua, tôi được tận mắt thấy những loài cây cỏ, hoa lá rất kỳ lạ, mà tôi chưa từng biết đến bao giờ.

Cũng tại đây, nơi bắt nguồn con suối Vàng kỳ lạ, nước như màu mật ong. Tại nơi hội tụ linh khí này, mấy năm trước, người đàn ông tên Khiêm cũng lập thảo am, sống hoang biệt với thế giới. Ông Khiêm có quyết tâm rất cao trong suốt mấy năm trời. Nhưng rồi, một ngày, người ta không còn thấy bóng ông đâu nữa. Ông mất hút một cách kỳ lạ.

Nhân nói về Yên Tử, các nhà khoa học, các thiền sư tu hành đắc đạo ở Trúc Lâm đều khẳng định loài tùng cổ ở Yên Tử đã hút được linh khí trời đất nên sống trường sinh bất tử.

Mới đây, những người đi rừng đã phát hiện ra một con đường xích tùng cổ 700 năm tuổi trên núi Yên Tử, nơi mà Điều ngự Giác hoàng Trần Nhân Tông thường đi lên núi tu hành. Những cây tùng này cũng là do ông trồng, để vừa lấy bóng mát vừa tỏ rõ cốt cách quân tử.

Hiện ở Yên Tử có 3 loại tùng, gồm: thủy tùng (gỗ trắng), thanh tùng (gỗ xanh) và xích tùng (gỗ đỏ). Xích tùng là loại cực kỳ quý hiếm, chỉ còn tồn tại ở nước ta, vân nó như hoa mẫu đơn và đường kính thân cây rất lớn. Hiện ở Yên tử còn 274 cây tùng có tuổi thọ vắt qua 7 thế kỷ.

Sau một thời gian khám phá, các nhà khoa học phát hiện ra rằng, trên dãy Yên Tử, cứ ở đâu có bóng tùng, y rằng ở đó có am và mộ tháp. Các thiền sư xưa kia thường tu hành trong một chiếc am dưới gốc tùng, sau khi chết đi, thì tro cốt được quàn luôn ở mộ tháp, nằm giữa hai gốc cây tùng. Trong thời gian vừa qua, các nhà khoa học dễ dàng phát hiện thêm được nhiều am, tháp thông qua việc tìm bóng các cây tùng khổng lồ.

Hiểu được lý do vì sao các thiền sư thường tu hành và khi "hóa" cũng nằm dưới gốc tùng, mấy năm trước võ sư Bùi Long Thành đã cùng môn sinh lên Yên Tử luyện khí công với... gốc tùng.

Ông Lê Quang, Phó giám đốc TTQL Di tích - Danh thắng Yên Tử, kể: “Hôm võ sư Bùi Long Thành và môn sinh luyện công dưới gốc tùng, tôi tận mắt chứng kiến và thấy chuyện xảy ra vô cùng kỳ lạ. Các võ sinh bất động, người dính chặt vào thân cây tùng”.

Sau 30 phút “thụ khí” của “lão tùng”, võ sư Bùi Long Thành mới kể với ông Quang rằng, vùng đất Yên Tử là vùng đất tụ khí, những cây tùng này đã có 700 năm nạp một lượng khí của đất trời rất lớn. Khi các võ sinh luyện công, họ vừa được nạp linh khí của trời đất, lại được nạp “trường điện” mạnh mẽ của “lão tùng” nên mới xảy ra hiện tượng thân thể dính chặt vào thân cây như vậy.

Một ngày giữa năm 2007, khi đang lang thang ở suối Giải Oan, nơi thuở xưa các cung nữ trẫm mình, ông Lê Quang, Phó GĐ TTQL Di tích - Danh thắng Yên Tử gặp một cảnh tượng khá lạ: Mấy chục người đàn bà vừa quỳ vừa lạy, vừa khóc bên bờ suối. Trước mặt họ là một mâm đầy ăm ắp lễ vật và cạnh mâm lễ là một làn đựng đầy đá cuội. Khóc lóc và lạy xong, họ bê làn đá rải dọc suối.

Thấy khó hiểu, ông Quang liền hỏi tài xế lái xe thì được anh ta kể rằng, hồi đầu năm, chính anh chở mấy chục phụ nữ Lạng Sơn này về Yên Tử trẩy hội. Qua suối Giải Oan, chị em nào cũng nhặt đá cuội mang về, người nhặt nhiều thì cả chục hòn, người ít cũng 2 - 3 hòn.

Mọi người mang đá cuội về để kỳ cọ chân tay khi tắm, mong da dẻ được trắng đẹp như những... cung nữ. Nhưng không ngờ, sau ngày dùng đá cuội ở suối Giải Oan kỳ cọ, đêm nào họ cũng gặp... "ma" (?). Toàn là "hồn ma" của các cung nữ chết oan, dựng họ dậy đòi trả đá.

Điều lạ là tất cả những người mang đá cuội từ suối Giải Oan về đều bị như vậy và sau vài tháng mất ngủ thì ai cũng phờ phạc như người mất hồn. Ngay cả anh lái xe, lấy về cho vợ mấy viên cuội, cũng gặp cảnh tương tự. Sợ quá, những người này phải về Yên Tử làm lễ tạ tội rồi trả lại đá cho suối Giải Oan.

Bản thân ông Quang cũng để ý và được nghe, biết rất nhiều chuyện lạ ở suối Giải Oan. Nhiều cô gái có hoàn cảnh éo le như trót mang bầu bị ruồng bỏ, mắc AIDS, hoặc gặp cảnh trớ trêu, sau khi ngồi bên suối Giải Oan khóc lóc, tâm sự với các cung nữ, tự dưng thấy lòng thanh thản và tìm được cách giải thoát cho sự bế tắc trong cuộc đời mình(?).

