Vài ý kiến về Kiến trúc tôn giáo tín ngưỡng Việt Nam thời kỳ mới

Muốn biết kiến trúc tôn giáo được xây dựng mới nên đi theo hướng nào cần biết được tinh thần của quần chúng. Từ đó mới thấy được sự chuyển khác của nó theo thời gian. Thời xưa, kinh tế người Việt cơ bản chỉ dựa vào nền nông nghiệp,  thiết chế xã hội chủ yếu dựa trên cộng đồng làng xã. Ðứng trước cái bao la của vũ trụ và thiên nhiên, người Việt đã luôn bị "dày vò" bởi những biến động trong xã hội. Do đó, tư tưởng phổ biến của người Việt là đồng nhất, lấy hòa làm trọng.

Kiến trúc của người Việt xưa được quy định bởi những hoàn cảnh riêng mà không thể làm to lớn được. Mặt khác, do có sự phân hóa xã hội thấp nên tính át chế của kiến trúc không được đặt ra. R” ràng là kiến trúc của người Việt luôn hòa nhập vào thiên nhiên để trở thành một tổng thể, một tổng thể thống nhất, êm ái, nhẹ nhàng, và đầy chất trữ tình.
Kiến trúc đình Hiệp Ninh

Từ thế kỷ 18 trở đi kiến trúc nông thôn bị sa sút, bị nạn kiến tính ruộng đất làm cạn mòn. Chủ nhân của những di tích kiến trúc được chuyển tay cho các thành phần khác, dẫn đến kiến trúc bị phá vỡ, vụn vặt, tính tùy tiện cả về phương hướng kiến trúc và  tâm linh…nó mang tính thực dụng, không quan tâm đến nhiều yếu tố truyền thống như: phương hướng, ước vọng, tập tục, những phản ánh cuộc sống dân giã.
Tới thời Pháp thuộc, điều đó càng được khẳng định. Tuy một số di tích có quay lại với truyền thống nhưng không đầy đủ ( như chùa Hưng Ký quận Hoàng Mai, Hà Nội) và phần nào có một số người giàu lên đã tham gia tạo cho kiến trúc tôn giáo tín ngưỡng được lớn lên.
Tới thời kỳ đổi mới, di tích tôn giáo tín ngưỡng đã được người dân quan tâm rất nhiều bởi chính tôn giáo tín ngưỡng cũng góp phần cân bằng tâm hồn của họ sau thời chiến. Tuy nhiên, trong việc tu bổ, tôn tạo và xây dựng mới đã có nhiều con đường đi khác nhau.


