Cây phướn chùa Nành

Hàng năm, Hội chùa Nành thuộc xã Ninh Hiệp, Gia Lâm, Hà Nội mở vào đầu tháng hai âm lịch, từ mùng 4 đến mùng 6 (năm nay từ 19 - 3 đến 21 - 3).

Cây phướn ở Hội chùa Nành - Ảnh: Đông Ngàn

Trong ba ngày hội đó, trước sân chùa đều có cây phướn to bằng tre, trên cùng có hình con quạ quắp dải lụa trắng bay trước gió. Cây phướn gắn với một sự tích xa xưa.

Chuyện kể bên dòng sông Thiên Đức có bác chài sống độc thân bằng nghề đánh cá. Nhân năm chùa trùng tu, dân làng tỏa đi các nơi quyên giáo. Khi đoàn người qua sông, bác chài xin chở đò không lấy tiền công. Nhưng lòng vẫn băn khoăn vì tiền bạc chẳng có, biết lấy gì cúng cho nhà chùa.

Tài sản ngoài con thuyền nát thì chỉ có hai cái khố. Chiếc rách đóng trên thân. Nghĩ mãi, bác quyết định mang chiếc khố mới ra làm vật cúng.

Những người quyên giáo chẳng thấy bác đưa tiền, lại đưa khố thì không bằng lòng, cho rằng bất kính. Bác chài nghe vậy ngẩn người, giãi bày đây là tấm lòng thành, trong lều chẳng có gì hơn. Rốt cuộc, họ không nhận khố và cũng không lên đò. Mọi người quay về vì cho là xuất hành gặp chuyện xúi quẩy.

Dân làng đâu có biết bác mấy ngày không hạt cơm trong bụng. Tài sản quý nhất dành đem cúng thì bị từ chối. Bác tủi thân nghĩ chỉ có một cách giãi bày tâm can là rạch bụng moi hết ruột gan cho mọi người biết. Nghĩ rồi làm ngay việc đó trước mặt dân làng.

Sự việc xảy ra trong chớp mắt, dân làng bàng hoàng sợ hãi. Trong lúc tất cả đang bối rối thì có hai con quạ từ trên trời cao sà xuống quắp luôn bộ lòng bác chài bay thẳng về hướng chợ Nành rồi vứt xuống gốc cây đa Thạch Sàng, kêu lên ba tiếng xong bay thẳng hướng tây.

Nói thêm, Thạch Sàng là nơi khi xưa Đức Khâu Đà La ngày đi truyền giáo, tối về nằm ngủ trên phiến đá dưới gốc cây.

Sự việc đập vào mắt sư trụ trì chùa Nành. Ngài  vội chắp tay niệm Phật theo hướng quạ bay, lập tức cho dựng một cây tre thật cao trong sân chùa. Trên cao tạc hình con quạ ngậm dải lụa trắng, biểu thị tấm lòng trong sáng của một phật tử.

Lại cho dựng hai cây tre ở góc ao trước cửa chùa, trên treo hai dải lụa ngắn tượng trưng cho hai cái khố của bác chài, ghi nhớ tấm lòng thành tâm.

Ngày nay vào lễ hội hàng năm, cây phướn được dựng lên có hình quạ quắp dải lụa trắng buông dài để người làng nhớ lại tích xưa, nhắc con cháu về một tấm lòng thành.

Chuyện cúng cái khố ở chùa Nành, cũng như chuyện cúng chiếc khuy bấm của bà lão nghèo để đúc chuông chùa Thiên Mụ (Huế) bị hắt hủi, cũng chỉ để nhắc người đời đến cửa Phật cần lòng thành trước khi cúng tiền bạc.

Bây giờ nghe nói nhiều dự án chùa chiền hoành tráng đến mức không thể biết dùng hết bao nhiêu tiền. Có tin một nơi xây chùa xong, không hô thần nhập tượng nổi vì kẻ xây chùa có công mà thiếu đức nên phật thánh cũng không dám ngự bởi biết trả quả phúc thế nào.

Xem ra cái khố và cái khuy bấm nhiều khi còn giá trị hơn cả đụn vàng, núi bạc...

Đông Ngàn

Theo tienphong