Trung Quốc đòi quyền chấp thuận người kế vị Ðạt Lai Lạt Ma

Ban Thiền Lạt Ma Gyaincain Norbu trong một buổi lễ kỷ niệm 50 năm “giải phóng” Tây Tạng năm 2009 tại Bắc Kinh. Lạt Ma này đang được Bắc Kinh ủng hộ kế vị Ðạt Lai Lạt Ma, trong khi người được chính Ðức Ðạt Lai chọn lựa thì bị bắt đi mất tích.

Trung Quốc hôm Chủ Nhật cho thấy sẽ có thái độ cứng rắn trong vấn đề chọn người kế vị nhà lãnh đạo tinh thần Tây Tạng Ðạt Lai Lạt Ma, qua những lời phát biểu hiếm thấy về vấn đề nhạy cảm này.

Quyết định sau cùng về những người được coi là Phật Sống tái sinh từ các đời trước để kế vị các Lạt Ma trong vùng, phải đến từ Bắc Kinh, theo lời Qiangba Puncog, cựu tỉnh trưởng Tây Tạng và một đại biểu Quốc Hội nhà nước Cộng Sản Trung Quốc.

“Ðiều này phải có sự chấp thuận của chính quyền trung ương nếu không việc tái sinh không chính danh và không có giá trị,” ông nói với các ký giả bên lề cuộc họp của Quốc Hội.

Theo truyền thống, việc tìm kiếm người được coi là Phật Sống tái sinh để kế vị Lạt Ma, rường cột của Phật Giáo Tây Tạng, thường do các Lạt Ma hàng đầu thực hiện.

Nhưng đảng Cộng Sản vô thần ở Trung Quốc cho rằng họ có quyền can dự vào, dựa theo một tiền lệ có từ thời một hoàng đế trước đây.

Vấn đề ai sẽ là người kế vị Ðạt Lai Lạt Ma được coi là có thể gây nhiều rắc rối sau khi xảy ra các cuộc bạo động trong khu vực sinh sống của người Tây Tạng hồi Tháng Ba năm 2008, dẫn đến sự đàn áp mãnh liệt của chính quyền Cộng Sản và kéo dài cho đến nay.

Chính quyền Trung Quốc đả kích Ðạt Lai Lạt Ma là thành phần ly khai. Ngài bác bỏ điều này và vẫn có được sự tôn kính của đại đa số dân chúng trong vùng Hy Mã Lạp Sơn. Nhiều chuyên gia về Tây Tạng tin rằng Trung Quốc đang đợi đến khi ngài qua đời để phong nhậm người của họ vào vai trò lãnh đạo tinh thần Tây Tạng.

Trước sự lo ngại này, Ðạt Lai Lạt Ma, người từng được trao giải Nobel Hòa Bình năm 1989, hồi tháng qua nói rằng ngài chẳng thấy có gì buồn phiền nếu phải chấm dứt định chế tôn giáo đã có từ nhiều thế kỷ này, nếu người dân Tây Tạng muốn như vậy.

“Ðiều này tùy thuộc vào dân chúng. Tôi từng nói rất rõ, về việc định chế này có tiếp tục hay không,” Ðạt Lai Lạt Ma đời thứ 14 tuyên bố với phóng viên đài phát thanh National Public Radio (NPR) trong chuyến viếng thăm Los Angeles mới đây.

“Nếu đa số dân Tây Tạng nghĩ rằng định chế Ðạt Lai không còn quan trọng, thì nên chấm dứt-không có vấn đề gì cả. Tôi thấy rằng người Trung Quốc có vẻ quan tâm nhiều về điều này hơn chính tôi,” ngài nói trong tiếng cười.

Ðức Ðạt Lai Lạt Ma cho hay người kế vị ngài có thể được bổ nhậm trước khi ngài qua đời hay được bầu lên một cách dân chủ. Cũng theo ngài, Ðạt Lai Lạt Ma có thể sống lưu vong, để tránh khỏi sự kềm kẹp của Bắc Kinh.

Các tranh cãi về việc Phật Sống tái sinh đã xảy ra năm 1995 khi chính quyền Trung Quốc chọn Gyaincain Norbu là Ban Thiền Lạt Ma đời thứ 11, nhân vật đứng hàng thứ nhì trong Phật Giáo Tây Tạng. Khi làm điều này, đảng Cộng Sản Trung Quốc bác bỏ sự lựa chọn của Ðức Ðạt Lai Lạt Ma là cậu bé Gedhun Choekyi Nyima, vốn bị đưa đi mất tích và nghe nói hiện trong tình trạng quản thúc tại gia.

Trong khi đó Gyaincain Norbu đang từ từ được nhà nước Cộng Sản Trung Quốc đưa ra giới thiệu trước công chúng, được phong làm phó chủ tịch Liên Hiệp Phật Giáo, và cũng tham dự đại hội đảng Cộng Sản hiện nay.

V. Giang

Theo nguoi-viet.com