Các chi tiết chạm khắc trên gỗ
Một là: Người dân ở làng xóm đã sửa chữa lại những công trình  bị tàn phá trong thời kỳ có chiến tranh.
Do không nắm được về truyền thống kiến trúc và với ý thức chỉ cần có chỗ để thờ cúng nên những công trình này được làm tùy tiện theo tinh thần ăn chắc mặc bền, thực dụng nông dân. Duy chỉ có ý thức muốn xây dựng theo kiểu cổ nên vẫn có vì kèo dù cho nhiều khi bỏ chất liệu gỗ mà thay hoàn toàn bằng bê tông cốt thép. Một số kiến trúc khác do có kinh phí tốt hơn cũng đã tạo được dáng dấp theo kiểu truyền thống nhưng ở lĩnh vực văn hóa và nghệ thuật hoàn toàn không có gì đáng kể.
Một loại kiến trúc thứ hai còn khá nhiều chưa được xếp hạng nhưng với tinh thần làm mới để gây công quả nên người dân sẵn sàng phá đi để dựng lại. ở những kiến trúc này, nhiều dấu tích cổ truyền cũng như tượng cổ bị hủy hoại một cách không thương tiếc để thay vào đó những kết cấu mới vô hồn. Chính từ tinh thần lấy thờ cúng làm trọng nên họ chú ý nhiều đến dựng hậu cung mà ít chú ý tới hệ thống kiến trúc các thành phần phụ khác. Có thể lấy một ví dụ như tại đình Phù Lãng (Lạng Giang, Bắc Giang) gốc là một ngôi đình chữ nhất, nhưng gần đây ngoài kiến trúc chính được nhà nước tu bổ, người dân qua công đức đã xây thêm một cung kép ở phía sau, điều này tạo nên sự thiếu thống nhất, chênh lệch trong ngôi đình. Ngoài ra để đáp ứng yêu cầu tín ngưỡng nhưng do mảnh đất của di tích cũ đã bị chuyển hóa làm nơi xây dựng các công trình khác nên họ sẵn sàng nhận một mảnh đất đền bù để dựng lên đó một kiến trúc mới hoàn toàn mà nếu theo tinh thần của kiến trúc cổ thì kiến trúc này không đúng, hoàn toàn không chú ý cả về mặt phong thủy, yếu tố thiêng của mảnh đất, nhất là càng không chú ý đến vấn đề nghệ thuật.
Như vậy, ở lĩnh vực văn hóa những kiến trúc mới này đã đi quá xa cái truyền thống. Mặt khác do sự nhầm lẫn về chủ quyền với các công trình văn hóa cổ truyền mà nhiều vị coi chùa đã xây dựng một cách tùy tiện những tòa ngang, dãy dọc làm nát tinh thần mặt bằng kiến trúc của tổ tiên.
Hai là: Ðối với những công trình có vốn lớn do công đức thập phương hoặc có kinh phí ngoại viện.
Nhiều công trình ở loại này đã được dựng lên khá to lớn như chùa Tứ Kỳ (Văn Ðiển), chùa Võng Thị (Hồ Tây) và nhiều nơi khác. Những kiến trúc này thường rất xa lạ với những người yêu quý kiến trúc truyền thống bởi không chú ý đến thuật phong thủy của người Việt mà có khi lại chú ý đến phong thủy của phương Bắc. Do đó việc áp dụng nguyên mẫu yếu tố Trung Hoa vào đất Việt chắc chắn là không thích hợp.
Kiến trúc chùa Bối Khê - Hà Tây
Mặt khác, hiện tượng làm chùa to lớn theo quan điểm của một số trụ trì chùa là để mong ngang bằng với kiến trúc của các dân tộc khác. Thực tế, ở những kiến trúc hiện đại, chúng ta nên có những công trình to lớn để thích hợp với thời đại nhưng cuối cùng vẫn phải giữ được nét văn hóa dân tộc thì những kiến trúc như nói trên đã đi vào một sai lầm cơ bản là không thích hợp với linh hồn dân tộc. Cụ thể, đứng trước ngôi chùa Thầy (Hà Tây), chùa Bút Tháp (Bắc Ninh),Ặngười phật tử như thấy ấm áp, thấy không gian thiêng liêng của thế giới nhà Phật. Nhưng, đứng trước chùa Tứ Kỳ (Hà Nội) nhiều phật tử nông thôn cảm thấy thân phận mình bị teo đi bởi sự mênh mông của sân trước cửa chùa, sự giăng hàng đầy tính chất át chế của những hàng bậc đi lên.
Các chi tiết chạm khắc đất nung
Hiện tượng xây dựng những ngôi chùa nhiều tầng, nhiều lớp, ban thờ phật giáo đặt ở các tầng trên, đó là một hiện tượng vượt ra ngoài ước vọng tâm linh của bản sắc văn hóa Việt. Người xưa thường quan niệm mỗi tòa kiến trúc tôn giáo được coi như một trục thông tâm giới. Với bộ máy thuộc tầng trên mà các con giống cùng các biểu tượng được gắn với đầu kìm, khúc nguỷnh, bờ guột, bờ đao đều là những biểu tượng gắn với mây trời và những linh vật của bầu trời, rồi những ngói với mũi là họa tiết của nguồn phát sáng, sấm chớp. Thân nhà là tượng cho nơi của thế gian giao tiếp với thần linh, còn nền nhà trở xuống là của thế giới bên dưới. Tuy nhiên tính khoe mẽ, mong muốn được làm sang, không chú ý đến những yếu nghĩa này đã đưa lên nóc những hình thức nghệ thuật lạc loài, chắp vá của cả phương Nam cũng như phương Bắc theo “tùy hứng” của người hưng công. Nhiều khi thần linh được đẩy lên một vị trí cao mang tư cách được “dòm” xuống để ban phát ân huệ chứ không lấy tinh thần Hòa “tùy duyên mà hóa độ”, không còn hiện tượng lên chùa để đi tìm chính mình như xưa nữa. Như vậy tính mê tín và đôi khi có mẩu dị đoan đã có mầm để trỗi dậy.
Chi tiết trùng tu bằng vật liệu mới
Ba là: Những kiến trúc tôn giáo mới hiện nay cũng như nhiều công trình đã xếp hạng thường vẫn bị một số người tu bổ làm méo mó, biến chất.
Thực sự, những người này nhiều khi rất giỏi về lĩnh vực tu sửa nhưng họ thiếu hẳn nền tảng văn hóa kiến trúc nên tu bổ di tích chỉ theo lối sửa chữa nhà cửa, đôi khi tùy tiện, nhiều khi xóa sổ hẳn một kiến trúc cổ truyền để xây dựng kiến trúc mới.
Qua một số thực trạng trên chúng ta thấy rằng: đối với những người tu bổ di tích cũng như những người xây dựng công trình mới gắn với tôn giáo tín ngưỡng cần phải hiểu sâu hơn về bản sắc văn hóa của dân tộc. Làm sao để trên lĩnh vực văn hóa, người Việt Nam vẫn là người Việt Nam, để ngôi chùa Việt luôn có và giữ được bản sắc dân tộc.


GS Trần Lâm Biền

Theo kientrucvietnam