 

Chùa Đồng trên đỉnh non thiêng.

Những câu chuyện  huyền bí trên Yên Tử kể cả ngày không hết. Chính ông Quang đã từng được chứng kiến cảnh tượng một đoàn du khách đến mấy chục người, toàn nam thanh nữ tú, lên đến chùa Hoa Yên, cười nói vô duyên, trai văng bậy bạ, gái cười hô hố, liền bị đau bụng quằn quại, không đi nổi nữa. Họ cứ cố lên mỗi bước, bụng lại đau hơn, cuối cùng phải xuống núi. Khi xuống đến chân núi, thì các cơn đau khủng khiếp chợt tan biến đâu mất. Đám người này hoảng hồn, không dám lên Yên Tử nữa.

Ông Trần Trương, nguyên Trưởng BQL Di tích - Danh thắng Yên Tử cũng kể rằng, tại vườn tháp Huệ Quang có một chuyện rất lạ mà ông được chứng kiến. Sau khi đám công nhân làm xong nhà khách Yên Tử, thì rủ nhau lên lễ chùa Đồng. Khi đi qua vườn mộ tháp Huệ Quang, thấy một hòn đá nằm trên ngọn một tháp cổ, liền thách đố nhau ném trúng hòn đá đó. Một cậu vung tay ném trúng khiến hòn đá rơi xuống đất.

Lên đến chùa Đồng, đám công nhân này mới phát hiện thiếu một người, người đó chính là cậu thanh niên ném trúng hòn đá lúc nãy. Nhưng không ai lo lắng vì cậu ta cũng là người địa phương, không sợ lạc đường.

Sau mấy tiếng đồng hồ xuống núi, quay trở về khu tháp Huệ Quang, đám công nhân sửng sốt khi phát hiện ra cậu thanh niên ném đá lúc nãy đang ngồi xếp bằng tròn bên lăng mộ tháp, mặt áp vào tường, hai tay đặt lên đùi, hỏi chẳng nói, gọi chẳng thưa, lắc vai mãi không tỉnh, cứ ngồi bất động như khúc gỗ.

Đám công nhân sợ quá, liền báo BQL, rồi BQL lên chùa Hoa Yên mời thầy Diệu Nhàn xuống làm lễ sám hối. Một lát sau, cậu công nhân nghịch dại kia mới như chợt tỉnh, khóc nức nở, rồi xuống núi. Sau này, tôi gặp sư Diệu Nhàn, sư bảo, những chuyện kiểu như vậy diễn ra thường xuyên ở Yên Tử.

Từng là một thầy giáo, ông Lê Quang không mấy tin vào những chuyện huyễn hoặc, nhưng trong quá trình nhiều năm sống với Yên Tử, ông đã được chứng kiến tận mắt những chuyện khó tin xảy ra.

Lạ nhất là đoạn đường từ chùa Bảo Sái, qua An Kỳ Sinh lên chùa Đồng trên đỉnh Yên Tử, từ xưa đến nay, chưa có vụ chết người do tai nạn nào cả, mặc dù đây là đoạn đường cực kỳ cheo leo, dốc dác, núi đá lô nhô, rất trơn. Nhiều trường hợp ngã rất mạnh, nhưng chỉ xước sát tay chân mà thôi.

Trong những ngày cao điểm, Yên Tử đón tới 7 vạn du khách, người hành hương chật kín mọi con đường, mà không xảy ra tai nạn chết người là một chuyện rất lạ. Thậm chí, hồi thi công chùa Đồng, đột nhiên mây đen kéo đến ngay trên đầu, sét đánh thẳng vào khu vực đang xây chùa khiến mọi thứ cháy đen, tróc hết cả nền chùa, nhưng lạ ở chỗ mấy chục người đứng đó mà không ai hề hấn gì, chỉ bị ù tai một lúc. Đám công nhân đều tin Phật tổ phù hộ nên tiếp tục làm việc, mà không sợ sấm sét đánh chết.

Nhưng lạ nhất là chuyện năm nào cũng có một cụ già chết ở đoạn từ chùa Một Mái lên chùa Bảo Sái và cái cách chết của họ cũng vô cùng bí ẩn.

Mới đầu năm nay, có một cụ già 77 tuổi, quê ở Hải Phòng, nhất định bắt con cháu cùng đi lên Yên Tử. Bình thường cụ rất yếu, nhưng đến Yên Tử, cụ cứ đi bộ leo núi mà không cần đi cáp treo. Đi một mạch đến gần chùa Bảo Sái, cụ bảo con cháu giở đồ ra ăn. Ăn uống xong, cụ đi vào rừng, ngồi dựa vào gốc cây, nhắm mắt rồi “hóa”.

Cụ “hóa” một lúc rồi mà con cháu cứ tưởng cụ ngủ, vì khuôn mặt cụ rất thanh thản. Những câu chuyện tôi ghi được thật khó khẳng định chính xác đến mức độ nào, có thể do nhiều người sùng bái cõi Phật mà thêu dệt thêm. Nếu có các nhà khoa học về Yên Tử nghiên cứu và lý giải cụ thể thì hay biết mấy.

Rời non thiêng Yên Tử sau mấy ngày cuốc bộ trong rừng, chỉ được chén “đặc sản” vả luộc, chuối rừng dầm muối, tôi tưởng mình phải kiệt sức, nhưng lạ ở chỗ, tôi thấy lòng mình thanh thản lạ thường, không chút mệt nhọc.

Rất nhiều người chưa từng leo núi cũng thấy ngạc nhiên vì sức khỏe của mình khi hành hương về Yên Tử. Điều này cũng là một bí ẩn lạ thường.

 Phạm Thùy Dương

 

(Theo CAND)